Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 102

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 102, 3/2014

NGHIÊN CỨU
1. Trần Kiều. Về mục tiêu môn Toán trong trường phổ thông Việt Nam, Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI
     Bài viết trình bày một số vấn đề về mục tiêu môn Toán trong trường phổ thông Việt Nam. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Một số quan điểm định hướng cho việc xây dựng chương trình môn Toán ỏ trường phổ thông Việt Nam; 2/ Các năng lực cần hình thành và phát triển cho người học qua dạy học môn Toán trong trường phổ thông Việt Nam; 3/ Mục tiêu chung của môn Toán; 4/ Mục tiêu cụ thể với từng giai đoạn.

2. Nguyễn Thị Hạnh. Về cách thiết kế Chuẩn đánh giá năng lực đọc hiểu trong môn Ngữ văn sau năm 2015
     Bài viết đề cập đến việc thiết kế chuẩn đánh giá năng lực (NL)  đọc hiểu (ĐH) trong môn Ngữ văn sau 2015. Theo tác giả, để thiết kế Chuẩn đánh giá NL ĐH cho môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam giai đoạn sau năm 2015 cần thực hiện các việc làm sau: Xác định các yếu tố cấu thành NL ĐH; Biên soạn Chuẩn nội dung của NL ĐH theo 6 tiêu chí ở 5 giai đoạn (lớp 1, 2, 3; lớp 4 và 5; lớp 7 và 7; lớp 8 và 9; lớp 10, 11, 12); Biên soạn chuẩn thực hiện NL ĐH trên cơ sở cụ thể hóa Chuẩn nội dung ĐH thành các chỉ số đánh giá.
3. Nguyễn Tiến Hùng. Đặc trưng và định hướng giải pháp xây dựng mô hình giáo dục suốt đời tại Việt Nam
     Bài viết trình bày và phân tích các đặc trưng cơ bản làm tiền đề đề xuất một số định hướng giải pháp chính nhằm xây dựng nền tảng mô hình giáo dục suốt đời tại Việt Nam, đó là: 1/ Cung cấp nhiều cơ hội học tập suốt đời đa dạng cho người học; 2/ Tạo  ra và  tăng cường  động cơ học tập suốt đời cho người dân; 3/ Phát triển chiến lược nguồn nhân lực hiệu quả cho giáo dục suốt đời.
4. Đỗ Thị Bích Loan. Vấn đề bình đẳng giới trong phát triển chương trình giáo dục
     Bài viết đề cập đến vấn đề bình đẳng giới (BĐG) trong phát triển chương trình giáo dục. Trong bài, tác giả phân tích vấn đề BĐG trong chương trình, SGK nhằm góp phần loại bỏ định kiến giới trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, đặc biệt là: Thực trạng BĐG trong chương trình, SGK hiện nay; Một số đề xuất thúc đẩy BĐG trong chương  trình giáo dục.
5. Nguyễn Quang Giao, Lê Tấn Đức. Biện pháp quản lí chất lượng dạy học tiếng Anh ở trường trung học cơ sở hiện nay
     Chất lượng dạy học tiếng Anh ở các cấp học nói chung trong đó có các trường trung học cơ sở (THCS) nói riêng luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội bởi do vai trò quan trọng của tiếng Anh trong tiến trình hội nhập của đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng dạy học tiếng Anh ở trường THCS hiện nay còn những hạn chế, bất cập. Bài viết đề xuất các biện pháp quản lí chất lượng dạy học tiếng Anh ở trường trung học cơ sở hiện nay trên cơ sở đề cập đến mục đích, yêu cầu và thực trạng chất lượng dạy học tiếng Anh ở các trường THCS.
6. Trần Văn Hiếu. Kĩ năng học tập của sinh viên đại học Huế
     Kĩ năng học tập là những cách thức được ứng dụng trong quá trình học tập. Kĩ năng học tập được xem là yếu tố quan trọng giúp người học có điểm số cao và thành công ở trường học, đồng thời nó rất hữu ích cho việc học tập suốt đời của mỗi người. Xuất phát từ tầm quan trọng của kĩ năng học tập, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu thực trạng “kĩ năng học tập của SV Đại học Huế” thuộc 03 trường đại học thành viên của Đại học Huế: Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Kinh tế và Trường Đại học Ngoại ngữ. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất các biện pháp giúp SV nâng cao kĩ năng học tập, thích ứng tốt với môi trường đào tạo mới.
