Thông tin giáo dục quốc tế số 7 (lưu hành nội bộ) (phần 2)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Chủ đề: Shadow education - Giáo dục trong bóng tối - Bản đồ toàn cảnh

 BẢN ĐỒ TOÀN CẢNH


Người ta có thể đoán rằng, học sinh ở các trường tư thục sẽ ít tham gia học thêm hơn là bạn bè đồng trang lứa tại các trường công lập, với cơ sở là các trường tư thục đã tự điều chỉnh gần hơn với yêu cầu của các bậc phụ huynh và học sinh, và họ đã thu thêm phí cho công việc này rồi. Thật ra, đây chính là trường hợp xảy ra ở một vài nước. Nath (2011a) đã đưa ra dữ liệu tại Bangladesh, cho thấy 38% học sinh tại các trường tiểu học công lập có học thêm, trong khi con số này tại các trường không phải công lập chỉ là 12%. Tuy nhiên, trong các hoàn cảnh khác, học sinh tại các trường tư thục thậm chí còn học thêm nhiều hơn các bạn bè đồng trang lứa tại các trường công lập. Có thể giải thích là do các bậc phụ huynh đã sẵn có nguồn chi đủ để con em vào học trường tư thục, và đã thể hiện mong muốn sẵn sàng sử dụng thị trường để đảm bảo cho lợi thế giáo dục của con em họ. Một vài ví dụ về quan hệ giữa các trường tư thục và việc dạy thêm tư nhân bao gồm như sau:

Ấn Độ, năm 2010 tại một số vùng nông thôn của Uttar Pradesh, 10.1% số học sinh lớp 1 tại trường tư thục có tham gia học thêm, trong khi con số này đối với học sinh tại trường công lập là 3.8% (Pratham 2011:214). Sự khác biệt này được giữ nguyên tại tất cả các khối lớp học được nghiên cứu, với tỷ lệ lần lượt là 18.9% và 9.0% với khối 8. Tại vùng nông thôn West Bengal, nới có mức độ dạy học thêm cao hơn nhiều, các trường tư thục khởi đầu với tỷ lệ cao hơn ở lớp 1 (60.7% so với 50.6% ở các trường công lập), nhưng ở các khối lớp cao hơn, tỷ lệ này dần được đảo ngược, với tỷ lệ ở khối 8 là 72.9% số học sinh tại các trường tư thục có học thêm so với 83.1% tại các trường công lập (Pratham 2011:222). Những số liệu này có thể được bổ sung bởi các dữ liệu khảo sát điều tra toàn quốc (Ấn Độ 2010: A-310; xem Hộp 3). Năm 2007/08, các học sinh được báo cáo (bao gồm cả ở vùng nông thôn và thành phố) tại các trường tư thục không được trợ cấp được đánh giá là đã trả trung bình khoảng 2.349 rupi cho việc học thêm so với 2.773 rupi với các bạn đồng trang lứa ở các trường tư thục được trợ cấp và chỉ 1.456 rupi đối với các học sinh tại các trường công lập.

Cơ sở dữ liệu thống kê về việc dạy thêm tư nhân là hạn chế hơn rất nhiều so với hệ thống trường học (và ngay cả đối với các dữ liệu về hệ thống trường học, những cơ sở dữ liệu thống kê liên quốc gia cũng có rất nhiều hạn chế). Bất chấp thực tế này, tập hợp các nghiên cứu hiện tại cũng đã cung cấp được một lượng chi tiết cần thiết, đủ để thiết lập nên một bản đồ toàn cảnh với một cái nhìn bao quát tổng quan với những tính chất cơ bản nhất; dù rằng chúng có thể bỏ qua một vài chi tiết nhỏ. Chương này bắt đầu với tỉ lệ theo học trong “giáo dục trong bóng tối” (shadow education), sau đó sẽ đề cập tới mật độ và những biến số về dân số, các môn học và các phương thức học thêm/ dạy thêm, và cuối cùng là chi phí của “giáo dục trong bóng tối”.

Tỉ lệ tham gia học thêm

Hộp 1 thể hiện những dữ kiện về “giáo dục trong bóng tối” tại đa số các quốc gia nằm trong khu vực. Do đề tài này chưa được nghiên cứu ở tất cả các quốc gia, bảng sẽ không bao gồm một số nước. Tại đa phần các địa điểm, “giáo dục trong bóng tối” cũng mới chỉ được đưa vào chương trình nghiên cứu trong thời gian gần đây. Đương nhiên, cũng có những ngoại lệ đáng chú ý như là Nhật Bản và Hàn Quốc, nơi mà việc dạy thêm tư nhân đã được coi là một vấn đề trọng tâm trong những cuộc thảo luận công khai kể từ những năm 60 và hàng loạt những cuộc nghiên cứu cả về định tính và định lượng đã kiểm tra hiện tượng này hàng thập kỉ nay (Kim và Hunt 1968, Rohlen 1980, Horio 1986, Sawada và Kobayashi 1986, Han và Kim 1997, Seth 2002).

Một điểm đáng lưu tâm về Hộp 1 là những nghiên cứu được trích dẫn có sự đa dạng về trọng tâm cũng như tiếp cận về phương pháp. Một số nghiên cứu tập trung vào giáo dục tiểu học, trong khi các nghiên cứu khác đề cập tới giáo dục trung học. Một số nghiên cứu được tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu rất lớn, trong khi một số khác chủ yếu dựa vào các mẫu nhỏ. Một số có định nghĩa rất rõ ràng về việc dạy thêm tư nhân, trong khi một số khác lại định nghĩa rất mơ hồ. Một số dựa trên cơ sở các khảo sát hộ gia đình, trong khi một số khác lại được thiết kế đặc biệt cho lĩnh vực giáo dục. Và như vậy, rất khó để có thể xếp tất cả các nghiên cứu này vào cùng một loại. Việc dạy thêm/ học thêm đang được quan tâm ngày một nhiều hơn trong các nghiên cứu xuyên quốc gia sử dụng các công cụ được chuẩn hóa theo các nhóm nước. Những nghiên cứu tiêu biểu là: những xu hướng trong nghiên cứu Toán học và Khoa học quốc tế, được tiến hành dưới sự bảo trợ của Hiệp hội quốc tế về Đánh giá Thành tích Giáo dục (IEA), và Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), được tiến hành dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Những nghiên cứu này đã cung cấp được một số thông tin phù hợp (ví dụ như, Nonoyama - Tarumi 2011, OECD 2011b); nhưng với biểu mẫu câu hỏi được soạn ra, không cho phép tách bạch rõ ràng về việc dạy thêm có thu phí và dạy thêm miễn phí, cũng như không xác định được cường độ của việc dạy thêm (Bray 2010:7-8).

Hộp 1: Các chỉ số xuyên quốc gia về dạy thêm/ học thêm

Nước

Ví dụ

Armenia

Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP 2007:45) tuyên bố rằng 47% học sinh trung học có học thêm ngoài giờ, thường là từ 2 môn học trở lên và chiếm khoảng 30 - 35 giờ mỗi tuần.

Azerbaijian

Silova và Kazimzade (2006) đã điều tra 913 sinh viên đại học năm thứ nhất về những trải nghiệm của họ vào năm cuối của trường trung học. Họ nhận thấy rằng 93% học sinh đã tham gia vào việc học thêm (dưới hình thức gia sư, hoặc các chương trình dự bị, hoặc cả hai).

Bangladesh

Nath (2011b) đã phân tích các dữ kiện trong các nghiên cứu hộ gia đình. Ông nhận thấy rằng, trong năm 2008, 37.9% học sinh tiểu học và 68.4% học sinh trung học có tham gia học thêm, ở khối lớp 10 tỷ lệ này là trên 80%.

Brunei Darussalam

Wong và cng sự (2007:455) đã điều tra về cách thức học bộ môn toán học của học sinh tiểu học 6 tuổi. Với mẫu là 209 học sinh, 69% trong số đó có tham gia các bài học ngoài giờ, và phần lớn được cho rằng là do gia sư tiến hành.

Campuchia

Những kết quả khảo sát tại 77 trường tiểu học năm 1997 - 1998 cho thấy 31.2% học sinh có tham gia học thêm, tiêu tốn 6.6% chi phí cho giáo dục tiểu học (Bray 1999a:57). Một nghiên cứu theo sau đó vào năm 2004 đã cho thấy rằng chi phí này tăng lên đáng kể ở bậc trung học (Bray và Bunly 2005:42). Khi khảo sát 8 trường tiểu học tại 3 địa điểm, Dawson (2011:18), đã thấy rằng một nửa số học sinh có tham gia học thêm. Brehm và Silova (2012) đã trình bày các dữ kiện phản ánh những phát hiện này.

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Năm 2004, Khảo sát Giáo dục và nghề nghiệp hộ gia đình thành thị với 4.772 hộ gia đình đã cho thấy rằng 73.8% học sinh tiểu học có được dạy thêm những bài học ngoài chính khóa, bao gồm các môn học không hàn lâm. Tỷ lệ này ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông là 65.6% và 53.5% (Xue và Dinh 2009). Cuộc khảo sát vào năm 2010 với 6.474 học sinh tại Tế Nam cho thấy rằng 28.8% học sinh trung học cơ sở có học thêm môn toán, và 29.3% học thêm môn Tiếng Anh (Zhang 2011).

Geogia

Matiashvili và Kutateladze (2006) đã hỏi 839 sinh viên đại học năm nhất về những trải nghiệm của họ trong năm cuối cùng ở trường phổ thông. Họ thấy rằng 76% sinh viên đã từng theo học một khóa học thêm (những bài học riêng, các khóa học chuẩn bị cho kì thi đại học hoặc là cả hai). Một cuộc khảo sát vào năm 2011 của 1200 học sinh trung học và các học sinh đã tốt nghiệp ở mọi vùng cho thấy một phần tư số học sinh trung học đã từng học thêm, với 35% số học sinh ở vùng thành thị và 19% ở vùng nông thôn (EPPM 2011).

Hồng Kông, Trung Quốc

Một cuộc khảo sát qua điện thoại vào năm 2009 đối với 521 học sinh đã cho thấy rằng 72.5% học sinh bậc trên tiểu học có tham gia học thêm (Ngai và Cheung 2010); và một cuộc khảo sát đối với 898 học sinh trung học đã cho thấy 72.5% học sinh trung học cơ sở có tham gia học thêm, trong khi tỉ lệ này ở bậc trung trung học và trung học phổ thông là 81.9 và 85.5% theo thứ tự (Caritas 2010)

Ấn Độ

Sujatha và Rani (2011:113) đã báo cáo trong một cuộc khảo sát học sinh trung học phổ thông tại 4 bang: Andhra Pradesh, Kerala, Maharashtra và Uttar Pradesh: trong mẫu này, 58.8% học sinh khối 10 có tham gia học thêm. Sen (2010:315) đã tuyên bố rằng tại Tây Bengal, 57% số học sinh cấp tiểu học có tham gia học thêm. Dữ liệu từ một cuộc khảo sát vùng nông thôn toàn quốc đã cho thấy tỷ lệ ở khối lớp 4 đến lớp 8 dao động trong khoảng 2.8% ở Chhattisgarh tới 77.2% tại Tripura (Pratham 2011:58).

Indonesia

Suryadama và cộng sự (2006) lưu ý là có sự hiện diện trên diện rộng của dạy thêm tư nhân ở cấp tiểu học tuy không có số liệu đo lường cụ thể nào. Những bằng chứng không chính thức cho thấy rằng nó cũng phổ biến đối với cấp trung học.

Nhật Bản

Một cuộc khảo sát năm 2007 cho thấy rằng juku (tên gọi hệ thống giáo dục ngoài chính quy của Nhật) phục vụ 15.9% học sinh lớp 1 tiểu học, và tỷ lệ này tăng lên nhanh chóng ở các khối lớp cao hơn, và đạt tới 65.2% tại lớp thứ 3 cấp trung học cơ sở. Thêm vào đó, 6.8% học sinh năm thứ 3 trung học cơ sở có phụ đạo tại nhà, trong khi 15% theo học các khóa học hàm thụ (Japan 2008:13).

Kazakhstan

Kalikova và Rakhimzhanova (2009) đã hỏi 1.004 sinh viên đại học năm thứ nhất về các trải nghiệm của họ trong năm cuối tại trường trung học. 59,9% số sinh viên này đã từng học thêm (những bài học cá nhân, các khóa học chuẩn bị cho kì thi đại học hoặc là cả hai).

Hàn Quốc

Vào năm 2008, ước 87.9% học sinh tiểu học có học thêm. Tại trường trung học tỷ lệ này là 72.5%; và tại các trường trung học phổ thông tỷ lệ này là 60.5% (Kim 2010:302).

Cộng hòa Kyrgyz

Bagdasarova và Ivanov (2009) đã hỏi 1.100 sinh viên đại học năm thứ nhất về các trải nghiệm của họ trong năm cuối tại trường trung học. 52.5% số sinh viên này đã từng học thêm (những bài học cá nhân, các khóa học chuẩn bị cho kì thi đại học hoặc là cả 2).

Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào

Benveniste và cộng sự (2008:76, 106) chỉ ra rằng 14% số giáo viên của trường trung học cơ sở có tham gia dạy thêm, và thu nhập từ dạy thêm chiếm một phần ba tổng thu nhập của họ. Một nghiên cứu khác đối với 2082 giáo viên tiểu học tại 449 trường cho thấy 4.7% trong số đó có dạy thêm thu phí (Dang et al. 2010).

Malaysia

Kenayathulla (2012) đã kiểm tra các dữ liệu từ cuộc khảo sát chi tiêu của hộ gia đình  năm 2004/2005 và phát hiện rằng 20.1% số hộ gia đình cho thấy có chi tiêu cho việc học thêm. Tan (2011:105), sau khi khảo sát 1.600 học sinh tại tám trường học tại Selangor và Kuala Lumpur, đã phát hiện rằng 88% học sinh đã tham gia học thêm ở bậc tiểu học.

Maldives

Nazeer (2006) đã đặc biệt chú ý rằng việc dạy học thêm tư nhân “là hết sức phổ biến”. Tất cả 9 giáo viên tham gia nghiên cứu định tính của ông đã từng tham gia dạy thêm cho học sinh của chính mình.

Mongolia

Dong et al. (2006) đã hỏi 1.475 sinh viên đại học năm thứ nhất về các trải nghiệm của họ trong năm cuối tại trường trung học. 66% số sinh viên này đã từng học thêm (những bài học cá nhân, các khóa học chuẩn bị cho kì thi đại học hoặc là cả hai).

Myanmar

Một báo cáo vào năm 1992 (Cơ quan Nghiên cứu Giáo dục Myanmar 1992:24) đã mô tả dạy học thêm tư nhân như là “một điều không thể thiếu để hoàn thành giáo dục trung học”. Những bằng chứng không chính thức đã chỉ ra rằng hai thập niên sau, vấn đề này không hề mất đi. Dạy thêm cũng tồn tại rất nhiều ở cấp tiểu học. Một cuộc khảo sát chưa được công bố vào năm 2009 tại 25 thị trấn đã cho thấy rằng việc dạy học thêm tiêu tốn 12.6% chi phí của hộ gia đình đối với khối lớp 1 và 15.6% đối với khối lớp 5.

Nepal

Jayachandran (2008) đã kiểm tra dữ liệu từ 450 trường học tại 28 quận huyện. Bà thấy rằng 38% học sinh tại các trường công lập có tham gia học thêm tại trường, trong khi số liệu đối với các học sinh ở trường tư thục là 32%. Thêm vào đó các học sinh luôn tham gia học thêm với các giáo viên ngoài trường. Thapa (2011) đã báo cáo về dữ liệu từ 22.500 học sinh tại 452 trường học. Ông đã nhận thấy rằng 68% học sinh khối 10 có tham gia học thêm.

Pakistan

Dạy học thêm tư nhân là rất phổ biến tại các vùng đô thị (Mulji 2003) và cũng phổ biến ở các vùng nông thôn (ASER Pakistan 2011). Đối với các vùng nông thôn, một cuộc khảo sát năm 2010 đối với 19.006 hộ gia đình đac cho thấy rằng chỉ có 80% số trẻ em đến tuổi là được đi học. Trong số các em được đến trường, 14.3% trong số đó có tham gia học thêm (ASER Pakistan 2011:53)

Philippines

De Castro và de Guzman (201) đã khảo sát trên 1.235 học sinh tại 23 trường học. Họ nhận thấy rằng 40.7% số học sinh lớp 6 và 46.5% số học sinh lớp 10 là có tham gia học thêm

Singapore

Tan (2009) kêu ca về sự thiếu quan tâm đến việc thu thập dữ liệu kinh nghiệm về dạy thêm, nhưng lưu ý rằng hiện tượng này rất dễ thấy trong mấy chục năm,  dẫn công trình của Kwan-Terry (1991) và  George (1992). Một phóng sự trên báo năm 2008 tuyên bố có 97% học sinh tiểu học, THCS và THPT học thêm.

Sri Lanka

Pallegedara (2011:9) kiểm tra dữ liệu khảo sát 2006/07 của 11.628 hộ gia đình với 21.438 học sinh từ 6-21 tuổi. Trong các gia đình này, có 63.7% đã chi tiền cho việc học thêm. Con số này là 23.3% trong một khảo sát tương tự thực hiện vào năm 1995/1996. Suraweera (2011:20) đã báo cáo rằng 92.4% trong 2.578 học sinh lớp 10 và 98.0% trong 884 học sinh lớp 12 được khảo sát đã đi học thêm.

Đài Bắc, Trung Quốc

Khảo sát giáo dục được thực hiện ở Đài Bắc, Trung Quốc năm 2001 bao gồm 20.000 học sinh trung học và chỉ ra rằng có 72.9% học sinh lớp 7 đã đi học thêm với số thời gian học trung bình trong một tuần là 6.5 giờ. (Liu, 2012).

Tajikistan

Kidirov và Amonov (2009) hỏi 999 học sinh đại học năm thứ nhất về trải nghiệm của họ trong năm cuối ở trường phổ thông. Người ta phát hiện rằng 64.8% học sinh đã học thêm (các lớp học tư, các khóa ôn thi hoặc cả hai).

Thái Lan

Báo Dân tộc, tờ báo quốc gia của Thái Lan (Editorial 2011), lưu ý rằng thiếu số liệu thống kê chính thức nhưng cho rằng các trường luyện thi đã tăng nhanh và thu khoản học phí khoảng 7 tỉ bạt (233 triệu đô la).

Turkmenistan

Clement (2006, theo trích dẫn của Silova) chỉ ra rằng từ khi đất nước độc lập vào năm 1991 đã hình thành một hệ thống giáo dục trong bóng tối rộng lớn. Nó bao gồm các lớp không đăng kí ở nhà của giáo viên và ở những nơi khác và lôi cuốn đa số giáo viên tham gia.

Uzbekistan

Silova (2009a) không cung cấp được số ước nhưng chỉ ra rằng các mức độ dạy thêm có thể so sánh được với các nước khác ở Trung Á.

Việt Nam

Dang (2011b) đã xem xét lại dữ liệu khảo sát năm 2006 từ 9.189 hộ gia đình. Ông thấy rằng có 32% học sinh tiểu học có tham gia học thêm. Ở THCS và THPT tỉ lệ tương ứng lần lượt là 46.0% và 63.0%.


Nếu Hộp 1 được trình bày theo không gian địa lí chứ không phải là theo thứ tự bảng chữ cái, sẽ có một số vấn đề đáng chú ý. Những vấn đề chính như sau:

• Đông Á, bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, và Đài Bắc, Trung Quốc đã có truyền thống về dạy thêm tư nhân và là khu vực của thế giới thấy được rất rõ ràng. Điều này có thể có liên quan đến truyền thống Đạo Khổng thường đánh giá giáo dục và xem bằng cấp giáo dục như là con đường chính của cá nhân và sự phát triển gia đình. Ở Cộng hòa nhân dân Trung hoa, trong một vài thập kỉ di sản của Đạo Khổng đã không dẫn đến việc học thêm tư nhân vì chính quyền cộng sản cấm hoàn toàn kinh doanh tư nhân. Tuy nhiên với sự phát triển của kinh tế thị trường, được củng cố bới thu nhập tăng cao và tính linh động cao hơn của người lao động, những điều thúc đẩy cạnh tranh, và việc dạy thêm tư nhân đã mọc lên như nấm (Kwok 2010, Zhang 2011).

• Nam Á, bao gồm: Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, and Sri Lanka, cũng có truyền thống dạy/ học thêm tư nhân lâu đời. Thực vậy, những nhận định chính thức về hiện tượng này có từ năm 1943 (Hộp 2). Trong những nước này việc dạy/ học thêm được phần nào bị thúc đẩy bởi sự cạnh tranh xã hội, nhưng cũng chính vì giáo viên mong muốn tăng thêm thu nhập và coi học sinh là thị trường tiềm năng của họ (Nath 2008, Sujatha và Rani 2011, Suraweera 2011). Những ví dụ tương tự cũng thấy được ở các khu vực khác thuộc Đông Nam Á, bao gồm Campuchia (Dawson 2009, Brehm và Silova 2012) và Việt Nam (Đặng 2008, Ko và Xing 2009).

Hộp 2: Một mối quan tâm lâu dài

Những thách thức của việc dạy/ học thêm tư nhân được ghi nhận tại Sri Lanka hiện nay (trước đây là Ceylon) rất sớm ngay từ năm 1943. Một Ủy ban đặc biệt về Giáo dục đã chỉ trích đặc biệt gay gắt những trung tâm luyện thi hoạt động bên cạnh các trường học. Ủy ban cho rằng, những trung tâm, với kiểu tập trung luyện thi kiểu học vẹt, đang dần phá hỏng mục đích sâu rộng của giáo dục. Bản báo cáo chỉ ra rằng:

Các bậc phụ huynh thường thuê các gia sư với lý giải  duy nhất là họ sẽ giúp các em học sinh vượt qua các kì thi. Các cơ sở dạy thêm này đang rất thịnh hành, mặc dù chúng không hề có chút ý nghĩa giáo dục nào.

Chúng tôi cực lực phản đối việc các phụ huynh thường xuyên bổ sung thêm việc học ở trường bằng học thêm cá nhân. Về lâu dài, nó sẽ hủy hoại mục đích của chính nó qua việc làm cho các em không thể sáng tạo và chủ động được nữa.

Từ thời kỳ đó, các trung tâm dạy thêm và các hình thức dạy thêm khác đã đa dạng hơn rất nhiều. Những dấu hiệu cảnh báo vào năm 1943 không đủ mạnh mẽ để thay đổi đặc thù đang lên này. Ngược lại, giờ đây việc dạy học thêm đã ăn sâu bén rẽ vào văn hóa nước này.

Nguồn: Báo cáo của Ủy ban đặc biệt về Giáo dục (1943), Sessional Paper XXIV, Colombo: Ceylon Government Press, trích dẫn bởi Suraweera (2011:9,17).


• Ở Bắc, Trung và Tây Á, bao gồm: Mông Cổ và các nước đã từng là bộ phận của Liên bang Xô Viết, giáo dục trong bóng tối đã mở rộng và trở thành một việc kinh doanh to lớn (Silova 2009a: 69). Một trong những lực đẩy chính là sư suy sụp của sức mua của đồng lương giáo viên sau khi chính quyền Liên bang Xô viêt tan rã năm 1991. Những người còn ở trong nghề giáo viên phải kiếm thêm tiền để nuôi gia đình và dạy thêm là con đường rõ ràng. Xã hội hiểu áp lực của giáo viên và chấp nhận hiện tượng này. Mặc dù sức mua của lương giáo viên ở nhiều nước đã tăng lên nhưng văn hóa dạy thêm vẫn còn đeo bám.

(còn tiếp)

Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn