Thông tin giáo dục quốc tế số 7 (lưu hành nội bộ) (phần 12)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Chủ đề: Shadow education - Giáo dục trong bóng tối - Bản đồ toàn cảnh

 CUNG VÀ CẦU (tiếp) 

Hiệu quả và không hiệu quả

Một nguyên tắc cơ bản cho rất nhiều người, đặc biệt là các nhà kinh tế, đó là các nguồn lực nên được sử dụng với hiệu quả lớn nhất để đạt được những mục tiêu đặt ra. Câu hỏi sau đó nảy sinh rằng liệu việc mở rộng giáo dục trong bóng tối thúc đẩy hay làm giảm hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực.

Nhìn chung, cần phải thừa nhận, hệ thống trường công lập tự bản thân chúng là những cỗ máy có phần kém hiệu quả để đạt được mục tiêu của mình. Hệ thống trường học thường được định hình nhiều hơn bởi hoàn cảnh lịch sử, các điều kiện kinh tế, và các chuẩn mực xã hội hơn là bởi việc lập kế hoạch có chủ ý. Những chỉ tiêu này đặt ra, ví dụ, những giai đoạn của hoạt động nên được chia thành các học kì và kì nghỉ, trong đó các môn học nên được phân chia, và trẻ em nên bắt đầu đi học từ 6 tuổi (mặc dù ngày càng sớm hơn với việc đi học trước) và tiến bộ thông qua một thiết lập các lớp học trong một năm cơ bản. Trong nhiều thập kỉ và thế kỉ, nhiều nhà hoạch định chính sách đã tìm cách để thay đổi các thành phần khác nhau của những mô hình này (Rich 1975, Bishop 1989, Delors 1996, Hershock et al.2007). Họ cũng đã có một vài thành công, mặc dù hệ thống các trường học nói chung đã chứng minh khả năng phục hồi mạnh mẽ (Psacharopoulos 1989, Benavot et al. 2006).

Cái nhìn đầu tiên, có thể giả định rằng việc dạy thêm có thể có hiệu quả hơn việc giảng dạy công khai tại trường học. Hoạt động trên thị trường. các gia sư điều hành công việc trong đó dường như đòi hỏi sử dụng cẩn thận hơn các nguồn lực và phục vụ khách hàng những người muốn thu được giá trị từ tiền bạc. Nếu các nhà quản lý không tham gia những vấn đề này, thì công việc kinh doanh của họ có thể bị đóng cửa. Một số công ty gia sư lớn thậm chí còn có bộ phận nghiên cứu để xác định các hướng tiếp cận với chi phí hiệu quả để dạy và học thông qua các phần mềm máy tính và các phương tiện khác. Những công ty nhỏ hơn không thể thực hiện nghiên cứu này, nhưng họ phải chú ý đến hiệu quả hoạt động; và thậm chí cả những gia sư tự túc làm việc trên cơ sở cá nhân cũng phải dự thảo quĩ thời gian và các yếu tố đầu vào một cách cẩn thận.

Tuy nhiên, ngay cả khi tính hiệu quả trong theo ý nghĩa kinh doanh có thể được giả định, hiệu quả ngoài khó có thể chứng minh được. Vấn đề đầu tiên, như đã nêu ở trên, đó là nó không thể giả định được rằng dạy thêm – học thêm luôn luôn có kết quả cao trong thành tích học tập. Điều này còn phụ thuộc vào tính năng động, quan điểm và phong cách học tập của người học cũng như động cơ, quan điểm và phong cách giảng dạy của các gia sư. Bằng chứng thực nghiệm không có thấy mối tương quan tích cực, phù hợp giữa thời gian dành cho việc học thêm và việc tăng thành tích học tập. Một vài lý do khác, sự thiếu vắng mối tương quan phù hợp không phải lúc nào cũng làm giảm nhu cầu học thêm. Đầu tiên, vài khách hàng đã điều tra bằng chứng thực nghiệm và vì vậy tiến hành trên cơ sở những giả định và quảng cáo hơn là những bằng chứng rõ ràng; thứ hai, các khách hàng chịu áp lực phải đạt điểm cao và tin rằng thành công là điều có thể; và thứ ba, các cơ sở dạy thêm, giống như trường học, có thể thành thạo trong việc lấy tín nhiệm để thành công trong học tập trong khi tránh các trách nhiệm với sự thất bại trong học tập. Về mặt này, nhiều tổ chức giáo dục tiếp tục hoạt động mặc dù tính hiệu quả không đạt yêu cầu đối với quan điểm đầu ra – đầu vào đơn giản.
Vấn đề thứ hai, như đã lưu ý, rằng giáo dục trong bóng tối có xu hướng tập trung vào lĩnh vực hẹp của thành tích. Trong khi cá nhân các gia sư và các trung tâm dạy thêm có thể nhấn mạnh các kỹ năng học tập và sự phát triển toàn diện, các trung tâm luyện thi ở Nhật Bản; Hàn Quốc; Đài Bắc, Trung Quốc; và ở một số nơi khác tập trung chủ yếu vào các kĩ năng kiểm tra (Roesgaard 2006, Kim và Chang 2010, Liu 2012). Bảng 11 đưa ra quan điểm của một mẫu điều tra 44 giáo viên tiểu học dạy môn toán tại thành phố Đài Bắc. Trong khi 82% số giáo viên cho rằng các trung tâm luyện thi hỗ trợ học sinh với các kĩ năng tính toán toán học, và 70% cho rằng các trung tâm luyện thi hỗ trợ việc hoàn thành bài tập về nhà, 52% cho rằng các trung tâm luyện thi có tác động tiêu cực đến sự hiểu biết các khái niệm toán học của trẻ em. Theo như lời giải thích của một giáo viên (Huang 2004:296):

Một vài đứa trẻ tham dự các trung tâm luyện thi để chuẩn bị trước cho các bài học, đem lại cho chúng những ấn tượng sai lầm về khả năng toán học của mình, vì vậy chúng có xu hướng ít chú ý hơn và thường xuyên bị phân tâm. Hệ quả là cuối cùng chúng không đạt được kết quả tốt trên lớp.

Huang còn giải thích thêm (trang 296 – 297):

Các trung tâm luyện thi nhấn mạnh tới việc “rút ngắn” và “hiệu quả”, và tập trung hoàn toàn vào việc tạo ra các câu trả lời đúng cho các vấn đề hơn là việc khám phá ra cấu trúc hệ thống của các khái niệm toán học. Trẻ em thường xuyên thất bại trong việc giải quyết vấn đề nếu chỉ nhìn từ cuốn tiểu thuyết của chúng. Chúng chỉ học để áp dụng một cách máy móc một công thức khi giải quyết các vấn đề thông qua luyện tập. Cách luyện tập máy móc này có thể nâng cao khả năng làm bài tập ở nhà của chúng hoặc trong các bài kiểm tra học kì mà chỉ bao gồm việc duy trì nội dung, nhưng có thể làm suy yếu việc xây dựng ý nghĩa các kiến thức toán học.

Nhiều giáo viên ở Đài Bắc, Trung Quốc và một vài nơi khác thực tế cũng than phiền về áp lực với trẻ em đến từ các trung tâm luyện thi đẩy chúng xa khỏi việc hình thành phát triển về nhân cách và xã hội – nghĩa là, kể cả khi lợi ích thu được trong một lĩnh vực, chúng có thể góp phần gây thiệt hại trong lĩnh vực khác.

Bảng 11: Quan điểm của giáo viên về Ảnh hưởng của các Trung tâm luyện thi tới việc học Toán của trẻ em, Đài Bắc, Trung Quốc (%)

Kết quả học tập

Ảnh hưởng tích cực

Ảnh hưởng tiêu cực

Không ảnh hưởng

Không bình luận

Kỹ năng tính toán

82

7

2

9

Việc hoàn thành bài tập về nhà

70

5

_

25

Hiểu biết các khái niệm toán học

16

52

9

23

Sự tự tin trong việc học môn toán

64

4

7

25

Nguồn: Huang (2004:295)
Tuy nhiên, Bảng 11 cũng chỉ ra vài quan điểm tích cực trong số tất cả các hạng mục. Trong số đó, những khía cạnh tích cực (Huang 2004:297-298) đó là:

Lợi ích của giáo viên từ việc giám sát bài tập ở nhà thông qua các trung tâm luyện thi. Điều này có thể tiết kiệm thời gian trong việc kiểm tra bài tập và giúp chúng giữ đúng lịch trình. Hơn nữa một số trẻ em có thành tích thấp hơn có thể theo kịp với các học sinh khác thông qua các chương trình bổ sung tại các trung tâm luyện thi. Điều này có xu hướng thu hẹp khoảng cách về sự khác biệt giữa các cá nhân trong số các học sinh với mức thành tích hỗn hợp, do đó cho phép một chương trình giảng dạy đúng tiến độ.

Trong một bối cảnh khác, việc bổ trợ giữa các trường chính thống và không chính thống cũng được lưu ý bởi Nazeer (2006) trong một nghiên cứu chất lượng về phong cách học tập của 9 học sinh tại Maldives. Tất cả các học sinh đều học thêm, và Nazeer lưu ý rằng giáo viên tại trường thường sử dụng các phương pháp giải thích trực tiếp, trong khi đó gia sư tại các trung tâm dạy thêm đưa ra cho học sinh những cơ hội để thảo luận các khái niệm. Khi Nazeer hỏi học sinh về những gì xảy ra khi chúng không hiểu điều gì trong các tiết học tại trường, 5 trong số đó đã chỉ ra rằng chúng tìm sự giúp đỡ từ các gia sư hơn là các giáo viên của mình. Ý kiến của chúng (trang 159) bao gồm:

• Hầu hết tất cả học sinh trong lớp tôi đều có gia sư riêng. Vì vậy, nếu chúng tôi không hiểu điều gì tại trường chúng tôi sẽ hỏi gia sư của mình vào buổi tối.
• Tôi nói với Cô (giáo viên đứng lớp) nếu tôi không hiểu điều gì nhưng không phải tại lớp học. Thỉnh thoảng tôi đến phòng giáo viên trong khoảng thời gian hoặc sau giờ học. Nếu tôi không tìm thấy Cô thì tôi sẽ hỏi giáo viên dạy thêm của mình vào buổi tối.

Trong những trường hợp như vậy, điều này có thể được lập luận rằng việc dạy thêm bổ sung việc giảng dạy ở trường bằng cách tăng hiệu quả tổng thể của việc học. Các giáo viên khẳng định rằng họ không có thời gian quan tâm từng cá nhân trong suốt tiết học 35 phút và trong cả ngày học đông đúc tại trường, và không nghi ngờ rằng hiệu quả tổng thể của hệ thống được tăng lên thông qua việc bổ sung bản chất của các vai trò. Tuy nhiên, sự tồn tại của việc dạy thêm trong một chừng mực nào đó cho phép các giáo viên phải nhường những lĩnh vực mà được cho là một phần trách nhiệm của họ trong một ngày học bình thường, và yêu cầu việc tăng thời gian tổng thể cho việc dạy và học, được coi không phải là một dấu hiệu cho việc điều hành hiệu quả hệ thống giáo dục.

Hơn nữa, ở một số nơi tính không hiệu quả được mở rộng xa hơn khi học sinh tập trung sự chú ý vào các gia sư mà chúng hoặc các phụ huynh trực tiếp trả tiền hơn là các giáo viên ở trường, những người dường như là không mất phí và được cho là đương nhiên. Đây là một phần của chương trình giấu mặt của việc dạy thêm, mà có thể dẫn tới việc đánh giá thấp hệ thống trường học. Ngoài ra, những học sinh dành nhiều thời gian ở các trung tâm dạy thêm có thể rút ngắn năng lượng cho việc học ban ngày tại trường. Kim (2007:7-8) ghi chép cuộc sống hàng ngày của một số những người trẻ tuổi tại Hàn Quốc. Một vài người trong số họ tham dự các trung tâm dạy thêm cho đến tối muộn. Cách duy nhất để đảm bảo năng lượng cho các lớp học buổi tối đó là ngủ trong các giờ học tại trường.

Từ quan điểm của tính không hiệu quả, thậm chí có nhiều vấn đề có thể là các trường hợp mà trong đó các giáo viên chính thống cũng cung cấp việc dạy thêm. Những giáo viên này có thể mệt mỏi, và có thể dự trữ năng lượng của mình cho các lớp học cá nhân sau giờ học ở trường. Các vấn đề cơ bản có thể phát sinh khi các giáo viên dạy thêm chính các học sinh của mình. Ở một số xã hội, cả giáo viên và phụ huynh có thể tranh luận ủng hộ sự sắp xếp trên cơ sở các giáo viên đã biết học sinh của mình và các chương trình mà các em có hoặc không được bao gồm. Ví dụ, một giáo viên ở Brunei Darussalam nhấn mạnh:

Chúng ta, những giáo viên, không thể đơn giản chỉ là đặt một giới hạn trong việc chúng ta có thể dạy như thế nào…

Điều này đặc biệt khi chúng ta, những giáo viên, tiếp cận được với bản thân các bậc phụ huynh, yêu cầu chúng ta đóng góp thời gian rảnh và năng lượng để giúp phát triển những đứa trẻ của họ, kể cả việc học thêm.

Tuy nhiên, ở một số nơi khác, các giáo viên có thể không có chuyên môn đầy đủ. Tại Nepal, Jayachandran (2008:02) quan sát thấy:

… các giáo viên đôi khi tránh không dạy một số thứ trong chương trình tại trường để tạo ra nhu cầu cho việc thiết lập các lớp học thêm. Các giáo viên nói, không bằng nhiều từ ngữ hoặc thậm chí đôi khi rõ ràng: “Các em phải biết X, Y và Z để vượt qua kì thi. Chúng ta sẽ nói tới X và Y trên lớp. Nếu muốn học Z, hãy đến lớp học thêm”.

Liên quan tới Campuchia, Dawson (2009) miêu tả những việc làm như vậy như là “những thủ đoạn của giáo viên”. Trong những trường hợp này, hệ thống giáo dục trong bóng tối dẫn tới tính không hiệu quả trong hệ thống trường học. Đây không phải là vấn đề duy nhất mà giáo viên hoạt động kém tối ưu; nó còn là vấn đề mà thời gian của học sinh được sử dụng không hiệu quả. Trong hoàn cảnh này, trẻ em có thể bị tước các cơ hội khác để sử dụng thời gian của mình, bao gồm cả giải trí và nghỉ ngơi. Trong khi đó ở một số nước những học sinh học thêm thường mệt mỏi và vì vậy ngủ trong lớp học, ở một số nước khác chúng có thể ngừng việc đi học hoàn toàn. Liên quan đến Azerbaijan, Silova và Kazimzade (2006:128) đã báo cáo rằng:

… rất nhiều cuộc phỏng vấn các hiệu trưởng, giáo viên và học sinh đã tiết lộ rằng việc bỏ học tăng ngay trước khi kết thúc năm học (đặc biệt ở cấp cuối cùng của bậc trung học), khi mà các học sinh bắt đầu bỏ qua các lớp học để tham dự các tiết học thêm trong suốt thời gian học ở trường. Một số học sinh còn trả tiền hối lộ cho giáo viên hoặc những cán bộ quản lý nhà trường để được miễn việc đến trường và thay vào đó tham dự các tiết học gia sư cá nhân. Rất nhiều giáo viên và viên chức nhà trường được phỏng vấn đã báo cáo các trường hợp lớp học trống không ở các trường trung học, trong khi đó học sinh có thể bỏ học hàng loạt để tham dự các tiết dạy thêm để thay thế.

Những quan sát tương tự cũng được thực hiện về nền giáo dục phổ thông trung học ở Armenia (UNDP 2007:45), Georgia (Matiashvili và Kutateladze 2006:206), và Sri Lanka (Gunasekara 2009:85; Suraweera 2011:22). Hộp 7 chỉ ra trường hợp của Ấn Độ khi mà hiện tượng này có thể xuất hiện từ cấp tiểu học – trong trường hợp này với những hậu quả tiêu cực cho việc học của trẻ em.

Hộp 7: Tăng dạy thêm, giảm học tập trên lớp

 

Bhattacharjea et al. (2011) theo dõi việc học tập của 30.000 trẻ em ở các trường tiểu học công lập ở nông thôn trong 5 bang của Ấn Độ. Họ thu thập dữ liệu không chỉ từ kết quả học tập mà còn từ các nguồn khác có liên quan, bao gồm cả việc học thêm – dạy thêm, và họ đã tới thăm các trường học 3 lần trong một năm nghiên cứu.

 

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng (trang 71) 15.9% học sinh lớp 2 và 18.1% học sinh lớp 4 tham gia học thêm. Tuy nhiên, có một mối quan hệ tiêu cực giữa việc học thêm và việc học trên lớp. Học sinh ở cả hai lớp nói trên ít có khả năng được tìm thấy có mặt trong cả ba chuyến đoàn nghiên cứu đến thăm. Một lời giải thích có thể là các bậc phụ huynh mong muốn con em của mình học nhiều hơn ở các lớp học được trả tiền hơn là ở trường, và vì vậy khẳng định việc đi học không thường xuyên ở trường.

 

Tuy nhiên, những giả định như vậy của các bậc phụ huynh dường như không được đặt đúng chỗ. Những học sinh lớp 2 đã thực hiện tốt hơn một chút các bài kiểm tra cơ bản, nhưng đối với bài kiểm tra cuối kì chũng có kết quả giống như các bạn cùng lớp nhưng không học thêm. Và ở lớp 4, những học sinh có học thêm trung bình thực hiện kém hơn các bạn cùng lớp mà không học thêm, trên cơ sở các bài kiểm tra cơ bản và bài kiểm tra cuối kì, có lẽ bởi những học sinh này không thường xuyên đi học.

 

Cuối cùng, hệ thống giáo dục trong bóng tối có thể làm suy yếu hệ thống trường học chính thống bằng việc loại bỏ các tài năng. Ví dụ, ở Hồng Kông, Trung Quốc, một vài gia sư giỏi là các cựu giáo viên ở trường đã lựa chọn rời bỏ trường học để tìm kiếm thu nhập cao hơn và khả năng tự chủ nhiều hơn. Những gia sư khác không bao giờ trở thành giáo viên trong nhà trường nhưng có lẽ đã đi theo con đường trở thành gia sư độc lập. Như vậy, từ quan điểm của ngành giáo dục chưa thể chắc chắn rằng hoạt động của hệ thống giáo dục trong bóng tối là cách sử dụng hiệu quả các nguồn lực nói chung của xã hội.
(còn tiếp)

Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn