Tọa đàm góp ý Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Tây Nguyên

05/12/2023 08:25 GMT+7
Ngày 29/11/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm xin ý kiến về Dự thảo Quy hoạch tại thành phố Đà Nẵng. Hoạt động nằm trong chuỗi các Tọa đàm xin ý kiến về Dự thảo Quy hoạch quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.


TS. Tạ Ngọc Trí phát biểu khai mạc tọa đàm
  
Tham dự các buổi tọa đàm, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Tạ Ngọc Trí – Phó Trưởng Ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia cùng tổ xây dựng quy hoạch. Về phía địa phương có đại diện Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, CBQL các trường chuyên biệt và các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập các tỉnh/thành thuộc các tỉnh cùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
 

GS.TS. Lê Anh Vinh trình bày dự thảo định hướng Quy hoạch
  
Sau khi khi nghe nhóm soạn thảo trình bày các báo cáo về Thực trạng hệ thống các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và định hướng quy hoạch quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hội nghị tập trung trao đổi và đưa ra các ý kiến đóng góp có nhiều giá trị. Các đại biểu đánh giá cao các nghiên cứu được trình bày tại buổi tọa và khẳng định sự phù hợp của dự thảo Quy hoạch đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật tại địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cung cấp thêm thông tin về thực trạng công tác giáo dục trẻ em khuyết tật tại địa phương.
  

Toàn cảnh hội trường
 
Các đại biểu cũng góp ý bổ sung cho các báo cáo trong đó nhấn mạnh một số điểm nổi bật của định hướng Quy hoạch:
  
1) Cần rà soát lại Phụ lục 2 về Mục tiêu đến năm 2030, 100% các đơn vị cấp tỉnh có Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Giáo dục hòa nhập; 2) Đề xuất thêm nhiệm vụ của ngành Y tế trong việc khám, xác định và phân loại sàng lọc đối với trẻ em có nghi ngờ khuyết tật; 3) Quy hoạch như thế nào đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cần có chính sách cụ thể cho xã hội hóa đầu tư; vai trò của nhà nước đối với cơ sở giáo dục người khuyết tật ngoài công lập trong vấn đề phát triển nhân sự, chính sách hỗ trợ học sinh, hỗ trợ khi có dịch bệnh; 4) Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn triển khai xã hội hóa giáo dục nhưng lại không có quy định về trường chuyên biệt và Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển giáo dục hòa nhập nên thực trạng triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý 5) Đề xuất có định hướng về cách thức đặt tên cho các Trung tâm Hỗ trợ và phát triển Giáo dục hòa nhập theo hệ thống; (6) Xem xét các vấn đề về nguồn lực, chỉ tiêu tuyển sinh ở các trường đại học để đáp ứng phù hợp.
  

TS. Nguyễn Thị Kim Hoa giải đáp câu hỏi liên quan quan đến báo cáo và dự thảo Quy hoạch
  
Sau khi lắng nghe các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo dự thảo Quy hoạch đã có những trao đổi, phản hồi ngay tại tọa đảm để làm rõ một số vấn đề đồng thời ghi nhận tiếp thu các ý kiến và giải trình bằng văn bản.
 
Buổi tọa đàm tại Đà Nẵng đã thể hiện rõ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, các cơ sở giáo dục người khuyết tật về vấn đề giáo dục đối với người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Việc lấy ý kiến góp ý trực tiếp sẽ được tiếp tục thời hiện với các vùng còn lại trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến vào cuối tháng 12 năm 2023.
 
Tin bài và ảnh: Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia