Thông tin giáo dục quốc tế số 7 (lưu hành nội bộ) (phần 11)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Chủ đề: Shadow education - Giáo dục trong bóng tối - Bản đồ toàn cảnh

  CUNG VÀ CẦU (tiếp)

Các kĩ năng và giá trị mở rộng

Tất nhiên, giáo dục không chỉ là các thành tích học tập. Nó bao gồm sự phát triển về thể chất thông qua thể thao; sự phát triển về thẩm mỹ thông qua âm nhạc và hội họa; và sự phát triển về xã hội thông qua các mối quan hệ với đồng nghiệp và những thành viên khác theo cấp độ địa phương, quốc gia và thậm chí toàn cầu. Định nghĩa về giáo dục trong bóng tối được thông qua trong nghiên cứu này không bao gồm các lĩnh vực phi học thuật, mặc dù ngành công nghiệp đang phát triển cung cấp cả việc dạy thêm trong lĩnh vực thể thao, âm nhạc, và thậm chí cả quan hệ giữa các cá nhân. Bản chất và ý nghĩa của ngành công nghiệp này xứng đáng có một nghiên cứu riêng, đặc biệt là cho sự phát triển tự nhiên của việc tuyển sinh đại học, mà trong đó hình thức điểm số kiểm tra cũng chỉ là một thành phần trong tổng số. Mặc dù vậy, sự mở rộng hình thức dạy thêm thường được quan sát với chi phí trong những lĩnh vực khác. Một nhà bình luận ở Hồng Kông, Trung Quốc (Liu 2010) đã bày tỏ quan điểm rằng:

Trong quá khứ, mục đích của giáo dục là nhằm truyền đạt kiến thức cho học sinh để chúng có thể phát triển được tài năng và những cá tính độc đáo của riêng mình. Chúng được hi vọng sẽ phát triển đạo đức ngay thẳng, có trách nhiệm và được tôn trọng. Tuy nhiên, các mục tiêu dường như có thay đổi, và hiện nay mục đích là kết quả kiểm tra tốt trong khi bỏ qua sự phát triển toàn diện của con người. Tôi nghĩ rằng thay đổi này là do xu hướng phát triển của các lớp học thêm… Chúng đã thành công trong việc biến giáo dục thành một loại hàng hóa. Xã hội hiện nay đang đánh đồng thành công với các kết quả điểm số tốt. Học sinh tìm kiếm các kĩ năng để làm bài kiểm tra tốt hơn là tham gia vào việc theo đuổi các kiến thức thực sự.

Hộp 6: Tìm kiếm gia sư chuẩn ở Singapore

 

Sự khó khăn mà các bậc phụ huynh phải đối mặt trong việc đánh giá chất lượng được minh họa bằng các mô hình ở Sing-ga-po. Các bậc phụ huynh phải dựa vào những lời bằng miệng hoặc qua quảng cáo để chọn lựa người dạy cho con cái mình.

 

Nhưng sự lựa chọn có thể là canh bạc đắt tiền. Ví dụ, sinh viên năm thứ 3 Tan Sing Wai, nói rằng anh đã có kinh nghiệm “không hiệu quả” về việc học thêm cá nhân. Trong suốt 2 năm cuối tiểu học, anh học gia sư môn toán trong khu trung tâm mua sắm bên cạnh nhà. Trung tâm này, trong đó có nửa tá cửa hàng tại Sing-ga-po, đã quảng cáo điểm số ấn tượng của khoảng 20 học sinh của nó trên các áp phích nổi bật được treo trong khu trung tâm mua sắm.

 

 “Quảng cáo làm cho mẹ tôi nghĩ chúng thực sự tốt”, Sing Wai nói. Tuy nhiên trong 2 năm, điểm số của anh vẫn ngoan cố không chịu nhúc nhích sau điểm B mà anh có khi bắt đầu học. Giáo viên của anh là một sinh viên mới tốt nghiệp làm công việc gia sư trong khi tìm kiếm một công việc toàn thời gian. Trong khi đó, chi phí 200$ Sing (150$ USD) mà cha mẹ anh trả hàng tháng cho công việc gia sư đều đặn. “Vào thời điểm chúng tôi nhận ra việc học thêm không đem lại hiệu quả, kì thi tốt nghiệp tiểu học (PSLE) đang ở gần kề và tôi không thể bị rớt”, anh nói.

 

Để dễ hiểu, Sing Wai quan tâm xem các trung tâm gia sư công khai tỷ lệ cải thiện cho tất cả các học sinh, bên cạnh những thành tích của những điểm số cá nhân ở tốp đầu. Anh bắt đầu tham gia một trung tâm khác, và trong vòng hơn một năm điểm toán của anh tăng vọt từ B3 lên A1.

Nguồn: Basu (2010)


Đặc biệt trong giáo dục phổ thông trung học, học sinh thường bỏ qua thể thao, âm nhạc và hội họa, và dành ít thời gian tập trung chú ý tới các vấn đề giữa các cá nhân. Kết quả là, năm 2010 một vài chính quyền ở các tỉnh Sri Lanka đã cấm việc dạy thêm - học thêm của học sinh giữa độ tuổi 5 đến 16 trong thời gian từ 8 giờ sáng đến 2 giờ chiều ngày Chủ nhật và hàng tháng vào ngày Phật giáo được biết đến như Ngày Poya (Jayamanne 2010).

Ở khía cạnh tích cực, việc học thêm có thể giúp trẻ em phát triển lòng tự trọng và cảm giác thành công. Những đứa trẻ học chậm có thể theo kịp những bạn cùng lớp, và những đứa trẻ học nhanh có thể kéo dài việc học của mình hơn nữa. Các hình thức nhất định của việc dạy thêm – học thêm có thể cung cấp một nền giáo dục toàn diện hơn; và học thêm có thể thúc đẩy thói quan học mà trong đó nhấn mạnh sự quan trọng của việc học tập và ý thức kỷ luật. Phong trào học Juku của Nhật Bản là một phần của cấu trúc xã hội trong đó nhấn mạnh sự siêng năng và học tập, do đó đã trở thành một phần quan trọng đối với sự thành công của nền kinh tế nước này (Dierkes 2011). Nhận xét tương tự có thể được thực hiện về các tổ chức dạy thêm ở Hàn Quốc (The Economist 2011), và có lẽ cả ở Singapore và Đài Bắc, Trung Quốc.

Mặt khác ở một số quốc gia quan tâm đến tham nhũng. Một báo cáo ở Việt Nam (Vu et al.2011:20) lưu ý rằng những giáo viên mở các lớp dạy cá nhân cho học sinh mà họ có trách nhiệm giảng dạy ở trường thường tiết lộ các câu hỏi kiểm tra tại các lớp học thêm. Báo cáo cũng chỉ ra (trang 20) rằng các lớp học thêm cá nhân “rõ ràng làm hỏng tính công bằng và sự đánh giá đúng khả năng của học sinh”. Ở Trung Quốc, giáo viên bị cấm dạy thêm cho những học sinh họ đứng lớp, nhưng thay vào đó họ thường tham gia vào các hệ thống giới thiệu mà thông qua đó một giáo viên gửi các học sinh của mình cho một đồng nghiệp để trao đổi với giáo viên đó việc gửi học sinh trở lại. Các học sinh có thể biết điều đó, và vì vậy học sinh từ một giai đoạn rất sớm của cuộc đời đã có cách nhìn của mình về các giáo viên của họ - những người đáng lẽ là những người cha mẹ thứ hai có vai trò như những hình mẫu lý tưởng về việc kết nối và uốn cong các quy tắc (Zhang 2012).

Ở một số nước khác ở Châu Á có các tiêu chuẩn đạo đức mạnh mẽ hơn, và các hình thức của tham nhũng là hiếm thấy ở Hồng Kông, Trung Quốc; Nhật Bản; Hàn Quốc và Singapore. Tuy nhiên, kể cả trong những xã hội này các bậc phụ huynh và những người khác cũng lo lắng về những giá trị bị thúc đẩy bởi việc học thêm – dạy thêm. Ví dụ, ở Hồng Kông, Trung Quốc, một cách mà thông qua đó các gia sư “ngôi sao” thu hút học sinh là sử dụng từ vựng trong lớp học để lôi cuốn học sinh mà những từ này không thích hợp trong trường học. Các gia sư “ngôi sao” cũng có cách sống rất hào nhoáng. Một tờ báo tiếng Anh lớn ở Hồng Kông, the South China Morning Post (2010:A10) đã chỉ ra các gia sư “tự hào về địa vị triệu phú của mình, và duy trì một nền văn hóa thanh thiếu niên tự hào về điểm số kiểm tra cao hơn là kiến thức thực sự”. Tờ báo còn bổ sung:

Thật không may, rất nhiều bạn trẻ tìm đến họ như một hình mẫu lý tưởng, hoặc ít nhất ngưỡng mộ sức mạnh kiếm tiền của họ. Những gì không nên được chấp nhận rõ ràng đã trở nên được chấp nhận hoặc thậm chí trở thành một phần không thể thiếu trong việc giảng dạy ở Hồng Kông.

Những tình trạng như vậy cũng được lặp lại tại Bangkok, Colombo, thành phố Đài Bắc, và ở một số khu vực khác nơi hiện tượng “gia sư ngôi sao” xuất hiện.
(còn tiếp)

Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn