Thông tin giáo dục quốc tế số 8 (lưu hành nội bộ) (phần 3)

10/08/2017 16:55 GMT+7
Chủ đề: Shadow education - Giáo dục trong bóng tối - Những ảnh hưởng đối với nhà hoạch định chính sách

NHỮNG ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NHÀ HOẠCH ĐỊNH CHÍNH SÁCH (tiếp)

Thay đổi chương trình

Cơ chế đánh giá và thi cử dĩ nhiên liên quan đến chương trình giảng dạy. Ngoài ra, một số khoản mục khác của chương trình có thể được xem xét. Một số ảnh hưởng xấu không lường trước được từ cải cách chương trình đã được cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách, nhưng cũng có thể được ghi nhận là những kinh nghiệm tích cực.

Ví dụ đầu tiên về hậu quả không lường trước được đến từ Tây Bengal, một trong những bang của Ấn Độ với tỷ lệ dạy thêm cao nhất (Ấn Độ 2010: A- 276; Pratham 2012:235). Hai chính sách của chính phủ đã vô tình kích thích mức học thêm cao hơn có liên quan đến ngôn ngữ và bài tập về nhà.

Năm 1983, chính phủ của Tây Bengal đã bỏ môn tiếng Anh bậc tiểu học ở các trường công, thu hẹp chương trình của những môn khác. Chính sách này nhằm tạo điều kiện cho trẻ em nông thôn và người nghèo - những đối tượng có tỉ lệ đi học thấp và tỉ lệ bỏ học cao dễ dàng tiếp cận với giáo dục tiểu học hơn. Đánh giá của Roy (2010) phát hiện tác động tích cực và có ý nghĩa giáo dục của chính sách này, đặc biệt là ở trẻ em từ các gia đình nghèo. Tuy nhiên, Roy cũng thấy chi phí cho học thêm tăng đáng kể. Các gia đình có đủ khả năng tài chính mong muốn con em họ có kỹ năng tiếng Anh, và phải thông qua việc học thêm, kể từ khi môn này không được giảng dạy trong nhà trường. Năm 1999, Chính phủ lại cho phép dạy môn tiếng Anh từ lớp 3, và năm 2004 thì từ lớp 1. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, dịch vụ dạy thêm đã trở nên phổ biến, và hầu hết các hộ gia đình đã sử dụng dịch vụ này.

Chính sách thứ hai là việc giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học để mở rộng phạm vi và tác động của giáo dục (Sen 2010:318). Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ không thể giúp trẻ hoàn thành các bài tập này. Ngay cả ở trường với bài giảng tốt của giáo viên và với học sinh khá có thể hoàn thành tốt việc học mà không có sự trợ giúp, thì nhiều cha mẹ vẫn khăng khăng đòi học thêm với quan niệm rằng "đứa trẻ sẽ làm tốt hơn.” Và cha mẹ mù chữ thì đương nhiên việc học thêm là không thể tránh khỏi, vì họ không thể giúp đỡ con em hoàn thành các bài tập về nhà. Nhiều giáo viên cũng coi việc dạy thêm là cần thiết, đặc biệt đối với "bậc học đầu tiên”. Một báo cáo của Pratichi Education Trust có viết (Rana 2009:23) về thuật ngữ bài tập về nhà với "bậc học đầu tiên" thì hại nhiều hơn lợi:

Bài tập về nhà được đặt ra với mục đích tốt nhưng hậu quả của nó thì khá khác nhau. "Bài tập về nhà" và sự bất lực của các bậc cha mẹ mù chữ là lí do để giáo viên lập luận rằng trẻ em trong điều kiện như vậy thì không thể có được chất lượng giáo dục tại nhà trường. Chúng cần hỗ trợ thêm. Nói cách khác, học sinh cấp tiểu học cần có học phí.

Xét về mặt cấu trúc, nhu cầu bài tập về nhà có thể được cảm nhận là xã hội có thu nhập cao và giáo dục tốt. Tân (2009:97) báo cáo rằng nhiều bậc cha mẹ ở Singapore cảm thấy chẳng còn tác dụng gì nữa bởi chương trình sửa đổi quá nhiều, và họ không thể giúp gì cho con em trong các bài kiểm tra và bài thi ở trường. Gia sư dạy kèm là giải pháp để cứu vãn tình thế này.

Một ví dụ khác của các hậu quả không lường trước được từ cải cách chương trình ở Georgia. Chương trình giáo dục quốc gia đã thay đổi nhiều lần giữa năm 2005 và 2011. Một thay đổi là tích hợp môn khoa học giữa các lớp thuộc bậc học cơ bản và trung học: học sinh học hóa học trong kì đầu tiên, sinh học ở kì thứ hai, và vật lý trong kì thứ ba. Ngay sau khi thực hiện thay đổi mới này, một số vấn đề phát sinh liên quan đến việc học tập và giảng dạy của môn khoa học, và đến năm 2009, Bộ Giáo dục và Khoa học đã bãi bỏ chương trình này. Đến năm 2011, khi Bộ quyết định thi tốt nghiệp với 8 môn học trong đó có hóa học, sinh học và vật lý, thì học sinh cảm thấy bị thách thức ghê gớm. Đa số học sinh tìm lớp học thêm các môn khoa học để vượt qua kì thi và nhận được bằng tốt nghiệp trung học. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy rằng 40% số người được hỏi đã gọi tên không thống nhất giữa các chương trình học và nhu cầu vượt qua các kỳ thi là một trong những lý do chính phải đi học thêm (EPPM 2011:28).

Chính sách đổi mới với những hậu quả ngoài ý muốn đã được thực hiện ở Hồng Kông, Trung Quốc. Các nhà giáo dục xây dựng chương trình giảng dạy đã cảm nhận thấy sự phụ thuộc quá đáng vào việc học thuộc lòng và tư duy công thức trong nhà trường, một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả đó là do sự phát triển của dạy thêm. Năm 2009, tự do nghiên cứu đã trở thành môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh trung học phổ thông, và sẽ trở thành môn thi lần đầu tiên vào năm 2012. Các nghiên cứu tự do được thiết kế để giúp học sinh phát triển tư duy phê phán về các vấn đề phức tạp thông qua việc phát hiện những lĩnh vực rộng và đa ngành, chẳng hạn như "phát triển cá nhân và độc lập", “khoa học, công nghệ, và môi trường”. Tuy nhiên, thay vì được chào đón như là một chương trình giảng dạy có tính nhân văn, thì môn nghiên cứu tự do đã làm cho xã hội lo lắng thái quá. Hệ thống giáo dục từ lâu đã đào tạo học sinh với những câu trả lời rõ ràng và dứt khoát cho những câu hỏi hẹp. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi ngành công nghiệp dạy thêm - cái mà đã phát triển mạnh dựa trên sự lo lắng của cha mẹ và học sinh - đã đáp ứng bằng cách cung cấp các khóa học về nghiên cứu tự do ngày càng phổ biến (Chan 2011, Yeung 2011). Nhiều gia sư còn đưa ra những quy trình và công thức rõ ràng cho việc xây dựng các câu trả lời cho các kì thi, thậm chí chi tiết bao nhiêu điểm cho từng loại câu hỏi để học sinh có thể kì vọng kiếm được cho mỗi điểm tranh luận mà họ thực hiện.

Một ví dụ cuối cùng của hậu quả không lường từ cải cách chương trình giảng dạy đến từ Campuchia, Bộ Giáo dục, Thanh thiếu niên và Thể thao đã khuyến khích giáo viên bớt dựa vào các bài giảng và sử dụng nhiều phương pháp sư phạm giáo dục “thân thiện với trẻ” (Campuchia và UNICEF 2005, Campuchia năm 2010). Với hai ca một ngày học kéo dài chỉ có 4 giờ, giáo viên đã phàn nàn rằng kỹ thuật thân thiện với trẻ tốn nhiều thời gian làm cho họ không thể hoàn thành chương trình giảng dạy đầy đủ (Dawson 2010:20). Đó chính là lý do để giáo viên đưa ra những giờ học thêm để hoàn thành các kiến thức chưa cung cấp đủ trong giờ học trên lớp.

Chương trình sau giờ học (ASP) ở Hàn Quốc được đánh giá theo hướng hữu ích, tích cực hơn. Sáng kiến này được đưa ra vào năm 2004 để giảm bớt chi tiêu hộ gia đình cho việc học thêm, dạy thêm và giảm bất bình đẳng xã hội (Bae et al 2010, Lee 2011). Đến năm 2010, tất cả các trường cung cấp chương trình này, và tỷ lệ tham gia của học sinh ở bậc tiểu học là 43.1% , trung học cơ sở là 50.0%, và trung học phổ thông là 79.0% (KNSO 2011:9). Chương trình này được Chính phủ tài trợ là chủ yếu, học sinh chỉ đóng góp học phí rất ít với ý nghĩa "phí tham gia" theo nghĩa đen. Ngoài khoản kinh phí tổng thể, chính phủ cung cấp 390.000 phiếu học đối với học sinh nghèo trong năm 2010, trị giá 140 tỷ won (14.8 triệu USD) và đã làm tăng thêm 40.000 người được hưởng lợi so với năm 2009 (Jang 2011:37). Chương trình ASP ở bậc trung học, giáo viên được tuyển dụng hoặc từ bên trong hoặc từ bên ngoài hệ thống giáo dục. Trong trường tiểu học, khoảng 2/3 các khóa học trong năm 2010 là ngoại khóa, còn 1/3 thì thuộc vào các môn học lý thuyết. Sự cân bằng về tỉ lệ chuyển dịch trong các trường trung học cơ sở, với tỷ lệ tương ứng là 17.4% và 82.6%, và ở trường trung học, tỷ lệ dịch chuyển hơn nữa là 7.9% và 92.1% (Jang 2011:38).

Đánh giá của ASP đã chỉ ra kết quả tích cực. Bae et al. (2009) quan sát thấy rằng chương trình này đặc biệt phục vụ trẻ em gái, học sinh nông thôn, và những gia đình có thu nhập thấp. Đó là một yếu tố quan trọng tác động đến việc giảm chi phí cho giáo dục trong bóng tối năm 2010 so với năm 2009 (Hình 1; KNSO 2011). Jang (2011) đã phân tích tỷ lệ tham gia của học sinh lớp 9 đã tham gia chương trình này vào năm 2004 và hoàn thành CSAT trong năm 2007, với những thông số như nền tảng gia đình, địa điểm trường học và một số thông số khác. Giống như Bae et al (2009), bà kết luận rằng chương trình ASP đã thành công, đặc biệt là phục vụ học sinh ở khu vực nông thôn và các nhóm có thu nhập thấp, đồng thời đã làm giảm sự bất bình đẳng trong xã hội. Ngoài ra, bà phát hiện ra rằng những sinh viên tham gia ASP đạt được số điểm tăng thêm trung bình là 0.23 điểm so với những sinh viên không tham gia ASP; tham gia vào ASP cũng làm mức độ chi cho giáo dục trong bóng tối của các hộ gia đình giảm chỉ còn 20.9% so với những người không tham gia ASP.
(còn tiếp)


Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến

Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh

Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn