Một số biện pháp tạo động lực học tập cho học sinh phổ thông

29/07/2021 16:31 GMT+7
Động lực học tập của học sinh là sự thúc đẩy bên trong khiến cho học sinh tích cực và nỗ lực học tập đạt hiệu quả cao. Đây là yếu tố không chỉ ảnh hưởng tích cực đến quá trình học tập của bản thân học sinh, mà còn ảnh hưởng tích cực đến hoạt động giảng dạy của giáo viên. Liên quan đến chủ đề này, kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Thúy Dung (2021) đã đề xuất các biện pháp cơ bản để tạo động lực học tập cho học sinh thông qua tổng hợp, phân tích các lí thuyết về động cơ học tập của người học, và xem xét các yếu tố tác động đến sự hình thành yếu tố này ở người học.

Theo nghiên cứu của tác giả, động lực học tập của học sinh được hình thành và phát triển dưới tác động của nhiều yếu tố: (1) Các yếu tố thuộc về cá nhân học sinh; (2) Các yếu tố thuộc về hoạt động học tập; (3) Các yếu tố thuộc về môi trường học tập.
   
Từ kết quả phân tích các yếu tố trên, ba biện pháp cơ bản để tạo động lực học tập cho học sinh được tác giả đề xuất như sau (1) Làm cho cá nhân học sinh có nhu cầu học tập; (2) Làm cho hoạt động học tập trở nên lí thú và hấp dẫn; (3) Làm cho môi trường học tập trở nên thân thiện. Ở từng biện pháp đề xuất, nghiên cứu đưa ra các vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện. Cụ thể là, đối với biện pháp thứ nhất, giáo viên cần cho học sinh thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của môn học đối với học sinh trong giải quyết các vấn đề của cuộc sống hiện tại và tương lai của học sinh.
   
Đối với biện pháp thứ hai,để việc học tập trở nên hấp dẫn, giáo viên cần làm cho từng thành tố của hoạt động học tập trở nên hấp dẫn: (i) Mục tiêu dạy học – giúp học sinh vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống; (ii) Nội dung dạy học – lựa chọn nội dung và ví dụ minh họa trong bài học phù hợp với tâm lí lứa tuổi, có lợi ích trực tiếp với học sinh; (iii) Phương pháp và hình thức dạy học – tạo cơ hội cho học sinh tham gia và trải nghiệm, chủ động tìm tòi và chiếm lĩnh kiến thức; (iv) Đánh giá kết quả học tập – đánh giá trong suốt quá trình học tập của học sinh, kịp thời ghi nhận, động viên học sinh.
  
Còn ở biện pháp cuối cùng, bầu không khí học tập tích cực với các mối quan hệ tốt đẹp giữa học sinh với giáo viên và với các bạn cùng lớp sẽ đảm bảo cho hoạt động học tập của học sinh được diễn ra thuận lợi, học sinh thích đến trường và có động lực học tập.
   
Có thể nói, động lực học tập của học sinh là sự thúc đẩy bên trong, giúp học sinh nỗ lực học tập để đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, động lực học tập của học sinh được hình thành và phát triển do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố thuộc về bản thân học sinh, cách giáo viên tổ chức hoạt động học tập và môi trường học tập cho học sinh. Do đó, tạo động lực học tập cho học sinh tức là tạo các yếu tố thuận lợi để phát triển động lực học tập cho học sinh để học sinh thấy rõ tầm quan trọng của những gì học sinh được học; đồng thời, tổ chức hoạt động học tập một cách hấp dẫn, tạo các mối quan hệ thân thiện và tích cực trong lớp học giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau.
  
Tài liệu tham khảo
 Nguyễn Thị Thúy Dung (2021). Tạo động lực học tập cho học sinh - Một năng lực cần thiết của giáo viên phổ thông đáp ứng giáo dục 4.0. Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam, số 43, 1-5.
  
Tham khảo toàn văn: http://vjes.vnies.edu.vn/sites/default/files/baiso01_so43.pdf