Nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2024 (Hội đồng số 08)
Sáng ngày 29/11/2024, tại Phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2024 (Hội đồng số 08) cho 02 nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên và 02 nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Giáo dục dân tộc.
Tham dự hội đồng, có sự chủ trì của PGS.TS. Mai Văn Trinh, các thành viên hội đồng, đại diện các phòng chức năng cùng các cán bộ, viên chức của Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên và Ban Nghiên cứu Giáo dục dân tộc.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu luận cứ khoa học cho xây dựng nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp Trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số”, mã số V2024-02TX, của Ban Nghiên cứu Giáo dục dân tộc, do ThS. Nguyễn Văn Sáng là chủ nhiệm. Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề xuất một số luận cứ xây dựng chương trình, tài liệu nội dung giáo dục địa phương cấp trung học phổ thông vùng dân tộc thiểu số gồm: Quan điểm xây dựng chương trình; Các tiêu chí khi xây dựng chương trình phù hợp với vùng dân tộc thiểu số; Quan điểm và định hướng biên soạn tài giáo dục địa phương; Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương; Tổ chức thực hiện dạy học nội dung giáo dục địa phương. Những luận cứ này nhằm đảm bảo cho việc xây dựng chương tình, tài liệu nội dung giáo dục địa phương phù hợp với những đặc thù của vùng dân tộc thiểu số.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu sự phù hợp nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh người dân tộc thiểu số”, mã số V2024-03TX, của Ban Nghiên cứu Giáo dục dân tộc, do ThS. Nguyễn Như Đông là chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp thực hiện nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số về xây dựng mục tiêu, điều chỉn thời lượng, sử dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức và điều kiện đảm bảo thực hiện nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số. Việc thực hiện nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 4 phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao kết học học tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung ở vùng dân tộc thiểu số.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về xóa mù chữ chức năng cho người lớn và đề xuất cho Việt Nam”, mã số V2024-06TX, của Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, do ThS. Nguyễn Duy Long là chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức, thực hiện xóa mù chữ chức năng của tổ chức UNESCO và hai quốc gia đại diện cho các quốc gia phát triển và đang phát triển la Hàn Quốc và Ấn Độ về các nội dung, chính sách, chương trình và cách thức triển khai. Căn cứ đề xuất dựa trên căn cứ pháp lý và thực tiễn, trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc kế thừa, phát triển, tính phù hợp, tính thực tiễn. Đề xuất thực hiện xóa mù chữ chức năng cho người lớn ở Việt Nam gồm: chính sách, chương trình, nội dung, phương pháp, tài liệu, người dạy, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình cũng như đánh giá người học và việc huy động nguồn lực tài chính và cơ chế phối hợp giữa các cấp, ban, ngành.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng chương trình và tài liệu tập huấn cán bộ quản lí Trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng trong bối cảnh hiện nay”, mã số V2024-07TX, của Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, do TS. Nguyễn Thị Hài là chủ nhiệm. Nhóm nghiên cứu đề xuất chương trình và tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý Trung tâm học tập cộng đồng gồm 07 mô đun: (1) Những vấn đề chung về Trung tâm học tập cộng đồng; (2) Xây dựng kế hoạch hoạt động cho Trung tâm học tập cộng đồng; (3) Nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục vì sự phát triển bền vững của Trung tâm học tập cộng đồng; (4) Huy động và quản lí nguồn lực, xây dựng và phát triển đội ngũ, mạng lưới liên kết phối hợp ở Trung tâm học tập cộng đồng; (5) Kiểm tra, giám sát các hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng; (6) Khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồngl (7) Khai thác sử dụng và biên soạn học liệu địa phương.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam