Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 130

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 130, tháng 7 năm 2016

 NGHIÊN CỨU LÍ LUẬN

1. Phạm Minh Hạc. Tâm lí học và vấn đề bạo lực học đường 
     Bạo lực học đường luôn là vấn đề gây nên nhiều bức xúc và là mối quan tâm, lo ngại của cả cộng đồng. Đây không chỉ là một vấn đề xã hội, vấn đề giáo dục, mà còn là một vấn đề tâm lí học. Dưới góc độ nghiên cứu tâm lí học, tác giả phân tích rõ thực trạng, nguyên nhân của vấn đề bạo lực học đường. Theo tác giả bài viết, tâm lí học giá trị và giáo dục giá trị có thể đóng góp như là một giải pháp tối ưu giúp học sinh tiếp thu giá trị của loài người (tính người) và giá trị dân tộc (tự tôn dân tộc), giá trị gia đình (con ngoan, trò giỏi), giá trị cộng đồng thành giá trị bản thân. Mỗi học sinh cần hiểu và quý trọng chính bản thân mình, có mối quan hệ tốt với mọi người xung quanh và coi hoạt động học tập thực sự là hoạt động chủ đạo, đồng thời cần tích cực tham gia các hoạt động ngoài nhà trường.
     Từ khóa: Bạo lực học đường; tâm lí học; tâm lí học giá trị; học sinh.
2. Nguyễn Tiến Hùng. Giáo dục công dân toàn cầu
     Bài viết đề cập đến vấn đề giáo dục công dân toàn cầu và một số cách tiếp cận chính để phát triển giáo dục công dân toàn cầu. Theo tác giả bài viết, mục đích của giáo dục công dân toàn cầu nhằm xây dựng ý thức phụ thuộc lẫn nhau trong một cộng đồng toàn cầu. Thực tế cho thấy, giáo dục công dân toàn cầu đã, đang và sẽ trở thành xu thế bắt buộc trên thế giới, giáo dục công dân toàn cầu đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho người học các năng lực đương đầu với thế giới năng động và phụ thuộc lẫn nhau của thế kỉ XXI.
     Từ khóa: Giáo dục; công dân toàn cầu; giáo dục công dân toàn cầu.
3. Nguyễn Thị Toan, Nguyễn Thị Hồng Vân. Về các khái niệm công cụ trong xây dựng triết lí giáo dục Việt Nam hiện đại
     Đi từ việc phân tích các quan niệm khác nhau về khái niệm “triết lí” - “triết học”, “triết lí giáo dục” - “triết học giáo dục”, bài viết so sánh sự giống và khác nhau giữa hai cặp khái niệm này. Từ đó, hình thành cơ sở khoa học cho việc xây dựng triết lí giáo dục Việt Nam hiện đại. Đó phải là triết lí ở tầm lí luận với hệ khái niệm công cụ chuẩn xác, giúp nền giáo dục thoát khỏi vòng luẩn quẩn, bế tắc để hoạt động tự giác, có phương hướng, có năng lực bứt phá trong tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
     Từ khóa: Triết lí giáo dục; triết học giáo dục; triết lí giáo dục Việt Nam hiện đại.
4. Đỗ Ngọc Thống. Phát triển năng lực đọc, viết cho học sinh phổ thông - trách nhiệm chung của các môn học và phương hướng đào tạo giáo viên
     Biết đọc, biết viết là một trong những nhu cầu giao tiếp thiết yếu, cần có của mỗi con người. Việc phát triển năng lực đọc, viết cho học sinh phổ thông là trách nhiệm chung của các môn học và phương hướng đào tạo giáo viên. Tác giả bài viết cho rằng, cần tiến hành đổi mới đồng bộ trên nhiều bình diện, trong đó việc thay đổi nhận thức và trình độ của giáo viên là trọng yếu. Vấn đề được đặt ra ở đây liên quan đến công tác bồi dưỡng và đào tạo của các nhà trường sư phạm. Trước hết, cần làm cho tất cả mọi giáo viên nhận thức rõ việc phát triển năng lực đọc, viết cho học sinh trong nhà trường phổ thông là nhiệm vụ chung. Môn Ngữ văn có trọng trách chính, nhưng tất cả các môn học và các hoạt động giáo dục khác đều phải cùng gánh vác, chia sẻ.
     Từ khóa: Năng lực đọc, viết; học sinh phổ thông; văn bản; giáo viên.
5. Nguyễn Thanh Bình. Nhu cầu được bồi dưỡng năng lực chủ nhiệm của giáo viên trung học
     Bài viết phản ánh nhu cầu bồi dưỡng năng lực cần có của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm bậc Trung học trên địa bàn Hà Nội trên cơ sở hệ thống các năng lực thành phần đáp ứng đổi mới giáo dục phổ thông. Nội dung chương trình bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm sẽ bao gồm hệ thống ngân hàng các chủ đề được thiết kế theo tiếp cận năng lực thực hiện để họ có thể tự chọn những chủ đề bù đắp những năng lực cần thiết của bản thân. Để đạt được mục tiêu là phát triển năng lực cho giáo viên chủ nhiệm cần phối hợp những hình thức bồi dưỡng đa dạng phù hợp với nhu cầu, điều kiện của mỗi giáo viên, đồng thời cần tạo ra động lực tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ liên tục ở mỗi giáo viên để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
     Từ khóa: Nhu cầu được bồi dưỡng; năng lực chủ nhiệm; giáo viên; trung học.
6. Nguyễn Thị Hiền, Nile Stanley. Ảnh hưởng của truyện kể thời thơ ấu đến sự hình thành và phát triển tính kiên cường của sinh viên đại học
     Thông qua việc tìm hiểu sự đồng nhất và khác biệt có ý nghĩa thống kê về trải nghiệm tuổi thơ với truyện kể cùng những ảnh hưởng của nó đến tính kiên cường của sinh viên sư phạm đến từ bốn quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Đức và Mĩ. Bài viết chỉ ra những yếu tố văn hóa ảnh hưởng đến việc sử dụng truyện kể trong dạy học, giáo dục và cuộc sống hàng ngày của sinh viên; đồng thời phân tích một số yếu tố nhằm nâng cao ý thức, nhận thức của sinh viên sư phạm, các nhà sư phạm, các nhà nghiên cứu và phụ huynh về vai trò của truyện kể - với tư cách là một trong những phương tiện hữu ích góp phần hình thành tính kiên cường cho cá nhân. 
     Từ khóa: Truyện kể thời thơ ấu; tính kiên cường; sinh viên; đại học.
7. Đỗ Đình Thái. Thông tin về hoạt động đảm bảo chất lượng trong trường đại học
     Bài báo trình bày sự thông tin về hoạt động (HĐ) đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong trường đại học (ĐH) qua hai nội dung: Mức độ phổ biến các HĐ ĐBCL đến cán bộ, giảng viên, sinh viên (SV) trong trường; Nguồn thông tin về HĐ ĐBCL mà cán bộ, giảng viên và SV biết được các HĐ ĐBCL trong trường. Qua đó, nghiên cứu làm cơ sở để các trường ĐH tham khảo, phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm yếu từ các HĐ ĐBCL, các nguồn thông tin về HĐ ĐBCL tạo nên các giá trị nhận thức, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa chất lượng (VHCL).
     Từ khóa: Đảm bảo chất lượng; đại học; văn hóa chất lượng.
8. Phan Trọng Nam, Danh Trung. Phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên sư phạm - tiền đề nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giáo viên trung học phổ thông
     Bài viết tiến hành đánh giá thực trạng hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên sư phạm Trường Đại học Đồng Tháp và nguyên nhân của tồn tại. Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, sinh viên sư phạm phải được đào tạo, bồi dưỡng phát triển đầy đủ các phẩm chất, năng lực nghề nghiệp của người giáo viên trung học phổ thông, trong đó có năng lực nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đánh giá các biểu hiện trong năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên sư phạm và các yếu tố ảnh hưởng, bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
     Từ khóa: Năng lực; sinh viên sư phạm; nghiên cứu khoa học; giáo viên trung học phổ thông.
9. Nguyễn Nam Phương. Kĩ năng đưa thông tin phản hồi cho sinh viên - thành tố quan trọng trong năng lực đánh giá của giảng viên đại học hiện nay 
     Với yêu cầu về nguồn nhân lực hiện nay, vấn đề xác định hệ thống năng lực dạy học (NLDH) cho giảng viên đại học là vấn đề cấp thiết. Bài viết đề cập đến một số vấn đề lí luận và thực tiễn về kĩ năng (KN) đưa phản hồi trong đánh giá (ĐG) như khái niệm, phân loại, kĩ thuật thực hiện. Từ đó, nêu một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của phản hồi và KN đưa phản hồi, góp phần phát triển năng lực (NL) ĐG nói riêng, NLDH nói chung cho giảng viên đại học.
     Từ khóa: Kĩ năng; phản hồi; năng lực đánh giá; sinh viên; giảng viên đại học.
10. Nguyễn Yên Thắng. Quản lí ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trường đại học
     Bài viết sẽ làm rõ những cơ sở lí luận về công tác quản lí ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở đại học trên các khía cạnh: Cơ sở pháp lí, các yếu tố ảnh hưởng và nội dung cần chú ý trong công tác quản lí ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tại các trường đại học. Tăng cường quản lí ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở trường đại học tạo một bước chuyển cơ bản nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy để phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
     Từ khóa: Quản lí; công nghệ thông tin; dạy học; trường đại học.
11. Nguyễn Việt Dũng. Google apps for education - Bộ công cụ “đám mây” hữu ích dành cho giáo dục
     Bài viết giới thiệu tổng quan về Google Apps for Education và những ưu điểm nổi bật mà bộ công cụ này mang lại cho giáo dục. Đồng thời, trình bày về tính năng của một số ứng dụng tiêu biểu nằm trong bộ công cụ nêu trên. Qua đó cho thấy Google Apps for Education giúp đem lại hiệu quả tích cực với hoạt động đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả, chất lượng dạy và học tại các nhà trường, cơ sở giáo dục.
     Từ khóa: Google Apps for Education; điện toán đám mây; giáo dục.
12. Nguyễn Thị Luyến, Nguyễn Hải Hà. Tự học môn Địa lí ở trường trung học phổ thông
     Hiện nay, trong các trường phổ thông, phần lớn học sinh (HS) còn thụ động trong việc tiếp nhận tri thức. Phương pháp tự học (PPTH) của HS có vai trò quan trọng đối với yêu cầu đổi mới giáo dục (GD) và đào tạo (ĐT), nâng cao chất lượng ĐT tại các trường phổ thông. Đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) theo hướng tự học, tích cực hóa người học sẽ phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo trong việc lĩnh hội tri thức khoa học, rèn luyện ý chí và năng lực (NL) hoạt động độc lập sáng tạo của người học.
     Từ khóa: Phương pháp tự học; môn Địa lí; học sinh; trung học phổ thông.
13. Vũ Ngọc Hưng. Đặc trưng của hình tượng nhân vật trong truyện ngắn và những định hướng trong dạy học ở trường trung học phổ thông
     Để dạy học truyện ngắn được hiệu quả, ngoài việc dựa vào những dấu hiệu thi pháp thể loại, giáo viên cần định dạng và khu biệt được đặc trưng cơ bản của hình tượng nhân vật trong sự đối sánh với các thể loại văn học khác. Thông qua hệ thống chi tiết, tình huống truyện cùng các phương tiện nghệ thuật trong thi pháp truyện ngắn, giáo viên có thể thiết kế dạy học tác phẩm để quá trình tiếp nhận đúng hướng và hiệu quả.
     Từ khóa: Hình tượng nhân vật; truyện ngắn; dạy học.
14. Lê Thị Phượng. Nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng của học sinh trung học phổ thông và tích hợp giáo dục chế dộ dinh dưỡng hợp lí trong dạy học môn Sinh học 10 nâng cao
     Dinh dưỡng là vấn đề quan trọng vào bậc nhất trong cuộc sống của mỗi con người. Học sinh trung học phổ thông đang trong thời kì đạt được sự trưởng thành về thể chất. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển của cơ thể. Việc giáo dục sức khỏe và chế độ dinh dưỡng ở trường trung học phổ thông hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Bài viết đưa ra một số nội dung có thể tích hợp giáo dục chế độ dinh dưỡng như kiến thức trong các chương: Thành phần hóa học của tế bào, Chuyển hóa vật chất và năng lượng trong tế bào... cùng quy trình tích hợp các nội dung này trong dạy học Sinh học 10 nâng cao. Giáo viên có thể dựa vào một số nội dung và quy trình tích hợp đã đề xuất trên đây để soạn các giáo án tích hợp nhằm nâng cao ý thức của học sinh trung học phổ thông trong việc bảo vệ sức khỏe thông qua các bài học môn Sinh học.
     Từ khóa: Môn Sinh học; dinh dưỡng;  học sinh; trung học phổ thông.
15. Lại Phương Liên, Nguyễn Thế Hưng. Xác định nội dung cốt lõi trong dạy học môn Sinh học
     Xác định nội dung cốt lõi trong dạy học nói chung và dạy học môn Sinh học nói riêng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người học phát triển các kĩ năng như kĩ năng phân tích, so sánh, v.v. Kiến thức cốt lõi trong dạy học môn Sinh học được xác định gồm bốn nội dung cơ bản: Các quy luật sinh học cơ bản của sinh giới; hệ thống nhóm đối tượng của sinh giới; các dấu hiệu đặc trưng cơ bản của sinh giới và các cấp độ tổ chức cơ bản của sinh giới. Bài viết giới thiệu quy trình xác định nội dung cốt lõi trong dạy học môn Sinh học phổ thông, dựa trên tiếp cận hệ thống và tiếp cận cấu trúc - chức năng, với những ví dụ minh họa cụ thể. Trong đó, để xác định nội dung cốt lõi, người học cần xác định được các đặc điểm, cấu trúc và quy luật riêng của sinh giới: Xác định các dấu hiệu đặc trưng của sinh giới; xác định các quy luật sinh học cơ bản của sinh giới; xác định hệ thống nhóm đối tượng của sinh giới; xác định các cấp độ tổ chức cơ bản của sinh giới.
     Từ khóa:  Môn Sinh học; nội dung cốt lõi; học sinh.
16. Võ Văn Thông. Quy trình dạy học tìm tòi - nghiên cứu bài thí nghiệm thực hành vật lí ở trường trung học cơ sở
     Dạy học tìm tòi - nghiên cứu là phương pháp dạy học tiếp cận phương pháp nghiên cứu của các nhà khoa học, giáo viên tổ chức cho học sinh hoạt động nhận thức theo logic của tiến trình nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm quá trình nghiên cứu khoa học. Dạy học tìm tòi - nghiên cứu giúp học sinh được trải nghiệm nhận thức về vấn đề nghiên cứu, đề xuất dự đoán, làm thí nghiệm kiểm tra thực thụ như các nhà khoa học để xây dựng kiến thức cho mình dưới sự giúp đỡ khi cần thiết của giáo viên. Bài viết đã làm rõ khái niệm; hoạt động đặc trưng của giáo viên của học sinh; các giai đoạn của tiến trình dạy, cấu trúc, mức độ dạy bài thí nghiệm thực hành theo hình thức tổ chức hoạt động về tìm tòi - nghiên cứu vật lí trung học cơ sở. 
     Từ khóa: Thí nghiệm thực hành; vật lí; dạy học tìm tòi, trường trung học cơ sở.
17. Lê Thị Thu Hương, Trịnh Thị Phương Thảo, Đặng Thị Thủy. Rèn luyện kĩ năng lập đề toán có lời văn cho học sinh tiểu học
     Trong chương trình giảng dạy toán tiểu học hiện nay chưa thật sự quan tâm đến việc khuyến khích học sinh tự đặt đề toán để giải, đặc biệt là trong những đề toán có lời văn. Chính vì vậy, nội dung bài viết đi vào phân tích về vấn đề rèn luyện kĩ năng lập đề toán có lời văn cho học sinh tiểu học. Kĩ năng lập đề toán có lời văn là một trong những kĩ năng quan trọng cần được rèn luyện và hình thành cho giáo viên và học sinh tiểu học để đáp ứng tốt yêu cầu của định hướng đổi mới giáo dục tiểu học sau năm 2018. Bài viết đề cập đến vai trò và ý nghĩa của hoạt động tự lập đề toán và một số yêu cầu đối với học sinh và giáo viên. Trên cơ sở đó, đề xuất hai nhóm biện pháp phát triển kĩ năng lập đề toán có lời văn ở tiểu học. Đó là lập đề toán dựa vào điều kiện sẵn có và sáng tạo đề toán hoàn toàn mới. 
     Từ khóa: Kĩ năng lập đề toán; giải toán có lời văn; thiết kế đề toán; môn Toán; tiểu học.
18. Đỗ Thị Thảo, Hà Thị Mai Hoa. Giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ trong trường mầm non hòa nhập
     Kĩ năng xã hội (KNXH) là một trong những hạn chế chính của trẻ rối loạn phổ tự kỉ (RLPTK) và là mục tiêu của các phương pháp can thiệp. Bài viết khái quát về nội dung chương trình, các phương pháp và hình thức giáo dục KNXH cho trẻ RLPTK trong trường mầm non hòa nhập. Chương trình dạy KNXH cho trẻ RLPTK cần giải quyết các kĩ năng tương tác qua lại, khởi xướng quá trình xã hội hóa, giảm thiểu hành vi hoặc duy trì tình huống giao tiếp, phản ứng giao tiếp phù hợp.
     Từ khóa: Giáo dục; kĩ năng xã hội; rối loạn phổ tự kỉ; trường mầm non hòa nhập. 
19. Nguyễn Minh Thơ. Quản lí chất lượng đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo hướng chuẩn hóa
     Chất lượng (CL) của lực lượng lao động (LĐ) ngành Du lịch vẫn còn thiếu sót, tạo ra những thách thức lớn đối với sự phát triển du lịch của nước ta trong bối cảnh toàn cầu hóa. Thực hiện mô hình CIPO, bài viết đề xuất mô hình quản lí (QL) CL đào tạo (ĐT) với tiêu chuẩn hóa theo định hướng. Nó bao gồm: QL đầu vào theo hướng chuẩn hóa, QL quá trình ĐT, sản lượng QL/kết quả với tiêu chuẩn hóa theo định hướng trong việc phát triển khoa học công nghệ và bối cảnh toàn cầu hóa. Việc nâng cao CL ĐT nhân lực (ĐTNL) đưa ngành Du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và đủ sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.
     Từ khóa: Nguồn nhân lực; quản lí chất lượng đào tạo; ngành Du lịch; chuẩn hóa.
20. Vũ Thị Minh Tâm.  Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng một xã hội học tập nhằm thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục
     Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đào tạo, xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Chủ trương này là sự kế thừa sâu sắc quan điểm xây dựng một nền giáo dục toàn dân, một xã hội học tập để mọi người đều được học hành, đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp nhận kiến thức cho tất cả mọi người của chủ tịch Hồ Chí Minh. Để thực hiện mục tiêu đó, chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, một mặt, phải xoá nạn mù chữ, mở rộng quy mô, đa dạng hoá các loại hình trường lớp…Mặt khác, Người nhấn mạnh, chăm lo cho giáo dục là trách nhiệm của toàn thể xã hội, các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội, gia đình, nhà trường…Thực tiễn sự nghiệp giáo dục của Việt Nam với những thành tựu và hạn chế cho thấy cần phải tiếp tục nghiên cứu toàn diện hơn nữa quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề này.
     Từ khoá: Giáo dục; công bằng xã hội; xã hội học tập.
 
NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN GIÁO DỤC
21. Trần Huy Hoàng, Nguyễn Thị Thu Mai, Nguyễn Thị Thanh Thủy, Mai Thị Khuyên. Dịch vụ giáo dục công bậc Mầm non và sự hài lòng của cha mẹ học sinh tại một số trường mầm non công lập thành phố Hà Nội
     Giáo dục mầm non luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Việc đánh giá dịch vụ giáo dục mầm non công lập không chỉ cần được thực hiện từ phía các đơn vị quản lí và cung cấp dịch vụ mà đòi hỏi phải có đánh giá từ cả cha mẹ học sinh. Bài viết cung cấp thông tin đánh giá của cha mẹ học sinh mầm non (địa bàn quận Ba Đình và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) và mức độ hài lòng của họ về 05 yếu tố của dịch vụ giáo dục mầm non: Tiếp cận dịch vụ giáo dục; Cơ sở vật chất của nhà trường; Môi trường chăm sóc và giáo dục trẻ; Hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ; Kết quả chăm sóc và giáo dục trẻ.
     Từ khóa: Dịch vụ giáo dục công; hài lòng; cha mẹ học sinh;trường mầm non công lập.
22. Nguyễn Minh Tường. Quản lí đội ngũ giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
     Quản lí đội ngũ giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ cần được triển khai đồng bộ từ quy hoạch đến tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, kiểm tra và thực hiện chế độ, chính sách. Việc quản lí đội ngũ giáo viên cần chú ý đến vấn đề tạo môi trường nghề nghiệp để giáo viên trường chuyên phát huy được khả năng tự học, tự nghiên cứu, ứng dụng tri thức tiên tiến, gắn kết lí luận với thực tiễn của Việt Nam và thế giới. Nhờ vậy, trường trung học phổ thông chuyên mới đủ điều kiện để hoàn thành sứ mệnh đào tạo nhân tài.
     Từ khóa: Quản lí; đội ngũ giáo viên; trường trung học phổ thông chuyên; đổi mới giáo dục.
23. Nguyễn Ngọc Trang. Vận dụng dạy học dựa vào dự án trong đào tạo theo tiếp cận CDIO ngành Công nghệ thông tin ở các trường cao đẳng tại Thành phố Hồ Chí Minh
     Đề xướng CDIO (Conceiving - Designing - Implementing - Operating; Hình thành ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành) là một dự án quốc tế lớn nhằm cải cách chương trình đào tạo kĩ thuật trong giáo dục đại học. Tác giả trình bày các tiêu chuẩn của CDIO; đề xuất hướng vận dụng dạy học dựa vào dự án trong đào tạo ngành công nghệ thông tin trình độ cao đẳng theo định hướng tiếp cận CDIO nhằm phát triển năng lực người học; năng lực của sinh viên cao đẳng kĩ thuật ngành Công nghệ thông tin theo tiêu chuẩn Hội đồng kiểm định các chương trình đào tạo khối kĩ thuật và công nghệ ABET (Accreditation Board for Engineering and Technology). ABET  là một tổ chức của Mĩ có uy tín trên thế giới, chuyên kiểm định chất lượng chương trình giảng dạy khối kĩ thuật, công nghệ, khoa học ứng dụng và điện toán có uy tín trên thế giới.
     Từ khóa: Dạy học dựa vào dự án; tiếp cận CDIO; công nghệ thông tin; trường cao đẳng.
24. Nguyễn Thị Hòa. Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục ở Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên
     Tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục rất quan trọng đối với việc đảm bảo và nâng cao chất lượng, là khâu đầu tiên trong quy trình kiểm định. Tự đánh giá giúp nhà trường tự rà soát, đánh giá thực trạng tất cả các mặt hoạt động, qua đó thấy được những mặt mạnh, mặt yếu có kế hoạch điều chỉnh. Bài viết đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục ở Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên trên cơ sở kết quả nghiên cứu về công tác tự đánh giá của nhà trường. 
     Từ khóa: Tự đánh giá; kiểm định chất lượng giáo dục; Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên.
25. Trần Xuân Bộ. Thực trạng vận dụng dạy học hợp tác vào dạy học môn Toán của đội ngũ giáo viên tiểu học tỉnh Tuyên Quang 
     Đội ngũ giáo viên là một trong những tác nhân quan trọng có tính chất quyết định đến chất lượng dạy học nói chung, dạy học môn Toán ở tiểu học nói riêng. Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư từ nhiều phía và sự nỗ lực của ngành Giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học của tỉnh Tuyên Quang đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng. Bài viết tổng hợp và phân tích các số liệu điều tra về thực trạng vận dụng dạy học hợp tác vào dạy học môn Toán ở trường tiểu học tỉnh Tuyên Quang, từ đó đưa ra một số đề xuất để nâng cao năng lực vận dụng dạy học hợp tác vào dạy học môn Toán cho đội ngũ giáo viên tiểu học tỉnh Tuyên Quang.
     Từ khóa: Dạy học hợp tác; môn Toán; giáo viên; tiểu học.
26. Nguyễn Thị Xuân Huyền, Nguyễn Thụ Túy, Hà Ngọc Vở. Thực trạng công tác giáo dục thể chất của học sinh Trường Trung học Giao thông Vận tải Hải Phòng
     Giáo dục thể chất là một mặt của giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên. Trong nhà trường, giáo dục thể chất là một phương tiện có hiệu quả để phát triển hài hoà, cân đối hình thể, nâng cao năng lực thể chất và các tố chất thể lực cho học sinh sinh viên. Nhận thức được vai trò quan trọng của giáo dục thể chất, tác giả đã khảo sát thực trạng công tác giáo dục thể chất, đánh giá hiệu quả tập luyện và sự phát triển thể chất của học sinh Trường Trung học Giao thông Vận tải Hải Phòng, từ đó đặt ra yêu cầu bức thiết đối với bộ môn Giáo dục thể chất của nhà trường.
     Từ khóa: Giáo dục thể chất; học sinh; Trường Trung học Giao thông Vận tải.
27. Nguyễn Quốc Đạt. Một số yêu cầu về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cộng tác viên hướng dẫn lâm sàng tại các trường đại học Y của Việt Nam
     Cộng tác viên hướng dẫn lâm sàng là đội ngũ người lao động có tính chất đặc thù, vừa là thầy thuốc vừa là thầy giáo. Chính vì vậy có nhiều vấn đề đặt ra cho công tác quản lí cộng tác viên hướng dẫn lâm sàng, đặc biệt là phát triển đội ngũ này đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đảm bảo về chất lượng. Bài viết tập trung phân tích một số yêu cầu về phẩm chất và năng lực của đội ngũ cộng tác viên hướng dẫn lâm sang tại các trường đại học y của Việt Nam.
     Từ khóa: Phẩm chất; năng lực; cộng tác viên hướng dẫn lâm sàng; trường đại học y.
28. Nguyễn Thị Huyền. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cho giáo sinh các trường trung cấp sư phạm mầm non khi dạy môn Giáo dục học mầm non
     Đối với giáo dục đại học Việt Nam, phát triển năng lực người học được xem là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tác giả bài viết đề xuất một số biện pháp phát triển năng lực người học thông qua đổi mới phương pháp dạy học; sử dụng những kĩ thuật dạy học mới theo hướng phát triển năng lực cho giáo sinh các trường trung cấp sư phạm mầm non khi dạy môn Giáo dục học mầm non. 
     Từ khóa: Đổi mới, phương pháp dạy học, phát triển năng lực, môn Giáo dục học mầm non.
 
NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC DÂN TỘC 
29. Nguyễn Thị Phương Thảo. Phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số trong bối cảnh đổi mới giáo dục
     Trẻ mầm non người dân tộc thiểu số còn thiếu vốn từ tiếng Việt để giao tiếp, vui chơi, sinh hoạt và học tập ở nhà trường. Trẻ quá nghèo nàn về môi trường sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt ở gia đình và cộng đồng. Tiếng Việt hầu như chỉ được sử dụng trong các giờ học. Ngoài giờ học, trẻ đều giao tiếp với nhau bằng tiếng mẹ đẻ. Bài viết tập trung trình bày về việc phát triển ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số trong bối cảnh đổi mới giáo dục.
     Từ khóa: Ngôn ngữ tiếng Việt; trẻ mầm non; dân tộc thiểu số; đổi mới giáo dục.
30. Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên tiểu học vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh đổi mới giáo dục
     Hoạt động tự bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên nói chung, giáo viên tiểu học vùng dân tộc thiểu số nói riêng giữ vị trí then chốt nhằm hoàn thiện và phát triển năng lực của giáo viên, đồng thời là điều kiện cần và đủ cho việc thực hiện tốt các yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp. Bài viết trình bày một số nội dung sau: Thực trạng về đội ngũ giáo viên cấp Tiểu học vùng dân tộc; Hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên; Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động tự bồi dưỡng; Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tự bồi dưỡng cho giáo viên vùng dân tộc thiểu số.
     Từ khóa: Hoạt động tự bồi dưỡng; giáo viên; tiểu học; vùng dân tộc thiểu số; đổi mới giáo dục. 
31. Phạm Hoàng Minh.  Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
     Bài viết mô tả một phần kết quả khảo sát của “Đề án Xóa đói giảm nghèo tỉnh Kiên Giang năm 2015”. Kết quả khảo sát đã chỉ ra được những đặc trưng của người Khmer ở tỉnh Kiên Giang, về giáo dục cho đồng bào người Khmer, đời sống, lao động và việc làm, nguyên nhân nghèo, đói của người Khmer, thực trạng đào tạo nghề và tạo việc làm và những giải pháp phát triển đào tạo nghề và tạo việc làm cho người Khmer tỉnh Kiên Giang. Kết quả khảo sát đã chứng minh rằng; để đào tạo nghề tạo việc làm cho người Khmer có hiệu quả, trước hết cần nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên dạy nghề và có chính sách phù hợp trên cơ sở những đặc trưng của người Khmer ở tỉnh Kiên Giang.
     Từ khóa: Đào tạo nghề; tạo việc làm; xóa đói giảm nghèo; người Khmer.
 
NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
32. Phạm Đức Quang, Nguyễn Thế Sơn. Xu thế tích hợp chương trình giáo dục phổ thông  trên thế giới
     Tích hợp chương trình giáo dục giúp cho các nội dung học tập xích lại, gần với cuộc sống của con người, gắn với cuộc sống lao động, khác hẳn với môi trường khi họ đang học ở trường. Đến nay, nhiều nước đã nỗ lực thực hiện tích hợp chương trình giáo dục và bước đầu có thành công. Ở Việt Nam, tích hợp trong dạy học đã xuất hiện từ rất lâu nhưng trước đây không dùng chính xác thuật ngữ “tích hợp”. Hơn nữa, tích hợp cũng chưa được hiểu một cách thấu đáo, thống nhất, mới chỉ dừng ở mức hiểu tích hợp như là sự kết nối, liên hệ, lồng ghép các vấn đề gần nhau. Vì vậy, tìm hiểu về tích hợp chương trình giáo dục để có cách hiểu thống nhất và có thể triển khai ở nước ta là điều cần thiết. Bài viết tổng thuật về xu thế tích hợp, các mô hình tích hợp trong giáo dục qua nghiên cứu của một số nhà khoa học hay chương trình giáo dục ở trên thế giới. 
     Từ khóa: Tích hợp; chương trình; giáo dục phổ thông; thế giới.
33. Nguyễn Văn Cường. Một số quan điểm phát triển chương trình dạy học từ chương trình khung mới của Berlin và Brandenburg - Cộng hòa liên bang Đức
     Chương trình dạy học hiện đại là chương trình định hướng năng lực, định hướng chuẩn, tích hợp, liên môn và giáo dục phân hóa hướng tới giáo dục hòa nhập. Chương trình dạy học hiện đại cần cân bằng giữa hệ thống kiến thức khoa học chuyên môn và kiến thức liên môn. Chương trình dạy học các môn học cần góp phần phát triển các năng lực chung và các năng lực đặc thù bộ môn. Trong bài, tác giả phân tích hệ thống chương trình dạy học khung từ lớp 1 đến lớp 10 mới ban hành của hai bang Berlin và Brandenburg, Cộng hòa Liên bang Đức. Nghiên cứu các chương trình dạy học trong bối cảnh quốc tế, có thể giúp chúng ta rút ra được những quan điểm lí luận về phát triển chương trình, tránh lặp lại những sai lầm sẽ có ý nghĩa cho việc xây dựng chương trình giáo dục ở Việt Nam trong giai đoạn đổi mới giáo dục hiện nay.
     Từ khóa: Chương trình dạy học; chương trình khung; phát triển chương trình; phát triển năng lực.