Nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2024 (Hội đồng số 01)

02/12/2024 14:35 GMT+7
Chiều ngày 29/11/2024, tại Phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2024 (Hội đồng số 01) cho 02 nhiệm vụ của Trung tâm Giáo dục Mầm non và 01 nhiệm vụ của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia.

Tham dự hội đồng, có sự chủ trì của GS.TS. Lê Anh Vinh, các thành viên hội đồng, đại diện các phòng chức năng cùng các cán bộ, viên chức của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non và Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia.
 
 
Nhiệm vụ “Vấn đề giáo dục đa văn hóa trong Chương trình giáo dục mầm non của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam”, mã số V2024-10TX, của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, do TS. Vũ Thị Ngọc Minh là chủ nhiệm. Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia như Singapore, Úc, Mỹ, New Zealand và Thái Lan cho thấy: (1) Việc tích hợp các giá trị và sự tôn trọng sự đa dạng văn hóa từ sớm là rất quan trọng trong việc hình thành nhận thức và thái độ của trẻ em; (2) Việc lồng ghép đa văn hóa vào chương trình học và thực hiện tại lớp học góp phần tạo nên môi trường giáo dục toàn diện. Điều này cần được hỗ trợ bởi các chính sách pháp lý, sự tham gia của cộng đồng, gia đình và năng lực của giáo viên. Những bài học từ kinh nghiệm của các quốc gia cần được đúc rút và vận dụng phù hợp vào bối cảnh giáo dục mầm non tại Việt Nam, phù hợp với sự đa dạng văn hóa, để chuẩn bị cho thế hệ trẻ khả năng hội nhập quốc tế trong tương lai.
 
 
Nhiệm vụ “Kinh nghiệm về trình bày kết quả mong đợi trong Chương trình giáo dục mầm non của một số quốc gia theo tiếp cận giá trị, năng lực ở người học”, mã số V2024-11TX, của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, do TS. Nguyễn Thị Thủy là chủ nhiệm. Qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về trình bày kết quả mong đợi trong chương trình giáo dục mầm non các quốc gia (Singapore, New Zealand, Hàn Quốc, Mỹ và Nam Phi) cho thấy: Kết quả của quá trình giáo dục trên trẻ được biểu đạt dưới hình thức kết quả mong đợi/ những mong muốn phát triển ở mọi trẻ em. Các mong đợi này ở mức độ chung hướng đến các giá trị, năng lực ở trẻ mà giáo dục mỗi quốc gia hướng đến và mong muốn hình thành ở trẻ. Chúng đều là các kỳ vọng chung về những điều trẻ em phải biết và có thể làm vào cuối mỗi giai đoạn lứa tuổi.
 
 
Nhiệm vụ “Xây dựng bài tập phát triển kĩ năng giao tiếp của trẻ rối loạn phổ tự kỉ từ 3-4 tuổi tại gia đình”, mã số V2024-25TX, của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, do ThS. Nguyễn Trọng Dần là chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu đề xuất một hệ thống bài tập phát triển kỹ năng giao tiếp, bao gồm hai nhóm chính. Nhóm bài tập giao tiếp tiền ngôn ngữ tập trung vào các kỹ năng chú ý, lắng nghe, luân phiên, bắt chước và chơi. Nhóm bài tập giao tiếp ngôn ngữ hướng đến việc phát âm, nói từ đơn, và phát triển câu. Những bài tập này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học như đảm bảo phù hợp với mục tiêu can thiệp, kết hợp các phương pháp giáo dục trẻ em nói chung với các phương pháp chuyên biệt, và cá biệt hóa để phù hợp với từng gia đình. Ngoài ra, nghiên cứu cũng khuyến nghị cha mẹ sử dụng linh hoạt các phương pháp như chơi tương tác, giao tiếp qua hình ảnh, và thiết lập môi trường giao tiếp thân thiện tại nhà. Việc đào tạo cha mẹ qua các khóa tập huấn và cung cấp công cụ hỗ trợ như hệ thống giao tiếp tranh ảnh (PECS) cũng được nhấn mạnh nhằm nâng cao hiệu quả can thiệp. Đồng thời, cần mở rộng phạm vi nghiên cứu và tăng cường sự hỗ trợ từ cộng đồng và xã hội để xây dựng môi trường giao tiếp toàn diện hơn cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tin khác