Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 103

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 103, 4/2014

NGHIÊN CỨU
1. Đỗ Ngọc Thống. Đổi mới căn bản, toàn diện chương trình Ngữ văn
     Bài viết đề cập đến việc đổi mới căn bản, toàn diện chương trình (CT) Ngữ văn. Trong bài, tác giả phân tích tổng quát một số vấn đề liên quan đến sự khác nhau giữa CT hiện hành và CT mới, cụ thể: CT hiện hành và truyền thống nói chung được tiếp cận theo hướng nội dung, CT mới hướng tới cách tiếp cận theo năng lực; CT Ngữ văn hiện hành nêu lên 03 mục tiêu; được thiết kế cắt khúc theo 03 cấp; CT hiện hành chủ yếu là một văn bản liệt kê các danh mục nội dung cần dạy (dạy cái gì?), Sách giáo khoa hiện hành có 02 bộ theo 02 CT cơ bản và nâng cao nhưng do tính phân hoá quá thấp như trên đã nêu, nên thực chất là vẫn chỉ có một bộ... Chương trình mới sẽ khắc phục được những hạn chế này.
2. Đào Ngọc Lộc. Khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ và việc vận dụng xây dựng chương trình tiếng Anh phổ thông
      Bài viết giới thiệu vai trò và ý nghĩa của Khung Tham chiếu Chung Châu Âu ( viết tắt là CEFR) về Ngôn ngữ và việc áp dụng Khung CEFR để xây dựng Chương trình tiếng Anh phổ thông ở ba cấp học: Tiểu học, THCS và THPT. Việc nghiên cứu Khung CEFR đã giúp cung cấp cơ sở chung cho việc xây dựng và phát triển chương trình (chương trình khung và chương trình chi tiết); kiểm tra đánh giá và thi cử; biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên… trong lĩnh vực ngôn ngữ tiếng Anh ở trường phổ thông. Đặc biệt, bài viết còn đề cập đến việc phân chia và mô tả các trình độ năng lực giao tiếp tiếng Anh yêu cầu HS cần phải đạt được trong quá trình học tập.
3. Phạm Minh Mục, Đặng Quốc Bảo. Đào tạo giáo viên trong công cuộc đổi mới hiện nay – một phương án tính tới hiệu quả tổng hợp của kinh tế - giáo dục
      Bài viết đề cập đến vấn đề đào tạo giáo viên trong công cuộc đổi mới hiện nay - Một phương án tính tới hiệu quả tổng hợp của kinh tế giáo dục. Trong bài, tác giả phân tích kĩ hai mô hình đào tạo giáo viên ấn tượng từng có và đang có ở Việt Nam song chưa được tổng kết hệ thống về kinh tế giáo dục, đó là: Mô hình đào tạo giáo viên phổ thông cấp 3 theo phương thức vừa học vừa làm ở những năm 80 của thế kỉ trước; Mô hình đào tạo giáo viên - nghiên cứu viên của những năm đầu thế kỉ XXI; đồng thời đưa ra kiến nghị về một phương án đào tạo giáo viên phổ thông trong tình hình mới từ sự chắt lọc mặt mạnh của hai mô hình trên.
4. Đào Tam, Nguyễn Phương Thảo. Các phương thức tạo cơ hội cho học sinh phát triển tư duy phê phán trong dạy học toán ở trường phổ thông
      Bài viết bàn về vấn đề tư duy phê phán và việc phát triển tư duy phê phán trong việc dạy học Toán ở trường trung học phổ thông. Cụ thể,  tác giả bàn về các phương thức mà giáo viên sử dụng để tạo cơ hội cho học sinh phát triển tư duy phê phán trong quá trình dạy học môn Toán ở trường trung học phổ thông. Theo tác giả, cần chú ý một số nguyên tắc quan trọng trong quá trình phát triển tư duy phê phán, đó là: Thu thập đủ thông tin cần thiết; Hiểu và xác định rõ tất cả các khái niệm liên quan; Đưa ra những câu hỏi về nguồn gốc của các cơ sở lập luận; Đặt câu hỏi về các kết luận; Chú ý các giả thiết....
 5. Trần Văn Hùng.  Xây dựng bộ công cụ đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ công giáo dục phổ thông
      Thông qua việc tìm hiểu cơ sở khoa học và thực tiễn thiết kế bộ công cụ đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ GD công bậc phổ thông, tác giả trình bày các bước thiết kế Bộ công cụ điều tra cho các loại hình giáo dục công gồm: i) Xác định các lĩnh vực của dịch vụ; ii) Xác định các tiêu chí đánh giá; iii) Xây dựng các câu hỏi dựa trên tiêu chí đánh giá; cũng như kết quả thử nghiệm  bộ công cụ tại 3 tỉnh: Hà Nội, Điện Biên và Ninh Thuận. Qua đó, tác giả kết luận rằng bộ công cụ về cơ bản là phù hợp với các đối tượng được điều tra, số liệu thu được là phù hợp, đáng tín cậy, có thể áp dụng để triển khai trên phạm vi toàn quốc.
6. Trịnh Thanh Hải, Trần Trung. Vận dụng lí thuyết kiến tạo vào dạy học tin học lớp 11 trung học phổ thông
      Bài viết trình bày việc vận dụng lí thuyết kiến tạo vào dạy học tin học lớp 11.Theo tác giả bài viết, để vận dụng lí thuyết kiến tạo vào dạy học tin học có hiệu quả, trước hết cần phải nắm được các đặc điểm cơ bản của lí thuyết kiến tạo, mô hình dạy học theo tư tưởng của lí thuyết kiến tạo, tiếp theo phải bám sát vào đặc thù chương trình, nội dung môn Tin học, vốn kiến thức, kĩ năng của HS. Việc thiết kế bài giảng phải đảm bảo tạo ra một môi trường sư phạm hết sức thuận lợi để HS tiếp cận vấn đề, sử dụng một cách có hiệu quả vốn tri thức của bản thân, đặc biệt là tạo ra các cơ hội để HS thử nghiệm và cùng hợp tác để khám phá được những kiến thức mới.
7. Vũ Lan Hương. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lí, sử dụng tài sản nhà nước trong trường học
      Quản lí tài sản (QLTS)  là một trong những công tác quan trọng của bất kì trường học nào nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy học – giáo dục. Hiện nay, công tác này đã và đang được lãnh đạo các trường học quan tâm hơn qua việc tập trung chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thực hiện QLTS theo quy định hiện hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, QLTS hiện nay trong nhiều trường học còn rất nhiều thiếu sót, bất cập. Bài viết phân tích thực trạng quản lí, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) tại các trường phổ thông (PT) tại miển Đông Nam Bộ và đề xuất một số giải pháp triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lí (QL), sử dụng TSNN trong trường học đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lí giáo dục.
8. Nguyễn Thị Bích Lợi. Đổi mới giáo dục nghệ thuật trong nhà trường hiện nay
      Giáo dục con người phát triển toàn diện là mục tiêu và nhiệm vụ căn bản, trọng yếu của ngành Giáo dục; trong đó giáo dục nghệ thuật (GDNT) trong nhà trường có vai trò ngày càng quan trọng đối với việc hình thành, phát triển nhân cách của học sinh. Bài viết đề cập đến mấy vấn đề về GDNT trong nhà trường kèm theo ý kiến đề xuất đối với việc đổi mới GDNT, nhằm góp thêm ý kiến vào việc tiếp thu, triển khai thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo của cả nước hiện nay. Tác giả trình bày các nội dung: Nhu cầu giáo dục toàn diện và vai trò của GDNT trong nhà trường; Một vài ý kiến đề xuất về đổi mới GDNT trong nhà trường hiện nay.
9. Phạm Văn Quyết, Lê Chi Lan. Mối quan hệ giữa yêu cầu của người sử dụng lao động và chương trình đào tạo đại học - hướng nghiên cứu và mô hình phân tích
      Giáo dục đại học đóng vai trò cung cấp những kiến thức và kĩ năng cho sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động. Các trường đại học phải đối mặt với vấn đề làm thế nào để cung cấp các kĩ năng  phù hợp để sinh viên tốt nghiệp có thể giải quyết tốt các yêu cầu của người sử dụng lao động. Trong những năm qua, các trường đại học đã có những điều chỉnh chương trình đào tạo, tuy nhiên những điều chỉnh này có phải do tác động của yêu cầu của người sử dụng lao động hay không là vấn đề chưa được nghiên cứu. Nghiên cứu những yếu tố về yêu cầu của người sử dụng lao động tác động đến chương trình đào tạo là vấn đề cần thiết và là cơ sở để nâng cao chất lượng đào tạo.
10. Nguyễn Thị Thu Hiền. Một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tự đánh giá chất lượng ở các trường đại học Việt Nam
      Bài viết trình bày về một số yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tự đánh giá chất lượng ở các trường đại học Việt Nam. Trong đó, tác giả trình bày hiệu quả của tự đánh giá đồng thời đề cập đến năm yếu tố có khả năng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác tự đánh giá bao gồm vai trò của lãnh đạo nhà trường, động cơ thực hiện, sự phối hợp tham gia của các cá nhân/đơn vị, hệ thống lưu trữ thông tin và cải tiến chất lượng sau tự đánh giá. Qua đó, tác giả mong muốn các nhà trường sẽ nhận thức đúng đắn vai trò của công tác tự đánh giá và tạo mọi điều kiện để thực hiện hiệu quả công tác tự đánh giá, làm cho tự đánh giá thực sự trở thành một công cụ hữu ích giúp nhà trường không ngừng củng cố và nâng cao chất lượng.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
11. Nguyễn Đăng Tiến. Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thông tin thư viện tại Trường Đại học kĩ thuật - hậu cần công an nhân dân
      Bài viết nêu lên vai trò, mục đích của việc ứng dụng CNTT trong công tác thông tin thư viện đối với công tác quản lí đào tạo trong nhà trường. Tác giả đưa ra một số biện pháp ứng dụng CNTT vào công tác thư viện đang được thực hiện tại Trường Đại học Kĩ thuật - Hậu cần CAND để góp phần nâng cao chất lượng mọi mặt công tác của nhà trường như: Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trung tâm; xây dựng hạ tầng CNTT đồng bộ; sử dụng có hiệu quả các phần mềm trong hoạt động thông tin thư viện. Tác giả cũng đề cập đến một số hiệu quả thu được từ việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của thư viện nhà trường.
12. Lê Thị Phượng. Đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học văn – tiếng Việt ở Trường Đại học Hồng Đức
      Nhận thức tầm quan trọng của phương pháp dạy học trong lộ trình thực hiện mục tiêu giáo dục đào tạo và đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, bài viết này phân tích và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Văn - Tiếng Việt tại Trường Đại học Hồng Đức, một trong những chuyên ngành nắm vai trò chủ lực đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên trình độ cao. Trong đó, các giải pháp bao gồm: Gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo; coi kiểm tra đánh giá quá trình là cú hích của chất lượng đào tạo; đổi mới đánh giá thực nghiệm giáo dục và tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ với giáo dục phổ thông.
13. Đào  Thị Thu Thủy. Thực trạng giáo viên sử dụng các bài tập điều chỉnh hành vi ngôn ngữ cho trẻ tự kỉ tuổi mầm non
      Nội dung bài viết này đánh giá thực trạng nhận thức của giáo viên về tầm quan trọng trong việc sử dụng các biện pháp và các bài tập điều chỉnh hành vi ngôn ngữ cho trẻ tự kỉ tuổi mầm non, cụ thể là từ 3 – 6 tuổi. Đồng thời, tác giả cũng đề cập tới thực trạng giáo viên sử dụng các biện pháp và các bài tập nói trên. Kết quả nghiên cứu các thực trạng đã chỉ ra rằng các giáo viên đều nhận thấy tầm quan trọng của việc điều chỉnh hành vi ngôn ngữ cho trẻ tự kỉ 3 - 6 tuổi. Từ kết quả đó,, tác giả đã đưa ra đề xuất về việc giáo viên cần có các khóa tập huấn về hành vi ngôn ngữ của trẻ tự kỉ nhằm giúp nhóm trẻ này có một môi trường học tập và sinh hoạt an toàn và gần gũi, thân thiện.
14. Lê Thục Anh.  Từ cách tiếp cận của tâm lí học thần kinh, tìm hiểu nguyên nhân gây khó khăn trong đọc và hiểu
      Trong bài viết này, tác giả đề cập tới một số dạng khó khăn về đọc hiểu của học sinh tiểu học từ góc độ của tâm lí học thần kinh. Việc đọc nhằm lĩnh hội thông tin là một chức năng tâm lí cấp cao, được triển khai trên cơ sở não bộ. Phân tích tổ chức não bộ của quá trình đọc và đọc hiểu sẽ đưa chúng ta đến lâm sàng các tổn thương hay chậm phát triển từng vùng trong não; cũng như những biến đổi các chức năng của hệ thống chức năng đọc khi có các tổn thương hay chậm phát triển từng vùng đó. Theo tác giả, các kết quả lâm sàng này sẽ phản ánh những nguyên nhân gây khó khăn trong đọc và đọc hiểu ở học sinh tiểu học, qua đó làm cơ sở cho việc cải thiện khả năng đọc và đọc hiểu ở các em.
15. Võ Thị Huyền. Vận dụng thuyết đa trí tuệ trong đào tạo tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
      Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner đưa ra 8 thậm chí là 9 trí thông minh và trí thông minh không thể chỉ được đo lường duy nhất qua chỉ số IQ. Học thuyết đã mang lại một cái nhìn nhân bản và cần thiết nhằm kêu gọi nhà trường và giảng viên coi trọng sự đa dạng về trí tuệ ở mỗi SV. Vận dụng thuyết này vào quá trình đào tạo sinh viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, tác giả bài viết đã đề xuất một số biện pháp như: Thực hiện chế độ đào tạo theo hệ thống tín chỉ; đổi mới phương pháp dạy học môn Toán theo hướng dạy học phân hóa với những dạng trí thông minh khác nhau của mỗi sinh viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như phương tiện dạy học theo hướng lớp học đa trí tuệ.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
16. Dương Thị Thanh Hương. Hỗ trợ kĩ thuật – giải pháp nâng cao chất lượng dạy tiếng dân tộc trong chương trình song ngữ
      Chương trình Nghiên cứu Thực hành Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho đến nay đã chuẩn bị ở giai đoạn hoàn thành. Chặng đường đủ để những nghiên cứu được chứng minh bằng kết quả cụ thể là sản phẩm của nó: Cho ra đời lứa học sinh thứ nhất. Để đạt được kết quả đó, tác giả bài viết nhấn mạnh vai trò của hỗ trợ kĩ thuật (HTKT) - một khâu trong chu trình nghiên cứu thực hành, từ bước khởi đầu lập kế hoạch đến xây dựng và phát triển chương trình; triển khai thực hiện - xem xét lại. Đồng thời, HTKT là một giải pháp nỗ lực tìm kiếm những phiên bản tốt hơn, hiệu quả hơn trong một thiết kế dạy học cụ thể, nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng và phù hợp với mục tiêu nghiên cứu.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
17. Phạm Thị Ly. Những xu hướng mới trong xếp hạng đại học toàn cầu
      Bài viết trình bày một số vấn đề nổi bật được nêu ra tại Hội thảo về Đại học đẳng cấp Quốc tế (ĐHĐCQT) lần thứ Năm tổ chức ngày  3 - 6 tháng 11 năm 2013 tại Thượng Hải và Hội thảo do Mạng lưới các trường ĐH Nghiên cứu hàng đầu trên thế giới, bao gồm: (1) Bối cảnh hiện nay của GDĐH toàn cầu và vấn đề ĐHĐCQT ở những nước nhỏ hoặc đang phát triển; (2) Những điểm hạn chế, tác động và ảnh hưởng của việc xếp hạng ĐH và (3) Những xu hướng mới hiện nay, đặc biệt là xếp hạng hệ thống.
18. Bùi Thị Thúy Hằng. Định hướng nghề nghiệp của học sinh tại Pháp và giải pháp phân luồng sau trung học cơ sở tại Việt Nam
      Pháp là một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Đồng thời, hệ thống giáo dục nước này cũng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Chính vì thế, tác giả bài viết này đã nghiên cứu về công tác định hướng học sinh sau Trung học cơ sở  tại Pháp. Từ cơ sở đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm cải tiến việc phân luồng học sinh tại Việt Nam như: Triển khai công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh một cách có kế hoạch ngay từ bậc Trung học cơ sở ; phối hợp chặt chẽ đồng bộ với các cơ quan quản lí nhà nước, các trường đại học cao đẳng và các cơ quan dự báo nguồn nhân lực ; hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục theo hướng mở và liên thông ; đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề, miễn phí tiền học và trợ giúp chi phí ăn ở, sinh hoạt, v.v...

Mục lục bằng tiếng Anh