Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 104

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 104, tháng 5/2014

NGHIÊN CỨU
1. Phan Văn Kha, Đỗ Thị Bích Loan. Quan điểm giáo dục hình thành nhân cách con người và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa
     Giáo dục có vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách, đạo đức con người, văn hóa Việt Nam. Giáo dục đạo đức cá nhân thực chất là quá trình làm hình thành ở cá nhân những chuẩn mực đạo đức, một lí tưởng sống, biết xây dựng cuộc sống trên những giá trị đạo đức cao đẹp. Đồng thời, giáo dục những giá trị đạo đức truyền thống kết hợp với hiện đại làm nền tảng cho việc xây dựng một chuẩn mực đạo đức mới của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Bài viết trình bày: 1/Vai trò của giáo dục trong việc phát huy nhân tố con người; 2/Quan điểm giáo dục hình thành nhân cách con người và xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
2. Đỗ Đức Thái. Một số quan điểm cơ bản về việc xác định nội dung dạy học môn Toán trong trường phổ thông Việt Nam
     Bài viết trình bày một số quan điểm cơ bản về việc xác định nội dung dạy học môn Toán trong trường phổ thông Việt Nam. Trong bài, tác giả đề cập đến các nội dung cụ thể sau:1/Bối cảnh dạy học môn Toán trong trường phổ thông Việt Nam sau 2015; 2/Vị trí của môn toán trong chương trình giáo dục phổ thông; 3/Các mục tiêu chủ yếu của dạy học môn Toán trong nhà trường phổ thông; 4/Xác định những nội dung cơ bản trong dạy học môn Toán ở trường phổ thông giai đoạn giáo dục “cơ bản”.
3. Phạm Minh Mục, Đặng Quốc Bảo. “Nhân cách – nhân lực” và các giá trị đi cùng năm tháng
     Theo tác giả bài viết: Nhân cách là tập hợp các đặc trưng tâm lí tạo nên diện mạo xã hội của một con người với tư cách là chủ thể hoạt động, bao gồm tất cả những phẩm chất, năng lực mang tính xã hội, tồn tại và phát triển trong cá nhân đó, thích ứng với  các chuẩn mực và thang giá trị được xã hội thừa nhận.Nhân cách gồm hai bộ phận: Những nhân tố về phẩm chất đạo đức (đức) và những nhân tố về năng lực hoạt động (tài). Giáo dục ở thời đại nào, đất nước nào cũng có sứ mệnh làm cho mỗi cá nhân giữ được cốt cách là Người, có được phẩm cách làm Người và biết cách thức nên Người, chuyển nhân cách đó thành nhân lực (sức lao động) phục vụ mục tiêu phát triển chung của xã hội.
4. Trần Vui. Vai trò của biểu diễn bội trong phát triển năng lực suy luận thống kê của học sinh
     Bài viết đề cập đến vai trò của biểu diễn bội trong phát triển năng lực suy luận thống kê của học sinh (HS).Trong bài, tác giả trình bày các kết quả khảo sát những năng lực suy luận thống kê của HS mười lăm tuổi hiện nay được thể hiện như thế nào qua bài làm của các em.Từ đó, tìm hiểu vai trò của các biểu diễn bội trong phát triển năng lực suy luận quan trọng này trong quá trình HS giải quyết các bài toán thực tế một cách có ý nghĩa theo các mức suy luận từ thấp đến cao.
5. Đặng Thị Thu Huệ.  Vận dụng nguyên tắc phân nhỏ trong dạy học giải một số dạng bài tập toán ở trung học cơ sở
     Bài viết giới thiệu Nguyên tắc phân nhỏ thuộc nhóm 40 nguyên tắc sáng tạo cơ bản của các phương pháp sáng tạo trong Lí thuyết giải các bài toán sáng chế (TRIZ) của Genrikh Saulovich Altshuller (1926 – 1998). Đồng thời, tác giả trình bày việc vận dụng Nguyên tắc phân nhỏ trong dạy học giải một số dạng bài tập toán ở Trung học cơ sở qua một số ví dụ minh hoạ, góp phần hình thành nhân cách sáng tạo cho học sinh. Theo tác giả bài viết, trong dạy - học Toán ở trường phổ thông, Nguyên tắc phân nhỏ thể hiện qua việc phân chia một bài toán thành các bài toán nhỏ.  Điều quan trọng là làm thế nào để có thể phân nhỏ một bài toán (làm cho bài toán trở nên “tháo được”) và tổng hợp được (lắp được) các bài toán nhỏ này để giải quyết bài toán ban đầu.
6. Lê Thị Minh Hà. Rối loạn chống đối và thực trạng trẻ có rối loạn chống đối tại thành phố Hồ Chí Minh
     Hiện nay, nhiều phụ huynh và giáo viên cho rằng ở một số trẻ có những biểu hiện thường xuyên tức giận, hoặc bùng nổ giận dữ và coi thường các quy định.Children and adolescents with ODD often purposely annoy others, blame others for their own mistakes, and are easily disrupted. Những trẻ này thường cố làm phiền người khác và luôn đổ lỗi cho người khác về những lỗi lầm của mình. Những biểu hiện hành vi trên đây của trẻ thuộc dạng rối loạn chống đối (Oppositional Defiant Disorder, ODD) hay còn gọi là rối loạn thách thức chống đối, là một trong những hiện tượng gặp nhiều ở trẻ em. Trong nội dung bài viết này, tác giả phân tích về vấn đề rối loạn chống đối và đi vào khảo sát thực trạng của trẻ có rối loạn chống đối tại TP. Hồ Chí Minh.
7. Phạm Thị Phương Liên, Phùng Thị Thu Thủy. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học kể chuyện ở tiểu học
     Kể chuyện là môn học đem lại những hiểu biết phong phú về thiên nhiên, xã hội, con người, rèn kĩ năng nghe nói, giao tiếp cho học sinh tiểu học. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học kể chuyện với các phần mềm như MSPowerpoint, Violet, Proshow Gold, Active Inspire, Photoshop… tạo ra sự đổi mới trong cách dạy, cách học, đem lại hứng thú cho học sinh.  Những hình ảnh có màu sắc tươi sáng, âm thanh sống động… được sử dụng trong dạy học Kể chuyện giúp trẻ dễ hiểu, dễ nhớ câu chuyện, tự tin khi kể lại cho người khác nghe. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học nói chung và dạy kể chuyện nói riêng cần bám sát vào mục tiêu giờ dạy, khai thác đúng đặc trưng phân môn.
8. Ngô Trung Hà. Đào tạo theo tiếp cận năng lực hướng tới thực hiện thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong cộng đồng kinh tế ASEAN về nghề du lịch
     Năm 2015 là thời điểm mà Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập, các quốc gia ASEAN đang rất tích cực chuẩn bị nhiều mặt, trong đó có phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập. Trong khi đó, đối với việc phát triển nhân lực trong ngành Du lịch, đào tạo theo tiếp cận năng lực đang là một xu hướng tiên tiến, tạo điều kiện hình thành cho các năng lực hành nghề cần thiết cho người lao động, tăng sức cạnh tranh trong môi trường dịch chuyển lao động tự do mà AEC tạo ra. Nội dung bài viết này phân tích về vấn đề đào tạo theo tiếp cận năng lực tại Việt Nam theo hướng thực hiện được các nội dung khắt khe của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch (Mutual Recognition Arangement on Tourism Professionals) của AEC.
9. Ngô Thị Minh Thực. Lập kế hoạch bồi dưỡng giảng viên – biện pháp quan trọng trong quản lí bồi dưỡng giảng viên cao đẳng hiện nay
     Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giảng viên là một nội dung hết sức quan trọng trong quản lí bồi dưỡng giảng viên. Kế hoạch giúp công tác quản lí có cái nhìn tổng thể, toàn diện,  định hướng, bố trí, sắp xếp các hoạt động trong công tác bồi dưỡng giảng viên. Mặt khác, công tác quản lí thông qua lập kế hoạch có thể nhìn thấy tương lai. Có thể nói, biện pháp lập kế hoạch bồi dưỡng giảng viên là một trong những biện pháp hàng đầu, mang tính xương sống trong quản lí bồi dưỡng giảng viên cao đẳng hiện nay. Vì thế, trong bài viết này, tác giả trình bày và phân tích các bước trong việc lập kế hoạch bồi dưỡng giảng viên cao đẳng trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện giáo dục hiện nay.
10. Lương Phạm Hiền Lương. Quản lí dạy học thực hành tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I – thực trạng và giải pháp
     Quản lí dạy học thực hành là một nội dung rất quan trọng trong công tác quản lí đào tạo tại Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I. Các học viên còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng, chưa thành thạo về kĩ năng thực hiện các quy trình công tác nghiệp vụ cụ thể chuyên sâu khi ra trường. Một trong những bất cập của quá trình đào tạo dẫn đến những thiếu sót tồn tại trên là do công tác quản lí dạy học thực hành. Bài viết đề cập đến 3 vấn đề chính: Những nhận thức cơ bản về quản lí dạy học thực hành; Thực trạng công tác quản lí dạy thực hành các chuyên ngành tại Trường Cao đẳng CSND I và những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém; Một số giải pháp tăng cường quản lí dạy học thực hành.
11. Dương Thị Kim Oanh. Dạy học môn Tư duy hệ thống theo phương pháp tiếp cận CDIO tại Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật thành phố Hồ Chí Minh
     Bài viết đề cập tới vấn đề dạy học theo phương pháp tiếp cận CDIO môn Tư duy hệ thống tại trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật TP. Hồ Chí Minh. Thông qua từng nhiệm vụ và tình huống học tập gắn với các nội dung dạy học, dưới sự tổ chức, điều khiển của giảng viên, sinh viên không chỉ tự kiến tạo nên kiến thức mà còn dần hình thành được các kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng giao tiếp, thuyết trình... Đây là cái đích mà môn học Tư duy hệ thống được xây dựng theo hướng tiếp cận CDIO hướng tới.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
12. Nguyễn Ngọc Anh, Bùi Công Tuấn. Tổ chức các hoạt động ngôn ngữ trong dạy học toán cho học sinh lớp 10 khu vực Tây Nguyên
     Ngôn ngữ toán học, được coi là một trong những thành tố hạt nhân của văn hóa toán học, chủ yếu là do giáo dục nhà trường tạo nên. Phát triển ngôn ngữ toán học cho học sinh là một quá trình lâu dài, có tính hệ thống, liên tục kế thừa và hoàn thiện dần. Nhiệm vụ đó càng trở nên khó khăn hơn đối với việc dạy Toán cho HS vùng đặc biệt khó khăn như khu vực Tây Nguyên. Trên cơ sở phân tích logic của quá trình dạy học các tình huống điển hình theo quan điểm hoạt động, tác giả bài viết này chỉ rõ những cơ hội cụ thể để tổ chức hoạt động ngôn ngữ cho HS lớp 10 phù hợp với thực tế giáo dục Tây Nguyên.
13. Nguyễn Thị Quế Anh. Các yếu tố nâng cao chất lượng đào tạo hệ đại học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội
     Đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đại học, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu hàng đầu của giáo dục Việt Nam hôm nay. Để vượt qua mọi thách thức trong phát triển, hội nhập, khẳng định vị trí đào tạo nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chỉ có con đường duy nhất là nâng cao chất lượng đào tạo hệ đại học. Bài viết không chỉ bàn về sáu yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo hệ đại học mà còn hướng tới nâng cao chất lượng đào tạo hệ đại học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội trước chủ trương phân tầng đại học của giáo dục Việt Nam trong thế kỉ XXI.
14. Đặng Ngọc Phúc. Đổi mới và hoàn thiện quá trình đào tạo trình độ thạc sĩ ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội theo hướng đảm bảo chất lượng
     Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong số ít cơ sở đào tạo sau đại học đầu tiên của Việt Nam; để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo cần có sự đổi mới, hoàn thiện quản lí quá trình đào tạo. Trong những năm gần đây, việc đào tạo và quản lí đào tạo trình độ thạc sĩ ở trường đã vận dụng có kết quả những ưu thế của các loại mô hình đào tạo và quản lí đào tạo hiện hành ở các trường đại học Việt Nam, trong đó chú ý tới các loại mô hình kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và bước đầu thực hiện việc vận dụng mô hình quản lí chất lượng tổng thể (TQM).
15. Nguyễn Văn Tuấn, Ngô Quang Sơn. Biện pháp nâng cao năng lực quản lí của ban chủ nhiệm các trung tâm học tập cộng đồng tỉnh Kiên Giang
     Trong những năm gần đây, mô hình trung tâm học tập cộng đồng tại tỉnh Kiên Giang đã có những bước phát triển nhanh cả về quy mô lẫn hiệu quả hoạt động. Trong khi đó, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quản lí giáo dục và duy trì và phát triển bền vững các trung tâm học tập cộng đồng việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lí cho đội ngũ ban chủ nhiệm là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách, cần được tổ chức và duy trì thường xuyên. Trong bài viết này, tác giả trình bày về các biện pháp nhằm nâng cao năng lực của ban chủ nhiệm các trung tâm học tập cộng đồng tỉnh Kiên Giang qua khảo sát nghiên cứu từ năm 2011 đến nay.
16. Phạm Thị Minh Hạnh. Một số giải pháp giáo dục bảo tồn văn hóa Việt Nam thông qua việc phát triển các sản phẩm lưu niệm
     Trong quá trình trao đổi và giới thiệu văn hóa giữa các quốc gia, những sản phẩm lưu niệm thường được người bản địa thuyết minh nguồn gốc, quá trình phát triển sản phẩm theo dòng lịch sử của dân tộc họ. Trong giai đoạn sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của kinh tế thị trường, sản xuất công nghiệp dần dần thay thế sản xuất thủ công, kèm theo việc đa dạng hóa các loại hình sản phẩm lưu niệm, việc bảo tồn và giới thiệu các giá trị văn hóa Việt trên sản phẩm lưu niệm phụ thuộc rất nhiều yếu tố chủ quan cũng như khách quan, đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng mới có thể bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, giới thiệu văn hóa Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
17. Hà Đức Đà. Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ - mô hình phù hợp với giáo dục tiểu học vùng dân tộc
     Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam đặt ra yêu cầu phát triển giáo dục vùng dân tộc và miền núi nhằm đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Việc tìm ra những giải pháp, lựa chọn những mô hình giáo dục phù hợp nhằm nâng cao chất lượng vùng dân tộc và miền núi là nhu cầu tất yếu. Bài viết nói đến các hình thức giáo dục song ngữ đã thực hiện ở Việt Nam, từ đó nhấn mạnh mô hình “Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ” với những thành tố cơ bản là sự kế thừa những ưu điểm, khắc phục những hạn chế của các mô hình trên.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
18. Phạm  Quang Tiến.  Sự ra đời và phát triển của bộ môn Địa lí trong nhà trường phổ thông Nga từ thế XVIII đến nay
Năm 1707, nhà địa lí nổi tiếng Nga V.N. Ta-chi-sép đã viết cuốn Địa lí đại cương nước Nga. Có thể coi đây là cuốn sách giáo khoa Địa lí đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của bộ môn Địa lí trong nhà trường của LB. Nga. Hội nghị Địa lí quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Anvers Bỉ vào năm 1871 đã thừa nhận Trường phái địa lí Nga là một trường phái mạnh với khuynh hướng địa lí tổng hợp có sự phân biệt rõ rệt địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế. Các nhà khoa học sư phạm và giáo dục của Việt Nam (trong số đó có các nhà địa lí) cần tham khảo hướng đi và cách làm của các nhà bác học Nga, xây dựng nên một nền khoa học sư phạm mang đậm đà bản sắc dân tộc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

Mục lục tạp chí bằng tiếng Anh