Nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2024 (Hội đồng số 06)
Chiều ngày 02/12/2024, tại Phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2024 (Hội đồng số 06) cho 03 nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Chính sách và Phát triển chiến lược giáo dục và Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học - Giáo dục học.
Tham dự hội đồng, có sự chủ trì của PGS.TS. Trần Huy Hoàng, các thành viên hội đồng, đại diện các phòng chức năng cùng các cán bộ, viên chức của Ban Nghiên cứu Chính sách và Phát triển chiến lược giáo dục và Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học - Giáo dục học.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu một số chính sách về lao động nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục phổ thông”, mã số V2024-01TX, của Ban Nghiên cứu Chính sách và Phát triển chiến lược giáo dục do ThS. Trịnh Vân Hà là chủ nhiệm. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và đánh giá thực trạng, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp cải tiến lao động nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Các giải pháp bao gồm: Giải pháp về phụ cấp, chế độ đãi ngộ đặc thù đối với GV thực hiện giảng dạy trong các lớp có sĩ số lớn; Giải pháp về việc rà soát, quy hoạch lại đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; Giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Giải pháp về đổi mới quản trị.
Nhiệm vụ “Kinh nghiệm quốc tế về giáo dục năng lực cảm xúc xã hội cho học sinh phổ thông”, mã số V2024-08TX, của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học - Giáo dục học, do TS. Phạm Thị Hồng Thắm là chủ nhiệm. Giáo dục năng lực cảm xúc và xã hội là một phần không thể thiếu trong quá trình giáo dục và phát triển toàn diện của mỗi con người. Chúng bao gồm sự tự nhận thức, nhận thức xã hội, tự quản lý, quản lý các mối quan hệ, ra quyết định có trách nhiệm. Tất cả những ưu thế về quan điểm, nội dung, con đường hay phương pháp giáo dục cảm xúc và xã hội mà các quốc gia đang vận dụng hiệu quả hiện nay, Việt Nam đều có tiếp thu và vận dụng vào chương trình giảng dạy tại Việt Nam.
Nhiệm vụ “Giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh trung học cơ sở thông qua phòng tư vấn học đường”, mã số V2024-09TX, của Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học - Giáo dục học, do TS. Ngô Thanh Thủy là chủ nhiệm. Trên cơ sở nghiên cứu lí luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp, gồm: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên và nhân viên tư vấn về chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua hoạt động của phòng tư vấn; Xây dựng tổ chức các hoạt động giáo dục về sức khỏe tâm thần thông qua phòng tư vấn học đường; Thu hút sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng trong hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh; Mở rộng nội dung và các hình thức truyền thông về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh trung học cơ sở thông qua hoạt động của phòng tư vấn học đường; Ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số trong chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh trung học cơ sở thông qua hoạt động của phòng tư vấn học đường.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam