Khai thác Công nghệ
Chính phủ Hàn Quốc đã khai thác công nghệ trong hai sáng kiến chính để giải quyết các vấn đề về dạy thêm (Song và Kim năm 2009): Hệ thống phát thanh truyền hình giáo dục (EBS) và hệ thống Học tại nhà Cyber (CHLS).
EBS được thành lập vào năm 1990, và đã trở thành chương trình phát thanh và truyền hình có chất lượng cao. Năm 2004, chính phủ bắt đầu phát sóng các bài học cho học sinh trung học chuẩn bị cho kỳ thi CSAT. Một trong những mục tiêu chính là cung cấp hình thức thay thế cho việc dạy thêm. Các bài học được các giáo viên và chuyên gia, bao gồm cả một số giáo viên nổi tiếng trình bày. Về mặt này, chính phủ đã đưa các gia sư nổi tiếng từ khu vực tư nhân sang khu vực công. Trong số các chỉ báo thể hiện là doanh số bán sách hỗ trợ của EBS. Năm 2010, 20.8% học sinh mua sách, nữ học sinh mua sách nhiều hơn chút xíu so với nam học sinh (22.9% so với 18.9%). Tỉ lệ mua sách ở bậc tiểu học khá khiêm tốn, khoảng 7.2% học sinh, nhưng các trường phổ thông trung học thì 54.8% học sinh mua sách (KNSO 2011:10). Đánh giá của EBS đã chỉ ra rằng chương trình này đặc biệt có hiệu quả trong việc phục vụ khu vực nông thôn.
Một sáng kiến song song, cũng đã được áp dụng vào năm 2004, đó là CHLS, nhằm làm giảm chi phí cho việc học thêm. Trong vòng 5 năm, nó cung cấp môi trường học tập cá nhân cho 1.6 triệu sinh viên, những người đã hỗ trợ 6.147 mạng giáo viên và 2.692 phụ huynh - gia sư. Một báo cáo đánh giá của Kim (2009), dựa trên khảo sát với 55.272 học sinh, 3.842 giáo viên và 12.783 phụ huynh, đã cho kết quả tích cực. Một phần ba số học sinh cho rằng mối quan tâm của họ trong nội dung môn học đã phát triển đáng kể, và 25.3% cho biết họ đã phát triển thói quen học tập tự định hướng. Nhiều người trong số này là học sinh yếu, những học sinh này được hỗ trợ rất ít kinh phí cho việc học tập. Đồng thời, đánh giá kết luận rằng nhiều học sinh đã tiết kiệm được chi phí học thêm và do đó tổng chi phí cho dạy thêm đã giảm đi nhờ sáng kiến này.
Ở các quốc gia khác thuộc châu Á, khu vực tư nhân phát triển mạnh các dịch vụ dựa trên nền tảng trực tuyến. Một trong những khu vực phát triển mạnh nhất là Mathguru ở Ấn Độ (www.mathguru.com). Họ cung cấp cho mọi lứa tuổi các video hướng dẫn với từng mô-đun, bao gồm các bài tập trên mạng với mức độ khó được gia tăng theo sự tiến bộ của học sinh. Những dịch vụ này có thể ghi lại các hoạt động của học sinh, đó chính chìa khóa thể hiện sự cải thiện chất lượng dịch vụ và giám sát sự tiến bộ của học sinh.
Cũng rất quan trọng là các tổ chức phi lợi nhuận Học viện Khan (www.khanacademy.org), có trụ sở tại Hoa Kì và do một nhóm các cá nhân quản lí với cam kết từ thiện hỗ trợ về kinh phí. Với một thư viện hơn 2.700 video vào năm 2011, Học viện Khan cung cấp các chương trình cơ bản của nhiều lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như toán, sinh học, lịch sử nghệ thuật, tài chính, và giáo dục giáo viên của Singapore. Học sinh được khuyến khích học thông qua một số trò chơi thay thế cho cách truyền thống. Cho tới tháng 12 năm 2011, Học viện Khan đã chuyển giao hơn 82.000.000 bài học. Công ty cung cấp phần mềm hiện đại, cho phép các bậc cha mẹ, giáo viên, hoặc quản trị viên có thể quản lý, theo dõi học sinh. Các kĩ sư công nghệ có thể sử dụng những dữ liệu này để chỉnh các thuật toán nhằm xác định các vấn đề của từng học sinh nên nỗ lực phấn đấu ở giai đoạn tiếp theo. Trang web này cũng có nhiều cách giúp học sinh có thể tương tác với các công cụ mạng xã hội và tìm kiếm sự chia sẻ từ mọi người. Một trong những cách đó là thu xếp những cuộc gặp gỡ trong đó học sinh giúp đỡ lẫn nhau thông qua các diễn đàn trực tuyến.
Tuy dạy thêm trực tuyến không có thể thay thế được hình thức trực tiếp, hướng dẫn cá nhân cho từng đứa trẻ, nhưng thực sự nó có thể thay các hình thức dạy thêm thu phí, đặc biệt là các hình thức mà có sự tương tác tối thiểu giữa gia sư và học sinh. Mặc dù dạy kèm trực tuyến có thể không phải là hình thức học tập hoàn hảo, nhưng nó là một hình thức học tập dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, dạy kèm trực tuyến vẫn còn rất mới. Nhiều tiến bộ vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm những cách tốt nhất nhắm mục tiêu tới mỗi học sinh ở các cấp trình độ hiện tại và cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để đạt được kết quả cao hơn ở giai đoạn tiếp theo. Hơn nữa, nếu khu vực tư nhân quản lí thì còn tốt hơn là ở dịch vụ công, đặc biệt là kể từ khi số ít quốc gia kết nối sự phối hợp giữa các nguồn lực tài chính và nguồn lực chuyên gia như ở Hàn Quốc. Chính phủ muốn khuyến khích phát triển các hướng dạy thêm trực tuyến thì tốt hơn hết là cung cấp cho quỹ kích lệ để lựa chọn một nhóm làm việc cạnh tranh hơn là đảm nhận công việc đó về mình. Chính phủ có thể đưa ra những tiêu chí tối thiểu phải đáp ứng được, chẳng hạn như: phải liên kết được giữa các lớp học và giáo viên, và đảm nhận một số môn ngoại khóa. Như vậy, chính phủ vẫn có thể kiểm soát sự phát triển thông qua hình thức quan hệ đối tác công - tư.
Xây dựng và thực hiện Quy định
Trong lịch sử, hệ thống trường học trên toàn thế giới đã phát triển từ khi có rất ít quy định của Chính phủ cho đến khi có nhiều quy định trên quy mô rộng. Nói chung, xã hội xem xét tầm quan trọng của các quy định này ở hai góc độ:
• để bảo vệ học sinh và gia đình của họ từ các hình thức lạm dụng khác nhau, và
• để chỉ đạo các nhà quản lý nhà trường theo hướng mong muốn tốt cho dịch vụ công.
Ngay cả những trường tư cũng phải được quản lý, điều hành bởi các quy định về trình độ tối thiểu của giáo viên, cơ sở vật chất và chương trình giảng dạy khung; và trong một số khu vực pháp lý, các nhà điều hành tại trường tư phải chú ý đến các quy định về quy mô lớp học, thủ tục nhập học, và quản lý tài chính.
Hai thập kỷ trước, vùng lãnh thổ ở châu Á hay bất cứ nơi nào khác có những quy định có ý nghĩa về dạy thêm. Một số quy định của chính phủ đã đề cập đến vấn đề dạy thêm, nhưng hầu hết những phần có liên quan trong các tài liệu đó chỉ hạn chế một hoặc hai điều khoản được thêm vào những yêu cầu chi tiết về việc học. Các điều khoản này không phải là kết quả của việc phân tích kỹ lưỡng và tư vấn, và hiếm khi được các công chức nhà nước hoặc gia sư tư nhân chú ý tới.
Thời đại hiện đại đã mang lại một số thay đổi các mô hình này, chủ yếu do giáo dục trong bóng tối đã mở rộng và tác động mạnh đến nhận thức của các chính phủ và xã hội nói chung. Tuy nhiên, khung pháp lý cho lĩnh vực giáo dục trong bóng tối vẫn còn rất lỏng lẻo ở hầu hết các quốc gia. Nó vẫn chưa "bắt kịp" với khuôn khổ pháp lý của giáo dục trong nhà trường chính quy.
(còn tiếp)
Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh
Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn