Đề xuất mô hình phòng học bộ môn trường trung học phổ thông đáp ứng Chương trình phổ thông 2018

14/06/2021 08:59 GMT+7
Chương trình giáo dục phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2018 với nhiều đổi mới về mục tiêu, kế hoạch, phương pháp giáo dục… Những sự thay đổi tích cực này đòi hỏi sự thay đổi của cơ sở vật chất nói chung và thiết bị dạy học nói riêng. Nghiên cứu của Hà Văn Quỳnh và cộng sự (2021) đề xuất mô hình phòng học bộ môn ở trường trung học phổ thông phù hợp các yêu cầu đổi mới của Chương trình phổ thông 2018.

Thuật ngữ phòng học bộ môn được đề cập trong Thông tư 14/2020/TT-BGDĐT, tuy nhiên, định nghĩa này khá tương đồng với thuật ngữ phòng thí nghiệm, phòng thực hành, phòng lab dùng trước đây. Với hướng tiếp cận đáp ứng Chương trình phổ thông 2018, các tác giả đề xuất định nghĩa mới như sau: “phòng học bộ môn là phòng học được trang bị, lắp đặt các thiết bị và phương tiện hỗ trợ phù hợp, dùng để tổ chức dạy học một (hoặc một số) môn học theo mục tiêu, yêu cầu chương trình GD”
  
Cũng theo Thông tư 14, mỗi cơ sở giáo dục phổ thông cần có mười loại phòng học bộ môn, bao gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, phòng đa năng, Khoa học xã hội. Số lượng các phòng học bộ môn phụ thuộc vào môn học, số buổi học/ngày, quy mô nhà trường… và được quy định trong Thông tư 12/2020/TT-BGDĐT.
  
Mô hình phòng học bộ môn đề xuất của nhóm nghiên cứu gồm ba phần: i) cơ sở hạ tầng phòng học bộ môn, ii) thiết bị phòng học bộ môn, và iii) tổ chức hoạt động phòng học bộ môn (xem Hình 1). Trước tiên, cơ sở hạ tầng phòng học bộ môn bao gồm quy cách phòng học bộ môn và yêu cầu về mặt kỹ thuật. Tùy thuộc vào đặc thù môn học mà diện tích phòng và yêu cầu kỹ thuật của phòng học bộ môn là khác nhau. Thứ hai, thiết bị phòng học bộ môn đảm bảo thiết bị dạy học bộ môn và thiết bị nội thất chuyên dùng trong phòng học bộ môn. Cuối cùng, việc tổ chức hoạt động phòng học bộ môn cần được quản lý và sử dụng phòng học bộ môn hiệu quả.
 
Hình 1. Mô hình phòng học bộ môn đề xuất
  
Trong Chương trình phổ thông 2018, phòng học bộ môn được coi là một yếu tố góp phần nâng cao hoạt động nhóm/tập thể, đồng thời phát huy tính độc lập, sáng tạo của từng học sinh. Tuy nhiên, để sử dụng phòng học bộ môn hiệu quả trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, nhà trường cần chủ động lập kế hoạch chuyển đổi giữa phòng học truyền thống và phòng học bộ môn; đồng thời lập thời gian biểu sử dụng phòng học bộ môn và thiết bị dạy học một cách hiệu quả.
  
Tài liệu tham khảo:
Hà Văn Quỳnh, Nguyễn Thị Thanh, Đặng Thị Thu Huệ, Vương Quốc Anh, Đặng Thị Phương (2021). Mô hình phòng học bộ môn trường trung học phổ thông đáp ứng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam 4, 1-7