Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 106

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 106, tháng 7/2014

NGHIÊN CỨU
1. Vũ Cao Đàm.
Cải cách giáo dục đi về đâu?
     Bài viết bàn về mối quan hệ tất yếu giữa khoa học và giáo dục trong cải cách giáo dục với luận điểm cơ bản cho rằng, không thể không bàn về mối quan hệ này trong cải cách giáo dục. Khởi thủy, giáo dục ra đời sau khoa học, nhằm truyền thụ cho nhân loại những tri thức mà tiền nhân đã sáng tạo ra. Giáo dục dần dần tiến lên ngang hàng và ngày nay giáo dục đang vượt lên trước khoa học, vạch đường chỉ lối cho khoa học phát triển. Ngày nay, chúng ta đang bước vào xã hội của nền văn minh thông tin, và như vậy, cải cách giáo dục phải đi theo lộ trình vượt lên trước khoa học và bước vào nền văn minh thông tin. Tư tưởng ấy cần bao trùm triết lí giáo dục và các chương trình giáo dục.
2. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Lê Thanh Tâm. Bàn về quản lí trường đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội ở nước ta

     Tự chủ và trách nhiệm xã hội là thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học (GDĐH). Đối với các cơ sở GDĐH ở Việt Nam, tự chủ và trách nhiệm xã hội là hướng đi phù hợp trong tình hình mới song vấn đề là cần có những giải pháp quản lí nào để nhà trường ĐH Việt Nam thực hiện được tính tự chủ và trách nhiệm xã hội của mình. Đề cập đến việc quản lí trường ĐH thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội ở nước ta, tác giả  trình bày: 1/Năng lực đội ngũ cán bộ quản lí các cấp của nhà trường; 2/ Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong; 3/ Vấn đề thực hiện công khai của các cơ sở GDĐH; 4/ Văn hóa tự chủ và trách nhiệm xã hội trong nhà trường.
3. Trần Trung Dũng.
Tổ chức hoạt động dạy học ở trường trung học phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh
     Bài viết đề cập đến việc tổ chức hoạt động dạy học ở trường THPT theo định hướng phát triển năng lực HS. Trong bài, tác giả trình bày một số khái niệm về năng lực và năng lực của HS; Các năng lực chung cần hình thành và phát triển ở HS THPT; Việc tổ chức hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS. Theo tác giả bài viết, việc p
hát triển năng lực của HS là một yêu cầu cấp thiết, góp phần thực hiện mục tiêu  đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục hiện nay. Tổ chức quá trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực của HS cần chú ý đến tất cả các yếu tố trên .      
4. Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Trần Kiều. Một số biện pháp góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho học sinh trung học phổ thông trong dạy học đại số và giải tích

     Một trong những mục đích chủ yếu của dạy học Toán là phát triển tư duy cho người học. Làm thế nào để thực hiện tốt mục đích đó luôn là một câu hỏi lớn cho người giáo viên. Bài viết trình bày một số biện pháp góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho HS THPT trong dạy học Đại số và Giải tích. Theo tác giả bài viết, môn Toán đòi hỏi HS phải thường xuyên thực hiện các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh, tương tự hóa, trừu tượng hóa, khái quát hóa, đặc biệt hóa, ...
5. Lê Thị Quỳnh Nga. Nhận thức về lựa chọn nghề nghiệp của học sinh trung học phổ thông

     Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS) trung học phổ thông (THPT) giữ vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng mất cân đối trong nguồn nhân lực của nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc định hướng này ở nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, điều này sẽ dẫn đến việc nhận thức lựa chọn nghề nghiệp (LCNN) của các em bị hạn chế, và hậu quả sẽ là sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo, không phù hợp với cơ cấu kinh tế và nhu cầu xã hội. Tác giả bài viết trình bày kết quả cuộc khảo sát về thực trạng nhận thức LCNN của HS THPT hiện nay trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, Thanh Hóa, Yên Bái và đưa ra một số kết luận cần thiết về định hướng nghề nghiệp cho HS THPT
6. Trần Thị Kim Dung.
Đánh giá năng lực học sinh trong dạy học môn Ngữ văn ở trung học cơ sở - nhìn từ mục tiêu dạy học
     Tiếp cận theo hướng phát triển năng lực người học đòi hỏi chương trình giáo dục phổ thông phải xuất phát từ các năng lực thiết yếu cần có trong cuộc sống hiện tại và tương lai đối với mỗi học sinh để đề xuất các lĩnh vực, hoạt động học tập hữu ích. Khi chương trình, sách giáo khoa đã xác định theo hướng tiếp cận năng lực, việc đánh giá kết quả của học sinh cũng phải bám sát định hướng này. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập tới xu hướng đánh giá các năng lực đặc thù của môn Ngữ văn ở Trung học cơ sở được xem xét, đối chiếu từ góc độ của mục tiêu môn học hiện hành.
7. Nguyễn Thu Tuấn. Đổi mới phương pháp dạy học môn Mĩ thuật ở trường trung học cơ sở  với việc sử dụng phối hợp các phương tiện dạy học

     Môn Mĩ thuật ở trường phổ thông nói chung và Trung học cơ sở nói riêng đã và đang thực hiện việc sử dụng các phương tiện kĩ thuật dạy học hiện đại kết hợp với các phương tiện dạy học truyền thống để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động nhận thức của học sinh.  Bài viết này đi sâu vào phân tích về vai trò của phương tiện dạy học trong dạy môn Mĩ thuật; thực trạng của việc sử dụng kết hợp các phương tiện dạy học trong dạy học môn Mĩ thuật ở Trung học cơ sở. Đồng thời, tác giả cũng đề ra các giải pháp cụ thể đối với nhà trường và giáo viên nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của bộ môn nghệ thuật này.
8.Trần Việt Cường.
Tăng cường mối liên hệ giữa hình học cao cấp và hình học sơ cấp trong dạy học hình học cao cấp cho sinh viên sư phạm toán
     Đối với giáo viên toán ở trường phổ thông việc nắm vững mối liên hệ giữa nội dung kiến thức toán cao cấp và nội dung kiến thức toán sơ cấp là cần thiết nhằm giúp học sinh nắm được bản chất các vấn đề về toán học phổ thông và có thể dẫn dắt cho học sinh tìm kiếm các kiến thức mới một cách hiệu quả. Nội dung bài viết này đề cập tới tới ý nghĩa của việc khai thác các kiến thức của hình học cao cấp để làm sáng tỏ các kiến thức của hình học sơ cấp. Qua đó, giúp cho sinh viên ngành Sư phạm toán thấy được mối liên hệ giữa nội dung các kiến thức của hình học sơ cấp với nội dung các kiến thức của hình học cao cấp trong các học phần hình học cao cấp ở trường sư phạm.
9. Trần Trung,  Nguyễn Yên Thắng. Quản lí ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học tại Trường Đại học Y khoa Vinh

     Việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong dạy học tại các trường đại học hiện nay đang phát triển khá mạnh mẽ, đa dạng, phong phú, góp phần đổi mới công tác quản lí và đổi mới phương pháp dạy học. Bài viết trình bày về hoạt động ứng dụng ICT trong dạy học ở Trường Đại học Y khoa Vinh hiện nay. Trong đó, tác giả đề xuất các nội dung quản lí hoạt động này gồm: Bồi dưỡng nâng cao trình độ về ICT cho giảng viên, quản lí việc ứng dụng ICT của giảng viên trong dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của sinh viên, quản lí các điều kiện hỗ trợ cho việc ứng dụng ICT trong dạy học của giảng viên.
10. Vũ Thị Hòa. Quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ

     Đào tạo theo phương thức tín chỉ là một chủ trương lớn của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Việc áp dụng học chế tín chỉ vào đào tạo kéo theo sự thay đổi trên toàn bộ các phương diện của đào tạo và ở tất cả các nhân tố liên quan đến đào tạo. Điều này đòi hỏi từ phía các nhà quản lí đào tạo những thay đổi căn bản. Chính vì vậy, nội dung bài viết này đi vào phân tích những vấn đề cần được quan tâm giải quyết của việc quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ trường đại học và cao đẳng cần quan tâm giải quyết nhằm đảm bảo cho những ưu thế của phương thức đào tạo mới được phát huy, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC

11. Nguyễn Trí Anh.
Áp dụng  lí thuyết quản lí chất lượng tổng thể vào quản lí chất lượng học tập môn Giáo dục công dân cho học sinh trung học cơ sở
     Mô hình quản lí chất lượng tổng thể (TQM) với phương châm cải tiến liên tục, hướng vào khách hàng sẽ cho ta chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu của xã hội. Bài viết này trình bày cách tiếp cận quản lí chất lượng tổng thể trong quản lí chất lượng học tập của học sinh trường trung học cơ sở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, tác giả  giới thiệu một số biện pháp nâng cao chất lượng học tập của học sinh đối với môn giáo dục công dân ở trường trung học cơ sở thông qua vận dụng mô hình quản lí chất lượng tổng thể; các biện pháp trình bày có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau, do đó cán bộ quản lí, giáo viên các nhà trường khi vận dụng cần phối hợp một cách linh hoạt để phát huy hết tác dụng của các biện pháp.
12. Nguyễn Hồng Quân. Năng lực giáo dục của giáo viên trung học cơ sở qua dạy học môn học

     Hoạt động sư phạm của giáo viên bao gồm hai hoạt động tiến hành cùng nhau: Hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục, trong đó hoạt động giáo dục là hoạt động quan trọng hơn, khó hơn so với hoạt động dạy học. Mặt khác, trong các giai đoạn phát triển tâm lí của cá nhân, giai đoạn tuổi học sinh trung học cơ sở (THCS) có ý nghĩa đặc biệt, cần được quan tâm. Trên thực tế, hiện nay hoạt động giáo dục đang bị xem nhẹ trong nhà trường phổ thông. Để góp phần giải quyết vấn đề trên, cần tiến hành nghiên cứu sâu sắc, toàn diện thực trạng năng lực giáo dục của giáo viên trung học cơ sở, từ đó làm cơ sở đề xuất biện pháp hữu hiệu nâng cao năng lực giáo dục cho đội ngũ này.
13. Nguyễn Thị Quế. Rèn kĩ năng nghe – nói cho học sinh lớp 3 trong dạy học môn Tiếng Việt

     Nghe - nói - đọc - viết là bốn kĩ năng cơ bản đối với học sinh, đặc biệt là học sinh bậc Tiểu học. Có được bốn kĩ năng này học sinh sẽ có một công cụ tư duy, công cụ để học tập và tham gia các hoạt động của đời sống. Chương trình Tiếng Việt hiện hành rất coi trọng việc rèn kĩ năng cho học sinh, coi đó là một trong ba mục tiêu chính của từng tiết học. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả đề cập đến vấn đề trên qua một ví dụ cụ thể: Rèn kĩ năng nghe - nói cho học sinh lớp 3 trong dạy học Tiếng Việt. Rèn kĩ năng nghe - nói chính là rèn kĩ năng sử dụng lời nói cho học sinh. Mục tiêu này đòi hỏi việc rèn và phát triển kĩ năng nghe - nói cần theo định hướng giao tiếp.
14. Nguyễn Minh Thơ. Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực ngành Du lịch khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long

     Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm trong khu vực có vị trí hết sức quan trọng trong giao thương quốc tế và phát triển du lịch. Trong những năm qua, ngành Du lịch Việt Nam đang được khách quốc tế biết đến và quan tâm. Là vùng châu thổ thuộc con sông Mekong, ĐBSCL đã có những đóng góp chung trong phát triển du lịch của cả nước. Tuy nhiên, lực lượng lao động trực tiếp và gián tiếp của ngành Du lịch còn hạn chế. Nguồn nhân lực phục vụ du lịch các tỉnh ĐBSCL vẫn còn trong tình trạng bán chuyên nghiệp. Bài viết trình bày những nội dung sau: Thực trạng nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch ở Đồng bằng Sông Cửu Long; Các giải pháp đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực du lịch ở Đồng bằng Sông Cửu Long.
15. Vương Văn Cho. Quản lí đội ngũ giáo viên tiếng Anh tại các trường trung học cơ sở quận 6 Thành phố Hồ Chí Minh

     Giáo viên là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục. Trình độ, năng lực giảng dạy của giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của học sinh. Năng lực và nhiệt huyết của giáo viên được hình thành và phát triển một phần quan trọng là do môi trường giáo dục, trong đó có công tác quản lí của lãnh đạo trường học. Do đó, nghiên cứu việc quản lí đội ngũ giáo viên là công việc cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Trong hoạt động quản lí đội ngũ giáo viên có việc quản lí đội ngũ giáo viên giảng dạy tiếng Anh, hầu như chưa được xem trọng. Bài viết đề cập đến vấn đề này trong phạm vi các trường trung học cơ sở ở quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
16. Trương Thị Như Yến. Một số biện pháp quản lí đào tạo cao cấp lí luận chính trị - hành chính cho cán bộ người dân tộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên

     Từ thực trạng công tác quản lí đào tạo cao cấp lí luận chính trị - hành chính (CCLLCT-HC) cho cán bộ người dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, để đáp ứng những yêu cầu đặt ra đối với công tác cán bộ người dân tộc trong giai đoạn hiện nay, tác giả đề xuất một số biện pháp quản lí đào tạo cao cấp lí luận chính trị cho cán bộ người dân tộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên như: Kế hoạch hóa việc triển khai chương trình đào tạo CCLLCT - HC theo hướng cải tiến cho phù hợp với đối tượng đào tạo; tăng cường quản lí hoạt động giảng dạy, đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên đáp ứng yêu cầu cải tiến chương trình đào tạo cán bộ người dân tộc; tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức phối hợp quản lí.
17. Trần Thu Hương.
Cấu trúc tâm lí thích ứng với hoạt động dạy học của giảng viên trẻ tại học viện, trường đại học công an nhân dân.
     Trên cơ sở lĩnh hội những nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về cấu trúc, biểu hiện của thích ứng ở các lĩnh vực khác nhau; qua nghiên cứu hoạt động dạy học của giảng viên trẻ, tác giả đưa ra các yếu tố tâm lí cấu thành nên thích ứng với hoạt động dạy học của giảng viên trẻ tại học viện, trường đại học Công an nhân dân (CAND), bao gồm: Nhận thức của giảng viên trẻ đối với hoạt động dạy học tại học viện, trường đại học CAND; hành động của giảng viên trẻ trong thực hiện hoạt động dạy học tại học viện, trường đại học CAND; xúc cảm của giảng viên trẻ trong thực hiện hoạt động dạy học tại học viện, trường đại học CAND.
18. Trần Xuân Tân.
Đổi mới quản lí, nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp cho trưởng công an xã
     Giáo dục đã góp phần vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Trưởng công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, có vị trí, vai trò hết sức to lớn trong công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh và thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lí nhà nước về an ninh trật tự ở cơ sở. Việc tổ chức và quản lí đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo trung cấp chuyên nghiệp cho trưởng công an xã là một trong những nội dung, nhiệm vụ đặt ra hiện nay cho Bộ Công an trong triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam.

GIÁO DỤC DÂN TỘC

19. Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Minh Nguyệt.
Nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú trong giai đoạn hiện nay
     Tác giả trình bày thực trạng công tác chủ nhiệm lớp ở trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay. Để nâng cao chất lượng của công tác này, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp như: Phát huy hoạt động tự quản cho học sinh nội trú; tạo dựng sự tin tưởng cho học sinh, gia đình học sinh đối với giáo viên và nhà trường; đồng thời mỗi giáo viên nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng hãy đến với học sinh bằng tình yêu thương và tinh thần làm việc “Tất cả vì học sinh các dân tộc thân yêu”.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
20. Mạc Thị Việt Hà.
Chế độ làm việc và lương của giáo viên phổ thông ở Hàn Quốc
     Từ một nước phong kiến bị Nhật Bản đô hộ suốt 36 năm, sau khi được giải phóng lại lâm vào cuộc nội chiến 3 năm, vậy mà chỉ sau mấy chục năm bền bỉ phấn đấu, Hàn Quốc đã trở thành  một “con rồng” ở Châu Á. Sở dĩ như vậy là vì Hàn Quốc đã có một chính sách phát triển giáo dục đúng đắn, liên tục cải cách GD có hiệu quả, trong đó có chính sách đối với GV nói chung và GV phổ thông. Nhận thức được tầm quan trọng của đội ngũ giáo viên, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng nhiều giải pháp để giữ chân GV giỏi, giúp đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề, một trong những giải pháp đó là chế độ lương và đãi ngộ xứng đáng đối với nhà giáo.