Hội thảo “Tổng kết nghiên cứu Giáo dục phổ thông của Việt Nam và một số nước trên thế giới – Đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo về đổi mới Giáo dục phổ thông sau năm 2015 của Việt Nam”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Sáng ngày 13/11/2012, tại Nhà khách Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo: “Tổng kết nghiên cứu GDPT của Việt Nam và một số nước trên thế giới - Đề xuất định hướng nghiên cứu tiếp theo về đổi mới GDPT sau năm 2015 của Việt Nam”

 Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cùng các đại biểu đến từ các Vụ Giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT, các đại biểu đến từ các trường Đại học, các học viện, các viện nghiên cứu giáo dục của các trường đại học và đông đảo các cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Chủ trì và điều hành hội thảo là các thành viên trong Bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa Giáo dục phổ thông sau năm 2015, gồm có: GS. Đinh Quang Báo, PGS.TS. Đào Thái Lai, TS. Nguyễn Anh Dũng và ThS. Đoàn Văn Ninh.

Mở đầu là phát biểu khai mạc hội thảo của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định sự cần thiết của Hội thảo từ kết quả các chuyên đề, nhiệm vụ của các nhóm nghiên cứu chuẩn bị cho việc đổi mới GDPT sau năm 2015 của Việt Nam trên cơ sở phát huy và kế thừa các kết quả của giáo dục Việt Nam trong nhiều thập kỉ qua, có lưu ý đến cả giáo dục miền Bắc xã hội chủ nghĩa và miền Nam trước giải phóng, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm của giai đoạn trước, cũng như nhu cầu học tập kinh nghiệm quốc tế, những xu thế phát triển trong giáo dục của thế giới, tìm hiểu một mô hình giáo dục từ các nước tiên tiến có bối cảnh lịch sử, kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Chương trình của hội thảo gồm hai phần:
- Phần kinh nghiệm trong nước: gồm có các bài báo cáo về quá trình phát triển chương trình Giáo dục phổ thông của Việt Nam từ năm 1945 đến nay, tổng kết nghiên cứu về Giáo dục phổ thông của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975.
- Phần kinh nghiệm quốc tế: gồm có các bài báo cáo về tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình Giáo dục phổ thông, tổng kết nghiên cứu GDPT của các nước Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc.
Trên cơ sở đó có những đề xuất định hướng nghiên cứu tiếp theo cho giáo dục phổ thông Việt Nam sau năm 2015.

Thay mặt cho nhóm nghiên cứu của Viện KHGD Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Tuyết Nga – Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông đã trình bày kết quả nghiên cứu về Quá trình phát triển chương trình Giáo dục phổ thông của Việt Nam từ năm 1945 đến nay, tổng kết và đưa ra một số nhận xét, đánh giá về những kết quả đã đạt được và những vấn đề tồn tại trong quá trình phát triển chương trình giáo dục phổ thông của nước ta, trên cơ sở đó đề xuất các khuyến nghị cho việc phát triển chương trình GDPT sau 2015.

Tiếp theo, báo cáo của PGS.TS Ngô Minh Oanh đến từ Viện Nghiên cứu Giáo dục của trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh đã trình bày báo cáo về Tổng kết nghiên cứu về Giáo dục phổ thông của miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975, đề xuất định hướng nghiên cứu tiếp theo cho giáo dục phổ thông Việt Nam sau năm 2015.

Đã có nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu ở phần thảo luận về kinh nghiệm trong nước. Các ý kiến hầu hết tập trung làm rõ hơn các kết quả đã đạt được trong chính sách giáo dục cũng như trong việc thực hiện các chính sách đó, các bài học kinh nghiệm rút ra từ lịch sử phát triển của giáo dục phổ thông nói chung, quá trình phát triển chương trình giáo dục phổ thông nói riêng. Các đại biểu cũng đề xuất thêm các kiến nghị khác liên quan đến hình thức tổ chức các loại hình trường phổ thông, bổ sung các phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập...

Ở phần báo cáo về kinh nghiệm quốc tế, do thời gian có hạn nên chỉ có hai báo cáo được trình bày. Đó là báo cáo về Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình Giáo dục phổ thông do TS. Nguyễn Hồng Vân – Phòng Quản lý Khoa học của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thay mặt nhóm nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế trình bày và Báo cáo tổng kết nghiên cứu GDPT Hàn Quốc do PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống – Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày.

Các trao đổi thảo luận ở phần kinh nghiệm quốc tế này của các đại biểu hầu hết tập trung vào làm rõ các kinh nghiệm hay của các nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đề xuất vận dụng vào trong việc phát triển chương trình GDPT sau 2015. Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng đề xuất nghiên cứu thêm kinh nghiệm của một số nước khác như Inđônêsia, Pháp cũng như cần lưu tâm đến việc tiếp cận hệ thống khi học tập kinh nghiệm của các nước.

Đến cuối hội thảo, Đoàn Chủ tịch đã tổng kết các kết quả đã đạt được trong hội thảo, những vấn đề đã thống nhất cũng như các vấn đề còn tiếp tục được quan tâm và làm rõ. Kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng một lần nữa khẳng định về thành công của hội thảo, hoan nghênh những đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo và đề nghị tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn nữa để có những đề xuất cụ thể hơn cho phát triển chương trình GDPT sau 2015.

Nguyễn Thanh Trịnh,
Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Phổ thông,
Viện Khoa học Giáo dục Việt nam