Niềm tin vào bản thân của học sinh trung học phổ thông Việt Nam

15/10/2021 20:21 GMT+7
Bài viết của tác giả Giang Thiên Vũ và Huỳnh Văn Sơn (2021) trình bày thực trạng niềm tin vào bản thân của 474 học sinh trung học phổ thông ở một số tỉnh, thành của Việt Nam. Từ đó đề xuất các biện pháp củng cố, hỗ trợ học sinh rèn luyện sự kiên trì, kiên định với chính mình, đây là những nội dung cần thiết để củng cố niềm tin vào bản thân cho các em.

Hình 1. Mô hình năng lực cảm xúc - xã hội
  
Mô hình năng lực cảm xúc - xã hội ở chiều kích sức khỏe tâm thần gồm bốn thành tố chính, mỗi thành tố gồm có ba thành tố phụ cấu thành một mô hình chặt chẽ, đại diện cho các biểu hiện của năng lực cảm xúc - xã hội ở chiều kích sức khỏe tâm thần của con người (xem Hình 1). Thành tố đầu tiên, niềm tin vào bản thân, bao gồm ba thành tố phụ: Tự nhận thức (self-awareness), quản lí bản thân (self-efficacy) và kiên trì (persistence). Thành tố thứ hai, niềm tin vào người khác, bao gồm ba thành tố phụ xuất phát từ các cấu trúc nền tảng của các mối quan hệ xã hội củng cố nhân cách con người từ thời thơ ấu đến hiện tại: Hỗ trợ tại trường học (school support), hỗ trợ đồng đẳng (peer support) và sự gắn kết gia đình (family coherence). Thành tố thứ ba, khả năng quản lí cảm xúc, bao gồm ba thành tố phụ: Điều chỉnh cảm xúc (emotion regulation), đồng cảm (sympathy) và tự chủ (self-control). Sống gắn bó, thành tố cuối cùng, bao gồm ba thành tố phụ được xây dựng dựa trên nền tảng của tâm lí học tích cực: Lòng biết ơn (gratitude), long nhiệt tình (zest) và sự lạc quan (optimism).
  
Khảo sát thực trạng về niềm tin vào bản thân của học sinh THPT cho phép nhóm tác giả rút ra một số kết luận. Thứ nhất, khả năng kiên trì đối với chính mình của học sinh chưa cao, cần phải có những biện pháp cụ thể tác động để nâng cao sự kiên trì với chính mình cho các em. Đặc biệt là, ở khía cạnh tự tin thể hiện quan điểm và giữ vững lập trường. Thứ hai, không có sự khác biệt về giới tính, dân tộc, khối lớp, học lực, địa bàn sinh sống, truyền thống gia đình với niềm tin vào bản thân của học sinh. Các phát hiện này là nền tảng để xây dựng các chương trình phòng ngừa tâm lí học đường cũng như là dữ liệu để kế thừa trong các nghiên cứu thực nghiệm phát triển SEC ở chiều kích sức khỏe tâm thần tại Việt Nam.
  
Tài liệu tham khảo
Giang Thiên Vũ, Huỳnh Văn Sơn. (2021). Thực trạng niềm tin vào bản thân của học sinh trung học phổ thông Việt Nam: Tiếp cận từ góc độ năng lực cảm xúc - xã hội ở chiều kích sức khỏe tâm thần. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, 45, 12-18