Thông tin giáo dục quốc tế số 7 (lưu hành nội bộ) (phần 1)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Chủ đề: Shadow education - Giáo dục trong bóng tối - Bản đồ toàn cảnh

 PHẦN MỞ ĐẦU

Ở giai đoạn đầu thế kỉ người ta đã chứng kiến sự mở rộng đáng chú ý của việc dạy và học thêm – thường được gọi là hệ thống giáo dục không chính thức – “giáo dục trong bóng tối” (shadow education). Tuy đã phổ biến trên toàn thế giới, hiện tượng này được ghi nhận rõ rệt nhất là ở vùng Đông Á (Bray 2009, Mori và Baker 2010). Tại Nhật Bản, hệ thống juku, một hệ thống hoạt động song song và bổ trợ cho hệ thống trường học dành cho tất cả học sinh mọi lứa tuổi (Harnisch 1994, Roesgaard 2006), cũng được biết đến rộng rãi giống như hệ thống hagwons tương tự tại Hàn Quốc (Zeng 1999, Seth 2002). Hiện nay, bộ phận không chính thức này đã trở nên rất phổ biến trên toàn châu Á cũng như các vùng khác của thế giới.

Mặc dù thuật ngữ “shadow education” (“giáo dục trong bóng tối” – được hiểu là giáo dục không chính thức) được sử dụng rộng rãi, không phải lúc nào nó cũng mang một nghĩa nhất quán. Vì vậy, ngay từ thời điểm bắt đầu nghiên cứu, việc xác định giới hạn của nghiên cứu hiện tại là rất quan trọng. Loại hình giáo dục này có thể được hiểu là một hình thức giảng dạy các môn học có thu học phí ngoài giờ học chính quy. Nghiên cứu không đề cập tới việc giảng dạy các bộ môn thể thao hay âm nhạc, trừ khi chúng nằm trong phạm vi các môn học chính thức được đánh giá để xét lên lớp trong hệ thống giáo dục. Đồng thời, nghiên cứu không đề cập đến việc giảng dạy không tính phí bởi các giáo viên, thành viên trong gia đình, các nhóm hoạt động cộng đồng, hoặc các tổ chức và cá nhân khác. Đương nhiên là những chương trình giảng dạy như vậy là rất đáng quý, tuy nhiên, chúng lại có ý nghĩa chính sách khác biệt so với loại hình dạy thêm có thu phí – đối tượng chủ yếu của nghiên cứu này.

Liên quan đến các cấp giáo dục, nghiên cứu tập trung xem xét giáo dục tiểu học và trung học. Việc dạy thêm tư nhân chắc chắn là có tồn tại ở bậc trước tiểu học và sau trung học, và những hoạt động này cũng đặt ra nhiều vấn đề chính sách quan trọng. Tuy nhiên, các vấn đề này rất khác biệt ở những cấp học đó, và tốt nhất nên được tách riêng ra để nghiên cứu.

