Hội thảo “Cải cách giáo dục ở Đức sau năm 2000 và xu thế quốc tế”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 15/11/2012, Viện KHGD Việt Nam đã tổ chức Seminar chuyên đề “Cải cách giáo dục ở Đức sau năm 2000 và xu thế quốc tế” do GS.TS Bernd Meier và TS Nguyễn Văn Cường, trường Đại học Potsdam, CHLB Đức, thuyết trình. Chủ trì buổi hội thảo Phó Viện trưởng - GS.TS. Nguyễn Lộc.

Đến dự buổi hội thảo có sự tham gia của Viện trưởng - GS.TS. Phan Văn Kha; Phó Viện trưởng -GS.TS.Nguyễn Lộc; Phó Viện trưởng - PGS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến; đại diện Lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của các đơn vị trực thuộc Viện. Về phía khách mời có các ông Vũ Minh Quý đại diện Văn phòng TW Đảng phụ trách về giáo dục, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí – cố vấn Ban tuyên giáo Trung ương.

Mở đầu là phần giới thiệu và phát biểu khai mạc cuộc hội thảo chuyên đề của GS.TS. Nguyễn Lộc.

Tại cuộc hội thảo, các đại biểu đã nghe GS.TS Bernd Meier trình bày báo cáo về cách giáo dục ở Đức sau năm 2000 và xu thế quốc tế, bao gồm các vấn đề về văn hóa xã hội, về xây dựng hệ thống trường học và các chi nhánh hỗ trợ, về nguyên lý điều khiển hệ thống trường học, xây dựng chuẩn quốc gia (bao gồm chuẩn cấp học, chuẩn các môn học cơ bản, chuẩn giáo viên...) chuyển từ “quản lý đầu vào” sang “quản lý đầu ra theo năng lực”.

Trong lần đầu tiên tham gia PISA, kết quả của Đức chỉ đạt dưới trung bình. trong khi đó, khối Bắc Âu dẫn đầu là Phần Lan, khối Châu Á dẫn đầu là Hàn Quốc. Điều này đã khiến cho các nhà giáo dục của Đức phải cân nhắc và xem xét đến vấn đề phải cải cách giáo dục. Và nước Đức đã tiến hành cải cách bắt đầu từ năm 2002. Trong quá trình cải cách giáo dục hướng đến việc phát triển năng lực của học sinh, giáo dục của Đức đã đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa giáo dục và sự ứng xử khác biệt, quan tâm đến văn hóa dạy – học, nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người học, chú ý đến việc tiếp nhận tri thức một cách tích cực của học sinh. Cũng trong quá trình này, vấn đề đào tạo và bồi dưỡng giáo viên cũng đặc biệt được quan tâm, thậm chí có cả những bồi dưỡng năng lực chuyên biệt cho giáo viên như năng lực chẩn đoán ngôn ngữ (nhằm hỗ trợ cho các học sinh nhập cư)... Báo cáo của GS. Meier cũng đã chỉ ra: kết quả học tập của học sinh phụ thuộc cả vào nguồn gốc và điều kiện gia đình, vùng miền sinh sống, vào giới tính, ngôn ngữ mẹ đẻ.

Trong phần trao đổi thảo luận, các đại biểu tham dự cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến những thành tựu nổi bật của Đức sau 10 năm cải cách, về chiến lược giáo dục, về chuẩn đầu ra theo năng lực, mô hình năng lực và mô hình bậc năng lực, về giáo dục hướng nghiệp và kĩ thuật...

Đánh giá về kết quả của quá trình cải cách, GS. Meier đã khẳng định mặc dù đã đạt các thành tựu nhất định, kết quả thi PISA được tăng dần theo các năm, thay đổi được diện mạo của nhà trường, tuy nhiên vẫn chủ yếu là thay đổi bên ngoài, và còn chậm ở bậc THPT, và quá trình cải cách vẫn phải liên tục và dần từng bước.
GS. Meier cũng đã khẳng định việc so sánh giáo dục trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng trở nên có ý nghĩa đối với mỗi quốc gia và việc Việt Nam tham gia PISA cũng có một ý nghĩa nhất định trong trào lưu của cải cách giáo dục trên thế giới. Lần đầu tiên Đức tham gia PISA năm 2000 (trước Việt Nam 12 năm) cũng là thời điểm định hướng phát triển năng lực trong chương trình giáo dục của Đức, và ông hy vọng rằng những kinh nghiệm của nước Đức sẽ giúp Việt Nam vận dụng hiệu quả vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Kết thúc buổi hội thảo, GS.TS. Nguyễn Lộc đã khẳng định các kết quả đạt được của buổi hội thảo, cảm ơn các chuyên gia Đức và hy vọng Viện KHGD Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong quá trình đổi mới giáo dục.

Nguyễn Thanh Trịnh,
Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông,
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam