Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Thực trạng cảm nhận hạnh phúc về nghề nghiệp của giáo viên phổ thông trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”

15/11/2022 17:18 GMT+7
Ngày 14/11/2022, tại A13, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Viện “Thực trạng cảm nhận hạnh phúc về nghề nghiệp của giáo viên phổ thông trong bối cảnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018”, mã số V2021-18 do TS. Phạm Thị Hồng Thắm là chủ nhiệm.

Tham dự buổi nghiệm thu có sự chủ trì của chủ tịch hội đồng PGS. TS. Trần Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các thành phần Hội đồng theo Quyết định, thành viên đề tài và đại diện các phòng chức năng.
   

Chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu
 
TS. Phạm Thị Hồng Thắm thay mặt nhóm nghiên cứu cho biết giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới để thích ứng với toàn cầu và hội nhập quốc tế. Theo đó, đội ngũ giáo viên bắt buộc phải thay đổi để phù hợp với mục tiêu giáo dục mới, do vậy họ đang phải chịu những áp lực nhất định đối với hoạt động chuyên môn nghề nghiệp và có những tác động tâm lý mà cụ thể là hạnh phúc nghề nghiệp của họ.
  
Các nghiên cứu về hạnh phúc hiện nay chưa quan tâm đầy đủ đến đối tượng giáo viên. Có thể nói đây là một khoảng trống lớn trong lĩnh vực Tâm lý học nói chung và nghiên cứu về cảm nhận hạnh phúc dành cho đối tượng này nói riêng. Mục tiêu của đề tài nhằm xác định thực trạng cảm nhận hạnh phúc về nghề nghiệp của giáo viên phổ thông, từ đó đề xuất một số biện pháp nâng cao cảm nhận hạnh phúc cho giáo viên trong hoạt động nghề nghiệp.
  
Đề tài tiến hành khảo sát thực trạng cảm nhận hạnh phúc về nghề nghiệp của 356 giáo viên THCS đang dạy học theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 của một số trường trên địa bàn tỉnh Nam Định và Bình Dương. Nhóm nghiên cứu dùng bốn phương pháp nghiên cứu: nghiên cứu lý luận, nghiên cứu thực tiễn, phương pháp chuyên gia và phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê toán học.
  
Kết luận của đề tài với đánh giá tổng thể: Cảm nhận hạnh phúc của giáo viên trong giai đoạn này tương đối cao, thể hiện ở tỉ lệ % giáo viên lựa chọn các yếu tố đánh giá tích cực tương đối nhiều. Tuy nhiên trên một vài những đánh giá nhỏ, giáo viên vẫn có những cảm nhận chưa thực sự tốt (như các yếu tố về lãnh đạo, thu nhập, kết quả học tập của học sinh…).
  
Các thành viên hội đồng nghiệm thu ghi nhận sự cố gắng và nỗ lực của nhóm nghiên cứu khi hoàn thành các sản phẩm và có sản phẩm vượt trội. Đồng thời, hội đồng đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài theo góp ý. Đề tài được đánh giá xuất sắc.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam