Đề xuất các nhóm kỹ năng chuyển đổi cho giáo dục phổ thông Việt Nam

22/06/2021 09:52 GMT+7
Trong bối cảnh khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, các quốc gia trên thế giới luôn đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ cao, đồng thời phải có khả năng thích ứng với sự thay đổi ngày càng phức tạp của xã hội. Ở Việt Nam, vấn đề này được đề cập trong Nghị quyết số 29-NQ/TW [1] với quan điểm chuyển đổi quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Dựa vào tổng quan kinh nghiệm quốc tế về lựa chọn kỹ năng chuyển đổi và định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nguyễn Tuyết Nga và cộng sự [2] đã đề xuất các nhóm kỹ năng chuyển đổi cho giáo dục phổ thông Việt Nam.

Cho đến nay, có khá nhiều nghiên cứu đề cập đến thuật ngữ kỹ năng chuyển đổi. Thuật ngữ này được hiểu và sử dụng các cụm từ khác nhau như là năng lực tổng hợp (transversal competencies) [3], kỹ năng chuyển đổi (transfersable skills) [4], năng lực biến đổi (transformative competencies) [5]. Đối với nhóm tác giả, kỹ năng chuyển đổi được hiều là các kỹ năng được phát triển trong một tình huống mà có thể được vận dụng linh hoạt cho những tình huống khác. Đó là những kỹ năng tâm lí xã hội, kỹ năng làm chủ công nghệ và kĩ thuật hiện đại giúp con người trở nên năng động hơn, dễ dàng thích nghi với các môi trường sống khác nhau.
  
Theo kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả phân tích các khung năng lực chuyển đổi của UNESCO, UNICEF, OECD và việc phát triển các năng lực này ở Ấn Độ và Ai Cập. phân tích những yêu cầu về nguồn nhân lực lao động trong tương lai không chỉ ở Việt Nam mà trong bối cảnh toàn cầu hóa, bài báo đã đề xuất bốn nhóm kỹ năng chuyển đổi với 15 kỹ năng cụ thể.
  
Thứ nhất là nhóm kỹ năng nhận thức gồm sáu kỹ năng thành phần: kỹ năng đặt mục tiêu, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, và kỹ năng tự học. Thứ hai là nhóm kỹ năng xã hội: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hợp tác, kỹ năng thương lượng. Thứ ba là nhóm kỹ năng đổi phó với cảm xúc và làm chủ bản thân: kỹ năng ứng phó với căng thẳng, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng xác định giá trị. Cuối cùng là nhóm kỹ năng sử dụng các công cụ làm việc: kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin, kỹ năng công nghệ thông tin và truyền thông.
  
Bài báo đã đưa ra quan niệm về kỹ năng chuyển đổi của nhóm nghiên cứu và đề xuất một số nhóm kỹ năng chuyển đổi cụ thể có thể đưa vào nhà trường phổ thông Việt Nam. Tuy nhiên, để tiến hành hiệu quả giáo dục KNCĐ cho học sinh, nhóm tác giả khuyến nghị cần có những nghiên cứu cụ thể hơn về cách thức giáo dục các nhóm kỹ năng này trong nhà trường.
 
Tài liệu tham khảo
  
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, (2013), Nghị quyết số 29-NQ/ TW về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
[2] Nguyễn Tuyết Nga, Nguyễn Hồng Liên, Bùi Diệu Quỳnh, (2021), Kĩ năng chuyển đổi - Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho giáo dục phổ thông Việt Nam. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam 41, 60-64. http://vjes.vnies.edu.vn/sites/default/files/baiso11_05_2021.pdf
[3] UNESCO, (2014), Integrating Transversal Competencies in Education Policy &Practice (Phase I), Regional Synthesis Report. ERI-Net Regional Policy Study Series Vol.1 (pp V). https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/ pf0000231907
[4] UNICEF (2019), Global Framework on Transferable Skills, UNICEF. https://www.unicef.org/media/64751/file/Global-framework-on-transferable-skills-2019.pdf
[5] OECD, (n.d), The OECD Learning Compass 2030. OECD. https://www.oecd.org/education/2030-project/teaching-and-learning/learning/