Liên kết đào tạo ĐH: Thiếu kiểm định = mất thị trường

10/08/2017 16:55 GMT+7
Không tính 23 chương trình đào tạo tiên tiến, đến nay, các chương trình liên kết đào tạo ĐH với đối tác nước ngoài được Bộ GD-ĐT phê duyệt mới dừng ở số 34. Tuy nhiên, nhận định của một số chuyên gia: liên kết đào tạo ĐH với nước ngoài chưa đáp ứng yêu cầu một phần do chưa có câu trả lời về chất lượng của trường đối tác mà các trường ĐH Việt Nam tự tìm được đảm bảo đến đâu?

Bước đi chưa... thông

Cả nước hiện có trên 360 trường ĐH, CĐ, nhưng số trường được Bộ GD-ĐT chính thức có quyết định cho phép liên kết đào tạo với các trường đối tác nước ngoài chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn. Tính đến tháng 8/2009 các trường ĐH, CĐ được Bộ phê duyệt chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài là 34 trường.

34 chương trình liên kết với các nước: Hoa Kỳ, Vương quốc Bỉ, Singapore, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Cộng hoà Pháp, Canada, Australia...Trong đó, các chương trình liên kết ra đời trong năm 2008 là 18, số còn lại được Bộ phê duyệt tính đến tháng 8/2009.

Mô tả ảnh.
Lãnh đạo và giáo viên Trường cao đẳng công nghệ và thương mại Tp. Hồ Chí Minh sang thăm Trường cao đẳng Swansea, Vương quốc Anh để tìm hiểu liên kết đào tạo

Theo Bộ GD-ĐT, một trong các giải pháp liên quan đến giáo dục ĐH nêu trong "Chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010"nêu rõ: khuyến khích các chủ đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, tiềm lực, truyền thống và trình độ tiên tiến thành lập các cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài liên doanh với các đối tác Việt Nam để đào tạo ĐH, dạy nghề, giáo dục từ xa, mở các khoá bồi dưỡng ngắn hạn có trình độ khu vực và quốc tế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam...

Tuy nhiên, ngoài các chương trình liên kết theo con đường nhà nước (gồm 23 chương trình đào tạo tiên tiến được Bộ duyệt và hỗ trợ kinh phí trong đào tạo), những năm gần đây các trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), ĐH Khoa học Huế, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP.HCM, Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Giao thông vận tải, Nông Nghiệp Hà Nội...cũng tự tìm đối tác nước ngoài liên kết đào tạo một số ngành nhu cầu nhân lực xã hội gia tăng.

Ví như: Trường ĐH khoa học Huế liên kết với Trường ĐH Bách khoa Marche (Italia); Trường ĐH Chiang Mai (Thái Lan) để đào tạo ngành Kiến trúc, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM liên kết với Trường ĐH Tasmania - Australia (UTAS) đào tạo kỹ sư các ngành công chánh và xây dựng, cơ khí...

Trong khi, kết quả khảo sát tình hình liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và nước ngoài của đồng tác giả PGS- Tiến sĩ Ngô Doãn Đãi và PGS- Tiến sĩ Lê Đức Ngọc (ĐHQG Hà Nội) cho thấy, phương thức dịch vụ giáo dục ĐH xuyên biên giới theo quan điểm của GATS chưa phát triển ở Việt Nam.

Mặt khác, các trường ngoài công lập ở Việt Nam phần lớn mới được thành lập, còn yếu cả về quản lý, cơ sở vật chất và quy mô nhỏ. Do vậy, những trường này chưa có nhiều liên kết đào tạo ĐH xuyên biên giới...

Cũng từ kết quả khảo sát cho thấy, các hoạt động liên kết đào tạo đã góp phần đào tạo gần 3.200 cử nhân ĐH, 1.700 thạc sĩ và 27 nhân lực trình độ tiến sĩ. Đây là hiệu quả thu được từ các cuộc phỏng vấn ở 20 trường ĐH / 100 trường được chọn khảo sát tính đến tháng 5/2008.

Đồng thời, thông qua các chương trình liên kết đào tạo đã có gần 1.300 giảng viên của các trường ĐH (chiếm tỷ lệ 2,43%/ tổng số 53.364 giảng viên) được đến các trường ĐH đối tác nước ngoài trao đổi kinh nghiệm, đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy-học và phương pháp kiểm tra đánh giá học tập. 

Cùng với đó, có sở vật chất của các trường cũng được cải thiện thông qua các hoạt động hợp tác do tài trợ từ các trường đối tác. Và điều được nhìn thấy là thông qua hình thức liên kết đào tạo ĐH xuyên biên giới thời gian qua đã giúp Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế xã hội...

Theo phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Lê Hương, để được cấp phép cho đào tạo chương trình liên kết với đối tác nước ngoài các trường phải tự tìm đối tác, xây dựng đề án và trình Bộ GD-ĐT xem xét phê duyệt. Quy trình này cũng không thể rút ngắn.

Những rào cản

Nhận định của một số nhà quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu giáo dục trong nước và quốc tế tại Diễn đàn quốc tế "Gia nhập WTO và đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam" do Hội đồng Quốc gia Giáo dục phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức tháng 12/2006 bầy tỏ lo ngại năm 2009, khi Việt Nam thực hiện lộ trình mở cửa hoàn toàn về lĩnh vực ĐH, nhiều trường ĐH Việt Nam có nguy cơ bị thua thiệt.

Mô tả ảnh.
Liên kết đào tạo mở ra nhiều cơ hội và lựa chọn cho học sinh, SV

Lý do, thiếu một hệ thống kiểm định chất lượng?

Tại diễn đàn này, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Bộ GD-ĐT) cho rằng, thị trường giáo dục ĐH Việt Nam đang được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá có nhiều tiềm năng do hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam hiện nay và sắp tới không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu đại chúng hoá và chất lượng.

Còn ông Lương Văn Tự, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) tại diễn đàn cũng cho rằng, năm 2009 sẽ bùng nổ dịch vụ giáo dục ĐH, các trường ĐH nước ngoài đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ giáo dục ĐH tại Việt Nam thì họ dễ thu hút hết khách hàng là sinh viên Việt Nam.

TS Nguyễn Thanh Quý (ĐHQG Hà Nội) tại buổi toạ đàm "Một số vấn đề giáo dục bậc ĐH trong bối cảnh gia nhập WTO" tổ chức tháng 3/2008 có đề nghị: để bước qua giai đoạn thăm dò trong mở rộng và thu hút các chương trình đào tạo liên kết quốc tế - các trường ĐH ở Việt Nam cần có sự liên kết với nhau, tránh xu hướng quá dễ dãi trong việc lựa chọn đối tác.

Để "gỡ rối" cho các trường trong việc tìm kiếm đối tác liên kết tin cậy, ngày 16/10 tới đây, Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội đồng Anh sẽ tố chức hội nghị quốc tế hoá giáo dục với sự tham gia của các trường ĐH của Anh và Việt Nam đã có liên kết đào tạo thành công cùng ngồi chia sẻ kinh nghiệm.

Hội nghị sẽ đề cập tới những vấn đề quan trọng về giáo dục ĐH, gồm: Xu hướng giáo dục quốc tế  (Các chương trình liên kết đào tạo); Hợp tác quốc tế về Giáo dục ĐH; Kinh nghiệm của Vương quốc Anh về quản lý và Kiểm định chất lượng; Hợp tác nghiên cứu. 

Ông Quý đã có đề xuất, ở cấp vĩ mô, cần có những chiến lược mang tầm quốc gia nhằm hướng việc liên kết với những trường ĐH hàng đầu trên thế giới... Song song với đó cần thực hiện việc kiểm định chất lượng của các chương trình liên kết quốc tế hoặc ký kết những văn bản khung về các tiêu chuẩn chất lượng trong khu vực và trên thế giới.

Khảo sát của đồng tác giả PGS- Tiến sĩ Ngô Doãn Đãi và PGS- Tiến sĩ Lê Đức Ngọc (ĐHQG Hà Nội) cũng đúc rút 4 tồn tại trong liên kết đào tạo ĐH xuyên biên giới ở Việt Nam cần khắc phục.

Cụ thể: Quy mô liên kết còn nhỏ, do những hạn chế về cơ sở vật chất và trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên của các trường ĐH Việt Nam. Do vậy, liên kết đào tạo ĐH với nước ngoài chưa đáp ứng nhiều nhu cầu học tập ĐH của sinh viên.

Vì sao nhiều gia đình Việt Nam dù điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nhưng vẫn tìm cách cho con đi du học là do chất lượng đào tạo trong các chương trình liên kết do các trường ĐH Việt Nam tự tìm đối tác được đảm bảo chất lượng đến mức độ nào chưa có câu trả lời.

Hạn chế tiếp là liên kết giữa các trường ĐH Việt Nam và nước ngoài mới chỉ tập trung vào hoạt động đào tạo, chưa chú ý đến hợp tác nghiên cứu khoa học. Cuối cùng là khâu quản lý nhà nước đối với các chương trình tự liên kết còn buông lỏng.

 

Theo Đông Nghi - Vietnamnet.vn