Tổ chức hội thảo tập huấn “Xây dựng thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng phù hợp với bối cảnh địa phương”
Trong ngày 26 tháng 8 năm 2024, tại nhà khách Trung ương, Số 8 Chu Văn An, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Thành phố Hà nội., Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non đã tổ chức hội thảo tập huấn “Xây dựng thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng phù hợp với bối cảnh địa phương” nhằm chia sẻ các kết quả đã triển khai mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng và hướng dẫn 06 tỉnh (Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Sóc Trăng, An Giang) xây dựng thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng phù hợp với bối cảnh địa phương. Đây là hoạt động thuộc “dự án học tập và kỹ năng cho trẻ em” do Tổ chức Uncef Việt Nam hỗ trợ, được thực hiện theo Quyết định số 1461/QĐ-BGDDT ngày 22 tháng 5 năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Kế hoạch số 518/VKHGDVN ngày 15 tháng 8 năm 2024 của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Tham gia trực tiếp tại lớp tập huấn có 21 đại biểu đến từ các cơ sở GDMN (đại diện cho khu vực thuận lợi và khó khăn), Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT của 06 tỉnh (Lào Cai, Điện Biên, Gia Lai, Kon Tum, Sóc Trăng, An Giang); 02 CBQL và GVMN đến từ trường MN Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội; các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu GDMN – Viện KHGD Việt Nam. Ngoài ra, có trên 300 đại biểu thuộc 06 tỉnh tham dự Online theo đường Link do Ban Tổ chức cung cấp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo tập huấn, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức nhấn mạnh: Sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với trẻ em. Việc có không gian thư viện và mỗi cơ hội tiếp xúc với sách không chỉ góp phần hình thành văn hóa đọc, gợi mở những ý tưởng sáng tạo và thắp sáng những ước mơ cho các em mà còn có ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ em. Hoạt động xây dựng thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng đã được bắt đầu từ những năm 2015-2016 do tổ chức UNICEF Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Sở GD&ĐT Hà Nội triển khai tại trường MN Đông Hội và trường MN Tàm Xá (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) dựa trên ý tưởng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em trong trường MN, gia đình và cộng đồng ở địa phương thông qua việc tạo ra một không gian học/ đọc sách hấp dẫn, an toàn cho trẻ em và các thành viên trong cộng đồng.
Sau thành công ban đầu của mô hình này, với mong muốn lan tỏa rộng hơn và hỗ trợ các địa phương với những bối cảnh khác nhau có thể tham khảo, vận dụng để triển khai xây dựng mô hình thư viện phù hợp nhất với nhu cầu và điều kiện của mình, trong năm 2024, tổ chức UNICEF Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tiếp tục triển khai hoạt động tài liệu hóa mô hình thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng và tập huấn cho 6 địa bàn trong vùng dự án của Unicef Việt Nam. Trên thực tế, mỗi địa phương sẽ có những bối cảnh khác nhau. Chỉ khi cộng đồng cùng nhận thấy được ý nghĩa của thư viện với trẻ em và cùng đồng lòng tham gia xây dựng, thư viện sẽ được thành lập và trở nên phù hợp nhất với bối cảnh của mỗi nơi. Cùng một mô hình nhưng có thể cách triển khai sẽ vô cùng đa dạng. Để thực hiện hiệu quả cần có sự tham gia chung tay của tất cả các bên liên quan từ CBQL, GV, cha mẹ trẻ, cộng đồng địa phương…phù hợp với đặc thù của địa phương, để xây dựng thư viện không chỉ là nơi lưu trữ tài liệu/sách vở mà còn là nơi để trẻ em và cha mẹ, cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động cùng nhau dựa vào bối cảnh của địa phương, là nơi bảo tồn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống.
Phát biểu của đại diện Unicef Việt Nam, ông Nguyễn Minh Nhật tiếp tục khẳng định: Thư viện là nội dung Unicef làm việc với các tỉnh, trọng tâm vào tỉnh có nhiều trẻ dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ. Unicef tập trung vào kỹ năng số, SEL trong GDMN…những nội dung đổi mới và quan tâm của Unicef đều nằm trong hướng đổi mới của Chương trình GDMN mà Bộ GD&ĐT và Viện KHGDVN chủ trì xây dựng. Ngay từ tên của hoạt động đã thể hiện tinh thần cho thấy sự thúc đẩy giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng rất quan trọng, sự thân thiện với trẻ em…đảm bảo tất cả mọi trẻ em đều được tiếp cận thư viện, hoạt động tại thư viện. Unicef mong muốn thư viện là nơi tăng cường sự tương tác giữa trẻ với trẻ, GV với trẻ, cộng đồng và nhà trường, chú trọng các nội dung trong và ngoài trời: VD STEM, học thông qua chơi, trải nghiệm. Đã có nhiều mô hình thư viện được triển khai tại Gia Lai, Điện Biên…Sự hỗ trợ của Unicef và Viện Khoa học GDVN được nhìn nhận như là chất “xúc tác” ban đầu để các địa phương phát triển mô hình thưc viện phù hợp nhất với bối cảnh tại địa phương.
Chuyên gia tập huấn tại hội thảo
Các đại biểu tham gia hoạt động nhóm
Sau phần phát biểu khai mạc, Hội thảo tập huấn đã tập trung vào các nội dung cơ bản: Giới thiệu chung về thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng; Hướng dẫn xây dựng, vận hành và duy trì thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng. Hội thảo cũng được nghe Báo cáo tham luận từ kinh nghiệm thực tiễn của đại diện trường MN Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội; Báo cáo tham luận của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai về mô hình thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng và tham gia vào hoạt động thực hành, vận dụng mô hình vào thiết kế, xây dựng, vận hành thư viện dựa vào cộng đồng phù hợp bối cảnh của mỗi địa phương.
Kết thúc 1 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, chiều 26/8/2024, Hội thảo tập huấn đã kết thúc tốt đẹp, trong đó kết quả đáng kể nhất đó là mục tiêu của tập huấn đã đạt được. 06 tỉnh đã được thảo luận để hiểu rõ hơn về thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng và cách thức xây dựng mô hình này phù hợp với bối cảnh của mỗi địa phương. Phát biểu từ phía Ban Tổ chức, TS. Lê Thị Luận – Phó GĐ Phụ trách Trung tâm Nghiên cứu GDMN cảm ơn các đại biểu tham dự đã có sự tham gia nhiệt tình, các chỉa sẻ từ thực tiễn rất có chất lượng. Sau tập huấn này, Ban Biên soạn tài liệu sẽ tiếp tục có những điều chỉnh cần thiết để tài liệu được hoàn thiện hơn.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tin và ảnh: Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục mầm non