Tổng luận "Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - Những thách thức đối với giáo dục đại học" (lưu hành nội bộ)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Người thực hiện: TS. Vương Thanh Hương

 Hội nhập quốc tế có thể diễn ra trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội (kinh tế, chính trị, an ninh-quốc phòng, văn hóa, giáo dục, xã hội,...), nhưng cũng có thể đồng thời diễn ra trên nhiều lĩnh vực với tính chất (tức là mức độ gắn kết), phạm vi (gồm địa lý, lĩnh vực/ngành) và hình thức (song phương, đa phương, khu vực, liên khu vực, toàn cầu) rất khác nhau.

Hội nhập về văn hóa, giáo dục, xã hội là quá trình mở cửa, trao đổi văn hóa với các nước khác; chia sẻ các giá trị văn hóa, tinh thần với thế giới; tiếp thu các giá trị văn hóa tiến bộ của thế giới để bổ sung và làm giàu nền văn hóa dân tộc; tham gia vào các tổ chức hợp tác và phát triển văn hóa-giáo dục và xã hội khu vực và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên hướng tới xây dựng một cộng đồng văn hóa-xã hội rộng lớn hơn trên phạm vi khu vực và toàn cầu (ví dụ, tham gia Cộng đồng văn hóa-xã hội ASEAN, UNESCO...); ký kết và thực hiện các hiệp định song phương về hợp tác-phát triển văn hóa-giáo dục-xã hội với các nước.

Hội nhập văn hóa, giáo dục, xã hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc làm sâu sắc quá trình hội nhập, thực sự gắn kết các nước với nhau bằng chất keo bền vững hơn cả. Quá trình này giúp các dân tộc ở các quốc gia khác nhau ngày càng gần gũi và chia sẻ với nhau nhiều hơn về các giá trị, phương thức tư duy và hành động; tạo ra sự hài hòa và thống nhất ngày càng cao hơn giữa các chính sách xã hội của các nước thành viên; đồng thời tạo điều kiện để người dân mỗi nước được thụ hưởng tốt hơn các giá trị văn hóa của nhân loại, các phúc lợi xã hội đa dạng; đặc biệt, hình thành và củng cố tình cảm gắn bó thuộc về một cộng đồng chung rộng lớn hơn quốc gia của riêng mình (ý thức công dân khu vực/toàn cầu).

Để tham khảo chi tiết tài liệu, xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn