Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 111

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 111, tháng 12/2014

NGHIÊN CỨU
1. Nguyễn Thị Lan Phương. Đề xuất cấu trúc và chuẩn đánh giá năng lực giải quyết vấn đề trong chương trình giáo dục phổ thông mới
 
     Đề cập đến cấu trúc và chuẩn đánh giá năng lực giải quyết vấn đề trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tác giả trình bày: 1/ Quy trình xây dựng chuẩn đánh giá năng lực; 2/ Kinh nghiệm quốc tế về cấu trúc và chuẩn đánh giá năng lực giải quyết vấn đề; 3/ Đề xuất cấu trúc và chuẩn đánh giá năng lực giải quyết vấn đề cho Việt Nam. 
2. Nguyễn Thị Hiền, Đặng Hoàng Minh. Nghiên cứu tỉ lệ rối loạn tăng động giảm chú ý ở học sinh tiểu học quận Ba Đình, Hà Nội 

     Mục đích của nghiên cứu này là xác định tỉ lệ thiếu tập/rối loạn tăng động (ADHD) ở học sinh tiểu học tại quận Ba Đình, Hà Nội. Số lượng nghiên cứu đã thực hiện trên 400 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 lựa chọn ngẫu nhiên từ 4 trường tiểu học tại quận Ba Đình. Các học sinh đã được đưa ra bảng câu hỏi sàng lọc ADHD hoàn thiện bởi cha mẹ và thầy cô giáo. Những học sinh nằm trong các tiêu chí của ADHD cùng báo cáo của phụ huynh và giáo viên vì có biểu hiện ADHD sau đó được kiểm tra bởi các nhà tâm lí bằng cách sử dụng DISC. 6,25% là kết quả về ADHD có được trong nghiên cứu này. Học sinh nam/nữ là 2,5/1. Tỉ lệ về ADHD ở học sinh tiểu học của quận Ba Đình không phải là nhỏ, điều đó thể hiện tính cấp thiết cần có những chính sách cho giáo viên, giúp họ tìm hiểu về các triệu trứng ADHD, từ đó giáo viên có thể phát hiện những học sinh yếu kém và có phương pháp giáo dục những học sinh này.
3. Hà Xuân Thành, Phạm Sỹ Nam. Thiết kế bài tập chứa đựng tình huống thực tiễn trong dạy học toán ở trường phổ thông
    
Bài viết giới thiệu và đưa ra một số bước thiết kế các bài tập chứa đựng tình huống thực tiễn nhằm phát huy sự liên hệ đến thực tiễn trong quá trình dạy học đồng thời đáp ứng yêu cầu của việc dạy học bộ môn Toán ở trường phổ thông, đó là: 1/ Xác định chủ đề dạy học và các bài toán thuận lợi cho việc liên hệ với thực tiễn; 2/ Tìm các tình huống có liên quan đến thực tiễn tương thích với các bài toán đã xác định;3/ Xác định điều kiện của các đại lượng và điều chỉnh các yếu tố để phù hợp với tình huống thực tiễn;4/ Phát biểu tình huống thực tiễn.
4. Vũ Thị Bình. Sử dụng biểu diễn toán trong dạy học môn Toán lớp 6 và lớp 7

     Trên cơ sở tìm hiểu các biểu diễn toán học được thể hiện trong sách giáo khoa môn toán lớp 6, lớp 7 hiện hành, bài viết quan tâm đến việc khai thác, sử dụng các biểu diễn toán học cũng như xem xét biểu diễn toán trong dạy học một số nội dung cụ thể thuộc: số học – đại số, thống kê và hình học. Từ đó, đưa ra một số hướng sử dụng biểu diễn toán học trong dạy học môn Toán lớp 6, lớp 7 trong thời gian tới như thêm thời lượng trong sách giáo khoa cho học sinh trải nghiệm các biểu diễn thực tế; tiếp tục tăng cường kênh hình; gia tăng cơ hội để học sinh  thao tác trên vật liệu ảo.
5. Vương Hồng Tâm, Lê Thị Thanh Sang. Một số định hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên các trường cao đẳng và đại học trong đào tạo theo tín chỉ

     Tác giả phân tích thực trạng việc dạy – học trong các trường cao đẳng, đại học hiện nay và đưa ra một số định hướng đào tạo theo học chế tín chỉ cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học: tạo động cơ, hứng thú học tập cho sinh viên; giáo dục sinh viên ý thức là chủ thể quá trình sáng tạo; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của người học; chú trọng rèn luyện sinh viên phương pháp tự học; tăng cường phương pháp dạy học cá nhân và học hợp tác; đánh giá và tự đánh giá kết quả đào tạo.
6. Nguyễn Thị Cẩm Bích.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kĩ năng giao tiếp của trẻ mẫu giáo
     Phát triển kĩ năng giao tiếp tốt chính là tạo ra một nền tảng vững chắc cho việc học tập của trẻ ở giai đoạn tiếp theo cũng như cho các hoạt động nhận thức khác. Nhiều nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng những kinh nghiệm được tích lũy của tuổi thơ có giá trị quan trọng đối với việc xây dựng nền tảng học tập sau này của một con người. Nội dung bài viết đề cập một số yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển kĩ năng giao tiếp của trẻ mẫu giáo: sự phát triển tâm sinh lí của trẻ; nhu cầu giao tiếp của trẻ; sự phát triển ngôn ngữ hay là việc sử dụng các phương tiện giao tiếp; các trò chơi hay vai trò của hoạt động chủ đạo; môi trường giao tiếp; và vai trò của nhà giáo dục.
7. Lê Thục Anh.
Một số phương pháp tác động dạy chỉnh trị đọc hiểu cho học sinh chậm phát triển chức năng vùng trán từ góc độ tâm lí học thần kinh
     Qua việc thăm khám tâm lí thần kinh đã xác định rối loạn đọc hiểu ở một trường hợp học sinh là  do chậm phát triển vùng trán phía trước, gây rối loạn chương trình, mất khả năng điều khiển kiểm tra, kiểm soát hành động của quá trình đọc. Để chỉnh trị các biểu hiện rối loạn ở học sinh, các tác động trong dạy học đã thiết kế và hướng dẫn học sinh thực hiện các thao tác theo một chương trình thống nhất, giúp chuyển việc đọc từ không có ý thức lên thành mức độ có ý thức, có kiểm tra và kiểm soát. Sau 3 tháng dạy chỉnh trị, các biểu hiện rối loạn hành vi đã giảm rõ rệt, kết quả học tập của học sinh được cải thiện đáng kể.
8. Nguyễn Thị Hà Lan. Hoạt động của người dạy và người học trong dạy học giải quyết vấn đề ở trường đại học

     Dạy học giải quyết vấn đề (GQVĐ) là một phương pháp dạy học mới đang được nhiều giáo viên các trường phổ thông cũng như giảng viên các trường đại học vận dụng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Với đặc thù đào tạo ở bậc Đại học, để dạy học GQVĐ đạt hiệu quả cao, cần có những những yêu cầu nhất định đối với hoạt động của giảng viên và sinh viên (SV). Việc xác định những yêu cầu đó giúp cho giảng viên có sự chủ động trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và kĩ năng sư phạm, giúp SV có sự thích ứng và chủ động trong học tập. Qua đó, nâng cao hiệu quả dạy học nói riêng, hiệu quả đào tạo nói chung ở trường đại học.   
9. Nguyễn Quang Giao. Nâng cao chất lượng báo cáo tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học

     Hoạt động kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục (GD) trường đại học (ĐH) đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) triển khai trong vòng 10 năm trở lại đây. KĐCL GD trường ĐH là hoạt động đánh giá và công nhận mức độ nhà trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục về mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục. Trong quy trình KĐCL GD, tự đánh giá (TĐG) là khâu đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, trong đó kết quả của quá trình TĐG là báo cáo TĐG. Hiện nay, hầu hết các trường đại học trên toàn quốc đã hoàn thành báo cáo TĐG. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng của báo cáo TĐG đáp ứng yêu cầu của việc TĐG trong KĐCL GD đòi hỏi các trường ĐH áp dụng đồng bộ các biện pháp phù hợp, khả thi với điều kiện của nhà trường trong quá trình TĐG.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
10. Trần Thị Thanh Phương. Mô hình quản lí chất lượng Trường Đại học Điện lực theo hướng tiếp cận quản lí chất lượng tổng thể

     Gần đây, sau một thời gian triển khai kiểm định chất lượng (KĐCL)  và đảm bảo chất lượng (ĐBCL) trong giáo dục đại học (GDĐH) ở nước ta, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt ra vấn đề vận dụng quan điểm Quản lí chất lượng tổng thể (Total Quality Management – TQM) vào trường đại học. Trong bài báo này, tác  giả xây dựng mô hình TQM cho Trường Đại học Điện lực được khái quát từ thực tế, triển khai trong nhiều trường ĐH quốc tế và trong nước. Mô hình chất lượng này mềm dẻo, linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp các yêu cầu riêng của giáo dục và tạo ý nghĩa trong phạm vi phát triển thuộc về giáo dục hiện tại đang xảy ra ở Trường Đại học Điện lực nói riêng và GDĐH Việt Nam nói chung.
11. Lê Thị Phượng. Rèn tư duy năng động sáng tạo cho học sinh qua các tiết dạy tập làm văn về địa phương ở trường trung học cơ sở tỉnh Thanh Hóa

     Dạy Tập làm văn về địa phương Thanh Hóa phải bắt nguồn từ thực tế địa phương nơi họ sống nhằm GD tình yêu và trách nhiệm đối với quê hương. GV dạy HS cách suy nghĩ trước bất kì vấn đề nào để rèn luyện tư duy sáng tạo năng động của HS. HS biết sử dụng kết hợp của các phương thức biểu đạt để tăng tính hấp dẫn của các bài văn địa phương Thanh Hoá nhằm tăng hiệu quả giảng dạy, phát triển các sáng kiến năng động, chủ động, sáng tạo và mang lại hứng thú học tập thú vị cho HS.
12. Nguyễn Thị Nguyệt, Lê Thị Phương Anh, Nguyễn Cương, Ngô Văn Dụ. Thực trạng và nhu cầu tự học của sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Y Hà Nội

     Bài báo tìm hiểu về một số vấn đề tự học của sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội. Kết quả cho thấy nhu cầu tự học của sinh viên là rất cần thiết và chính đáng. Nếu xây dựng được phương pháp tự học tốt sẽ góp phần nâng cao năng lực tự học cho SV và  chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu của xã hội hiện nay đối với ngành y tế.
13. Trần Thị Tuyết Mai. Vai trò của môi trường giáo dục đối với trẻ chậm phát triển ranh giới

     Tác giả trình bày về vai trò của môi trường giáo dục đối với trẻ chậm phát triển ranh giới… Môi trường giáo dục có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Đối với trẻ chậm phát triển ranh giới cần có một môi trường giáo dục đặc biệt để giúp trẻ thích nghi với việc học tập. Thực tế cho thấy, với các phương pháp tác động của chuyên gia và phương pháp giáo dục của các giáo viên trong một môi trường giáo dục mới đã giúp trẻ chậm phát triển ranh giới ngày càng tiến bộ và có khả năng học được như trẻ bình thường.
14. Đào Nam Sơn.  Lớp ghép và quản lí lớp ghép ở vùng dân tộc thiểu số

     Ở vùng dân tộc thiểu số, việc phát triển số lượng để đảm bảo huy động được hầu hết trẻ em ra lớp và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Ở đây, các làng bản ở rất xa nhau, dân cư thưa thớt mở lớp ghép là một giải pháp phù hợp để không một học sinh nào thất học. Nói một cách khác, không có lớp ghép sẽ dẫn tới tình trạng hổng một mảng lớn trong mạng lưới trường lớp ở vùng sâu vùng xa… Với hình thức tổ chức dạy học linh hoạt này, chỉ cần 2 phòng học với 2 giáo viên đã có một ngôi trường với tiện ích rất lớn. Như vậy, việc huy động trẻ đến trường thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học ở vùng DTTS sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
15. Lê Như Xuyên, Nguyễn Thị Phương Thảo. Giáo dục dân tộc trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

     Giáo dục và đào tạo nước nhà nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị cũng như của toàn xã hội và của ngành Giáo dục trong việc tận dụng, khai thác những thuận lợi, hạn chếkhắc phục những khó khăn nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI. Bài viết nêu lên những nhiệm vụ cơ bản đặt ra đối với ngành Giáo dục và các địa phương vùng dân tộc và miền núi để thực hiện có hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết về phát triển giáo dục dân tộc.

GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
16. Đặng Minh Hiền. Mô hình hội đồng tư vấn trong nhà trường phổ thông ở một số nước trên thế giới

     Bài viết đề cập đến mô hình hội đồng tư vấn trong nhà trường phổ thông với những nội dung sau: 1/ Mô hình hội đồng tư vấn trong nhà trường phổ thông ở một số quốc gia trên thế giới; 2/ Đề xuất mô hình hội đồng tư vấn trong nhà trường phổ thông Việt Nam hiện nay. Qua nghiên cứu mô hình hội đồng tư vấn nhà trường ở một số quốc gia, tác giả nhận thấy sự đóng góp của các lực lượng khác nhau có liên quan đến công tác giáo dục của nhà trường là vô cùng quan trọng. Việc thành lập các hội đồng tư vấn và các nhóm tư vấn trong nhà trường có đóng góp rất lớn vào công tác giáo dục học sinh và sự thành công của nhà trường.

TỔNG MỤC LỤC NĂM 2014