Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 107

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 107, tháng 8/2014

NGHIÊN CỨU
1. Vũ Cao Đàm.
Tiến trình kép của công cuộc cải cách giáo dục ở nước ta
     Bài viết trình bày quan điểm của tác giả về tiến trình kép của công cuộc cải cách giáo dục ở nước ta. Theo tác giả bài viết: Công cuộc cải cách giáo dục Việt Nam phải được thực hiện trong khuôn khổ một tiến trình kép,vừa phải khắc phục sự bất cập của hệ thống giáo dục Việt Nam so với thế giới, vừa phải cùng với thế giới tiến hành cuộc cách mạng giáo dục để đi đến một hệ thống giáo dục của thời tương lai.Trong công cuộc cải cách đó, chúng ta buộc phải từ giã những truyền thống của hệ thống giáo dục từ nền văn minh cơ học để tiến tới một hệ thống giáo dục mới, của nền văn minh thông tin. Đó có thể là một nỗi đau, nhưng là nỗi đau của một bà mẹ cho ra đời một đứa trẻ, một mầm mống của cuộc sống tương lai.
2. Nguyễn Tiến Hùng. Bản chất và khung quản lí chất lượng của cơ sở giáo dục

     Bài viết trình bày bản chất và khung quản lí chất lượng (QLCL) của cơ sở giáo dục (CSGD). Trong bài, tác giả tập trung phân tích khái niệm, mục tiêu và bản chất QLCL của cơ sở giáo dục; Khung hệ thống QLCL của CSGD. Theo tác giả bài viết, bản chất và các thành tố QLCL của CSGD được trình bày và phân tích thông qua việc xây dựng và cơ chế vận hành của hệ thống kiểm soát chất lượng, dựa trên việc thiết lập và đo/đánh giá các chỉ số đầu vào hay quá trình; và tương tự là hệ thống đánh giá kết quả đạt được của CSGD dựa trên các chỉ số kết quả đầu ra và tác động. QLCL có thể tạo ra khác biệt lớn trong giáo dục giống như trong doanh nghiệp. Giáo dục có thể được cải tiến, năng suất của nhà giáo được nâng lên, nhà giáo và người học hứng thú hơn với công việc của mình và người tốt nghiệp có nhiều đóng góp tích cực hơn cho phát triển kinh tế và xã hội.
3. Nguyễn Hữu Châu, Đỗ Ngọc Miên.
Nghiên cứu thực tiễn dạy học phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh cuối cấp tiểu học
     Bài viết trình bày nghiên cứu của tác giả về dạy học phát triển tư duy sáng tạo (TDST) cho học sinh (HS) cuối cấp Tiểu học. Theo tác giả, đây là một nghiên cứu về thực trạng dạy học phát triển tư duy sáng tạo cho HS ở trường tiểu học hiện nay. Nghiên cứu được thực hiện ở một số trường trên các địa bàn khác nhau và dựa trên kết quả nghiên cứu lí luận các vấn đề về TDST và TDST của HS tiểu học, dạy học phát triển TDST cho HS. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc dạy học hướng đến phát triển TDST cho HS tiểu học hiện nay nhìn chung còn hạn chế và chưa được quan tâm đúng mức bởi nhiều nguyên nhân như vấn đề nhận thức về tầm quan trọng của việc phát triển TDST cho HS của giáo viên (GV), vấn đề chưa có quy định bắt buộc của các cấp quản lí giáo dục,... Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn ở việc GV chưa có phương pháp, biện pháp hữu hiệu trong việc phát triển TDST cho HS của mìnHS của mình.
4. Vương Thanh Hương. Học tập trên thiết bị di động - một xu hướng giáo dục thông minh trong kỉ nguyên kĩ thuật số

     Học tập trên thiết bị di động (mobile learning) được coi là một xu hướng giáo dục thông minh trong thế kỉ 21 - kỉ nguyên của kĩ thuật số và toàn cầu hóa với sự hội nhập sâu, rộng của công nghệ và giáo dục. Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo Việt Nam hiện nay, xu hướng học tập trên thiết bị di động có thể là những ứng dụng thông minh nhằm phát triển giáo dục tới mọi đối tượng, mọi vùng miền trong cả nước. Bài viết đề cập đến một số nội dung sau: 1/ Những cơ hội và thách thức khi phát triển học tập trên thiết bị di động; 2/ Các yếu tố chính ảnh hưởng đến phát triển học tập trên thiết bị di động; 3/ Triển vọng học tập trên thiết bị di động ở Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của một số quốc gia châu Á.
5. Trương Thị Hoa.
Năng lực chọn nghề của học sinh trung học phổ thông
     Trong nhà trường trung học phổ thông, một trong những hoạt động cơ bản của học sinh là định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường muốn đạt được hiệu quả cao đòi hỏi phải hình thành cho học sinh năng lực chọn nghề. Kết quả nghiên cứu cho chúng ta thấy giáo dục hướng nghiệp hiện nay chưa phát huy được vai trò định hướng nghề cho học sinh. Do vậy, kiến thức, kĩ năng chọn nghề của học sinh chỉ đạt ở mức độ trung bình. Vì vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực chọn nghề cho học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp của nhà trường trung học phổ thông trong giai đoạn hiện nay.
6. Đỗ Thị Thúy Hằng.
Bảo đảm chất lượng giáo dục đại học - hướng tới đẩy mạnh xây dựng văn hóa chất lượng
     Đảm bảo chất lượng giáo dục đã trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các trường đại học nhằm khẳng định vai trò và vị thế cạnh tranh với các cơ sở đào tạo khác, đồng thời còn có mục đích giải trình trước xã hội về kết quả đào tạo. Hệ thống đảm bảo chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam gồm hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong (IQA), đảm bảo chất lượng bên ngoài và các cơ quan đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả trình bày những nội dung sau: 1/ Khái quát về giáo dục đại học Việt Nam; 2/ Đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; 3/ Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng.
8. Đỗ Đình Thái. Hình thành văn hóa chất lượng trong trường đại học: Mô hình tiến trình nhận thức chất lượng

     Trên cơ sở triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, quá trình hình thành văn hóa chất lượng – một quá trình nhận thức chất lượng lâu dài, thể hiện sự nỗ lực và bền bỉ của các cá nhân, tập thể bên trong trường đại học hỗ trợ định hướng xây dựng kế hoạch, chiến lược đảm bảo và nâng cao chất lượng các hoạt động bên trong và đáp ứng yêu cầu bên ngoài. Vì vậy, bài viết này đề xuất mô hình tiến trình nhận thức chất lượng từ các hoạt động và hoạt động đảm bảo chất lượng bên trong trường đại học là một chuỗi nhận thức từ tinh thần trách nhiệm đến văn hóa chất lượng.
8.Vũ Xuân Hùng. Đổi mới nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề cho giáo viên dạy nghề theo tiếp cận năng lực thực hiện

     Bài viết trình bày việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo tiếp cận năng lực thực hiện, qua đó làm rõ quan niệm về năng lực thực hiện; phân tích về nội dung của chương trình bồi dưỡng hiện hành và trên cở sở đó đề xuất đổi mới nội dung chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dạy nghề theo tiếp cận năng lực thực hiện được thiết kế, xây dựng thành 2 mô đun, tích hợp trọn vẹn kiến thức, kĩ năng, thái độ, bảo đảm hình thành và phát triển tốt nhất năng lực thực hiện cho người học.
9. Bùi Đức Tú. Một số giải pháp quản lí ở trường cao đẳng nghề theo tiếp cận năng lực thực hiện

     Nâng cao năng lực thực hiện cho người học nghề là góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương của Đảng: Đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục trong lĩnh vực đào tạo nghề. Xuất phát từ quan niệm đó, tác giả bài viết đề xuất một số giải pháp quản lí ở trường cao đẳng  nghề theo tiếp cận năng lực. Các giải pháp nêu trên có cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và có tính khả thi cao. Các trường cao đẳng nghề cần có những bước đột phá về quản lý để sản phẩm đầu ra của nhà trường ngày càng được xã hội chấp nhận nhờ có năng lực thực hiện tốt, phù hợp hơn.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
10. Dương Thị Thanh Hương. Phẩm chất nhà giáo, từ văn chương đến thực tế cuộc sống

     Xây dựng đội ngũ nhà giáo với những phẩm chất cần có đáp ứng được yêu cầu thời đại mà vẫn giữ được đạo đức cách mạng là điều kiện để “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Phẩm chất nhà giáo trước hết là phẩm chất tiên tiến của con người Việt Nam có văn hóa, có ý thức thượng tôn pháp luật; kiên quyết đấu tranh bảo đảm cho môi trường giáo dục lành mạnh; gắn liền với khả năng chuyên môn giỏi. Không thể đánh giá một người thầy đạo đức tốt, khi năng lực chuyên môn trung bình hoặc yếu kém. Sự kính trọng của học sinh dành cho thầy giáo, trước hết là dành cho tác phong sư phạm mẫu mực, nhưng cũng đồng thời là dành cho năng lực chuyên môn.
11. Đặng Thị Vân, Nguyễn Huyền Thương. Thực trạng và các yếu tố ảnh hưởng đến ý thức tham gia giờ học trên lớp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam

     Chất lượng đào tạo nói chung hiệu quả học tập của sinh viên nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở vật chất; phương pháp dạy và học. Tuy nhiên, yếu tố trực tiếp có tính chất quyết định đến hiệu quả học tập của sinh viên chính là yếu tố tâm lí cá nhân. Một trong số các yếu tố tâm lí chính là ý thức học tập của sinh viên nói chung, ý thức tham gia giờ học trên lớp nói riêng. Nội dung bài viết này trình bày về kết quả nghiên cứu được thực hiện trên 266 sinh viên bao gồm 133 sinh viên năm thứ nhất và 133 sinh viên năm thứ hai tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhằm xác định thực trạng ý thức học tập trên lớp của sinh viên cũng như các yếu tố chi phối thực trạng đó.
12. Hà Xuân Thành.
Phát triển năng lực ứng dụng toán học vào thực tiễn qua dạy học toán ở trường phổ thông
     Một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục là giúp con người phát triển toàn diện nhân cách. Nhân cách được hiểu là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lí của cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của con người; mặt khác còn là những phẩm chất và năng lực cần thiết của mỗi người; trong đó có năng lực tư duy (năng lực nghĩ) và năng lực hành động (năng lực làm). Tác giả bài viết đề cập đến việc phát triển năng lực ứng dụng toán học vào thực tiễn qua dạy học Toán ở trường phổ thông. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Năng lực và năng lực ứng dụng những điều đã học vào thực tiễn; 2/ Phát triển năng lực ứng dụng vào thực tiễn như là một xu thế của giáo dục thế giới; 3/ Một số kết quả nghiên cứu về năng lực ứng dụng vào thực tiễn ở nước ta; 4/ Quy trình ứng dụng vào thực tiễn và cấu trúc của năng lực ứng dụng vào tực tiễn.
13.  Phạm Bích Thủy. Thực trạng quản lí hoạt động xã hội hóa giáo dục của các trường mầm non Thành phố Hải Phòng

     Trong những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục (XHHGD) được tiến hành ở các trường mầm non trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã đóng vai trò tích cực trong việc huy động cộng đồng quan tâm đến giáo dục, chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục được nâng lên, một số trường lớp sửa chữa và xây mới... Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, thì công tác này cũng còn một số tồn tại. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến thực trạng quản lí hoạt động xã hội hóa giáo dục của hiệu trưởng các trường mầm non tại Thành phố Hải Phòng. Trên cơ sở thực tiễn, các cấp quản lí giáo dục trong đó có hiệu trưởng trường mầm non có cái nhìn khách quan, từ đó tìm ra biện pháp quản lí công tác này có hiệu quả.

14. Trần Thị Thu Hương. Một số biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ  tại Trường Đại học Thái Bình
     Nội dung bài viết trình bày về một số biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại Trường Đại học Thái Bình. Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, Trường Đại học Thái Bình đã chủ động tìm tòi nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đối với đối tượng cán bộ xã, phường, thị trấn. Trong đó, nhà trường đã thực hiện đồng bộ các biện pháp về nâng cao nhận thức của toàn bộ cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; đổi mới mục tiêu; nội dung chương trình đào tạo; đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường công tác đi thực tế các môn học.
15.  Ngô Quang Sơn, Nguyễn Thị Ánh Tuyết. Thực trạng quản lí giáo dục hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số trung học phổ thông ở các trường phổ thông dân tộc nội trú khu vực Tây Bắc

     Bài báo nêu thực trạng quản lí giáo dục hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số trung học phổ thông ở một số trường trung học phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp trung học cơ sở - trung học phổ thông khu vực Tây Bắc. Bài báo phân tích kết quả khảo sát và đánh giá thực trạng, chỉ ra nguyên nhân hạn chế trong công tác quản lý giáo dục hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số trung học phổ thông ở các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp trung học cơ sở - trung học phổ thông khu vực Tây Bắc.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
16. Nguyễn Văn Sáng.
Dạy học phù hợp với đặc điểm tâm lí học sinh dân tộc thiểu số
     Học sinh dân tộc thiểu số (HS DTTS) sống trong môi trường tâm lí, phong tục, tập quán, truyền thống… hết sức phong phú và giàu bản sắc riêng. Do điều kiện tự nhiên, xã hội ở vùng dân tộc và miền núi đã tạo ra cho HS DTTS cấp Tiểu học bên cạnh những đặc điểm chung của tâm lí lứa tuổi, còn có những nét, những đặc trưng tâm lí riêng. Những đặc trưng này ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy học - giáo dục. Giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm tâm lí của HS DTTS để tổ chức quá trình dạy học - giáo dục phù hợp, từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả cho giáo dục vùng dân tộc. Những đặc điểm tâm lí của HS DTTS cần phải được tính đến trong việc xây dựng chương trình và tài liệu mới.

TRAO ĐỔI

17. Phan Văn Cấp.
Xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
     Bài viết trình bày về vấn đề xây dựng nền giáo dục Việt Nam tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Xây dựng nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, muốn làm được điều này phải giữ vững định hướng phát triển giáo dục theo quan điểm của Đảng, đây là một nội dung quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo và trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá. Chỉ có đứng vững trên các quan điểm của Đảng và thực hiện tốt các yêu cầu trên thì mới có thể giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh đó, mới giữ vững được mục tiêu giáo dục xã hội chủ nghĩa và xây dựng thành công nền giáo dục tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI

18. Đỗ Thu Hà, Nguyễn Lệ Hằng.
Kinh nghiệm quốc tế về thiết kế không gian học tập cho sinh viên các trường đại học và bài học đối với Việt Nam
     Ở những nước phát triển, không gian học tập trong trường đại học không chỉ là một địa điểm phục vụ việc dạy và học mà còn là nơi kích thích động lực học tập của sinh viên, thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động học tập. Hiện nay, nhiều trường đại học trên thế giới đã đầu tư chi phí rất lớn cho việc cải tạo, xây dựng không gian học tập cho sinh viên. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả trình bày về một số kinh nghiệm quốc tế về thiết kế không gian học tập cho sinh viên đại học. Đồng thời, từ những thành công trong xây dựng, thiết kế không gian học tập cho học sinh, sinh viên ở các nước có nền giáo dục phát triển theo một số nguyên tắc nhất định, có thể rút ra những bài học hữu ích cho Việt Nam.