Nghiên cứu này sử dụng phép ẩn dụ về shadow (cái bóng) là bởi vì rất nhiều hoạt động dạy thêm tư nhân bắt chước các hoạt động giảng dạy chính thức (Stevenson và Baker 1992, Bray 1999b, Lee và cộng sự 1999). Theo cách đó, khi mà chương trình giảng dạy trong giáo dục chính thức thay đổi, chương trình giảng dạy trong giáo dục không chính thức (shadow) cũng sẽ thay đổi theo. Và khi mà giáo dục chính thức được mở rộng, thì giáo dục không chính thức cũng vậy. “Cái bóng” (shadow) này đương nhiên là có thể vừa hữu ích, vừa có nhiều vấn đề. Cái bóng của một chiếc đồng hồ mặt trời sẽ cho biết thời gian trong ngày, và cái bóng của một hệ thống giáo dục có thể cho biết những đặc trưng của hệ thống giáo dục chính thức. Ngược lại, thuật ngữ “kinh tế ngầm” (shadow economy) lại ám chỉ những thực tế trái phép với những động cơ đạo đức đáng ngờ, và một vài nhà quan sát có những quan điểm tương tự về các khía cạnh của hệ thống “giáo dục trong bóng tối”. Một tiền đề ẩn ở trong nghiên cứu này là “giáo dục trong bóng tối” có cả những mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực, nó có thể giúp cho cá nhân phát triển năng lực học tập và tạo ra của cải cho con người, mở rộng tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nó có thể cung cấp những nguồn lực giáo dục một cách linh hoạt và chủ động về mặt thời gian hơn so với hệ thống chính thức. Nhưng khi xem xét mặt tiêu cực của nó, “giáo dục trong bóng tối” có thể làm trầm trọng thêm bất công xã hội, tạo ra nhiều căng thẳng hơn cho cá nhân và gia đình, tạo nên sự thiếu hiệu quả trong nền giáo dục, và góp phần tạo ra nền móng cho các loại hình tham nhũng. Tìm ra những phương hướng để khuyến khích những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực là một thách thức với những nhà làm chính sách và các nhà quản lý.

Có hàng loạt các kiểu, loại hình dạy thêm tư nhân đang tồn tại. Một trong số đó là dạy thêm theo kiểu một thầy kèm một trò, thường được tổ chức tại nhà của giáo viên hoặc học sinh. Học sinh cũng có thể thành lập các lớp với số lượng học sinh nhỏ, vừa hay lớn. Trong nhiều trường hợp, học sinh tụ tập đông đảo trong các giảng đường lớn, với các lớp học đông đúc được điều hành qua những màn hình video. Các loại hình dạy thêm khác có thể bao gồm dạy học qua mạng Internet, và như vậy, có thể được tiến hành xuyên biên giới các quốc gia, hay thậm chí là xuyên lục địa. Hàng loạt các loại hình này yêu cầu các nhà làm chính sách phải có sự đáp ứng thích hợp.

Về mặt địa lý, nghiên cứu bao trùm không gian rất đa dạng, trải dài từ Mông Cổ ở phía bắc đến Indonesia ở phía nam, và từ Georgia ở phía tây đến Nhật Bản ở phía đông. Một vài nước (như Nhật Bản và Hàn Quốc) là các nước rất giàu có, trong khi có các nước, như Bangladesh và Tajikistan lại vô cùng nghèo khổ. Một vài nước, như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Ấn Độ, có số dân rất lớn, trong khi các nước khác, như Brunei Darussalam và Maldives lại có rất ít dân. Tập hợp các nước này cũng có những dấu tích thuộc địa khác nhau, bao gồm các nước Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Liên bang Xô Viết cũ, Anh và Mỹ. Về một vài khía cạnh, sự đa dạng này là một thách thức đối với việc phân tích, nhưng đồng thời lại cũng là một tài sản giá trị, vì nó cho phép xác định rõ ảnh hưởng của các yếu tố bối cảnh và các đặc tính đồng nhất tại các cộng đồng khác nhau.

Cuối cùng, về mặt cơ sở bằng chứng có một vài điểm đáng chú ý. Nghiên cứu được dựa trên cơ sở những văn bản nghiên cứu đã được xuất bản, được bổ sung bởi các cuộc phỏng vấn điều tra với các nhân viên trong các bộ giáo dục, các tổ chức quốc tế và các cơ quan đoàn thể khác. Những nguồn này cho phép vẽ lên một bản đồ tổng quát, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khoảng trống về mặt thông tin. Những nhà nghiên cứu châu Á, và đặc biệt là ở Đông Á, được cho là dẫn đầu thế giới về mặt này. Thế nhưng, cần phải làm thêm nhiều việc nữa để giúp cho các nhà làm chính sách và những người khác có được một sự hiểu biết vững vàng về các kích thước và những gợi ý của “giáo dục trong bóng tối” trong một môi trường đầy đủ hơn.
 (còn tiếp)

Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn