NGHIÊN CỨU
1. Phạm Đỗ Nhật Tiến. Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế hay đại học xuất sắc: Sự lựa chọn cần thiết
Dựa trên việc phân tích khái niệm đại học đẳng cấp quốc tế và những thách thức xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, bài báo nêu lên thực trạng phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay, Việt Nam không nên theo trào lưu xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, cần tập trung nguồn lực xây dựng đại học xuất sắc.
2. Hoàng Hòa Bình. Đánh giá phương pháp dạy học trong chương trình tiếng Việt tiểu học hiện hành – những định hướng đổi mới
Tác giả trình bày những ưu điểm và hạn chế về phương pháp dạy học (PPDH) của chương trình Tiếng Việt Tiểu học hiện hành và đưa ra kiến nghị định hướng đổi mới nội dung hướng dẫn về PPDH trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học mới. Theo tác giả, dù nội dung hướng dẫn về PPDH không quá cụ thể thì chương trình Ngữ văn tương lai cũng không thể dừng lại ở một vài tuyên bố chung chung, nhất là khi sẽ có 1 chương trình, nhiều bộ SGK thì hướng dẫn về PPDH càng cần phải kĩ hơn để định hướng rõ cho người viết sách đồng thời khắc phục nhược điểm của chương trình hiện hành khi biên soạn chương trình mới.
3. Cao Thị Thặng, Phạm Thị Bích Đào. Bước đầu áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột theo hướng phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh trung học phổ thông trong dạy học Hóa học
Bài viết đề cập đến việc áp dụng phương pháp Bàn tay nặn bột (BTNB) trong dạy học hóa học ở cấp THPT theo hướng phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh (HS) thông qua dạy học hóa học. Theo tác giả bài viết, dạy học theo phương pháp BTNB theo định hướng phát triển năng lực sáng tạo cho HS đã tạo được môi trường để HS sáng tạo ra ý tưởng mới và tạo ra sản phẩm mới. Các sản phẩm mới mà HS sáng tạo được khi nghiên cứu tính chất hóa học bằng phương pháp BTNB là: Các biểu tượng ban đầu về tính chất của chất hoặc vấn đề cần tìm hiểu, các câu hỏi nghiên cứu trong mỗi bài học căn cứ vào ngữ cảnh, các giả thuyết nghiên cứu, các phương án thực nghiệm tìm tòi....
4. Đặng Xuân Thư, Nguyễn Thị Thanh. Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh qua việc giảng dạy Hóa học 10 theo lí thuyết kiến tạo
Phát triển năng lực cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hiện tại cũng như trong mục tiêu đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau 2015. Trong đó, phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bài viết giới thiệu những kết quả nghiên cứu cơ bản về lí luận và các giải pháp cụ thể cho việc phát triển năng lực vận dụng kiến thức Hóa học vào thực tiễn cho học sinh thông qua việc vận dụng lí thuyết kiến tạo vào dạy học Hóa học 10.
5. Trương Xuân Cảnh. Xây dựng bài tập thực nghiệm trong dạy học Sinh học ở trường phổ thông
Trên cơ sở xác định mục tiêu và vai trò của việc xây dựng, sử dụng hệ thống bài tập thực nghiệm trong dạy học Sinh học ở trường phổ thông, bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề về xây dựng bài tập thực nghiệm trong dạy học Sinh học ở trường phổ thông theo hướng tiếp cận phát triển năng lực thực nghiệm cho học sinh (HS), bao gồm: Khái niệm và phân loại bài tập thực nghiệm; cơ sở, nguyên tắc và quy trình xây dựng bài tập theo hướng phát triển năng lực thực nghiệm cho HS. Đồng thời, bài viết đã phân tích ví dụ cụ thể để vận dụng một số vấn đề lí luận về xây dựng bài tập theo hướng phát triển năng lực thực nghiệm cho HS vào thực tiễn dạy học bộ môn Sinh học ở trường phổ thông.
6. Nguyễn Hồng Thuận. Mô hình tư vấn học đường trong nhà trường trung học cơ sở ở Việt Nam
Mô hình hoạt động tư vấn học đường đã được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, bộ phận tư vấn tâm lí học đường cũng đã được hình thành ở một số cơ sở giáo dục…Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Mô hình hoạt động tư vấn học đường trong nhà trường trung học cơ sở được đề cập trong bài viết này sẽ là một giải pháp cơ bản, nhằm đến 04 mục tiêu quan trọng, đó là: 1/ Chuyên nghiệp hóa hoạt động tư vấn học đường; 2/ phát triển văn hóa nhà trường; 3/ nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường; 4/ đáp ứng nhu cầu của xã hội.
7. Đặng Thị Lệ Tâm. Nghi thức lời nói tiếng Việt và nội dung dạy học nghi thức lời nói tiếng Việt cho học sinh tiểu học
Thuần thục nghi thức lời nói cũng chính là tiêu chí, thước đo năng lực ngôn ngữ của người học. Do đó, việc dạy học tiếng Việt cần phải chú ý đến việc trang bị cho học sinh vốn hiểu biết về kĩ năng sử dụng nghi thức lời nói tiếng Việt. Việc rèn luyện nghi thức lời nói cho học sinh phải được thực hiện ngay từ bậc Tiểu học - nơi đặt những “viên gạch” nền móng cho hệ thống giáo dục phổ thông. Chính vì thế, trong bài viết này, tác giả đi vào phân tích về nghi thức lời nói, nhận diện các nghi thức lời nói tiếng Việt và nội dung dạy học nghi thức lời nói tiếng Việt cho học sinh tiểu học.
8. Lê Bích Ngọc. Kĩ năng của giáo viên mầm non trong sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi của Việt Nam
Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi của Việt Nam (CPTTE5T) đã ra đời và đang được sử dụng rộng rãi ở các trường mầm non gần 4 năm (2010 -2014) nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Sử dụng Bộ CPTTE5T đúng đắn sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Đồng thời, đáp ứng được nhu cầu chuẩn hóa trong giáo dục mầm non đang được đặt ra ở Việt Nam. Để sử dụng có hiệu quả Bộ chuẩn này, giáo viên mầm non cần có 6 kĩ năng với những điều kiện hỗ trợ của các kiến thức về Bộ CPTTE5T và kĩ năng thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
9. Nguyễn Quang Giao. Xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng ở trường đại học
Xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng ở trường đại học là một trong những phương thức quản lí chất lượng hiệu quả nhằm đảm bảo và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo một cách bền vững với mục đích đạt được mục tiêu đào tạo của nhà trường; thỏa mãn nhu cầu của người học; đáp ứng nhu cầu của xã hội và của thị trường lao động, phục vụ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường đồng thời là một trong những biện pháp cơ bản góp phần đổi mới công tác quản lí giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Bài viết đề cập đến quy trình và biện pháp xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng ở trường đại học.
10. Lê Tiến Tùng. Giáo dục đại học ngoài công lập – thực trạng và giải pháp
Khẳng định hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập đã góp phần mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho người học và đóng góp vào quá trình đào tạo nhân lực trình độ cao cho các ngành, địa phương, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, tác giả bài viết trình bày thực trạng phát triển của giáo dục đại học ngoài công lập ở nước ta hiện nay, những thành tích, hạn chế của nó, qua đó đề xuất một số giải phát phát triển của giáo dục đại học ngoài công lập đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đối với chính các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập.
THỰC TIỄN GIÁO DỤC
11. Vương Thị Phương Hạnh. Thiết kế bài học ở trường phổ thông theo quan điểm công nghệ dạy học
Bài viết đề cập đến việc thiết kế bài học ở trường phổ thông theo quan điểm công nghệ dạy học . Theo tác giả, dạy học theo quan điểm công nghệ dạy học không đơn giản chỉ là ứng dụng các các phương tiện kĩ thuật hiện đại vào dạy học mà thực chất đó là sự hiện đại hóa quá trình dạy học theo quan điểm quy trình hóa các hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh, đồng thời kiểm soát chặt chẽ đầu ra, đầu vào của quá trình dạy học. Đi liền với quá trình đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học nhằm khai thác, xử lí và trình diễn có hiệu quả các nguồn tri thức khác nhau trong quá trình dạy học.
12. Nguyễn Thị Thanh Huyền. Một số biện pháp giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo thông qua ca dao, đồng dao
Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn về sử dụng ca dao, đồng dao trong giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo, tác giả bài viết đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo một cách hiệu quả thông qua sử dụng các bài ca dao, đồng dao như thiết lập mối quan hệ giữa ca dao, đồng dao và nội dung giáo dục ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo, xây dựng quy trình và thiết kế hoạt động sử dụng ca dao, đồng dao; đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục ở trường mầm non và đảm bảo các điều kiện hỗ trợ cho việc sử dụng ca dao, đồng dao trong quá trình giáo dục trẻ
13. Nguyễn Thị Bạch Mai. Thực trạng phát triển đội ngũ giáo viên mầm non ở vùng Tây Nguyên
Phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt nam là một trong những giải pháp then chốt trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2020 của nước ta, đồng thời cũng là yếu tố cần thiết để thực hiện phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục mầm non (GDMN) nói riêng. Phát triển đội ngũ giáo viên mầm non đáp ứng phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi tập trung vào việc đảm bảo cho đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, cơ cấu hợp lí, có chất lượng, đạt chuẩn về trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu thực hiện đổi mới GDMN, thực hiện tốt phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, góp phần phát triển GDMN một cách bền vững.
14. Võ Hồng Sơn. Tổ chức hoạt động học tập cho sinh viên Trường Cao đẳng Thương mại – Du lịch trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ (HTTC) là một phương thức đào tạo mới đối với giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam. Nằm trong hệ thống GDĐH Việt Nam, các trường cao đẳng thương mại - du lịch cũng cần phải nhanh chóng chuyển đổi phương thức đào tạo, từ niên chế sang HTTC. Tổ chức tốt hoạt động học tập của sinh viên là một trong những nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo theo HTTC của các trường. Bài viết trình bày những nội dung sau: 1/ Đặc điểm hoạt động học tập trong đào tạo theo học chế tín chỉ của sinh viên trường cao đẳng thương mai - du lịch; 2/ Một số biện pháp tổ chức hoạt động học tập trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ cho sinh viên trường cao đẳng thương mại - du lịch.
15. Nguyễn Văn Toàn. Một số giải pháp nâng cao nhận thức về hoạt động bồi dưỡng của giáo viên trung học phổ thông ở Đồng Nai
Trên cơ sở kết quả điều tra 200 cán bộ quản lí và giáo viên trung học phổ thông ở tỉnh Đồng Nai, tác giả bài viết trình bày thực trạng còn nhiều bất cập trong công tác bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh như: Nhận thức chưa cao vai trò công tác tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; chậm đổi mới phương pháp dạy học; công tác tiếp cận đổi mới chương trình và sách giáo khoa còn yếu. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp để khắc phục những bất cập trên nhằm góp phần vào việc nâng cao nhận thức về công tác bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông.
GIÁO DỤC DÂN TỘC
16. Hồ Xuân Hồng. Nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Gia Lai
Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh tại các trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đang là vấn đề cấp thiết hiện nay, nhằm thực hiện Nghị quyết số 29 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Từ năm 2010 - 2011 đến nay, nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, hàng loạt trường PTDTBT ở những vùng đặc biệt khó khăn đã ra đời. Đó là thành tựu lớn về phát triển số lượng, nhưng chất lượng giáo dục còn rất hạn chế. Cần phải có hàng loạt biện pháp, nhất là về quản lí để nâng cao chất lượng HS các trường PTDTBT.
17. Ngô Thị Thanh Thủy. Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học tiếng Việt – ngôn ngữ thứ hai - cho học sinh dân tộc thiểu số
Một trong những công cụ hữu hiệu có thể áp dụng trong dạy học tiếng Việt - ngôn ngữ thứ hai - cho học sinh các dân tộc thiểu số là phương pháp sử dụng bản đồ tư duy. Sử dụng bản đồ tư duy trong dạy học môn Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số rất phù hợp. Bởi nó là công cụ tư duy hữu hiệu giúp các em tư duy, nhớ từ và hiểu bài tốt hơn. Đồng thời, việc sử dụng bản đồ tư duy không đòi hỏi các thiết bị dạy học hiện đại, giáo viên có thể trình bày bản đồ tư duy trên bảng, bảng phụ, giấy khổ lớn… bằng cách sử dụng bút chì màu, phấn, tẩy… nên phù hợp với điều kiện vật chất hiện có của vùng dân tộc thiếu số.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
18. Đỗ Thế Hưng. Mô hình dạy học trong giáo dục đại học
Lịch sử phát triển giáo dục đại học (GDĐH) luôn gắn liền với những quan điểm, tư tưởng, phương pháp luận và những thay đổi trong thực tiễn hoạt động dạy học của nhà trường. Đó là những mô hình dạy học (MHDH) mang tính vĩ mô và cả những mô hình thể hiện các biện pháp, kĩ thuật cụ thể, mang tính vi mô của thực tiễn giáo dục (GD) sinh động. Nhìn chung, các MHDH rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, tùy vào hoàn cảnh cụ thể của nghề nghiệp và môi trường mà các nhà giáo dục có thể vận dụng linh hoạt, phù hợp. Bài viết đề cập đến các vấn đề: Sự phát triển MHDH trên thế giới và MHDH trong GDĐH ở Việt Nam.