7. Phan Văn Nhân. Mô hình đào tạo nghề dựa trên ý tưởng sản xuất, kinh doanh của cộng đồng và hộ gia đình
     Bài viết trình bày một số mô hình đào tạo nghề, trong đó đi sâu phân tích nội dung, quy trình và các thành tố một mô hình đào tạo nghề dựa trên ý tưởng sản xuất, kinh doanh của cộng đồng và hộ gia đình đã được áp dụng thành công ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, đưa ra những đề xuất áp dụng vào việc triển khai đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 ở Việt Nam.
8. Trần Xuân Bách. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
     Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, nhấn mạnh: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học…”. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục. Muốn dạy học có hiệu quả, giáo viên phải hội tụ đủ ba điều kiện: Một là, được đào tạo, bồi dưỡng tốt; hai là, luôn rút kinh nghiệm và tích lũy trải nghiệm để cải tiến liên tục; ba là, có năng khiếu sư phạm.
9. Trương Thị Hoa. Tham vấn nghề ở trường trung học phổ thông
     Trong nhà trường phổ thông hiện nay, giáo dục hướng nghiệp đã được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên nó vẫn chưa mang lại những hiệu quả mong muốn. Để khắc phục những hạn chế đó, cần phải có sự đổi mới trong quá trình giáo dục hướng nghiệp. Một trong những cách làm đã mang lại những hiệu quả đáng kể giúp cho HS lựa chọn được ngành nghề phù hợp đó chính là tham vấn nghề. Ở Việt Nam, tham vấn nghề vẫn còn rất mới mẻ, trong các trường trung học phổ thông tham vấn nghề vẫn chưa được các thầy cô giáo áp dụng một cách bài bản. Vì vậy, việc nghiên cứu tham vấn nghề trong nhà trường trung học phổ thông có ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn hiện nay.
10. Võ Thị Kim Loan. Một số yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong hội nhập kinh tế quốc tế
     Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ mang lại các cơ hội tốt về tăng trưởng kinh tế và sự giàu có, mà còn tạo ra những thách thức không nhỏ về khả năng thích ứng, hội nhập và nhất là khả năng duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Chính quá trình này đã hình thành nên một đội ngũ lao động chất lượng cao trong nền kinh tế. Bài viết trình bày những quan điểm của các tác giả khác nhau về nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay, phân tích những yêu cầu khách quan và thông qua thực tiễn của Việt Nam đối với nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế qua các vấn đề về số lượng, chất lượng và chuyên môn nghiệp vụ.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
11. Đặng Thị Thùy Linh. Hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục trường phổ thông tại TP. HCM
     Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ ra việc chuyển mạnh giáo dục và đào tạo từ việc tập trung số lượng sang chất lượng. Công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng giáo dục có thể xem là khâu then chốt để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Trong bối cảnh phát triển giáo dục của thành phố hết sức sôi động cùng với việc hình thành chính quyền đô thị, đang đặt ra những thách thức phải hoàn thiện hệ thông đảm bảo chất lượng trong đó công tác quản lí nhà nước đối với công tác kiểm định chất lượng của giáo dục phổ thông cần được đặt lên hàng đầu. Bài viết sau đây trình bày tóm tắt thực trạng quản lí nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục trường phổ thông, những thành tích, hạn chế và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lí công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
12. Đỗ Văn Tuấn. Mối quan hệ giữa đào tạo nghề và sử dụng lao động hiện nay
     Trước yêu cầu cấp bách về đào tạo nghề đáp ứng được yêu cầu của xã hội hiện nay, việc đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp sử dụng lao động cần phải được định hướng, duy trì chặt chẽ và mở rộng. Trong bài viết này, tác giả phân tích về mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp sử dụng lao động hiện nay. Đồng thời, từ những khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sử dụng lao động, tác giả đưa ra các giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh sự hợp tác giữa các cơ sở nói trên.
13. Nguyễn Thị Hà Lan. Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên trung học phổ thông thành phố Thanh Hóa
     Để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, mỗi giáo viên phải không ngừng rèn luyện bản thân, tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Nội dung bài viết trình bày về kết quả nghiên cứu về thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên các trường trung học phổ thông tại thành phố Thanh Hóa. Nghiên cứu này nhằm giúp cho các giảng viên giảng dạy tại các khoa sư phạm nói chung, giảng dạy các môn học nghiệp vụ sư phạm nói riêng tổ chức tốt quá trình rèn luyện năng lực sư phạm thông qua các hoạt động trong và ngoài nhà trường, góp phần hình thành năng lực sư phạm vững vàng cho sinh viên.
14. Nguyễn Dương Hoàng. Xây dựng và phát triển chương trình bộ môn Phương pháp dạy học Toán tại Trường Đại học Đồng Tháp
     Bài viết giới thiệu căn cứ xây dựng, cấu tạo, nội dung, đặc điểm của chương trình Bộ môn Phương pháp dạy học môn Toán theo định hướng tăng cường rèn luyện kĩ năng dạy học cho sinh viên Toán tại Trường Đại học Đồng Tháp. Những vấn đề liên quan đến chương trình bộ môn Phương pháp dạy học  Toán được trình bày trong bài chính là cơ sở để tác giả xây dựng nên các chương trình chi tiết đang được thực hiện tại khoa Toán Trường Đại học Đồng Tháp. Chương trình sẽ được tiếp tục nghiên cứu, phát triển với mục tiêu đáp ứng ngày một tốt hơn công việc đào tạo giáo viên toán ở Trường Đại học Đồng Tháp.
15. Lê Thanh Tâm. Thực hiện tự chủ đại học tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương
     Bài viết đã trình bày những nét đặc trưng của thực hiện quyền tự chủ trong quản trị các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương. Trước hết, tác giả trình bày các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến tự chủ đại học, tầm quan trọng của tự chủ đại học và khung lí luận phân tích tự chủ đại học bao gồm bốn nội dung chính về tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân sự, tự chủ về học thuật. Trên cơ sở đó, tác giả trình bày về thực trạng quản lí theo cơ chế thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương và một số gợi ý chính sách phát triển quyền tự chủ của các trường đại học công lập thuộc Bộ Công thương.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
16. Đào Nam Sơn. Giáo dục văn hóa cho trẻ em trong cộng đồng dân tộc thiểu số
     Đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta đa số cư trú phân tán ở các vùng hẻo lánh, kinh tế - xã hội phát triển chậm; giáo dục, đúng hơn là giáo dục trong nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Có những dân tộc còn phần nào bảo lưu tập tính khép kín, co cụm trong cộng đồng làng, cộng đồng thôn, bản. Trong bối cảnh đó, giáo dục gia đình và giáo dục cộng đồng hay nói khác đi là giáo dục bằng văn hóa trở thành một nhân tố trọng yếu trong sứ mệnh giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ ở vùng dân tộc. Bài viết trình bày những nội dung cơ bản về giáo dục văn hóa cho trẻ em trong cộng đồng dân tộc thiểu số: Giáo dục qua hành vi của người lớn, giáo dục qua tập quán, giáo dục qua tiếng mẹ đẻ.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
     17. Nguyễn Hữu Chí,  Nguyễn Quốc Trị. Thể chế 3 cấp quản lí chương trình giáo dục phổ thông ở Trung Quốc
     Từ năm 2001, Trung Quốc chính thức bắt đầu thực hiện thể chế 3 cấp quản lí chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT). Sự hình thành thể chế 3 cấp quản lí CTGDPT đã làm thay đổi cục diện “đại thống nhất” của quản lí chương trình, mang đến sức sống mới cho sự phát triển của nhà trường phổ thông Trung Quốc. Sự hình thành và hoàn thiện thể chế 3 cấp quản lí CTGDPT ở Trung Quốc là một quá trình biến đổi không ngừng từ “thử nghiệm” đến “thực hiện”. Bài báo này tập trung trình bày một cách có hệ thống tiến trình hình thành và phát triển của thể chế mới này, những vấn đề gặp phải trong thực tiễn và ý nghĩa  của việc thực hiện thể chế này đối với giáo dục phổ thông Trung Quốc.
18. Bùi Đức Dũng, Đinh Ngọc Bích Khuyên. Đào tạo và tuyển dụng giáo viên lịch sử tại Cộng hòa Pháp
     Cộng hòa Pháp có hai loại hình trường sư phạm: Thứ nhất là các trường sư phạm thuộc hệ thống các trường lớn (École normale supérieuse, gọi tắt là ENS) đào tạo nguồn nhân lực cao, giảng viên, nghiên cứu viên...cho các trường đại học, cao đẳng, viện khoa học...; Thứ hai là các trường sư phạm vùng (Instituts universitaires de formation des maîtres, gọi tắt là IUFM. Từ năm học 2013-2014, các IUFM được nâng cấp thành: Écoles supérieures du professorat et de l’éducation (gọi tắt là ESPE)) chuyên đào tạo giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học nghề cũng như đội ngũ chuyên viên giáo dục và cán bộ quản lí. Trong bài viết này, tác giả đề cập tới chương trình đào tạo giáo viên lịch sử tại các trường ESPE và việc tuyển dụng họ trên địa bàn nước Pháp.