TS. Lê Đông Phương - Khoa học Giáo dục là Khoa học động

27/11/2021 22:10 GMT+7
Trong những nhân vật sự kiện kỉ niệm 60 năm thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS Lê Đông Phương đối với tôi là một người đặc biệt nhất bởi năm sinh của chú trùng với năm thành lập của Viện. Có nghĩa là năm nay là chú đã tròn 60 tuổi, và chuẩn bị về hưu trong thời gian tới. Nên có lẽ với bản thân chú, đây là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời.

   
Trong những nhân vật sự kiện kỉ niệm 60 năm thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, TS Lê Đông Phương đối với tôi là một người đặc biệt nhất bởi năm sinh của chú trùng với năm thành lập của Viện. Có nghĩa là năm nay là chú đã tròn 60 tuổi, và chuẩn bị về hưu trong thời gian tới. Nên có lẽ với bản thân chú, đây là một cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời.
  
Tôi may mắn được biết đến TS Lê Đông Phương từ những ngày đầu khi mới chập chững về Viện. Ấn tượng đầu tiên của tôi với chú là một người lãnh đạo rất gần gũi và thân thiết, khác hoàn toàn với những tưởng tượng của tôi về một giám đốc trung tâm. Chú tận tình chỉ dạy và hướng dẫn cho tôi từ những điều nhỏ nhất trong công việc và cả trong cuộc sống đời thường. Chú là người thầy đầu tiên dạy tôi thế nào là nghiên cứu khoa học và làm thế nào để thể hiện kết quả nghiên cứu khoa học dưới dạng một báo cáo khoa học, và đưa khoa học vào trong thực tiễn cuộc sống. Có thể nói, đối với tôi, chú là một người quản lý có tâm và có tầm, là một trong những cán bộ tiêu biểu của thế hệ đi trước.
  
TS Lê Đông Phương chính thức công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam từ những năm 1986, có nghĩa là đã hơn 35 năm cống hiến, hơn nửa cuộc đời mình chú dành cho Viện Khoa học Giáo Dục Việt Nam. Chú thường nói đùa rằng, chú là một trong những chứng nhân lịch sử về những thăng trầm của Viện trong những thập kỉ qua, có rất nhiều câu chuyện đã cũ về Viện chúng tôi được nghe kể. Chú kể cho chúng tôi về cây sung trước cổng của Viện, về lịch sử của tòa nhà Pháp cổ nơi tôi đang làm việc, về những năm tháng hào hùng của Viện hay những con người đã từng gắn bó với nơi này. Khi nói về những năm tháng làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, chú bồi hồi kể rằng chú đã làm việc ở đây từ rất lâu, chứng kiến nhiều lần Viện sáp nhập, thay đổi cơ cấu tổ chức, nhiều người đến Viện công tác, nhiều cán bộ chuyển đi nơi khác hoặc đã nghỉ hưu. Trong trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, những người được coi là cùng thế hệ với chú còn rất ít, đâu đó còn 2, 3 cán bộ đã công tác tại Viện trên 20 năm.
 
Có một điều khiến chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi xuất phát điểm của chú là sĩ quan quân đội trong hơn 10 năm với thế mạnh về nghiên cứu vũ khí. Sau đó, chú chuyển ngành và chuyển về Hà Nội để sống cùng với gia đình của mình. Bởi vậy bản thân chú đã phải lăn lộn và nỗ lực hơn người khác rất nhiều lần để có thể bắt kịp được với công việc mới và không phụ sự kì vọng của bố mình là Ông Lê Thạc Cán. Chú cho rằng, khoa học giáo dục là khoa học động có nghĩa là nó sẽ biến đổi không ngừng theo thời gian do đó, người cán bộ nghiên cứu phải liên tục trau dồi kiến thức mới và nâng cao hiểu biết. Chú luôn tâm niệm rằng đừng bao giờ hỏi mình được làm gì mà hãy hỏi mình làm được gì. Có những khoảng thời gian mà chú phải đọc tài liệu bằng tiếng Nga, rồi sau này là tiếng Anh, có nhiều khi mà chú cùng đồng nghiệp tranh luận với nhau về một tài liệu nào đó chẳng liên quan đến nhiệm vụ mà chú đang thực hiện nhưng với chú đọc càng nhiều, biết càng nhiều không bao giờ là thừa, đừng bao giờ chờ đến khi cấp trên giao việc mới đi tìm hiểu kiến thức mà hãy chuẩn bị kiến thức để khi cơ hội đến mình có thể nắm bắt được nó và thể hiện bản thân. Đó cũng là điều mà chú muốn nhắn nhủ đến thế hệ sau bởi cơ hội chỉ mỉm cười với người có chuẩn bị.
 
Có một câu chuyện mà chú cảm thấy rất tự hào khi nhắc đến đó là có một giáo sư người Hà Lan về hưu đã sang Việt Nam và làm việc với chú ngay tại văn phòng ở địa chỉ 106 Trần Hưng Đạo, và thật tình cờ, cũng tại văn phòng đó rất nhiều năm về trước, cũng tại vị trí đó, giáo sư người Hà Lan đã làm việc với ông Lê Thạc Cán. Và người giáo sư đó đã nói một câu khiến chú nhớ mãi đó là sự nghiệp nghiên cứu khoa học giáo dục tựa như là một di sản gia đình truyền từ đời bố sang đời con. Điều đó khiến chú cảm thấy vô cùng tự hào bởi năng lực của mình đã được ghi nhận bởi một người đã từng nhiều năm hợp tác với bố của mình.
 
Khi nói về Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nơi mà chú đã cống hiến hơn 30 năm qua, chú khẳng định Viện đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục Việt Nam, trong đó đóng góp lớn nhất của Viện là những quyết sách mang tính vĩ mô của ngành giáo dục, đều có có sự tư vấn, đề xuất của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam ở một mức độ nào đó. Ở cương vị giám đốc trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu của chú là giáo dục đại học và hệ thống giáo dục Việt Nam, theo chú từ sự đổi mới giáo dục sau hội nghị Nha Trang năm 1990, Nghị định 90 năm 1993 lần đầu tiên quy định về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân cho đến gần đây nhất là năm 2016, quyết định của Thủ tướng chính phủ số 1981 quy định về cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đều có sự đóng góp của Viện. Với chú, đó là sự đóng góp về tri thức, kiến thức của đội ngũ nghiên cứu viên của Viện thể hiện vai trò của Viện trong những quyết sách mang tầm cỡ quốc gia. Và chúng ta có quyền tự hào về những thành tựu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong 60 năm hình thành và phát triển.
 
Hơn ba thập kỉ gắn bó với Viện, có thể nói nơi này đã để lại cho chú rất nhiều cảm xúc, buồn vui lẫn lộn, những kỉ niệm với những người đồng nghiệp, những dự án lớn của Viện được hoàn thành là những điều chú luôn gìn giữ và trân quý. Kỉ niệm mà chú nhớ nhất đó là vào những năm 80 khi mà nước ta bắt đầu đổi mới, cải cách nền kinh tế. Khi đó, cán bộ của Viện đều là những người có hoàn cảnh rất khó khăn bởi vậy cứ mỗi dịp tết, Viện khi đó được biết đến là Viện Nghiên cứu Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp thường liên hệ với các địa phương để mua một vài con lợn, hoặc con bò, con trâu để về chia cho anh em trong Viện mỗi người một ít coi như món quà động viên tinh thần anh em khi tết đến xuân về. Chú nhớ nhất là vào những ngày cận tết, từ ngoài cổng Viện vào bên trong bày la liệt những suất thịt được chia rất đều, tất cả các loại thịt đều có, mỗi cán bộ được một suất. Với chú, đó là những cái tết dù nghèo, dù thiếu thốn nhưng mà vui vẻ và đầm ấm. Đến tận bây giờ, khi mà nền kinh tế nước ta đã phát triển hơn rất nhiều, đời sống của nhân dân được nâng cao, nhưng về cơ bản cán bộ nghiên cứu của Viện vẫn thuộc nhóm có nhu nhập thấp, tuy nhiên họ vẫn ngày ngày cống hiến thầm lặng cho công tác nghiên cứu, cho sự nghiệp trồng người. Với chú và với cả chúng tôi, đó là những điều thật đáng trân trọng.
 
Khi nói về điều khiến chú trăn trở nhất trong hơn 10 năm gần đây, theo chú đó là sự lãng quên của các cơ quan quản lý đối với vai trò của Viện, vị thế của Viện với tư cách là cơ quan nghiên cứu đầu não của Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như đã sụt giảm đi rất nhiều so với thập kỉ trước mà tiêu biểu là trong rất nhiều quyết sách quan trọng của ngành, Bộ đã bỏ qua Viện với tư cách là một đơn vị tư vấn chiến lược hoặc lấy ý kiến tư vấn của một đơn vị khác ngoài Viện. Đó là điều mà chú luôn đau đáu và trăn trở. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là trong những quyết sách lớn, mang tầm quốc gia vẫn có sự đóng góp của cán bộ Viện, những chuyên gia được Bộ, Chính phủ tin tưởng và giao trọng trách thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Bộ và chú rất tự hào khi là một thành viên trong Hội đồng giáo dục quốc gia. Bởi vậy, chú luôn tự nhủ với bản thân phải luôn luôn nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, trau dồi kiến thức và sự hiểu biết hơn nữa để chứng minh được năng lực và vị thế chiến lược của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong bối cảnh mới. Và đó chính là động lực, là tấm gương mẫu mực truyền cảm hứng cho thế hệ nghiên cứu viên trẻ như chúng tôi.
 
Nhân dịp 60 năm kỉ niệm ngày thành lập Viện, nhìn lại lịch sử phát triển của Viện, cũng như nhìn lại 60 năm cuộc đời của chú, chú lạc quan và tin tưởng vào thế hệ cán bộ trẻ của Viện, những con người của thời đại mới, năng động sáng tạo, không ngại khó, ngại khổ để vươn lên, nâng cao cả về đạo đức và kiến thức để đóng góp tốt hơn và nhiều hơn cho sự phát triển của ngành giáo dục, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với tư cách là một cơ quan nghiên cứu đầu ngành về khoa học giáo dục trong nước và quốc tế, để xứng đáng với vai trò là đơn vị tư vấn chiến lược của Bộ Giáo dục Đào tạo và của Nhà nước.
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2021
 
 
-----------------------
Thông tin nhân vật: 
Họ và tên: Lê Đông Phương
Ngày tháng năm sinh: 1961
Đơn vị công tác: Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học
Chức vụ: Giám đốc trung tâm 
Số năm công tác: 35 năm