Thông tin giáo dục quốc tế số 8 (lưu hành nội bộ) (phần 2)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Chủ đề: Shadow education - Giáo dục trong bóng tối - Những ảnh hưởng đối với nhà hoạch định chính sách

NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH (tiếp)

Cải cách hệ thống đánh giá và thi cử

Trong chừng mực nào đó, hệ thống đánh giá thi cử điều khiển việc dạy thêm học thêm, do đó thay đổi bản chất của hệ thống này sẽ dẫn đến những thay đổi trong việc dạy thêm. Tất cả các hệ thống giáo dục đều có đánh giá đầu ra (thi tốt nghiệp) vào cuối cấp trung học, và một số còn có đánh giá đầu vào của bậc học này. Một số chính phủ đã quyết định loại bỏ kì thi tốt nghiệp cấp tiểu học, đặc biệt ở các quốc gia đã phổ cập trung học cơ sở. Các chính phủ hy vọng khi họ giảm tầm quan trọng của những kì đánh giá, thì có thể làm giảm áp lực trong việc dạy thêm.

Trong trường hợp này, đặc biệt chú ý kinh nghiệm ở Hàn Quốc. Cải cách giáo dục mạnh mẽ nhất trong lịch sử Hàn Quốc là thay thế kì thi vào lớp 6 bằng bài kiểm tra ngẫu nhiên như một phần của chính sách cân bằng trung học được thực thi tại Seoul vào năm 1969, ở các thành phố lớn khác vào năm 1970, và thực hiện tại các phần còn lại của đất nước trong năm 1971 (Kim và Lee 2001:8). Cải cách nhằm mục đích cho phép sự phát triển bình thường của trẻ em bằng cách giảm căng thẳng, ngăn chặn việc các trường tiểu học tập trung quá mức để chuẩn bị cho kì thi vào trung học cơ sở, ngăn cản việc dạy thêm, thu hẹp khoảng cách giữa các trường trung học, và giảm chi phí tài chính và tâm lý gánh nặng cho các hộ gia đình.
Cuộc cải cách này đã có một số thành công nhất định, ít nhất là trong ngắn hạn. Nhà trường thấy họ đã có sự thay đổi lớn, đa dạng các mức trình độ trong các đợt tuyển sinh; bãi bỏ kì thi đầu vào cấp trung học và mở rộng tuyển sinh, có nghĩa là trong học bạ chỉ đơn giản ghi là chuyển sang cấp học tiếp theo. Tuy nhiên, các gia đình có tham vọng không hài lòng với các lớp học có trình độ đầu vào học sinh hỗn hợp của các trường trung học, họ đã đầu tư vào việc học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh trường trung học phổ thông.

Vì thế, bước tiếp theo là chính sách Cân bằng trường trung học, được thực hiện ở Seoul và Pusan vào năm 1974 và dần dần mở rộng đến nhiều thành phố lớn. Đến năm 2003, 72% học sinh trong nước là đối tượng của chính sách này (Kim 2004:10). Giống như các chính sách cho trường trung học cơ sở, sáng kiến này đã bãi bỏ kỳ thi tuyển sinh và học sinh được chuyển lên trường nào ở cấp học cao hơn bằng cách lựa chọn ngẫu nhiên. Một lần nữa chính sách này đã có một số tác dụng, ít nhất là trong ngắn hạn (Lee et al 2010:100), nhưng cũng như vậy các chính sách di chuyển sự cạnh tranh lên bậc học cao hơn, và các kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học đã dội sự căng thẳng ngược lại vào các trường trung học và tiểu học.

Năm 1980 chính phủ đã có các biện pháp mạnh được cho là đã giải quyết được vấn đề này. Trong năm đó, chỉ có 2.9% học sinh trường tiểu học, 15.3% học sinh trung học cơ sở và 26.2% học sinh trung học được học thêm (Kim 2007:1). Chính phủ chuyển quyền kiểm soát kì thi đầu vào các trường cao đẳng, đại học từ các tổ chức cá nhân cho tổ chức kiểm soát thuộc về nhà nước đó là trường Cao đẳng Kiểm tra Đầu vào (CEAT). Cơ quan này đã áp dụng triệt để biện pháp cấm cả lớp học thêm trung học và dạy thêm với các môn học lý thuyết. Tuy nhiên, việc cấm tỏ ra rất khó khả thi và kết quả là dần dần được nới lỏng. Cha mẹ vẫn tiếp tục tìm kiếm chỗ học thêm cho con, và việc cấm đoán này là thử thách trong các phiên tòa. Năm 2000, lệnh cấm được tuyên bố hủy bỏ.

Những năm 80, người ta áp dụng biện pháp khác là cho ra đời những trường trung học có mục đích đặc biệt (trường chuyên) (SPHSs). Biện pháp này đã giải quyết được phần nào những chỉ trích do cách tuyển sinh vào các trường trung học bằng cách ngẫu nhiên. Các SPHSs phục vụ học sinh năng khiếu và tập trung vào khoa học, ngoại ngữ, thể thao, hoặc các lĩnh vực khác. Đến năm 2007, các SPHSs phục vụ 4.2% học sinh trung học (Kim 2007:3); và tất nhiên cạnh tranh khốc liệt cho đầu vào các trường này đã dội ngược lại vấn đề dạy thêm.
Năm 1994, tiếp tục cải cách về việc thi cử đầu vào cao đẳng, đại học. CEAT là bản kết quả học tập dựa trên môn học cụ thể chứ không phải là một bài kiểm tra năng khiếu học tập dựa trên kiến thức tổng quát. Bài kiểm tra Năng lực cho Trường Cao đẳng mới (CSAT) được thiết kế để đánh giá liệu học sinh có năng khiếu học tập nói chung cần thiết cho giáo dục cao đẳng đại học, và nhằm mục đích khuyến khích tư duy bậc học cao hơn là ghi nhớ kiến thức kiểu học thuộc lòng. Ông Kim (2004:13) cho rằng: CSAT đã cải thiện được phương pháp dạy và học trong các trường trung học, và các giáo viên và học sinh nhận ra rằng kiểu học nhồi nhét kiến thức không còn là một phương pháp khả thi cho việc học tập. Tuy nhiên, ông Kim nói thêm:

CSAT khuyến khích các dạng ghi nhớ khác nhau bởi vì bài thi này là dạng trắc nghiệm với 5 lựa chọn câu trả lời. Do đó, học sinh có kĩ năng làm bài thi sao cho đảm bảo trả lời được những câu hỏi nhiều lựa chọn trong khoảng thời gian nhất định. Một trong những cách tốt nhất giải quyết được vấn đề này là ghi nhớ dạng câu hỏi của CSAT và phương pháp giải. Để học được các kĩ năng này, nhiều học sinh lựa chọn các lớp học thêm hoặc thuê gia sư dạy kèm.

Vào những năm 2000, việc dạy thêm bùng nổ so với những năm 70, khi người ta mới thực hiện các biện pháp để làm giảm tình trạng này. Kinh nghiệm của Hàn Quốc như vậy, minh họa những nỗ lực táo bạo mà cuối cùng dường như không có tác động nhiều.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách không nên kết luận từ trường hợp của Hàn quốc rằng tất cả là vô vọng và họ có thể từ bỏ mọi cố gắng. Di chuyển đến một khu vực khác, rất hữu ích để lưu ý phân tích của Silova (2009b) về mô hình tại 12 quốc gia ở châu Âu và Trung Đông/ Trung/ Bắc Á. Silova quan sát (trang 89) thấy "quy mô dạy thêm thấp nhất ở các quốc gia mà không có thi cử với áp lực lớn, không đề cao thành tích trong giáo dục, và nơi mà giáo viên được trả lương tương đối tốt". Những đặc điểm này có ở Bosnia và Herzegovina, Croatia, và Slovakia, chính là ba quốc gia với số tiền thấp nhất chi cho việc dạy thêm theo các cuộc khảo sát mà Silova báo cáo. Ở một khía cạnh của quy mô, Azerbaijan, Georgia, Kazakhstan, Cộng hòa Kyrgyzstan, và Lithuania là những quốc gia có áp lực thi vào trường trung học cơ sở rất cao và một lượng lớn học sinh tham gia học thêm. Dịch vụ gia sư cũng phát triển mạnh ở Mông Cổ và Ukraine, nơi mà không có áp lực thi cử lớn; nhưng ở những nước này, lương giáo viên thấp và do đó việc dạy thêm được giải thích là để cải thiện đời sống giáo viên.

Tại Malaysia, Jelani và Tân (2012) cũng nhận xét tương tự, hai nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy 49.4% các hộ gia đình trả lời trong cuộc khảo sát của họ rằng "Chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia" là lý do chính để họ phải tìm kiếm việc dạy thêm cho con em họ. Các nhà nghiên cứu nhận xét (trang 13):

Tập trung nhiều hơn vào kiến thức thông qua việc học vui vẻ và sáng tạo sẽ làm giảm bớt áp lực cho học sinh hơn là quá tập trung vào các kì thi. Các cơ quan giáo dục của Malaysia gần đây thông báo sẽ có những thay đổi trong hai kỳ thi quốc gia, kì thi Đánh giá bậc Trung học cơ sở sẽ hướng tới kì thi đánh giá dựa vào nhà trường bắt đầu vào năm 2016 và giảm tải chương trình đánh giá của bậc tiểu học, báo trước sẽ giảm áp lực cho trẻ em Malaysia.

Tuy nhiên, những vấn đề như vậy không phải lúc nào cũng đơn giản. Về mặt kĩ thuật, ngay cả các hệ thống tinh tế cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá dựa vào nhà trường để có thể so sánh giữa các trường. Và các hệ thống này bị tham nhũng đe dọa nếu như quyền quyết định đáng kể được đặt vào giáo viên mà không có hệ thống thích hợp đầy đủ để giám sát và bắt buộc họ phải thực thi trách nhiệm. Khi chính phủ Campuchia bỏ kì thi vào lớp 6, giáo viên thực hiện các bài kiểm tra có tính chất như kỳ thi riêng của họ, Dawson (2010:17) đã phát biểu, “Mọi chuyện vẫn như cũ" nếu không có những thước đo chất lượng như trong các kì thi bình thường.
(còn tiếp)


Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến

Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn