Hội thảo thường niên về khoa học giáo dục năm 2023

06/12/2023 14:52 GMT+7
Ngày 06/12/2023, tại trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo thường niên về khoa học giáo dục năm 2023 với chủ đề “Phương pháp giáo dục và đánh giá phẩm chất, năng lực người học - Những vấn đề lí luận và thực tiễn” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây là một trong những hoạt động học thuật được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hàng năm, là diễn đàn cho các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên và những người quan tâm ở trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu mới thuộc lĩnh vực khoa học giáo dục.

Hội thảo năm 2023 tập trung vào các nội dung: (1) Lý luận và kinh nghiệm quốc tế về phương pháp giáo dục, đánh giá phẩm chất, năng lực người học; (2) Thực trạng phương pháp giáo dục, đánh giá phẩm chất, năng lực người học; (3) Chuyển đổi số trong phương pháp giáo dục, đánh giá phẩm chất, năng lực người học; (4) Đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh phổ thông trong kiểm tra cuối kỳ, cuối năm và trong các kỳ thi; (5) Phương pháp giáo dục, đánh giá phẩm chất, năng lực đối với các đối tượng người học có nhu cầu giáo dục đặc biệt. (6) Giải pháp về chính sách, đội ngũ nhà giáo và các điều kiện khác để thực hiện hiệu quả phương pháp giáo dục, đánh giá phẩm chất, năng lực người học.
 
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đại diện lãnh đạo và chuyên viên của các Cục, Vụ chức năng; về phía khách mời, có đại diện của các Sở GD&ĐT, các Hiệp hội, Hội, trường đại học và phổ thông; về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng, PGS.TS. Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng, PGS.TS. Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng cùng toàn thể đội ngũ chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị và cán bộ, viên chức thuộc Viện. Ngoài ra, Hội thảo còn thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, giảng viên và giáo viên trên toàn quốc tham dự theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
 
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh thay mặt tập thể Lãnh đạo Viện nhiệt liệt chào mừng toàn thể quý vị khách quý, quý vị đại biểu tham dự hội thảo. Hội thảo khoa học thường niên của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thường được tổ chức đúng dịp kỉ niệm ngày thành lập Viện (06-12-1961) nên đây là hoạt động rất có ý nghĩa với toàn thể cán bộ, viên chức của Viện. Mỗi năm, hội thảo sẽ có chủ đề khác nhau và luôn gắn với xu thế giáo dục quốc tế và trong nước. Ông cũng bày tỏ mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ tích cực bàn luận về nội dung các báo cáo.
 
 
Phần 1 của Chương trình Hội thảo là các báo cáo tham luận và thảo luận dưới sự điều hành của PGS.TS. Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
  
 
Báo cáo 1 “Thực trạng sử dụng phương pháp dạy học trong triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học” do TS. Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Các nội dung chính gồm: Định hướng sử dụng phương pháp dạy học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Thực trạng sử dụng các phương pháp dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh ở cấp tiểu học; và Giải pháp về sử dụng hiệu quả các phương pháp dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh ở cấp tiểu học. 04 giải pháp được đề xuất gồm: Nâng cao nhận thức của giáo viên về sử dụng phương pháp/ kĩ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; Nâng cao năng lực giáo viên trong việc sử dụng phương pháp/ kĩ thuật dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tối thiểu; và Có chính sách quản lí, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi để giáo viên tích cực đổi mới.
 
 
Báo cáo 2 “Chuẩn đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018: nguyên tắc, phương pháp, kĩ thuật xây dựng” do PGS.TS. Chu Cẩm Thơ, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Báo cáo trình bày: Cơ sở khoa học, Nguyên tắc xây dựng chuẩn; và Phương pháp, kĩ thuật xây dựng chuẩn. Nhóm nghiên cứu đưa ra Quy trình xây dựng chuẩn gồm 07 bước: (1) Xác định/ định nghĩa năng lực (cấu trúc/ biến ẩn) và các năng lực thành phần của năng lực đó; (2) Xây dựng các chỉ số hành vi/ chuẩn đánh giá năng lực; (3) Xây dựng tiêu chí chất lượng cho mỗi chuẩn đánh giá; (4) Xin ý kiến chuyên gia về bộ chuẩn đánh giá năng lực; (5) Thiết kế công cụ đánh giá chuẩn; (6) Thử nghiệm trong thực tiễn; và (7) Điều chỉnh/ Hướng dẫn sử dụng chuẩn.
 
 
Báo cáo 3 “Giáo dục năng khiếu và việc đánh giá học sinh năng khiếu ở Thái Lan” do TS. Chotima Nooprick, Cục Các vấn đề Học thuật và Tiêu chuẩn Giáo dục, Văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản, Bộ Giáo dục Thái Lan trình bày. Bộ Giáo dục Thái Lan đã ban hành “Bộ công cụ đánh giá đa trí tuệ” dành cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12, đo lường 08 năng lực: Ngôn ngữ, Toán học/ biểu tượng; Khoa học; Cơ khí và điện tử; Mĩ thuật/ thị giác; Âm nhạc/ thính giác; Vận động; Xã hội - Cảm xúc. Ngoài ra, Bộ tiêu chuẩn quốc gia về giáo dục học sinh năng khiếu cũng quy định những vấn đề cần đồng bộ thực hiện trong giáo dục học sinh năng khiếu: Chính sách và quản lý; Quy trình nhận diện học sinh năng khiếu; Giáo dục và chương trình giáo dục; Những hoạt động liên quan tăng cường năng lực cảm xúc - xã hội nhằm hỗ trợ sự phát triển toàn diện.
 
 
Báo cáo 4 “Đánh giá kết quả giáo dục học sinh khuyết tật trong bối cảnh giáo dục 4.0” do TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Bài trình bày gồm các nội dung: Một số khái niệm cơ bản; Quan điểm tiếp cận và cơ sở pháp lý của đánh giá kết quả giáo dục; Sử dụng công nghệ trong đánh giá kết quả giáo dục học sinh khuyết tật; và Một số định hướng nghiên cứu. Một trong những yêu cầu đặt ra về sử dụng công nghệ trong đánh giá kết quả giáo dục học sinh khuyết tật là đổi mới phương pháp, hình thức và thiết bị đặc thù để đánh giá kết quả giáo dục học sinh khuyết tật phù hợp với bối cảnh giáo dục 4.0. Trong thời gian tới, một số định hướng nghiên cứu về lĩnh vực này có thể là: phát triển phần mềm hỗ trợ phụ huynh theo dõi kết quả giáo dục của học sinh khuyết tật, phát triển mạng lưới hỗ trợ đánh giá kết quả giáo dục học sinh khuyết tật, phát triển các phần mềm đánh giá kết quả học tập của học sinh khuyết tật,…
 
 
Phần 2 là Phiên thảo luận bàn tròn với sự điều hành của PGS.TS. Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, với sự tham gia của các diễn giả: PGS.TS. Trần Kiều, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam; PGS.TS. Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT; PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Ông Phạm Quốc Toản - Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội. 
  

Diễn giả chia sẻ tại hội thảo


Đại biểu thảo luận tại hội trường
 
 
Các ý kiến thảo luận xoay các vấn đề: cần xây dựng chuẩn của từng môn học, từng cấp lớp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều này khác với yêu cầu cần đạt của môn học; mối quan hệ giữa phương pháp và chuẩn đánh giá; cần đổi mới phương pháp đánh giá để đo được chuẩn theo mục tiêu của chương trình; phân tích dữ liệu kho đề thi và kết quả thi để rút ra các bài học kinh nghiệm cho đổi mới phương thức thi trong giai đoạn tới; tính nhất quán trong các kỳ thi các cấp từ cơ sở giáo dục đến quốc gia;…
 
Phát biểu bế mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn tới toàn thể quý vị khách quý, quý vị đại biểu đã gửi lời Chúc mừng kỉ niệm 62 năm thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và tham dự Hội thảo có ý nghĩa này. Quá trình hoàn thiện đánh giá kết quả giáo dục cùng với sự phát triển của xã hội và công nghệ là một chặng đường dài, cần thực hiện từng bước chắc chắn và cần sự đồng hành của nhiều lực lượng. Hội thảo hôm nay đã gợi mở nhiều định hướng nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian tới./.
  

Các đại biểu tham dự hội thảo tại hội trường
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam