Nhằm tìm hiểu thực trạng vấn đề lo âu học tập và mối liên hệ của nó với rối loạn lo âu, bài báo của hai tác giả Hoàng Thị Thanh Huệ và Ngô Thanh Huệ của Viện Tâm lí Việt – Pháp phân tích kết quả khảo sát trên 262 khách thể là các học sinh trung học phổ thông tại Hà Nội được tiến hành vào tháng 7 năm 2020. Công cụ khảo sát bao gồm thang sàng lọc lo âu (GAD-7), thang đánh giá lo âu học tập, được xây dựng từ việc kết hợp thang kiểm tra mức độ lo âu học tâp AAI và thang đo mức độ lo âu trong lớp học ngoại ngữ FLCAS. Kết quả cho thấy có sự khác biệt về mức độ lo âu học tập giữa các học sinh xét trên tiêu chí học lực và thứ tự sinh, lo âu học tập và các khía cạnh của lo âu học tập đều có mối tương quan thuận chiều ở mức tương đối mạnh với rối loạn lo âu.
Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền, Đại học Quốc Gia Hà Nội cung cấp cơ sở lí luận cho việc giáo dục giá trị văn hóa truyền thống cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, trong đó có đề cập đến quá trình hình thành giá trị văn hóa truyền thống, các đặc điểm tâm sinh lí của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, khái niệm giáo dục giá trị văn hóa truyền thống và các thành tố của quá trình giáo dục giá trị văn hóa truyền thống.
Thuyết đa nhân tố của Sternberg đã được sử dụng rộng rãi nhằm đo lường các khía cạnh khác nhau của trí tuệ, bao gồm trí tuệ phân tích, sáng tạo và thực tiễn. Bài viết của nhóm tác giả Trần Huy Hoàng, Đặng Xuân Cương và Nguyễn Thị Hương của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giới thiệu việc xây dựng và thử nghiệm công cụ đo lường khả năng trí tuệ của học sinh Việt Nam dựa vào thuyết đa nhân tố của Sternberg.
Lo âu học tập là một trong những vấn đề phổ biến ở lứa tuổi học sinh trung học phổ thông. Lo âu học tập là cảm giác lo sợ đi kèm theo sự gia tăng các suy nghĩ tiêu cực, các phản ứng về mặt cơ thể khi cá nhân phải đối mặt với các nhiệm vụ liên quan đến học tập, như: tham gia giờ một môn học (môn Toán, môn Tiếng Anh,...), đối mặt với bài tập về nhà hoặc đối các bối cảnh thi cử/ kiểm tra. Nhiều nghiên cứu cho thấy, lo âu học tập đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực, rèn luyện sức chịu đựng áp lực, từ đó tạo ra những thành tựu trong học tập và thi cử.
Tác giả Hoàng Lê Minh, đại học Hồng Đức nghiên cứu nội dung thống kê trong Chương trình Toán 2018 của Việt Nam, tổng hợp và đưa ra quan điểm phân biệt giữa các khái niệm hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê của học sinh. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất một số tác động sư phạm để rèn luyện hiểu biết, suy luận và tư duy thống kê cho người học với mục tiêu tăng cường tính ứng dụng và giá trị thực tiễn của Toán học trong cuộc sống.
Dạy học kết hợp là một khái niệm đã được các nhà giáo dục và các tổ chức giáo dục trên thế giới sử dụng từ lâu, để miêu tả hình thức học tập điện tử kết hợp với học tập truyền thống. Tác giả Trần Bích Hằng, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đưa ra một số khái niệm về dạy học kết hợp được sử dụng rộng rãi trên thế giới, những kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia đã áp dụng thành công phương pháp dạy học này với hi vọng mang lại một cái nhìn tổng quát về dạy học kết hợp, đồng thời là cơ sở cho việc triển khai một cách linh hoạt mô hình dạy học kết hợp ở Việt Nam.
Trong xu thế toàn cầu hoá, vấn đề giáo dục công dân toàn cầu đã và đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia. Việt Nam trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo với mục tiêu đào tạo ra những công dân có phẩm chất và năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế. Việc giáo dục công dân toàn cầu chính là góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Bài viết của tác giả Nguyễn Thị Việt Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày về mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu Việt Nam, xác định những địa chỉ có khả năng giáo dục công dân toàn cầu trong môn Đạo đức cấp Tiểu học, trên cơ sở đó đề xuất định hướng về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá kết quả giáo dục công dân toàn cầu.
Việc giảng dạy tiếng Anh có nhiều cách tiếp cận và phương pháp dạy khác nhau. Trong đó, phương pháp tiếp cận dựa vào nhiệm vụ đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các nhà giáo dục. Bài viết của nhóm tác giả Nguyễn Đình Như Hà, Nguyễn Lộc và Trần Tuyết của Viện Sư phạm Kĩ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu khái quát về tiếp cận dựa vào nhiệm vụ trong việc giảng dạy tiếng Anh ở bậc Đại học, Cao đẳng.
Giáo dục đại học theo mô hình phương Tây ở Việt Nam đã được hình thành từ đầu Thế kỉ XX. Tuy nhiên, có thể xem nền giáo dục đại học hiện đại của nước ta bắt đầu từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1945 và phát triển qua nhiều giai đoạn theo các biến động lịch sử quốc gia. Ở đầu Thế kỉ XXI, các mô hình giáo dục đại học phương Tây có ảnh hưởng đến nước ta đều hội tụ đến giáo dục đại học Hoa Kì, cho nên mô hình giáo dục đại học mà Việt Nam hướng đến trong thời đại hội nhập quốc tế hiện nay cũng chính là mô hình giáo dục đại học Hoa Kì. Các đổi mới giáo dục đại học ở nước ta trong gần ba thập niên qua đã thực hiện theo hướng đó nhưng còn gặp một số gay cấn. Muốn xây dựng một nền giáo dục đại học hiện đại, tiên tiến, tác giả Lâm Quang Thiệp, Trường Đại học Thăng Long, Hà Nội cho rằng cần đổi mới thể chế và hệ thống quản trị và quản lí giáo dục đại học nhằm đạt được mục tiêu mong muốn.
Ngày 30/07/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-Ttg phê duyệt Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" (Đề án). Mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục và tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.