Nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2024 (Hội đồng số 07)
Chiều ngày 10/12/2024, tại Phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ theo chức năng năm 2024 (Hội đồng số 07) cho 01 nhiệm vụ của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và 01 nhiệm vụ của Trung tâm Thông tin và Dự báo.
Hội đồng nghiệm thu
Tham dự hội đồng, có sự chủ trì của PGS.TS. Trần Huy Hoàng, các thành viên hội đồng, đại diện các phòng chức năng cùng các cán bộ, viên chức của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học và Trung tâm Thông tin và Dự báo.
Nhiệm vụ “Mô hình đại học thông minh: góc nhìn tham chiếu từ một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam”, mã số V2024-21TX, của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, do CN. Nguyễn Lệ Hằng là chủ nhiệm. Đề tài đã làm rõ khái niệm, đặc trưng chính của mô hình đại học thông minh, những kết quả đạt được và khó khăn thách thức trong quá trình triển khai mô hình này tại các quốc gia tiên tiến như Mỹ, Úc và Malaysia. Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng phát triển mô hình đại học thông minh đang là một xu hướng trên thế giới, một mô hình đại học thông minh không chỉ là ứng dụng công nghệ vào đào tạo, quản trị vận hành hiệu quả mà còn cân bằng với các yếu tố ngoài nhà trường như cộng đồng, môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Để triển khai áp dụng mô hình đại học thông minh đòi hỏi sự đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng, sự cam kết mạnh mẽ từ phía ban lãnh đạo trường đại học, cũng như sự tham gia tích cực từ đội ngũ cán bộ giảng viên, đội ngũ sinh viên và các bên liên quan khác. Đề tài đề xuất những khuyến nghị nhằm xây dựng mô hình đại học thông minh phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam, hướng tới bắt kịp xu thế của kỷ nguyên số.
Nhiệm vụ “Đổi mới sáng tạo trong Giáo dục Đại học: Xu hướng của một số nước trên thế giới”, mã số V2024-22TX, của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, do ThS. Nguyễn Hữu Khôi là chủ nhiệm. Đề tài đã hệ thống hóa về đổi mới sáng tạo trong giáo dục đai học của các nước trên thế giới, về tình hình kinh tế, xã hội, đặc điểm văn hóa địa phương, tổng hợp các kinh nghiệm đổi mới sáng tạo trong các trường đại học của 10 nước được chọn để nghiên cứu. Mối quan hệ tác động của phát triển kinh tế xã hội với việc đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học trên địa bàn và mối quan hệ tác động của đặc điểm văn hoá địa phương với mạng lưới cơ sở đào tạo và quan hệ với doanh nghiệp nói riêng và phát triển nền kinh tế nói chung. Căn cứ vào cơ sở lý luận, nghiên cứu đã đề xuất được các khuyến nghị, giải pháp đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Nhiệm vụ “Nghiên cứu xu hướng phát triển giáo dục quốc tế của một số nước trên thế giới”, mã số V2024-23TX, của Trung tâm Thông tin và Dự báo, do ThS. Phạm Thị Vân là chủ nhiệm. Đề tài làm rõ một số vấn đề lý luận về phát triển giáo dục quốc tế như các khái niệm liên quan, các phương thức cung cấp giáo dục và vai trò của giáo dục quốc tế. Đề tài đã tổng kết, so sánh định hướng phát triển giáo dục quốc tế của bốn quốc gia, gồm Canada, Úc, Vương quốc Anh và Trung quốc, và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Ở Việt Nam, giáo dục quốc tế đã được chú ý phát triển và đạt được một số kết quả nhất định như số lượng sinh viên đến Việt Nam tăng lên đáng kể và ngoại trừ thu hút chủ yếu sinh viên quốc tế trong khu vực, Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến quen thuộc hơn của sinh viên Mỹ và Úc. Chính phủ Việt Nam cũng ngày càng chú trọng đẩy mạnh quan hệ hợp tác giáo dục với các nước trên thế giới. Tuy nhiên, để có thể khai thác được nhiều hơn lợi ích từ lĩnh vực này, rất cần tìm ra hướng phát triển mang tính đột phá hơn cho Việt Nam.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam