Tọa đàm góp ý quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long

28/11/2023 10:46 GMT+7
Nhằm thảo luận, trao đổi cùng các địa phương bên cạnh việc tiếp nhận góp ý bằng văn bản của từng địa phương, trong tuần vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Tọa đàm xin ý kiến về Dự thảo Quy hoạch của 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ và 6 tỉnh vùng Đông Nam Bộ tại Tp. Hồ Chí Minh.

Căn cứ Quyết định số 427/QĐ-TTg ngày 24 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành xây dựng và đến thời điểm hiện tại đã cơ bản hoàn thiện bản dự thảo Quy hoạch quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để xin ý kiến các Bộ, Ban, Ngành và địa phương về tính phù hợp, khả thi của Quy hoạch.
 

TS. Tạ Ngọc Trí phát biểu khai mạc tọa đàm
  
Tham dự các buổi tọa đàm, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Tạ Ngọc Trí – Phó trưởng ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Kim Hoa – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia cùng tổ xây dựng quy hoạch. Về phía địa phương có đại diện Lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, CBQL các trường chuyên biệt và Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập các tỉnh/thành thuộc 2 vùng xin ý kiến.
 

GS.TS. Lê Anh Vinh trình bày dự thảo định hướng quy hoạch
  
Sau quá trình thảo luận, các địa phương về cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo, đánh giá cao về tính hệ thống trong báo cáo thực trạng và dự thảo Quy hoạch bám sát thực tế và đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật cũng như cho thấy sự quan tâm, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội trong việc đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của người khuyết tật đặc biệt là đối với trẻ em khuyết tật.
 

Các đại biểu địa phương góp ý báo cáo và dự thảo quy hoạch
 
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý bổ sung cho các báo cáo trong đó nhấn mạnh 1 điểm nổi bật của định hướng Quy hoạch: 1) Cần cụ thể hơn về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của trường chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập; 2) Cần có hướng dẫn cụ thể về xây dựng chương trình giáo dục cho từng mô hình để đáp ứng nhu cầu của người học; 3) Quy hoạch như thế nào đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cần có chính sách cụ thể cho xã hội hóa đầu tư; vai trò của nhà nước đối với cơ sở giáo dục người khuyết tật ngoài công lập trong vấn đề phát triển nhân sự, chính sách hỗ trợ học sinh, hỗ trợ khi có dịch bệnh; 4) Rà soát lại mục tiêu chuyển đổi, xây mới của từng đơn vị tỉnh để phù hợp với Nghị quyết Tỉnh đã duyệt, đặc biệt có những đơn vị cần thúc đẩy sớm hơn như: Đồng Nai; 5) Giải pháp áp dụng 1% người khuyết tật làm việc trong các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật là hợp lý nhưng cần có chính sách như thế nào khi người khuyết tật có thể làm được các công việc nhưng không tốt nghiệp và không có bằng cấp theo quy định (ví dụ: nhóm khuyết tật nặng/nhẹ không được miễn thi tốt nghiệp….).
 
Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Ban soạn thảo dự thảo Quy hoạch đã có những phản hồi ngay tại tọa đảm để làm rõ một số vấn đề đồng thời ghi nhận tiếp thu các ý kiến và giải trình bằng văn bản. Song song với các ý kiến góp ý trực tiếp, các đơn vị tỉnh/thành sẽ hoàn thiện bản góp ý bằng văn bản gửi về Bộ trước 30/11.
  
Thông qua 2 buổi tọa đàm đã thấy được sự quan tâm, mong đợi của địa phương trong vấn đề giáo dục đối với người khuyết tật nói chung và trẻ em khuyết tật nói riêng. Việc lấy ý kiến góp ý trực tiếp sẽ được tiếp tục thời hiện với các vùng còn lại trong cuối tháng 11 và đầu tháng 12 trước khi trình Thủ tướng Chính phủ dự kiến vào cuối tháng 12 năm 2023.
 
Tin bài và ảnh: Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia