Mục lục Tạp chí Khoa học Giáo dục số 112

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học Giáo dục số 112, tháng 1 năm 2015

NGHIÊN CỨU
1. Nguyễn Đức Minh. Đề xuất mô hình đánh giá chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015
     Bài viết đề xuất  mô hình đánh giá chương trình (CT) giáo dục (GD) phổ thông sau năm 2015. Theo tác giả, mô hình đánh giá CT là một mẫu mô phỏng thu nhỏ về cấu trúc cùng với các đặc điểm chính và kế hoạch thực hiện của đánh giá CT GD. Mục đích của mô hình đánh giá nhằm cung cấp khung cơ bản cho việc lập kế hoạch và tổ chức hoạt động đánh giá để: Chính xác hóa những thông tin cần thiết nhằm trả lời câu hỏi về độ tin cậy, độ giá trị và tính khả thi của CT mới; Xác định kế hoạch chiến lược để thu thập, phân tích và giải thích các thông tin cho phép nhận định chính xác về quan hệ giữa các cấu phần của CT với mục tiêu GD đã được xác định.
2. Nguyễn Thị Lan Phương. Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề ở trường phổ thông
     Chương trình giáo dục phổ thông mới được dự kiến sẽ xây dựng theo cách tiếp cận năng lực. Đánh giá năng lực người học được xem là “quá trình thu thập thông tin có mục đích về việc học, giải thích các thông tin đó, ghi lại kết quả và báo cáo với các bên liên quan”. Bài viết đề cập đến việc đánh giá năng lực giải quyết vấn đề trên cơ sở chuẩn đánh giá năng lực. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Khung đánh giá năng lực người học; 2/ Đánh giá năng lực giải quyết vấn đề ở lớp học và nhà trường, bao gồm: Xác định mục đích đánh giá; Cách thức thu thập chứng cứ về năng lực giải quyết vấn đề; Giải thích chứng cứ về sự phát triển năng lực giải quyết vấn đề; Báo cáo sự phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh.
3. Nguyễn Thi Hoàng Yến,Trần Thị Minh Thành, Đinh Nguyễn Trang Thu, Đào Thị Bích Thủy, Phạm Thị Hải Yến. Xây dựng Bảng kiểm đánh giá sự phát triển của trẻ em Việt Nam
     Đánh giá phát triển là công việc cần thiết trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có nhiều công cụ đánh giá phát triển tiêu chuẩn, đảm bảo độ tin cậy và hiệu lực. Trong quá trình nghiên cứu chương trình đánh giá phát triển cho trẻ em Việt Nam, nhóm tác giả đã phối hợp với các giáo sư Trường Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) nghiên cứu xây dựng Bảng kiểm phát triển cho trẻ em Việt Nam. Bước đầu nghiên cứu đã đánh giá 219 trẻ từ 1 tuổi đến 7 tuổi tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy hầu hết các item trong Bảng kiểm đều phù hợp với văn hóa Việt Nam. Bảng kiểm có độ tin cậy cao (Cronbach’s Alpha = .76 - .977).
4. Nguyễn Thanh Bình. Giáo dục tích hợp giá trị và kĩ năng sống cho học sinh
     Bài viết đề cập đến vấn đề giáo dục tích hợp giá trị và kĩ năng sống (KNS) cho học sinh. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Lí do cần tích hợp giáo dục giá trị và KNS: Quan hệ giữa giá trị và kĩ năng sống; quan hệ giữa giáo dục giá trị và giáo dục KNS; 2/ Thiết kế các chủ đề giáo dục tích hợp giá trị và KNS. Theo tác giả, để đảm bảo hiệu quả của việc tích hợp giáo dục giá trị và KNS cn phải thiết kế chủ đề hợp lí tuân theo các nguyên tắc của giáo dục giá trị, KNS, đồng thời khi tổ chức hoạt động cần đảm bảo người học nắm được mục tiêu của từng hoạt động từ khám phá giá trị đến xác định ý nghĩa của giá trị, xác định những rào cản thể hiện giá trị và vận dụng giá trị vào KNS cụ thể, trong đó họ được trải nghiệm và sáng tạo trong khám phá và thể hiện giá trị, KNS liên quan đến chủ đ.
5. Nguyễn Thị Kim Dung. Ảnh hưởng của nhà trường đến giáo dục các giá trị văn hóa công nghiệp cho học sinh phổ thông
     Giáo dục các giá trị văn hóa công nghiệp cho HS là một quá trình phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự tác động liên tục về thời gian và không gian, từ mọi lực lượng GD. Có 3 yếu tố quan trọng có liên quan đến nhau và cần sự thống nhất, đồng bộ để việc GD các giá trị văn hóa công nghiệp cho HS trong nhà trường thành công là: (1) Môi trường vật chất và tâm lí - xã hội của nhà trường; (2) Đội ngũ GV và nhân viên trong nhà trường; (3) Các phương pháp dạy học trong nhà trường.
6. Nguyễn Đình Thước, Nguyễn Văn Phương. Nâng cao chất lượng dạy học các định luật bảo toàn trong môn Vật lí 10 trung học phổ thông  
     Các định luật bảo toàn có ý nghĩa quan trọng trong chương trình Vật lí phổ thông. Từ việc điều tra thực trạng của việc tổ chức dạy học các định luật bảo toàn trong môn Vật lí 10 THPT, chúng tôi đề xuất biện pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đòi hỏi GV phải có nhận thức sâu sắc, toàn diện về nội dung dạy học và đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo, hiệu quả
7. Đỗ Hương Trà, Nguyễn Thị Thuần.  Dạy học theo tiếp cận liên môn các môn khoa học tự nhiên  - công cụ hiệu quả để bồi dưỡng trách nhiệm xã hội ở người học
     Trách nhiệm xã hội của người học ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu trong mục tiêu giáo dục của tất cả các quốc gia. Trách nhiệm xã hội ở người học được hình thành và bồi dưỡng thông qua các hoạt động: Phát hiện vấn đề cần giải quyết, tìm kiếm các phương pháp giải quyết các vấn đề đặt ra (quyền con người, lao động, việc làm, môi trường, sinh thái, tham những), ... Bài báo đề cập đến việc bồi dưỡng trách nhiệm đối với xã hội ở người học qua dạy học theo tiếp cận liên môn ở chủ đề nước – một chủ đề rất gần với đời sống hàng ngày của học sinh.
8. Nguyễn Hữu Châu, Hồ Văn Thông. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong trường trung học phổ thông và Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Kĩ thuật hướng nghiệp tại tỉnh Bình Dương
     Hiện nay, tại các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên – kĩ thuật hướng nghiệp ở tỉnh Bình Dương, quá trình thực hiện giáo dục hướng nghiệp cho HS còn bộc lộ nhiều hạn chế. Để nâng cao hiệu quả giáo dục hướng nghiệp THPT cần phải giải quyết tốt các vấn đề sau: Cần có giáo viên chuyên trách về giáo dục hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục; có chính sách đào tạo và chế độ thỏa đáng cho giáo viên giáo dục hướng nghiệp; tập trung nâng cao hiệu quả quản lí; đổi mới nội dung, chương trình, hình thức giáo dục hướng nghiệp; tăng cường kiểm tra, đánh giá hoạt động giáo dục hướng nghiệp.
9. Trịnh Anh Hoa, Nguyễn Xuân An. Tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em nghèo và lao động trẻ em
     Hiện nay, việc tiếp cận giáo dục, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em lao động còn có một số những bất cập. Vì vậy, trong bài viết này, các tác giả đã đi vào trình bày vấn đề về tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng cho trẻ em nghèo và lao động trẻ em. Từ việc phân tích thực trạng của tiếp cận giáo dục trẻ em nghèo và lao động trẻ em, các tác giả chỉ ra những rào cản ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của trẻ em nghèo và lao động trẻ em. Đồng thời, cũng đề ra một số giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em nghèo và lao động trẻ em: về mặt chính sách, về phía cung cấp giáo dục và về phía người tiếp nhận giáo dục
10. Nguyễn Văn Hưng. Kĩ năng xã hội của học sinh khuyết tật trí tuệ đầu cấp Tiểu học
     Bài viết đã trình bày quan điểm của tác giả về kĩ năng xã hội và sự cần thiết của các kĩ năng xã hội đối với nhóm học sinh khuyết tật trí tuệ đang tham gia học hòa nhập tại trường tiểu học. Theo tác giả bài viết, kĩ năng xã hội thuộc nhóm kĩ năng hành vi thích ứng - một tiêu chí để xác định xem trẻ có bị khuyết tật trí tuệ hay không. Trong bài, tác giả đã tập trung giới thiệu về 5 nhóm kĩ năng xã hội cần thiết cho học sinh khuyết tật trí tuệ đầu cấp Tiểu học, bao gồm: Nhóm kĩ năng tìm kiếm sự trợ giúp, nhóm kĩ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói, nhóm kĩ năng tuân thủ, nhóm kĩ năng kiểm soát hành vi bản thân, nhóm kĩ năng quyết định và giải quyết vấn đề.
11. Phạm Thị Bích Đào,Cao Thị Thặng. Thiết kế và sử dụng bộ công cụ đánh giá năng lực sáng tạo của học sinh trong dạy học Hóa học hữu cơ ở trung học phổ thông
     Nội dung bài viết đề cập đến một số vấn đề mới, cơ bản của việc thiết kế và sử dụng bộ công cụ đánh giá năng lực sáng tạo của học sinh trong dạy học Hóa học hữu cơ ở trường trung học phổ thông theo phương pháp dạy học dự án và phương pháp bàn tay nặn bột. Những vấn đề đó cụ thể là:lí do cần phải thiết kế bộ công cụ đánh giá năng lực sáng tạo; cơ sở để thiết kế bộ công cụ đánh giá năng lực sáng tạo; những điểm mới so với đề kiểm tra Hóa hữu cơ hiện nay;  Bộ công cụ đánh giá gồm những công cụ đo nào?; cách đo, thu thập dữ liệu và phân tích kết quả đánh giá năng lực sáng tạo của học sinh.
12. Đỗ Thế Hưng, Nguyễn Thị Liễu. Mô hình dạy học theo tiếp cận “CDIO” và áp dụng trong đào tạo giáo viên kĩ thuật
     Nội dung bài viết này trình bày vấn đề về mô hình dạy học theo tiếp cận CDIO và áp dụng trong đào tạo giáo viên kĩ thuật. Trước hết, tác giả phân tích khái niệm và cấu trúc thành tố, nội dung thành tố của mô hình dạy học theo tiếp cận CDIO trong đào tạo giáo viên kĩ thuật. Sau khi đưa ra các khái niệm, nội dung khái quát ban đầu, tác giả đề cập tới việc áp dụng vận dụng mô hình dạy học có thể được thực hiện ở 2 cấp độ: cấp độ vĩ mô (cấp chương trình đào tạo) và cấp độ vi mô (vận dụng mô hình trong thiết kế dạy học môn học, bài học hoặc chủ đề học tập) do giảng viên trực tiếp thực hiện; ở phần này, cấp độ vi mô được tác giả phân tích chi tiết.

THỰC TIỄN GIÁO DỤC
13. Trần Thu Hương, Nguyễn Tiến Xuân. Nâng cao năng lực biên soạn tài liệu dạy học cho giảng viên trẻ của trường Đại học Kĩ thuật – Hậu cần công an nhân dân
    Biên soạn tài liệu dạy học là một trong những nhiệm vụ cơ bản của giảng viên (GV), đây là hoạt động quan trọng trong mỗi nhà trường. Nâng cao năng lực biên soạn cho GV vừa đáp ứng yêu cầu về tài liệu dạy học cho nhà trường, vừa phát triển năng lực của GV. Đối với Trường Đại học Kĩ thuật - Hậu cần Công an nhân dân, nâng cao năng lực biên soạn cho đội ngũ GV trẻ là biện pháp có tính cấp thiết cao vì có như vậy mới đem lại hiệu quả chất lượng trong công tác giảng dạy. Để thực hiện tốt biện pháp này, cần sự phối kết hợp tích cực của nhiều nhân tố trong quá trình thực hiện công tác biên soạn, từ các nhà quản lí đến mỗi GV trẻ.
14. Đỗ Đức Trị. Giải pháp rèn luyện kĩ năng quản lí thời gian học tập cho học viên  hệ bổ túc tại trung tâm giáo dục thường xuyên
     Quản lí thời gian học tập là kĩ năng rất quan trọng cho tất cả mọi người trong xã hội học tập với chiến lược học tập suốt đời. Rèn luyện kĩ năng quản lí thời gian học tập cho các học viên bổ túc trung học phổ thông (THPT) tại trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX) lại càng quan trọng hơn bởi vì đặc trưng vừa học vừa làm của các học viên. Bài viết trình bày các giải pháp rèn luyện kĩ năng quản lí thời gian học tập cho học viên bổ túc THPT tại các TT GDTX dựa trên các cơ sở khoa học, qua việc nghiên cứu và kinh nghiệm bản thân trong công tác quản lí tại trung tâm GDTX huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh.
15. Phạm Thị Hồng Hạnh. Dạy học môn Xác suất thống kê cho sinh viên ngành Kế toán ở các trường cao đẳng công nghiệp theo tiếp cận năng lực nghề  nghiệp
     Đối với chuyên ngành Kế toán ở các trường cao đẳng công nghiệp, ngoài các môn chuyên ngành còn có các môn học cơ bản giúp sinh viên hình thành và phát triển tốt năng lực nghề nghiệp. Trong các môn học đó, môn Xác suất thống kê có nhiều mối liên hệ giữa kiến thức bộ môn với thực tế nghề kế toán. Chính vì vậy, trong bài viết này, tác giả đi vào trình bày một số vấn đề về dạy môn Xác suất thống kê cho sinh viên chuyên ngành Kế toán ở các trường cao đẳng công nghiệp theo tiếp cận năng lực nghề nghiệp. Qua đó, nhằm phát triển những năng lực nghề kế toán tiềm ẩn trong kiến thức của bộ môn Xác suất thống kê, đáp ứng thực tiễn học tập của sinh viên và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
16. Hoàng Thị Minh Anh, Nguyễn Thị Mỹ Anh. Phương pháp rèn luyện kĩ năng làm việc nhóm và năng lực tự tạo việc làm cho sinh viên tại khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội
     Nội dung bài viết đề cập về phương pháp rèn luyện kĩ năng mềm – kĩ năng làm việc nhóm và năng lực tự tạo việc làm cho sinh viên tại Khoa Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoa Quốc tế - Đại học Quốc Gia Hà nội đã áp dụng một phương pháp mới, đó là dạy kĩ năng mềm cho các em sinh viên bằng các chương trình làm việc nhóm, giao cho sinh viên tự tổ chức sự kiện ngay chính trong quá trình học tập tại trường đại học và sinh viên đã đạt được thành tựu – tổ chức được hai dự án thiện nguyện vì cộng đồng đó là:  “Color up your dream – Tô màu ước mơ” tại Trường Dân lập trẻ điếc Nhân Chính và dự án “S-kids” với chương trình “Lớp học cho em” tại làng trẻ Hoà Bình – Thanh Xuân – Hà Nội.
17. Đỗ Trọng  Tuấn. Đội ngũ giảng viên thỉnh giảng - nhân tố quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đội ngũ giảng viên tại các đại học tư thục khu vực miền Trung
     Chất lượng đào tạo phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đội ngũ giảng viên (ĐNGV), đảm bảo chất lượng (ĐBCL) ĐNGV là một trong những nhiệm vụ then chốt đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các trường thực hiện. Nâng cao chất lượng ĐNGV là việc làm của từng trường, công tác này giúp cho các trường có thể tồn tại trong sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng đào tạo. Tác giả đề cập đến vấn đề khai thác, sử dụng các nguồn lực GV sẵn có ngoài trường (GV thỉnh giảng) để hoàn thiện công tác phát triển ĐNGV theo từng giai đoạn của từng trường, từ đó có thể triển khai thực hiện chương trình đào tạo, ĐBCL, đạt chuẩn đầu ra; đồng thời mang lại uy tín và giúp các trường ĐHTT phát triển bền vững trong bối cảnh mới.

GIÁO DỤC DÂN TỘC
18. Nguyễn Thị Bảo Hoa. Một số kinh nghiệm nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của giáo viên mầm non
     NCTH đã nâng cao chất lượng dạy học tại các lớp học chương trình NCTH GDSN TCS TMĐ dành cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Trong các lớp học này trẻ  được học các nội dung bằng TMĐ. Việc sử dụng TMĐ trong giờ học làm tăng sự tự tin, sáng kiến và tính sáng tạo của trẻ. Giúp các em sớm hòa nhập với các bạn trong lớp, tham gia một cách thoải mái vào các hoạt động của lớp học. Các em giao tiếp tự tin với bạn cũng như với GV, nhân viên trong trường. Các em hiểu và thực hiện tốt các hoạt động theo yêu cầu. Kết quả học tập của các em đạt kết quả cao hơn, góp phần tạo tiền đề để các em học tốt hơn ở các lớp trên; đồng thời, bảo tồn, phát triển ngôn ngữ và văn hóa các DTTS.
19. Nguyễn Như Sang. Hướng dẫn cán bộ quản lí giáo dục các cấp tại địa phương thực hiện nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ
     Nghiên cứu thực hành có một ý nghĩa quan trọng giúp cho việc thực hiện chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ được linh hoạt và đạt hiệu quả. Cán bộ quản lí và giáo viên tham gia chương trình này được hướng dẫn thực hiện nghiên cứu thực hành một cách cụ thể và đầy đủ. Quy trình thực hiện nghiên cứu thực hành đối với cán bộ quản lí ở địa phương không chỉ cần thiết cho việc quản lí, chỉ đạo đối với chương trình giáo dục song ngữ mà còn giúp đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục ở địa phương nâng cao năng lực quản lí giáo dục nói chung. Cán bộ quản lí có thể vận dụng quy trình này trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục và tổ chức chỉ đạo, quản lí giáo dục trong nhà trường của mình.
GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
20. Nguyễn Văn Thông. Hệ thống giáo dục phật giáo truyền thống ở Thái Lan
     Là một trong các quốc gia ở Đông Nam Á có số lượng tín đồ Phật giáo đông đảo nhất (94-95% dân số), ngay từ khi mới hình thành Nhà nước và đặc biệt trong những thế kỉ từ XIV đến đầu thế kỉ XX, Phật giáo ở Thái Lan ngày càng phát triển và có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội, tinh thần của nhân dân và mau chóng trở thành quốc giáo nơi đây. Bài viết đề cập đến hệ thống giáo dục Phật giáo truyền thống: Hệ thống giáo dục cho người xuất gia và hệ thông giáo dục cho cư sĩ tại gia. Đạo đức Phật giáo thông qua giáo dục đã lan tỏa, thấm sâu vào người dân Thái, hình thành tính cách hiền hòa, chân thật, khiêm tốn, biết quan tâm đến người khác, tạo nên sự ổn định cho một xã hội bền vững.