Hội thảo khoa học quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục hòa nhập chất lượng và cơ hội học tập suốt đời của người khuyết tật”

07/12/2023 16:53 GMT+7
Trong hai ngày, 07 và 08/12/2023, tại Khách sạn La Thành - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức Angels’ Haven, Hàn Quốc tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Hướng tới một nền giáo dục hòa nhập chất lượng và cơ hội học tập suốt đời của người khuyết tật”. Mục tiêu của Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn quy tụ các nhà khoa học, nhà thực hành, giáo viên, nhân viên hỗ trợ giáo dục, phụ huynh trẻ khuyết tật trong nước và thế giới cùng trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ những mô hình và các phương pháp, biện pháp, điều kiện đảm bảo hướng tới nền giáo dục hòa nhập chất lượng và cơ hội học tập suốt đời của người khuyết tật.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời quốc tế, có đại diện của các tổ chức và cơ sở giáo dục đến từ Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Malaysia; về phía khách mời trong nước, có đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức của/ vì người khuyết tật, cơ quan Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan bộ ngành từ cấp trung ương đến địa phương, cơ sở giáo dục các cấp, phụ huynh và những người quan tâm khác. Về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có sự hiện diện của đại diện Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo các đơn vị và tập thể lãnh đạo, nghiên cứu viên và giáo viên của Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia thuộc Viện.
 
 
Mở đầu chương trình là phát biểu chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh. Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, bà gửi lời nhiệt liệt chào mừng tới các quý vị khác mời, các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh và toàn thể quý vị đại biểu quan tâm tham dự hội thảo. Hiện nay Bộ GD&ĐT đang gấp rút hoàn thành Dự thảo Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều các hoạt động cần được thực hiện trong thời gian tới. Với tinh thần đổi mới sáng tạo, lòng nhân ái, yêu thương con người, chúng ta cùng chung tay để huy động tối đa trẻ khuyết tật tới trường, nâng cao chất lượng giáo dục cho các em, giúp các em trở thành những công dân độc lập, hòa nhập xã hội; hướng tới một nền giáo dục chất lượng, hòa nhập và bình đẳng cho mọi trẻ khuyết tật Việt Nam.
 
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đại diện đơn vị tổ chức Hội thảo gửi lời cảm trân trọng tới các quý vị khách quí, quý vị đại biểu, các đơn vị tài trợ đang cùng đồng hành với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia thuộc Viện. Đây là hội thảo lần thứ tư trong chuỗi các hội thảo quốc tế về giáo dục đặc biệt được tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2017. Ông cũng hy vọng có những thảo luận hữu ích và thiết thực trong các phiên họp để cùng nhau chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đương đầu với thách thức và tìm ra giải pháp cho các vấn đề liên quan, đảm bảo giáo dục có chất lượng cho người khuyết tật.
  
 
Ông Cho Joon Ho - Giám đốc Tổ chức Angels’ Haven, Hàn Quốc phát biểu chào mừng hội thảo. Là một trong những đối tác chính đồng hành với sự kiện Hội thảo có ý nghĩa này, ông hy vọng Hội thảo sẽ mang lại khoảng thời gian quý giá để chúng ta cùng đoàn kết sức mạnh, nhằm hướng tới giáo dục hòa nhập và bình đẳng cho tất cả trẻ em khuyết tật ở Việt Nam.
 
 
Tiếp theo là phát biểu chào mừng của Ông Lee Pil Sang - Đại học KonYang, Hàn Quốc. Sau lời chúc Hội thảo thành công tốt đẹp, ông cũng bày tỏ sự hoan nghênh và lời cảm ơn sâu sắc tới toàn thể quý vị đại biểu tham dự Hội thảo. Ông cũng cho biết Hàn Quốc đang cân nhắc rất nhiều về việc ứng dựng công nghệ số Cách mạng 4.0 vào giáo dục, kỳ vọng rằng điều này sẽ có tác động lớn đối với việc giải quyết các vấn đề giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục đặc biệt.
 
Chương trình Hội thảo ngày thứ nhất gồm 01 Phiên toàn thể và 02 phiên chuyên đề song song.
 
Phiên toàn thể diễn ra với sự điều hành của GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt, GS. Yasmin Binti Hussain - Đại học City, Malyasia, và TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Việt Nam, gồm 03 bài trình bày.
  
 
  
Báo cáo “Chính sách giáo dục đối với người khuyết tật tại Việt Nam” do TS. Tạ Ngọc Trí - Bộ GD&ĐT Việt Nam trình bày. Báo cáo tóm lược các văn bản quốc tế và hiện hành đang được áp dụng tại Việt Nam liên quan đến nhận diện, chăm sóc, giáo dục và hỗ trợ nguời khuyết tật, đồng thời cũng đánh giá những thuận lợi và thách thực trong việc triển khai chính sách tại Việt Nam.
 
 
Báo cáo “Hợp tác liên ngành tại Hàn Quốc đối với giáo dục đặc biệt cho tất cả học sinh khuyết tật, bao gồm học sinh khuyết tật phát triển” do GS. Lee Pil Sang - Đại học KonYang, Hàn Quốc trình bày. Trong giáo dục đặc biệt ở Hàn Quốc, hợp tác liên ngành được pháp luật đảm bảo trong việc thực hiện giáo dục đặc biệt cho tất cả học sinh khuyết tật. Các dịch vụ liên quan đến giáo dục đặc biệt là các dịch vụ cung cấp nguồn nhân lực và vật lực cần thiết để cung cấp giáo dục một cách hiệu quả cho những người đủ điều kiện nhận giáo dục đặc biệt, bao gồm hỗ trợ: tư vấn, gia đình, trị liệu, nhân lực trợ giúp, thiết bị công nghệ hỗ trợ, thiết bị hỗ trợ học tập, đưa đón đến trường học, truy cập thông tin,…
 
Báo cáo “Kế hoạch phát triển giáo dục đặc biệt trong tương lai của Hàn Quốc dành cho tất cả học sinh khuyết tật, bao gồm cả học sinh khuyết tật phát triển” do GS. Oh Se Woong - Đại học Gaya, Hàn Quốc trình bày. 04 chiến lược trọng tâm cho đến năm 2027 là: (1) Tăng cường hệ thống hỗ trợ giáo dục đặc biệt lấy học sinh làm trung tâm; (2) Tăng cường hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho tất cả mọi người; (3) Mở rộng giáo dục đặc biệt được thiết kế riêng cho từng cá nhân; và (4) Mở rộng cơ hội giáo dục đại học và suốt đời cho người khuyết tật.
 
Trao đổi phiên toàn thể, các đại biểu thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chính sách giáo dục và hỗ trợ người khuyết tật của các quốc gia, các lực lượng trong xã hội cũng được khuyến khích đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ người khuyết tật như tuyển dụng, tuyển sinh,… hợp tác liên ngành trong giáo dục đặc biệt được nghĩa vụ hóa và thể chế hóa, vấn đề biên soạn và xuất bản sách giáo khoa cho người khuyết tật, vấn đề về các phương thức giáo dục người khuyết tật phù hợp với nhu cầu đa dạng và đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục có chất lượng của người khuyết tật,…
 
 
Tiếp theo chương trình là hai phiên chuyên đề. Phiên Chuyên đề 1 “Phát triển chương trình giáo dục đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học” với sự điều hành của GS. Lee Pil Sang - Đại học KonYang, Hàn Quốc, PGS.TS. Phạm Minh Mục - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; và TS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, gồm 04 bài tham luận. Phiên Chuyên đề 2 “Đảm bảo các điều kiện giáo dục chất lượng và cơ hội học tập suốt đời của người khuyết tật” với sự điều hành của GS. Oh Se Woong - Đại học Gaya, Hàn Quốc, PGS.TS. Lê Văn Tạc - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, và PGS.TS. Noraini Zainal Abidin - Đại học City, Malaysia, gồm 03 bài trình bày.
  
Kết thúc buổi làm việc thứ nhất, nhiều vấn đề được gợi mở những nghiên cứu chuyên sâu. Theo kế hoạch dự kiến, các phiên chuyên đề tiếp tục triển khai trong hai ngày hội thảo.
 

Các đại biểu tham dự hội thảo
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam