Phát triển năng lực công nghệ thông tin cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học

11/07/2021 21:11 GMT+7
Năng lực công nghệ thông tin có vai trò quan trọng đối với giáo viên, đặc biệt trong bối cảnh phát triển nhanh và rộng của công nghệ thông tin như hiện nay. Trên cơ sở phân tích bối cảnh đổi mới giáo dục tiểu học hiện nay và làm rõ những yêu cầu về năng lực công nghệ thông tin trong dạy học của sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, tác giả Phan Văn Tình của trường Đại học Hùng Vương – Phú Thọ đã đề xuất các biện pháp phát triển năng lực công nghệ thông tin cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học tại các trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Luật CNTT (2006) đã định nghĩa:“CNTT là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kĩ thuật hiện đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lí, lưu trữ và trao đổi thông tin số”. Trong phạm vi của nghiên cứu này, tác giả đồng nhất quan điểm năng lực CNTT trong dạy học là thuộc tính cá nhân cho phép người giáo viên huy động các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy móc và viễn thông - tổ chức khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học và giáo dục.
 
Là một thành phần trong năng lực nghề nghiệp của giáo viên, năng lực CNTT gồm: 1) Năng lực nhận thức CNTT (nhận thức công nghệ phần mềm, công nghệ phần cứng, công nghệ hệ thống); 2) Năng lực thiết kế CNTT (thiết kế công nghệ phần mềm, công nghệ phần cứng, công nghệ hệ thống); 3) Năng lực quản lí CNTT (quản lí công nghệ phần mềm, công nghệ phần cứng, công nghệ hệ thống); 4) Năng lực đánh giá CNTT (đánh giá công nghệ phần mềm, công nghệ phần cứng, công nghệ hệ thống). UNESCO (2008, 2011, 2018) đã đưa ra khung năng lực CNTT dành cho giáo viên.
  
Khung năng lực CNTT cho giáo viên
  
Trên cơ sở yêu cầu về phát triển năng lực sư phạm và nội dung phát triển năng lực CNTT cho sinh viên, kết hợp với các thành phần năng lực CNTT của giáo viên, tác giả xác định được các yêu cầu cần thực hiện trong phát triển năng lực CNTT cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học: 1) Hình thành cho sinh viên các kiến thức lí luận chung về năng lực CNTT trong dạy học ở tiểu học; 2) Nâng cao kiến thức, kĩ năng sử dụng các yếu tố hỗ trợ tổng hợp cho phát triển năng lực CNTT; 3) Phát triển những thành phần năng lực CNTT cho sinh viên thông qua các môn học tiềm năng trong quá trình đào tạo; 4) Chú trọng thực hành cho sinh viên về thực hiện các hoạt động ứng dụng CNTT.
  
Tác giả đã đưa ra ba biện pháp để phát triển năng lực công nghệ thông tin cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học ở trường Sư phạm: i) Trang bị cho sinh viên các kiến thức lí luận về năng lực công nghệ thông tin trong dạy học ở Tiểu học; ii) Xây dựng các tài liệu tự học có hướng dẫn theo module nhằm phát triển năng lực công nghệ thông tin cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học; iii) Phát triển các năng lực thành phần của năng lực công nghệ thông tin cho sinh viên thông qua thiết kế và triển khai các chuyên đề dạy học trong các học phần Lí luận và Phương pháp dạy học theo mô hình TPACK.
 

Mô hình TPACK
 
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay, đổi mới đào tạo giáo viên tiểu học theo hướng phát triển năng lực nghề nói chung, năng lực CNTT cho sinh viên nói riêng thực sự là vấn đề cấp thiết. Kết quả nghiên cứu này cho thấy việc phát triển năng lực CNTT cho sinh viên ngành giáo dục tiểu học trong đào tạo tại trường sư phạm có tính khả thi cao. Hơn nữa, đây là một trong những vấn đề quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
  
Tài liệu tham khảo
Phan Thị Tình (2021). Phát triển năng lực công nghệ thông tin cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học ở trường sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam 6, 28-33.