Mô hình học tập kết hợp trong giáo dục đại học

14/10/2021 22:10 GMT+7
Kết hợp những ưu thế của mô hình dạy học truyền thống và mô hình dạy học trực tuyến (E-learning), mô hình học tập kết hợp (Blended Learning) mang lại nhiều lợi ích trong giáo dục. Trong nghiên cứu của mình, Hồ Ngọc Khương (2021) phân tích các mô hình blended learning, từ đó cho thấy những lợi ích của nó khi áp dụng trong giáo dục đại học.

Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận khái niệm “Blended Learning”, và có sự thống nhất chung về các thành phần chính của học tập kết hợp là hướng dẫn hoặc học tập trực tiếp và trực tuyến. Học tập kết hợp để chỉ ra các mô hình kết hợp giữa hình thức truyền thống và các giải pháp E-learning (xem Hình 1).
 
Hình 1. Mô hình học tập kết hợp
 
Theo thang đo nhận thức của Bloom, mô hình Blended Learning khuyến khích và phát triển các kĩ năng tư duy của người học ở mức độ cao so với mô hình trực tuyến và truyền thống. Mô hình học tập kết hợp giúp cải thiện sự thành công, sự hài lòng và giữ được chân của người học, tăng cường kĩ năng học tập, khả năng tiếp cận thông tin nhiều hơn và kết quả học tập, đồng thời có cơ hội học với người khác và dạy người khác.
  
Bảng 1. So sánh các hình thức tổ chức dạy học theo mức độ nhận thức thang đo Bloom
  
Tại Việt Nam, mô hình đào tạo kết hợp được triển khai khá thành công ở các trường đại học như Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Kĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh…
  
Những cơ sở giáo dục đại học đã áp dụng phương pháp học tập kết hợp cho thấy nhận thức mức độ hoàn thành bài học cũng kết quả học tập của người học được nâng cao và kĩ năng tương tác của người học cao đáng kể. Việc thực hiện hiệu quả học tập kết hợp phải được thiết kế cẩn thận để mô hình kết hợp hỗ trợ các tính năng của khóa học có liên quan, mục tiêu học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của người học.
  
Tài liệu tham khảo
Hồ Ngọc Khương. (2021). Mô hình Blened Learning trong giáo dục đại học và thực tiễn áp dụng ở các trường đại học. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, 45, 6-11