Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 105

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 105, tháng 6/2014

NGHIÊN CỨU
1. Phạm  Đỗ Nhật Tiến.
Một số giải pháp xây dựng giáo dục mở ở nước ta
     Bài viết đề cập đến vấn đề xây dựng giáo dục mở ở nước ta. Trong bài, tác giả trình bày: 1/Tác động của giáo dục mở đối với việc học suốt đời; 2/ Các rào cản trên con đường xây dựng giáo dục mở nói chung và ở nước ta nói riêng; 3/ Một số giải pháp xây dựng giáo dục mở ở nước ta, đó là: Giải pháp nâng cao nhận thức về giáo dục mở; Giải pháp xây dựng và phát triển chính sách về giáo dục mở; Giải pháp phát triển các tài nguyên giáo dục mở OER; Giải pháp phát triển các tài liệu giáo khoa mở.Theo tác giả bài viết, các giải pháp này không khó khăn và tốn kém, điều quan trọng là quyết tâm và nhất quán trong thực hiện.
2. Nguyễn Thị Hạnh.
Xác định tiêu chí mô tả phương thức đánh giá kết quả giáo dục thể hiện trên sách giáo khoa ở Việt Nam sau 2015
     Theo tác giả bài viết, ngoài chức năng thể hiện mục tiêu, bám sát chương trình giáo dục, SGK còn có chức năng hỗ trợ phương pháp dạy và học, hỗ trợ hoạt động đánh giá (ĐG) kết quả giáo dục (KQGD). Để làm tốt chức năng hỗ trợ hoạt động ĐG KQGD, SGK cần thể hiện phương thức ĐG KQGD. Trong bài, tác giả trình bày cụ thể các tiêu chí mô tả phương thức ĐG KQGD thể hiện trong SGK đã có ở nước ngoài và ở nước ta, từ đó góp phần biên soạn SGK theo quan điểm phát triển năng lực người học trong tương lai gần (sau 2015) ở Việt Nam.
3. Trần Đình Tuấn.
Đổi mới mục tiêu giáo dục trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
     Theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo hiện nay là “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”. Mục tiêu “Phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” được thực hiện trong điều kiện sư phạm, tuân theo quy luật hình thành, phát triển nhân cách. Khâu then chốt trong mục tiêu phát triển toàn diện năng lực người học là phát triển hoàn toàn những khả năng sẵn có của cá nhân người học. Mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất người học hướng vào phát triển hoàn toàn những giá trị cá nhân của người học phù hợp với chuẩn mực giá trị của con người Việt Nam trong thời kì mới.
4. Phạm Thị  Ngọc. Đào tạo đội ngũ giáo viên ngoại ngữ cho trường phổ thông Việt Nam – thực trạng và giải pháp

     Bài viết phân tích thực trạng, nguyên nhân và giải pháp đào tạo đội ngũ giáo viên ngoại ngữ ngoài Tiếng Anh cho trường phổ thông Việt Nam hiện nay.Theo tác giả bài viết, xu thế toàn cầu hóa hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ để từng bước nâng cao năng lực ngoại ngữ không chỉ tiếng Anh mà cả các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nga,.... Ngoài các kế hoạch triển khai dạy và học tiếng Anh, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang tiếp tục triển khai các kế hoạch đưa một số ngoài ngữ khác ngoài tiếng Anh vào giảng dạy thí điểm như ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2 ở nhiều trường phổ thông trên cả nước. Việc triển khai thí điểm các ngoại ngữ ngoài tiếng Anh đã thu được kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng bộc lộ một số hạn chế, trong đó có hạn chế về xây dựng và phát triển đội ngũ GV.
5. Phạm Thị Phương Huyền.
Hướng dẫn đọc hiểu đoạn văn mở đầu tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao
     Bài viết chia sẻ về việc đọc hiểu đoạn văn mở đầu tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Ý nghĩa của đoạn mở đầu tác phẩm Chí Phèo; 2/ Hướng dẫn đọc hiểu đoạn mở đầu tác phẩm Chí Phèo, bao gồm: Đọc hiểu tầng cấu trúc ngôn từ; Đọc hiểu tàng cấu trúc hình tượng thẩm mĩ; Đọc hiểu tầng cấu trúc tư tưởng thẩm mĩ.Theo tác giả bài viết: Đoạn mở đầu truyện ngắn Chí Phèo có sức hút mãnh liệt đối với người tiếp nhận. Nam Cao không chọn lựa kiểu kết cấu cốt truyện theo trình tự thời gian mà đưa phần phát triển của cốt truyện lên vị trí đầu tiên của văn bản với một dụng ý nghệ thuật độc đáo. Nhà văn muốn nhấn mạnh bi kịch của Chí Phèo, nỗi đau của một con người bị tha hóa, một con người bị cự tuyệt quyền làm người
6. Hoàng Thúy Nga.
Quản lí hoạt động giáo dục kĩ năng sống trong dạy học các môn học ở tiểu học
     Vấn đề giáo dục (GD) kĩ năng sống (KNS) cho HS đã và đang được các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam quan tâm. Việc chỉ đạo sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong các môn học ở tiểu học sẽ góp phần đẩy mạnh GD KNS cho HS. Một trong những cách GD KNS cho HS có hiệu quả là lồng ghép GD KNS vào các môn học. Tuy nhiên, tổ chức hoạt động GD KNS cho HS tiểu học bằng cách lồng ghép các môn học như thế nào cho hiệu quả và quản lí hoạt động này như thế nào là một vấn đề khá nan giải. Bài viết trình bày thực trạng quản lí hoạt động GD KNS trong các môn học ở trường tiểu học và đề xuất một số biện pháp quản lí hoạt động GD KNS cho HS Tiểu học thông qua các môn học
7. Hồ Xuân Hồng.
Quản lí hoạt động học của học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở Tỉnh Gia Lai
     Việc tăng cường quản lí hoạt động học của học sinh ở loại hình trường chuyên biệt này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Quản lí hoạt động học của học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú trung học cơ sở quyết định hiệu quả đào tạo cao hay thấp của mỗi nhà trường, có ý nghĩa to lớn trong hình thành và duy trì sự đam mê học tập trong học sinh. Do đó, trong các nhà trường phải coi trọng quản lí hoạt động học của học sinh, một trong những yếu tố quan trọng để duy trì, phát triển nhà trường, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Chính vì các lí do trên, trong bài viết này, tác giả đi vào phân tích vấn đề quản lí hoạt động học của học sinh ở các trường dân tộc bán trú trung học cơ sở tỉnh Gia Lai.
8. Nguyễn Thị Dung.
Phân tích cách giải một số bài tập giải tích nhằm góp phần bồi dưỡng năng lực giải toán cho sinh viên
     Việc giải toán có vai trò quan trọng trong học tập và trong cuộc sống, đây cũng là phương pháp cơ bản giúp rèn luyện tư duy. Tuy nhiên, nhiều sinh viên còn gặp khó khăn khi giải bài tập Giải tích, một trong những nguyên nhân là do họ chưa phân tích các bước giải một cách hiệu quả. Bài viết này tổng quan phương pháp chung để giải bài toán bao gồm: Tìm hiểu nội dung đề bài; tìm cách giải; trình bày lời giải; nghiên cứu sâu lời giải. Đồng thời, tác giả đã đưa ra một vài ví dụ cụ thể về phân tích cách giải bài tập Giải tích nhằm gợi ý về hướng suy nghĩ cho sinh viên, giúp người học nhớ lâu và biết cách vận dụng khi gặp trường hợp tương tự.
9. Phạm Văn Đạt. Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong các trường đại học hiện nay

     Nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật là một nội dung quan trọng, cấp thiết của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo không những nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực pháp luật có trình độ cao của các cơ quan, doanh nghiệp và xã hội nước ta hiện nay mà còn xây dựng đội ngũ trí thức, cán bộ, hiền tài trong lĩnh vực pháp luật để phục vụ Tổ quốc. Đội ngũ trí thức cán bộ này sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính vì thế, nội dung bài viết này đi vào phân tích cụ thể các giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
10. Võ Thị Ngọc Lan. Liên kết nhà trường – doanh nghiệp trong đào tạo nghề ở nước ta
     Nhằm thực hiện mục tiêu “Đến năm 2020, nền giáo dục nước ta được đổi mới căn bản và toàn diện…” , tác giả đề xuất một trong số các biện pháp có hiệu quả nhất là liên kết đào tạo nghề giữa nhà trường với doanh nghiệp.  Bài viết tập trung trình bày khái lược về liên kết đào tạo nghề, trong đó nhấn mạnh về mô hình liên kết đào tạo nghề ở một số nước ngòi như Úc, Nhật, Pháp, Công hòa liên bang Đức.  Kế tiếp là sơ lược thực trạng về liên kết đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp ở Việt Nam. Sau cùng, đề xuất giải pháp tăng cường mối liên kết đào tạo nghề giữa nhà trường và doanh nghiệp.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC

11. Hà Văn Hải. Một số yêu cầu đối với công tác giáo viên chủ nhiệm trong trường trung học phổ thông hiện nay

     Trong trường trung học phổ thông hiện nay, giáo viên chủ nhiệm có một vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục của nhà trường. Khi được lựa chọn làm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phải thực hiện các yêu cầu cơ bản như: tìm hiểu, phân loại học sinh lớp chủ nhiệm; xây dựng tập thể lớp học sinh; tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục; đánh giá kết quả giáo dục học sinh; phối hợp của giáo viên chủ nhiệm với các lực lượng giáo dục trong nhà trường; liên kết với các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường để giáo dục học sinh; lập kế hoạch cho công tác chủ nhiệm. Bên cạnh đó, muốn công tác chủ nhiệm mới đạt hiệu quả cao thì người giáo viên chủ nhiệm cùng cần lòng nhiệt tình và năng lực công tác chủ nhiệm.
12. Nguyễn Thái Bình.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề tại Trường Cao đẳng nghề TP. Hồ Chí Minh
     Với nhu cầu phát triển hiện nay của Thành phố Hồ Chí Minh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ IX đã chỉ rõ, chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chương trình cần tập trung thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thực tập cũng như đội ngũ giáo viên dạy nghề…. rất cần có những giải pháp mang tính khả thi của các trường dạy nghề tại TP.HCM. Trong bài viết này, tác giả đi vào phân tích về một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Thành phố Hồ Chí Minh từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề nói chung, thực hiện đổi mới công tác dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
13. Nguyễn Ngọc Trang. Phát triển năng lực của sinh viên cao đẳng kĩ thuật đáp ứng yêu cầu nhân lực tại TP. Hồ Chí Minh thông qua dạy học theo dự án

     Tác giả trình bày những đặc trưng của đào tạo với mục tiêu phát triển năng lực của SV cao đẳng khối ngành kĩ thuật; thực trạng đào tạo với mục tiêu phát triển năng lực người học ở các nước trên thế giới gồm các nội dung như: Mô hình năng lực theo yêu cầu về nguồn nhân lực của xã hội; mô hình năng lực theo OECD; đặc trưng đào tạo kĩ thuật với mục đích phát triển năng lực của người học; năng lực của sinh viên cao đẳng kĩ thuật; kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển năng lực người học. Cuối cùng, tác giả đề xuất một số giải pháp đào tạo kĩ thuật trình độ cao đẳng theo mục tiêu phát triển năng lực của SV thông qua dạy học theo dự án nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực tại TP. HCM.
14. Nguyễn Đình Huy.
Giải pháp đảm bảo chất lượng ở các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương
     Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hải Dương có gần 10 trường trung cấp chuyên nghiệp thuộc sự quản lí nhà nước về giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo. Để nâng cao chất lượng giáo dục, cần phải có giải pháp đảm bảo chất lượng dài hạn và cơ chế đảm bảo chất lượng. Vấn đề này trở nên đặc biệt cấp thiết trong điều kiện tính cạnh tranh của nền giáo dục nước ta ngày càng trở nên quyết liệt, đồng thời yêu cầu ngày càng cao của người học cũng như thị trường lao động với các sản phẩm đầu ra đạt chuẩn và có chất lượng cao. Tác giả trình bày một số giải pháp quản lí giúp thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng ở các trường trung cấp chuyên nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục hiện nay.
15. Đỗ Thị Thanh Toàn. Nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên tại Trường Đại học Hải Phòng

     Nâng cao chất lượng giảng dạy cho giảng viên là nhiệm vụ trọng tâm của một trường đại học nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của đội ngũ giảng viên về kiến thức lẫn kĩ năng thực hành dạy học. Để nâng cao được chuyên môn của giảng viên, người cán bộ quản lí phụ trách chuyên môn phải nắm rõ yêu cầu của ngành, có tầm nhìn, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn lâu dài trong từng năm, triển khai kịp thời có hiệu quả các nội dung bồi dưỡng chuyên môn tới giảng viên, tổ chức tốt các buổi hội thảo, hội nghị, semina,... tổ chức tham quan kiến tập tại các trường bạn, làm tốt công tác đánh giá, kiểm tra chuyên môn. Bài viết đưa ra một vài suy nghĩ về công tác nâng cao chất lượng của đội ngũ giảng viên tại Trường Đại học Hải Phòng.

TRAO ĐỔI
16. Trần Ngọc Trình.
Nhận thức về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế
     Đổi mới căn bản, toàn diện nền GD Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, HĐH, DCH, XHH và hội nhập quốc tế là một cuộc cách mạng cho nền GD nước ta trong thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, với yêu cầu đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm xây dựng và phát triển nước ta cơ bản là nước công nghiệp đến năm 2020. Tiến trình đổi mới GD cần được tiến hành tích cực, khẩn trương, bài bản, có bước đi phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - XH theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa - HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Bài viết tìm hiểu sơ bộ lịch sử đổi mới GD trên thế giới, xác định rõ quan điểm, nội dung và một số gợi ý để cụ thể hóa những giải pháp chiến lược nêu trên.

GIÁO DỤC DÂN TỘC

17. Nguyễn Thị Hài.
Phân biệt trạng ngữ và vế của câu ghép trong môn Tiếng Việt – Chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ

     Môn Tiếng Việt cấp Tiểu học trong Chương trình Giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ nhằm hình thành và phát triển ở học sinh (HS) dân tộc thiểu số (DTTS) các kĩ năng sử dụng tiếng Việt (nghe, nói, đọc, viết) để học tập và giao tiếp trong các môi trường hoạt động của lứa tuổi. Trạng ngữ và câu ghép là những nội dung quan trọng nằm trong phần ngữ pháp thuộc kiến thức tiếng Việt ở môn Tiếng Việt. Trạng ngữ được dạy ở lớp 4 kì 2 với thời lượng 5 tiết. Câu ghép được dạy ở lớp 5 kì 2 với thời lượng 6 tiết. Đưa ra một số cách nhận biết trạng ngữ và vế của câu ghép là việc làm cần thiết giúp cho GV và HS người DTTS giảm bớt những khó khăn trong việc học tiếng Việt, yêu thích môn Tiếng Việt hơn.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI 
18. Nguyễn Hồng Liên, Đinh Ngọc Bích Khuyên. Kinh nghiệm xây dựng và phát triển chương trình, sách giáo khoa môn Tìm hiểu Xã hội cấp Tiểu học theo định hướng tích hợp của Singapore

     Bài viết trình bày những kết quả nghiên cứu về lí luận chương trình tích hợp ở trường phổ thông và tìm hiểu về chương trình, SGK môn Tìm hiểu Xã hội (Social Studies) cấp Tiểu học của Singapore. Tác giả tập trung vào phân tích và định hình các thành tố và đặc điểm của một chương trình môn tích hợp. Trên cơ sở nghiên cứu chương trình và SGK môn Tìm hiểu Xã hội của Singapore, tác giả phân tích các thành tố: Mục tiêu, nội dung, PPDH, đánh giá và tài liệu dạy học để chỉ ra việc thể hiện quan điểm tích hợp từ chương trình đến SGK. Qua đó, đề xuất một số kiến nghị cho việc xây dựng chương trình và biên soạn SGK theo định hướng tích hợp cho các môn khoa học xã hội cấp Tiểu học ở Việt Nam sau năm 2015.