Thông tin giáo dục quốc tế số 7 (lưu hành nội bộ) (phần 9)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Chủ đề: Shadow education - Giáo dục trong bóng tối - Bản đồ toàn cảnh

 CUNG VÀ CẦU (tiếp)


Những gia đình giàu có mới nổi

Tại phần lớn các nước ở Châu Á, quy mô gia đình đang giảm. De Castro và de Guzman (2010:49) đã chỉ ra ở Philippines giáo dục trong bóng tối tỷ lệ nghịch với quy mô gia đình, nghĩa là trẻ em với số anh chị em ít hơn thì nhận được việc dạy kèm nhiều hơn là những trẻ có đông anh em. Trong một phương thức liên quan, Bảng 10 trình bày kết quả từ một cuộc khảo sát 40.883 phụ huynh điều tra lý do gia tăng ‘dạy kèm’ tại Nhật Bản. Hơn một phần ba (38.6%) số phụ huynh cho rằng việc gia tăng số lượng các gia đình một con là một yếu tố. Các bậc phụ huynh tập trung nguồn lực của mình cho đứa con duy nhất và có thể cảm thấy rằng, với chỉ một đứa trẻ, họ không có khả năng gây ra sai sót. Dang và Rogers (2009) phát hiện ra việc giảm quy mô gia đình là một yếu tố làm tăng nhu cầu gia sư ở Việt Nam. Những quan sát của họ được lặp lại bởi Liu (2012:47) liên quan tới Đài Bắc, Trung Quốc.

Bảng 10: Các yếu tố góp phần gia tăng dạy kèm tại Nhật Bản (Tỷ lệ phản hồi của phụ huynh)

STT

Yếu tố

%

1

Sự không an toàn khi chỉ gửi con cái tới trường để học

66,5

2

Một xã hội chú trọng tới các bằng cấp học thuật

59.9

3

Đầu tư giáo dục cho mỗi đứa trẻ tăng khi tỷ lệ sinh giảm

38,6

4

Sự đa dạng hóa các dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục tư nhân

14.5

Nguồn: Nhật Bản (2008) được trích dẫn trong Dawson (2010:17)
Kohli et al. (2011:36) đã chỉ ra rằng tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc và Ấn Độ đang gia tăng (xem tại Yuan et al. 2011). Quy mô gia đình ở Trung Quốc bị hạn chế bởi qui định, trong khi đó quy mô gia đình ở Ấn Độ giảm bởi tầng lớp trung lưu tăng. Vào cuối thập kỷ đầu tiên của Thế kỷ 21, Ấn Độ cũng có một tầng lớp trung lưu nhỏ theo tiêu chuẩn toàn cầu; nhưng, theo báo cáo của Kohli at al.(trang 36), “nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển, 70% dân số sẽ thuộc tầng lớp trung lưu trong vòng 15 năm”. Khi điều đó xảy ra, nguồn lực là các hộ gia đình sẽ kết hợp với nguyện vọng của một số lượng nhỏ các trẻ em và nỗi lo lắng về những cách tiến về phía trước trong nền kinh tế toàn cầu. Điều này có thể cung cấp tất cả các yếu tố cho việc mở rộng mạnh mẽ giáo dục trong bóng tối.

Đa dạng nguồn cung

Dạy thêm được cung cấp bởi một loạt các nhà cung cấp dịch vụ đa dạng, từ hàng xóm, những cựu sinh viên, và các thành viên gia đình đến các giáo viên trên lớp, các thương hiệu toàn cầu, và các công ty trực tuyến. Công nghiệp dạy thêm đang nổi lên như một nhà cung cấp việc làm chính, điều này là do nó hầu như không có rào cản. Tại Hàn Quốc, số lượng các gia sư tăng trung bình khoảng 7.1% hàng năm từ 2001 đến 2006, và đến năm 2009, đây là khu vực kinh tế sử dụng nhiều lao động là các sinh viên tốt nghiệp từ ngành khoa học xã hội và nhân văn nhất (Kim và Park 2012).

Ở nhiều nước, mô hình các giáo viên đứng lớp bổ sung thu nhập bằng việc dạy kèm học sinh sau giờ học ở trường đang là điều cần thiết hơn là một lựa chọn – ít nhất là với cảm nhận tự bản thân các giáo viên – kể từ khi lương của giáo viên chỉ dao động gần với chuẩn nghèo. Điều này được quan sát tại Campuchia (Dawson 2009:112), Georgia (EPPM 2011:27), Kazakhstan (Kalikova và Rakhimzhanova 2009:112), Lào (Benveniste et al. 2008:105), và Takistan (Kodirov and Amonov 2009:159). Ở Sri Lanka, mức lương hàng tháng của một giáo viên mới tốt nghiệp của chính phủ năm 2007 dao động từ 12.000 đến 15.000 rúp (108 – 135$), nhưng một giáo viên có thể kiếm được tới 1.100 rúp với một giờ dạy thêm. Một giáo viên quan sát thấy, “Số tiền tôi nhận được một tháng từ công việc từ Chính phủ chỉ bằng 3 hoặc 4 ngày dạy thêm” (Samath 2007). Công việc bên ngoài đã làm giảm thời gian cần thiết của giáo viên dành cho việc cố vấn cho sinh viên, xây dựng kế hoạch giảng dạy, và các hoạt động phát triển chuyên môn.

Liên quan đến các phương pháp tiếp cận thương mại, mô hình thương hiệu của việc dạy thêm được thực hiện ở một số nước. Ví dụ, Kumon mô tả chính bản thân nó như một “thế giới” lớn nhất sau các tiết học toán tại trường và chương trình làm giàu văn hóa đọc” (kumon 2012), có trụ sở tại Nhật Bản và hoạt động ở 46 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonessia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, và Việt Nam. Kip McGrath, có trụ sở tại Úc, có thương hiệu tại 20 quốc gia năm 2012 bao gồm cả Indonesia và Singapore (Kip MacGrath 2012).

Các công ty khác có thể tập trung chủ yếu trong nước nhưng vẫn hoạt động như một chuỗi các cửa hàng với nhiều địa điểm. Ở Hồng Kông, Trung Quốc, từ 2005/06 đến 2009/10, số lượng những chuỗi địa điểm như vậy tăng từ 38 lên 106 (Nhóm Giáo dục hiện đại 2011:93). Những địa điểm này chiếm 54% tổng số lượng trung tâm dạy thêm trung học, với hơn một nửa trong số này được cung cấp bởi 6 công ty, một trong số đó đã công khai niêm yết trên Thị trường chứng khoán Hồng Kông năm 2011. Ở Ấn Độ, Everonn đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Bombay, và trong năm 2011 đã phục vụ 8.000 học sinh thông qua 10.100 trung tâm học tập (Everonn 2012). Ở Trung Quốc, Xueda được thành lập vào năm 2004, đã trở thành một công ty được niêm yết trên Thị trường chứng khoán New York năm 2010. Năm 2011, công ty này đã mở 273 trung tâm học tập, sử dụng 11.300 giáo viên ở 28 tỉnh thành trong số 34 tỉnh và thành phố tự trị của Trung Quốc (Xueda 2012).

Một số công ty khác điều hành trường học và các công ty bên ngoài cung cấp dịch vụ gia sư. Ví dụ, Trường Cao đẳng Beacon ở Hồng Kông, Trung Quốc chủ yếu cung cấp dịch vụ dạy thêm cho học sinh trung học cũng như điều hành một trường học cả ngày. Educomp điều hành 800 trường dự bị và 56 trường tiểu học và trung học bên cạnh việc cung cấp dịch vụ dạy thêm các môn học thuật và đào tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Hình 2 miêu tả các hình thức dạy thêm/học thêm khác nhau tại Hàn Quốc, thể hiện sự đa dạng hình thức trong các cấp tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học. Giáo viên của nước này bị cấm dạy kèm chính học sinh của mình, và các hoạt động trong lĩnh vực thương mại. Nhìn chung, gần một nửa số học sinh Hàn Quốc tham dự các trung tâm luyện thi chủ yếu tập trung vào việc học vẹt và chuẩn bị cho các kỳ thi, 10% gia sư cá nhân, 12% học thêm theo nhóm, 19% chọn các khóa học tương ứng, và 4% dạy kèm qua Internet (Byun 2011:6-5). Một gia sư nổi tiếng, Woo Hyeong-cheol, đã kiếm được trung bình 3,9 triệu US đôla mỗi năm khi làm gia sư môn toán cho một lớp học dựa trên web với 50.000 học sinh; và Rose Lee, “Nữ hoàng môn tiếng Anh”, báo cáo thu nhập trung bình là 6.8 triệu US đôla mỗi năm dựa trên thu nhập thông qua các lớp học online (Herskovitz và Kim 2009).

Ở một chừng mực nào đó, việc cung cấp không chỉ để đáp ứng nhu cầu – việc cung cấp tạo ra nhu cầu. Bởi có nhiều nhà cung cấp nổi lên và nhiều học sinh đăng ký học, khi ngày càng khó khăn để theo kịp các thủ thuật khi kiểm tra và các mánh lới học được từ những người bạn cùng lớp. Những học sinh không tìm kiếm việc học thêm bây giờ có thể làm như vậy để không mất lợi thế cạnh tranh. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc, và Thái Lan, các công ty thúc đẩy mối lo lắng của học sinh và các bậc phụ huynh thông qua các chiến dịch quảng cáo tích cực trên xe buýt cũng như các biển quảng cáo. Áp lực tương tự tồn tại khi các công ty nhỏ hơn cung cấp dịch vụ và khi các giáo viên đưa ra việc dạy thêm bổ sung cho các học sinh của mình.
(còn tiếp)

Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn