Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục số 146

15/12/2017 17:04 GMT+7
Mục lục và tóm tắt tạp chí Khoa học giáo dục tháng 11 năm 2017

1

 

XÁC ĐỊNH NĂNG LỰC TOÁN HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH

GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

 

Đỗ Đức Thái - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Email: ducthai.do@gmail.com

Đỗ Tiến Đạt - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: dtdat55@gmail.com

Các thành viên Ban Phát triển CT môn Toán[1]

 

Tóm tắt: Bài viết đề xuất quan niệm về năng lực toán học (Mathematical Competence) với các thành tố của nóbước đầu xác định yêu cầu cần đạt theo từng cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, phân tích quan niệm về năng lực tính toán (Numeracy) trên bình diện một năng lực chuyên môn (như đã xác định trong chương trình tổng thể).Từ đó, thông qua ví dụ cụ thể, bước đầu đề cập đến cơ hội và cách thức để môn Toán có thể góp phần hình thành, phát triển năng lực tính toán (cũng như các năng lực chung và năng lực chuyên môn khác) trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

            Từ khóa: Năng lực; năng lực toán học; chương trình; giáo dục phổ thông.

2

 

KINH NGHIỆM VÀ HỌC TRẢI NGHIỆM TRONG DẠY HỌC

  

                                                               Phan Trọng Ngọ

Email: ngotamly@gmail.com                                                               

Lê Minh Nguyệt

                                                         Email: nguyet.daihocsupham@gmail.com

                                                      Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Tóm tắt: Bài viết phân tích khái niệm kinh nghiệm (Experience), trải nghiệm, học trải nghiệm (Experiential learning) và vai trò của giáo viên trong dạy học trải nghiệm. Theo đó, ”kinh nghiệm” được hiểu là các hoạt động, hành động thử nghiệm, thực nghiệm có phản tư hay suy ngẫm, suy tưởng (Reflection) của cá nhân. Học trải nghiệm là quá trình học hình thành kinh nghiệm. Trong học trải nghiệm có sự hình thành và chuyển hoá tri thức từ cảm tính và lí luận trừu tượng thành tri thức kinh nghiệm của mỗi cá nhân và ngược lại. Học trải nghiệm có thể được triển khai như là một phương thức học và có thể được vận dụng vào dạy các môn khoa học trong trường phổ thông. Ưu thế của học trải nghiệm là phương thức học tích hợp điển hình và hiệu quả, đặc trưng cho sự phát triển năng lực hoạt động của cá nhân học sinh. Vì vậy, trong bối cảnh đổi mới mục tiêu và chương trình giáo dục phổ thông, học trải nghiệm cần được triển khai trong dạy các môn học như là một phương thức dạy học hiệu quả và được tổ chức như một hoạt động hướng đến phát triển năng lực của học sinh.

 

       Từ khóa: Kinh nghiệm; trải nghiệm; học trải nghiệm; dạy trải nghiệm; dạy học.

3

 

THIẾT KẾ BÀI HỌC ĐÁP ỨNG MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

NĂNG LỰC

 

Nguyễn Thị Hạnh

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: nthanh57@gmail.com

 

Tóm tắt: Bài học đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực có những đặc điểm cơ bản như: có tính tích hợp, tính tích cực hóa chủ thể học sinh, có sử dụng nhiều phương tiện và thiết bị dạy học, có sử dụng nhiều công cụ đánh giá thường xuyên. Để thiết kế bài học này, cần trải qua các bước: 1/ Lựa chọn vấn đề của bài học và xác định mục tiêu bài học theo yêu cầu phát triển năng lực; 2/ Lựa chọn nội dung dạy học cốt lõi cho bài học nhằm đạt yêu cầu phát triển năng lực; 3/ Thiết kế các hoạt động học tập nhằm chuyển tải nội dung cốt lõi (ở lớp, ở nhà); 4/ Thiết kế những câu hỏi/bài tập phù hợp với yêu cầu cần đạt về năng lực ở từng mức độ, thiết kế công cụ đánh giá kết quả học tập trong quá trình; 5/ Một số điều chỉnh trong bài học sau khi học sinh hoàn thành bài học (ở lớp, ở nhà). Công việc thiết kế bài học cần được trao đổi chung trong nhóm giáo viên dạy cùng môn học hoặc dạy cùng một khối lớp.

 

            Từ khóa: Thiết kế bài học; phát triển năng lực; mục tiêu phát triển năng lực.

 

4

CƠ SỞ ĐỂ XÁC ĐỊNH CÁC CHỦ ĐỀ NỘI DUNG MÔN HỌC

TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

 

Đinh Quang Báo

 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Email: baodq@hnue.edu.vn

 

Lại Phương Liên

Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Email: phuonglienlai.bio@gmail.com

 

             Tóm tắt: Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giai đoạn giáo dục cơ bản thực hiện phương châm giáo dục toàn diện và tích hợp để đảm bảo trang bị cho học sinh kiến thức nền tảng, đáp ứng giai đoạn giáo dục phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Quá trình dạy học các môn phải đặt trong tọa độ logic giữa lĩnh vực môn học - các môn học - các năng lực chung - các năng lực chuyên biệt. Qua việc xây dựng cơ sở thiết kế môn Khoa học tự nhiên, học sinh được trang bị tư duy khái quát về tri thức khoa học tự nhiên, kĩ năng hoạt động khoa học cũng như vận dụng được kiến thức đã học vào cuộc sống và định hướng nghề nghiệp tương lai.

 

            Từ khóa: Chương trình giáo dục phổ thông; năng lực; học sinh; nội dung môn học.

5

 

TRƯỜNG HỌC MỚI VIỆT NAM:

QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

Nguyễn Đức Minh và nhóm nghiên cứu

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Email: ducminhvision@gmail.com

 

Tóm tắt: Chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện thí điểm xây dựng trường học mới Việt Nam. Trường học mới đã nhanh chóng được các tỉnh/thành phố trong toàn quốc cho thí điểm ở cả hai cấp Tiểu học và trung học cơ sở. Sau thời gian thí điểm, trường học mới đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá trái chiều về hiệu quả, tính khả thi cũng như những hạn chế, tác động tiêu cực đến giáo dục. Bài viết đưa ra đánh giá khách quan về những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất một số giải pháp cho việc triển khai trường học mới Việt Nam và từ đó đưa ra bài học kinh nghiệm cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

 

Từ khóa: Thực trạng; trường học mới; quan điểm xây dựng; giải pháp; bài học kinh nghiệm; Việt Nam.

6

 

PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH MÔN HỌC

ĐỊNH HƯỚNG NĂNG LỰC LÀM CƠ SỞ CHO DẠY HỌC

PHÁT HUY SÁNG TẠO CỦA HỌC SINH

 

Dương Thị Hoàng Yến

Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Email: dhyen1973@gmail.com

 

Tóm tắt: Tiếp cận năng lực làm cơ sở cho dạy học phát huy tính sáng tạo của học sinh, giúp giáo viên sáng tạo trong thiết kế và triển khai chương trình môn học cho học sinh cụ thể của lớp mình. Qua đó, học sinh có điều kiện thể hiện bản thân, nỗ lực học tập để tiến tới mục tiêu chung của chương trình giáo dục. Bài viết này giới thiệu chu trình năm bước của phát triển chương trình môn học. Trên cơ sở đó, việc thiết kế cũng như thực thi chương trình môn học xuất phát từ người học, yêu cầu của môn học trong một bối cảnh dạy học cụ thể và tuân thủ các nguyên tắc của chương trình định hướng năng lực.

 

 Từ khóa: Chương trình môn học; định hướng năng lực; dạy học; phát huy sáng tạo; học sinh.

7

 

TÁC ĐỘNG CỦA TÍNH THỰC TIỄN TRONG CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀO TẠO TỚI KHẢ NĂNG THÍCH ỨNG VÀ SÁNG TẠO

CỦA SINH VIÊN ĐẠI HỌC QUA NGHIÊN CỨU TÌNH HUỐNG

TẠI HAI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP VIỆT NAM

 

Tạ Mạnh Thắng

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Email: ta.thang@neu.edu.vn

 

            Tóm tắt: Đổi mới đào tạo đại học ở Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp thiết. Trong đó, xây dựng một chương trình đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của xã hội là mục tiêu chính mà các nhà quản lí quan tâm. Qua tiếp cận lí thuyết về sáng tạo tri thức của Nonaka - Takeuchi (1995) và quá trình SECI (S-socialization: Sự xã hội hóa, (2) E-externalization: Sự ngoại hóa, (3) C-combination: Sự kết hợp, (4) I-internalization), tác giả nhận thấy việc nâng cao năng lực thích ứng, khả năng sáng tạo của sinh viên cần được coi là một mục tiêu cho đào tạo đại học. Tiến hành thu thập và phân tích dữ liệu từ thảo luận nhóm sinh viên của hai trường đại học, tác giả đã xác định được quan hệ giữa tính thực tiễn trong chương trình đào tạo đại học và cơ chế tác động tới khả năng thích ứng và sáng tạo của sinh viên. Những phát hiện của nghiên cứu trong bài viết này sẽ làm cơ sở cho những nghiên cứu sâu hơn về năng lực thích ứng và sáng tạo của sinh viên cũng như xây dựng chương trình đào tạo đại học.

           Từ khóa: Đào tạo đại học; Nonaka; SECI; năng lực thích ứng.

8

 

HÌNH THÀNH NĂNG LỰC HỢP TÁC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

CHO HỌC SINH THÔNG QUA DẠY HỌC HÓA HỌC

THEO HÌNH THỨC TRẢI NGHIỆM

 

Vũ Phương Liên

 Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

   Email: hssvsvhs@yahoo.com

 

Ngô Nam Sinh

 Trường Trung học phổ thông Hòa Bình - La Trobe, Hà Nội

Email: namsinh138@gmail.com

 

Tóm tắt: Bài viết đưa ra những lập luận khoa học cho việc tiếp cận mô hình cấu trúc năng lực hợp tác giải quyết vấn đề và mô hình học tập trải nghiệm nhằm giải thích các hoạt động học tập mà người học cần trải qua để phát triển năng lực. Từ đó đề xuất phương pháp tổ chức bài học theo hình thức trải nghiệm để hình thành và phát triển năng lực hợp tác giải quyết vấn đề. Theo tác giả bài viết, để quá trình dạy học theo hình thức trải nghiệm với môn Hóa học thực sự có ý nghĩa trong việc hình thành và phát triển năng lực hợp tác giải quyết vấn đề cho HS, cần trao đổi thông tin trong suốt quá trình, các công cụ đánh giá và các phương pháp dạy học cần linh hoạt và tích cực. Đây là một hướng nghiên cứu, ứng dụng khả thi, đáp ứng những yêu cầu của đổi mới trong dạy học.

 

Từ khóa: Năng lực; năng lực hợp tác giải quyết vấn đề; học sinh; hóa học; học tập trải nghiệm.

9

 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY TRÌNH CHÍNH SÁCH

ĐỐI VỚI HỌC SINH PHỔ THÔNG DÂN TỘC THIỂU SỐ

TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY Ở VIỆT NAM

Đinh Thị Phương Lan

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Email: dinhthiphuonglan@gmail.com

         Tóm tắt: Chính sách đối với học sinh phổ thông dân tộc thiểu số vừa tạo động lực cho các em học tập, chủ động hòa nhập cộng đồng, đời sống kinh tế - xã hội vừa là công cụ kiểm soát, phân bổ nguồn lực trong xã hội, tạo môi trường phù hợp nhằm bình đẳng tiếp cận giáo dục. Nhiều chính sách đã được ban hành thể hiện hiệu quả, phù hợp và có sự điều chỉnh kịp thời với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh phổ thông dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu về quy trình chính sách, đánh giá một số kết quả đạt được và thách thức trong thực hiện quy trình chính sách đối với học sinh phổ thông dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, một số giải pháp được đưa ra nhằm hoàn thiện quy trình chính sách đối với học sinh phổ thông dân tộc thiểu số ở nước ta trong bối cảnh hiện nay.

 

        Từ khóa: Chính sách; dân tộc thiểu số; học sinh phổ thông; giáo dục.

10

 

TIẾP CẬN CƠ BẢN XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐÀO TẠO

THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

 

Vũ Thị Cẩm Tú

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

Email: camtuedu@gmail.com

 

           Tóm tắt: Trong những năm vừa qua, mô hình đào tạo theo định hướng ứng dụng đã được nhiều trường đại học ở Việt Nam triển khai. Bài viết đã đề cập đến xu hướng phát triển giáo dục đại học Việt Nam cũng như mô hình đào tạo theo hướng ứng dụng về các đặc trưng của mô hình và cách tiếp cận xây dựng mô hình. Qua đó, các cơ sở đào tạo cần xác định rõ sứ mạng, mục tiêu đào tạo theo hướng ứng dụng trên cơ sở tiếp cận và học tập những bài học kinh nghiệm của các trường đã triển khai nhằm phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, tiến tới xã hội học tập.

 

         Từ khóa: Giáo dục đại học; mô hình đào tạo; định hướng ứng dụng.

11

 

NHỮNG VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ MÔ HÌNH

NGHIÊN CỨU THỰC HÀNH GIÁO DỤC SONG NGỮ

TRÊN CƠ SỞ TIẾNG MẸ ĐẺ

 

Hà Đức Đà - Email: haducda@gmail.com

Trần Thị Yên - Email: yenttdt@gmail.com

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

 

            Tóm tắt: Mô hình Nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đã khép lại với hội nghị tổng kết (tháng 12/2015) sau 3 năm chuẩn bị (2006-2008) và 7 năm thực nghiệm (tháng 9/2008-5/2015), do Qu Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tài trợ. Đây là một nghiên cứu lớn với một sáng kiến mới về phương pháp tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số. Nội dung cơ bản của sáng kiến là sử dụng song ngữ trong giáo dục, trong đó tiếng mẹ đẻ là cơ sở, nền tảng ban đầu giúp trẻ em tiếp cận tiếng Việt và kiến thức khoa học. Bài viết phân tích những vấn đề lí luận và thực tiễn về mô hình nghiên cứu thực hành giáo dục song ngữ trên cở sở tiếng mẹ đẻ. Từ đó, sẽ là căn cứ để thực hiện các bước tiếp theo của chương trình thử nghiệm giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ với những kết quả thử nghiệm được trình bày trong tiếp theo.

 

Từ khoá: Mô hình; nghiên cứu thực hành; giáo dục song ngữ; tiếng mẹ đẻ; dân tộc thiểu số.

12

CÁCH TIẾP CẬN CỦA QUẢN LÍ QUAN HỆ CÔNG CHÚNG                                       TRONG GIÁO DỤC CỦA BAN TUYÊN GIÁO

CÁC TỈNH, THÀNH ỦY

 

Phạm Thu Hà

Ban Tuyên giáo Trung ương

Email: pthuha.hp@gmail.com

 

Tóm tắt: Quản lí quan hệ công chúng trong giáo dục của Ban tuyên giáo các tỉnh/thành ủy là quá trình tham mưu, tổ chức xây dựng và phát triển các quan hệ lợi ích chung giữa tỉnh, thành ủy và công chúng để đảm bảo tính công khai hay thực hiện trách nhiệm tuyên truyền và định hướng chủ trương, đường lối, chính sách của ngành giáo dục các tỉnh, thành phố đối với công luận. Bài viết trình bày một số cách tiếp cận làm nền tảng cho việc nghiên cứu thiết kế và thực hiện quản lí quan hệ công chúng trong giáo dục của Ban tuyên giáo cấp tỉnh, bao gồm: Cách tiếp cận về các mối quan hệ; Cách tiếp cận về thuyết phục và ảnh hưởng xã hội; Cách tiếp cận lí thuyết giao tiếp đại chúng.

 

          Từ khóa: Ban tuyên giáo; giáo dục; quản lí quan hệ công chúng.

13

 

XÂY DỰNG VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM

TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

 

Nguyễn Mậu Đức - Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên

Email: mauducsptn@gmail.com

Nguyễn Thị Nguyệt - Trường Đại học Y Hà Nội

Email: nguyetdhy2006@gmail.com

 

Tóm tắt: Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc, có vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoạt động này giúp học sinh có nhiều cơ hội để vận dụng những kiến thức đã học được vào thực tiễn. Từ quá trình tham gia hoạt động trải nghiệm, học sinh hình thành năng lực thực tiễn cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân. Bài viết này đề xuất quy trình xây dựng và tổ chức hoạt động trải nghiệm trong dạy học ở trường phổ thông như một gợi ý đối với giáo viên trong quá trình làm quen với việc xây dựng và tổ chức các hoạt động trải nghiệm.

 

Từ khóa: Hoạt động trải nghiệm; năng lực; giáo dục phổ thông.

14

 

PHÁT TRIỂN TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ CHẤT LƯỢNG CAO TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP

 

                                                Lê Hà Minh

                                                            Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ

                                                            Email: gvlehaminhct@yahoo.com.vn

      

       Tóm tắt: Lực lượng lao động lành nghề là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia dựa trên sự phát triển sản xuất nói chung và khu vực Tây Nam Bộ nói riêng. Do vậy yêu cầu đặt ra nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đòi hỏi đổi mới công tác dạy nghề tại các trường cao đẳng nghề phù hợp với nền kinh tế thị trường, nâng cao tính cạnh tranh với các trường dạy nghề khác thì việc tìm ra cơ sở lí luận để phát triển trường cao đẳng nghề khu vực Tây Nam Bộ là cấp thiết. Bài viết tìm hiểu về cơ sở lí luận làm nền tảng xây dựng trường nghề chất lượng cao, nhất là các trường cao đẳng nghề. Từ đó, định hướng đề xuất các giải pháp trọng tâm, then chốt giúp các trường cao đẳng trong quá trình xây dựng trường nghề chất lượng cao.

 

Từ Khóa: Trường cao đẳng nghề chất lượng cao; đổi mới; giáo dục nghề nghiệp; công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

15

 

BỒI DƯỠNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ VIÊN CHỨC KIÊM NHIỆM CÔNG TÁC THƯ VIỆN TRONG CÁC CƠ SỞ

GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

 

Vương Thanh Hương - Email: huong.tv@gmail.com

Lương Đình Hải - Email: luongdinhhai@vnies.edu.vn

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

 

Tóm tắt: Trong lĩnh vực Thông tin - Thư viện, nhân lực luôn là yếu tố quan trọng nhất, mang tính quyết định tới hiệu quả và chất lượng hoạt động thông tin - thư viện. Hiện nay, vai trò của thư viện trường học đang thay đổi và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy và học trong kỉ nguyên số hóa. Nguồn nhân lực thư viện được đào tạo và bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ, có phương pháp sư phạm sẽ hỗ trợ, khuyến khích việc học tập tự lập của học sinh, giúp các em truy cập đến nhiều nguồn thông tin khác nhau. Bài viết đề cập đến thực trạng đội ngũ viên chức thư viện kiêm nhiệm ở các cơ sở giáo dục phổ thông, công tác bồi dưỡng và một số kiến nghị giải pháp bồi dưỡng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức, kĩ năng mới cho đội ngũ nhân sự này trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

 

Từ khóa: Đội ngũ viên chức thư viện; chất lượng; cơ sở giáo dục phổ thông.

16

 

 

XÂY DỰNG KHUNG NĂNG LỰC HIỆU TRƯỞNG

TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

 

Ngô Xuân Đông

Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 7, TP. Hồ Chí Minh

Email: Ngoxuandong1964@gmail.com

 

Tóm tắt: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đòi hỏi phải đổi mới quản lí giáo dục. Hiệu trưởng có vai trò quan trọng đối với việc đổi mới ở trường trung học cơ sở. Nghiên cứu xây dựng khung năng hiệu trưởng trường trung học cơ sở và dựa vào khung năng lực này để đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá hiệu trưởng trường trung học cơ sở là một yêu cầu có tính cấp thiết. Việc xây dựng và triển khai khung năng lực hiệu trưởng trường trung học cơ sở phải được tiến hành theo các bước nhất định. Xây dựng và triển khai Khung năng lực hiệu trưởng trường trung học cơ sở là việc làm vừa có ý nghĩa lí luận vừa có ý nghĩa thực tiễn trong bối cảnh hiện nay.

 

Từ khóa: Xây dựng; khung năng lực; hiệu trưởng; trường trung học cơ sở.

17

 

MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÍ ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC

 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG DỰA THEO LÍ THUYẾT

QUẢN LÍ SỰ THAY ĐỔI

 

Lê Thị  Thu Hằng

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Email: lthang@moet.edu.vn

 

Tóm tắt: Việc đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh để từ đó bồi dưỡng cho các em phương pháp tự học, hình thành khả năng học tập suốt đời là một nhu cầu tất yếu trong các nhà trường. Tác giả đưa ra một số biện pháp quản lí đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông dựa theo lí thuyết quản lí sự thay đổi. Tuy nhiên, mỗi trường có một đặc điểm khác nhau, điều kiện vật chất và phi vật chất cũng khác nhau nên cần phải xác định được những vấn đề cụ thể của nhà trường đang đối mặt, phải tự đánh giá được thực trạng và xác định đúng trường mình đang đứng ở vị trí nào trong quá trình phát triển, nhận diện chính xác vấn đề cần thay đổi để đưa ra một lộ trình đổi mới xác đáng.

 

Từ khóa: Biện pháp quản lí; đổi mới; phương pháp dạy học; quản lí sự đổi mới.

18

 

MỘT SỐ BIỆN PHÁP SỬ DỤNG DI SẢN VĂN HOÁ TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG                                 NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC HỌC SINH

 

                                                               Nguyễn Thị Vân

Trường Đại học Hồng Đức

Email: vanmaihd@gmail.com

 

Tóm tắt: Hiện nay, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh đã trở thành yêu cầu đối với giáo dục Việt Nam. Những năng lực cơ bản cần hình thành cho học sinh phổ thông như: Năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực quản lí, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông… Góp phần rèn luyện cho học sinh những năng lực cơ bản, bài viết đề xuất một số biện pháp sử dụng di sản văn hoá trong tổ chức giờ học lịch sử ở trường phổ thông. Cụ thể: Tạo môi trường di sản để tổ chức dạy học; đẩy mạnh hoạt động nhóm rèn luyện năng lực hợp tác; tăng cường việc sử dụng di sản văn hóa ra bài tập rèn luyện năng lực tự học và năng lực giải quyết vấn đề; kiểm tra đánh giá với sự hỗ trợ của tài liệu di sản văn hóa, khích lệ các em phát huy năng lực của bản thân…

 

Từ khoá: Di sản văn hoá; dạy học; Lịch sử; trung học phổ thông; phát triển năng lực.

19

 

GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH

 TRUNG HỌC CƠ SỞ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

 

 Nguyễn Đăng Cầu 

Trường Trung học cơ sở Phú Sơn, Tân Kì, Nghệ An

Email: caund@nghean.edu.vn

 

Tóm tắt: Giáo dục kĩ năng sống cho học sinh phổ thông đặc biệt là học sinh trung học cơ sở đang là vấn đề cấp thiết đối với giáo dục Việt Nam hiện nay. Nhiều trường xem đây là nhiệm vụ giáo dục của nhà trường nhằm trang bị và rèn luyện cho học sinh những kĩ năng cơ bản để có thể tham gia vào cuộc sống đa dạng, thích nghi với sự thay đổi của xã hội. Trong thực tế, các trường đang tiến hành giáo dục kĩ năng sống cho học sinh nhưng hiệu quả giáo dục còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và điều kiện tổ chức học tập của từng cơ sở. Nội dung bài viết tập trung làm rõ tính cấp thiết của vấn đề giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trung học cơ sở trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực ở Việt Nam hiện nay; đồng thời chỉ ra các kĩ năng sống cơ bản cần trang bị và phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu mới.

 

Từ khóa: Giáo dục; kĩ năng sống; học sinh; trung học cơ sở.

20

 

NHU CẦU ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHO NÔNG THÔN PHỤC VỤ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI Ở TỈNH THÁI BÌNH

 

Trần Thị  Thái Hà - Email:hatran.vnes@gmail.com

Ngô Thị Thanh Tùng - Email: ngotung2012@gmail.com

Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

 

Tóm tắt: Nông thôn Việt Nam là nơi sinh sống của một bộ phận lớn dân cư chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Với khoảng 2/3 số dân ở khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới là mối quan tâm hàng đầu trong quá trình phát triển của đất nước. Quá trình xây dựng nông thôn mới đòi hỏi phải có một đội ngũ nhân lực đảm bảo về chất lượng, trình độ và tính hợp lí trong cơ cấu ngành nghề. Tuy nhiên, khu vực nông thôn, có đến 91% lao động chưa được đào tạo. Với lao động đã được đào tạo, đào tạo nghề, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, khu vực nông thôn chỉ có khoảng 40-47% so với khu vực thành thị, trong khi lao động nông thôn chiếm khoảng hơn 2 lần lao động ở khu vực đô thị. Với trình độ đại học thì tỉ lệ này còn thấp hơn nhiều, chỉ khoảng 15% (Báo cáo Quốc gia SABER, 2012). Đây là một thách thức rất lớn trong công cuộc xây dựng thôn thôn mới khi nhân lực cho khu vực nông thôn vừa yếu vừa thiếu. Với mục đích làm rõ nhu cầu nhân lực của nông thôn, phục vụ cho xây dựng nông thôn mới, bài viết này trình bày thực trạng nhân lực của nông thôn tỉnh Thái Bình và nhu cầu đào tạo nhân lực đáp ứng với yêu cầu xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đây là kết quả nghiên cứu trường hợp tỉnh Thái Bình, trong khuôn khổ của đề tài “Nghiên cứu Nhu cầu đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới”.

 

            Từ khóa: Đào tạo nhân lực; xây dựng; nông thôn mới; tỉnh Thái Bình.

21

 

VẬN DỤNG LÍ THUYẾT ĐIỀU KHIỂN TRONG DẠY HỌC

 

Hà Ngọc Ninh - Trường Cao đẳng Nghề Đồng Nai

Email: ngocninhha@gmail.com

Lê Ngọc Hòa - Trường Đại học Sao Đỏ

       Email: lengochoadhsd@gmail.com

 

Tóm tắt: Bài viết trình bày mô hình vận dụng lí thuyết điều khiển trong dạy học và áp dụng trong dạy học kĩ thuật. Kết quả dạy học thực nghiệm tại lớp DN16CD11 với 63 sinh viên ngành Điện công nghiệp, khoa Điện - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Nghề Đồng Nai với bài dạy là Timer và ứng dụng đã cho thấy tính khả thi, hiệu quả của biện pháp. Qua đó, khẳng định việc vận dụng lí thuyết điều khiển trong dạy học là giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy học, phát triển năng lực của người học đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

 

Từ khóa: Mô hình vận dụng; lí thuyết điều khiển; phương pháp dạy học; phát triển năng lực.

22

 

XU HƯỚNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 CỦA SINH VIÊN KHOA ĐỊA LÍ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 

Phạm Thị Bình

Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Email: binhpt@hcmup.edu.vn

 

Tóm tắt: Thông qua việc khái quát, đánh giá các đề tài nghiên cứu trong chuyên ngành phương pháp giảng dạy của sinh viên khoa Địa lí, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh từ 1978-2016, bài viết đã làm rõ sự thiên lệch về nội dung nghiên cứu và hướng tiếp cận trong nghiên cứu khoa học. Quan trọng hơn, tác giả cho thấy: 1/ Sự cần thiết phải thực hiện những đề tài mang tính khái quát để đánh giá xu hướng nghiên cứu các phân ngành Địa lí trong nước cũng như ở các ngành khoa học khác; 2/ Xác định những mảng chủ đề nghiên cứu còn bỏ ngỏ; 3/ Cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới… Đây là việc làm cần thiết để các nhà Địa lí nói riêng và các nhà khoa học Việt Nam có thể bắt kịp các xu hướng nghiên cứu mới trên thế giới.

 

Từ khóa: Xu hướng; nghiên cứu khoa học; sinh viên khoa Địa lí; Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

23

 

BIỆN PHÁP QUẢN LÍ CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP

CỦA HIỆU TRƯỞNG Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

TIỂU VÙNG PHÍA NAM ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

 TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY

 

 

Hà Văn Hải

Trường Trung học phổ thông Lý Nhân Tông - Nam Định

Email: havanhai1371@gmail.com

 

Tóm tắt: Quản lí công tác chủ nhiệm lớp là một nhiệm vụ quan trọng của người hiệu trưởng trường trung học phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Bài viết đề xuất các biện pháp quản lí công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng ở trường trung học phổ thông thuộc tiểu vùng phía Nam Đồng bằng sông Hồng phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Các biện pháp đó bao gồm: 1/ Đổi mới hoạt động xây dựng kế hoạch quản lí công tác chủ nhiệm lớp; 2/ Tổ chức hợp lí lực lượng tham gia công tác chủ nhiệm lớp; 3/ Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác chủ nhiệm lớp; 4/ Bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp; 5/ Đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, đánh giá công tác chủ nhiệm lớp; 6/ Đổi mới về thi đua, khen thưởng trong công tác chủ nhiệm lớp.

 

Từ khóa: Biện pháp quản lí; công tác chủ nhiệm lớp; hiệu trưởng; trường trung học phổ thông; Đồng bằng sông Hồng.

 

24

 

NĂNG LỰC HƯỚNG NGHIỆP

Ở MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

 

Trương Thị Hoa

 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Email: hoatlgd.dhsphn@gmail.com

 

         Tóm tắt: Vấn đề hướng nghiệp trên thế giới đã được đề cập từ rất lâu, tuy nhiên làm thế nào để có thể thực hiện công tác hướng nghiệp hiệu quả là một bài toán mà hầu hết các quốc gia đặt ra. Muốn thực hiện được hiệu quả công tác này cần phải đào tạo được một đội ngũ các nhân viên, các chuyên gia hướng nghiệp chuyên nghiệp, để đáp ứng điều đó các tổ chức hướng nghiệp ở các quốc gia đã nghiên cứu và xác định được các năng lực và khung năng lực hướng nghiệp. Trong bài viết này, tác giả đề cập đến năng lực hướng nghiệp của một số quốc gia trên thế giới như Mĩ, Anh, Scotlen, Ai len, Anh... Những kết quả này có thể làm khung tham chiếu để xây dựng năng lực và khung năng lực hướng nghiệp cho các nhà hướng nghiệp ở Việt Nam.

 

Từ khoá: Năng lực; năng lực hướng nghiệp; chuẩn năng lực tư vấn viên nghề nghiệp; chuẩn năng lực chuyên gia phát triển nghề nghiệp.



[1] Phùng Hồ Hải; Nguyễn Hoài Anh; Nguyễn Sơn Hà; Phạm Sỹ Nam; Phạm Xuân Chung.