Mục lục Tạp chí Khoa học giáo dục số 137

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 137, tháng 2 năm 2017

NGHIÊN CỨU LÍ LUẬN:
1.Đinh Xuân Khoa, Phạm Minh Hùng. Quản trị chất lượng giáo dục đại học trong xu thế hội nhập quốc tế
     Tóm tắt: Quản trị chất lượng giáo dục là một nội dung quan trọng của quản trị trường đại học. Có làm tốt công tác quản trị chất lượng giáo dục thì trường đại học mới đảm bảo, cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục; mới cung ứng được nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế. Trên cơ sở làm rõ các vấn đề lí luận về quản trị chất lượng giáo dục, bài viết đề xuất năm giải pháp để nâng cao hiệu quả quản trị chất lượng giáo dục đại học trong xu thế hội nhập quốc tế. Năm giải pháp đó là: 1/ Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lí và giảng viên về sự cần thiết phải quản trị chất lượng giáo dục đại học; 2/Hình thành hệ thống quản trị chất lượng giáo dục trong trường đại học; 3/ Đưa mô hình quản lí chất lượng tổng thể vào quản trị chất lượng ở trường đại học; 4/ Xây dựng hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục của trường đại học; 5/ Đảm bảo các điều kiện cho quản trị chất lượng giáo dục ở trường đại học.  
     Từ khóa: Chất lượng; chất lượng giáo dục; quản trị chất lượng giáo dục; trường đại học.
2.Phạm Thị Ly. Hội đồng trường trong vấn đề quản trị đại học ở Việt Nam: Một góc nhìn từ quan điểm doanh nghiệp
     Tóm tắt: Hội đồng trường là vấn đề tâm điểm của cải cách quản trị đại học ở Việt Nam, vì nó được xem là một trong những cơ chế quan trọng giúp cân bằng giữa tự chủ và trách nhiệm giải trình của nhà trường. Hội đồng trường là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường,huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường. Quy định này áp dụng chung cho cả trường đại học công và tư. Bài viết trình bày về Hội đồng trường trong các trường đại học ở Việt Nam dưới góc nhìn từ quan điểm doanh nghiệp.Trong bài, tác giả tập trung phân tích: Một số nét tổng quan về Hội đồng trường ở Việt Nam; Vấn đề Hội đồng trường theo quan điểm doanh nghiệp.
     Từ khóa: Hội đồng trường; quản trị đại học; trường đại học; doanh nghiệp.
3.Đặng Thành Hưng. Mô hình hóa trong nghiên cứu giáo dục
     Tóm tắt: Trong nhiều lĩnh vực, khái niệm mô hình và mô hình hóa được giải thích rất khác nhau. Nhìn chung, từ một góc độ nhất định thì khái niệm mô hình thường được giải thích không đầy đủ, thậm chí có một số cách hiểu sai. Mô hình và mô hình hóa có thể áp dụng được rộng rãi trong nghiên cứu giáo dục, nhất là nghiên cứu dạy học, kinh tế học giáo dục, quản lí giáo dục, giáo dục so sánh, xã hội học giáo dục và tâm lí học giáo dục. Vì vậy, trong đào tạo năng lực nghiên cứu và đào tạo sau đại học cần phải chú ý hơn việc dạy mô hình hóa và nâng cao nhận thức lí luận về mô hình. Bài viết  phân tích bản chất của mô hình và nguyên tắc, thủ tục mô hình hóa trong nghiên cứu giáo dục với những mô tả cụ thể hơn.
     Từ khóa: Mô hình; mô hình hóa; nghiên cứu giáo dục. 
4.Nguyễn Đức Minh. Đổi mới đánh giá kết quả giáo dục học sinh phổ thông: Xu hướng và giải pháp
     Tóm tắt: Đánh giá giáo dục là quá trình thu thập, phân tích và lí giải các thông tin một cách có hệ thống để mô tả thực trạng, đối chiếu với mục tiêu giáo dục phổ thông. Qua đó, đưa ra nhận xét, kết luận, đề xuất các khuyến nghị làm cơ sở cho giáo viên, học sinh, cán bộ quản lí giáo dục và những thành phần liên đới khác có những quyết sách hoặc điều chỉnh các hoạt động tiếp theo nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục. Để việc đổi mới giáo dục có hiệu quả, những giải pháp đổi mới về đánh giá kết quả giáo dục cần thực hiện đồng bộ như: 1) Xây dựng các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả giáo dục về mức độ hoàn thành nhiện vụ học tập và rèn luyện phẩm chất, năng lực của học sinh phổ thông; 2) Xây dựng các trung tâm đánh giá kết quả giáo dục học sinh phổ thông độc lập; 3) Bảo đảm phương tiện hiện đại cho đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, cần có thêm những giải pháp khác hỗ trợ như: Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy; Nâng cao năng lực tổ chức, thực hiện và rèn luyện để đánh giá kết quả giáo dục học sinh phổ thông cho cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên; Tăng cường tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đổi mới đánh giá kết quả giáo dục của học sinh phổ thông... để góp phần thực hiện được mục tiêu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
     Từ khóa: Đánh giá kết quả giáo dục; học sinh phổ thông; giải pháp; xu hướng. 
5.Trần Thị Tuyết Oanh. Phát triển năng lực dạy học cho giảng viên đại học sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục ở Việt Nam hiện nay 
     Tóm tắt: Trong các cơ sở đào tạo giáo viên có trình độ đại học, năng lực dạy học của giảng viên có tác động trực tiếp tới việc hình thành và phát triển năng lực nghề nghiệp của sinh viên. Hệ thống các năng lực dạy học của giảng viên cần được xác định dựa trên những cơ sở khoa học rõ ràng. Thực trạng năng lực dạy học của giảng viên cần được xem xét trên cơ sở yêu cầu của giáo dục và đào tạo trong bối cảnh của xã hội hiện đại. Đó là căn cứ cho việc đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao năng lực dạy học cho giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong các cơ sở đào tào tạo giáo viên có trình độ đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở và đào tạo ở nước hiện nay. 
     Từ khóa: Năng lực; năng lực dạy học; giảng viên; trường đại học sư phạm.
6.Bùi Thị Thu Hương, Nguyễn Thu Hà. Xây dựng khung tiêu chuẩn năng lực cho bậc đào tạo cử nhân
     Tóm tắt: Xác định đúng những năng lực cần thiết và đào tạo người học có đủ năng lực đáp ứng nhu cầu công việc được xem là căn cứ chính để các cơ sở giáo dục, đặc biệt là cơ sở giáo dục đại học thiết kế chương trình đào tạo nhằm trang bị cho người học những năng lực cần thiết, giúp họ có thể đối diện với những thử thách sau khi ra trường cũng như thích ứng tốt với những thay đổi trong tương lai. Ngoài ra, khung tiêu chuẩn năng lực cũng giúp người học hình dung tốt hơn những năng lực họ cần phải có trong quá trình học và có định hướng tốt hơn trong việc rèn luyện những năng lực cần thiết này. Trên cơ sở nền tảng của những nghiên cứu trên thế giới, nhóm tác giả đề xuất 9 tiêu chuẩn năng lực chung và 36 tiêu chuẩn năng lực cụ thể cần thiết cho bậc đào tạo cử nhân. Khung tiêu chuẩn này mô tả mức chuẩn của từng năng lực người học cần đạt được đến thời điểm tốt nghiệp đại học. 
     Từ khóa: Xây dựng; khung tiêu chuẩn năng lực; bậc cử nhân.
7.Trịnh Thúy Giang. Quá trình phát triển năng lực dạy học của giảng viên đại học
     Tóm tắt: Bài viết trình bày quá trình phát triển năng lực dạy học của giảng viên trường đại học. Trong bài, tác giả trình bày: 1/ Khái quát về năng lực dạy học và phát triển năng lực dạy học của giảng viên;2/ Quá trình học tập ở đại học của giảng viên với tư cách là sinh viên; 3/ Quá trình giảng dạy ở đại học của giảng viên; 4/ Các yếu tố tác động đến sự phát triển năng lực dạy học của giảng viên; 5/Một số biện pháp phát triển năng lực dạy học cho giảng viên. Theo tác giả bài viết, năng lực dạy học của giảng viên là một thành phần của năng lực sư phạm. Việc phát triển năng lực dạy học cho giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học cần được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục. Đó là công việc, là trách nhiệm không chỉ của mỗi giảng viên mà còn là nhiệm vụ quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh đổi mới giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.  
     Từ khóa: Năng lực; phát triển năng lực; năng lực dạy học; giảng viên; đại học. 
8.Nguyễn Thị Minh Phượng. Nguồn nhân lực - yếu tố cốt lõi để hình thành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của các trường đại học 
     Tóm tắt: Việc xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với các trường đại học ở Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần ưu tiên thực hiện trong bối cảnh hiện nay. Để nâng cao và cải tiến chất lượng giáo dục, các trường đại học cần thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong nhằm giám sát, đánh giá việc thực hiện các hoạt động. Tuy nhiên, để công tác đảm bảo chất lượng trở thành hoạt động tự thân đối với mỗi đơn vị và hướng đến hình thành văn hóa chất lượng, các trường đại học phải có sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các thành viên đối với đơn vị chuyên trách trong toàn trường. Đồng thời, các trường cần chủ động kiểm soát chất lượng của đơn vị, nâng cao năng lực của những cán bộ thực hiện công tác đảm bảo chất lượng và giảng viên tham gia giảng dạy trong bối cảnh giáo dục đại học ngày càng phát triển.
     Từ khóa: Nguồn nhân lực; hệ thống đảm bảo chất lượng; giáo dục đại học.
9.Nguyễn Thị Hạnh. Năng lực Đọc trong môn Ngữ văn bậc Phổ thông và cấp Tiểu học
     Tóm tắt: Đọc và xem là năng lực đặc thù cần phát triển cho học sinh trong môn Ngữ văn theo mục tiêu giáo dục nhằm phát triển năng lực được thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau 2015. Bài viết trình bày các vấn đề về năng lực đọc và xem trong môn Ngữ văn bậc Phổ thông và cấp Tiểu học. Theo tác giả bài viết, năng lực này bao gồm đọc thông, đọc hiểu. Cần xác định trục phát triển năng lực đọc và xem cho toàn bậc Phổ thông để có cơ sở chọn nội dung dạy học phù hợp cho từng cấp, từng lớp.
     Từ khóa: Năng lực đọc và xem; đường phát triển năng lực; nội dung học tập; cấp Tiểu học.
10.Nguyễn Thị Hồng Vân. Xác định cấu trúc và đường phát triển một số năng lực trong môn Ngữ văn ở trường phổ thông
     Tóm tắt: Phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực là xu thế phát triển chương trình trên thế giới hiện nay và cũng là một trong những quan điểm tiếp cận phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam. Bài viết mô tả một số năng lực cần hướng đến trong việc phát triển chương trình môn học Ngữ văn ở nhà trường phổ thông, đó là năng lực sáng tạo và năng lực thẩm mĩ theo các bước: Xác định quan niệm về năng lực, các thành tố cấu trúc và phác thảo đường phát triển của từng năng lực. Theo tác giả bài viết, để việc dạy và học Ngữ văn ở trường phổ thông có hiệu quả, cần xác định những nhiệm vụ học tập cụ thể tương ứng với mỗi mức độ năng lực theo từng lớp; đồng thời xây dựng các tiêu chí chất lượng và đánh giá được các biểu hiện năng lực. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để chuẩn hóa trong việc xác định quan niệm, cấu trúc và đường phát triển các năng lực trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn thời gian tới. 
     Từ khóa: Cấu trúc; đường phát triển năng lực; môn Ngữ văn; trường phổ thông.
11.Nguyễn Ngọc Hiền, Nguyễn Như An. Một số vấn đề về Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay
     Tóm tắt: Trong xu thế đổi mới quản lí giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cơ sở giáo dục, phát triển đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục theo hướng chuẩn hóa là cần thiết và cấp bách. Bài viết phân tích một số vấn đề về Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Dựa trên cơ sở ý tưởng tiếp cận và cấu trúc của các tiêu chuẩn cơ bản, tác giả đề xuất khung và cấu trúc của các tiêu chuẩn cơ bản đồng thời đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể (bao gồm 5 tiêu chuẩn và 24 tiêu chí) về Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay. 
     Từ khóa: Hiệu trưởng; chuẩn hiệu trưởng; trường phổ thông.
12.Vũ Lan Hương. Phát triển chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông từ góc nhìn lí luận và thực tiễn
     Tóm tắt: Trong tiến trình cải cách, giáo viên, cán bộ quản lí trường học luôn được xem là hạt nhân trong quá trình đổi mới. Vì thế, việc nghiên cứu, trao đổi về việc phát triển chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông từ góc nhìn lí luận và thực tiễn có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc hoạch định chính sách giáo dục và đào tạo. Bài viết đề cập đến việc phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu chuẩn nghề nghiệp và công tác tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông từ góc nhìn thực tiễn tại Trường Cán bộ Quản lí Giáo dục TP. Hồ Chí Minh.
     Từ khóa: Phát triển chương trình; tài liệu; tổ chức bồi dưỡng; cán bộ quản lí; giáo dục phổ thông.
13.Nguyễn Thị Ngọc Hà. Vai trò của văn hóa ứng xử học đường
     Tóm tắt: Văn hóa ứng xử học đường là một yêu cầu đối với cá nhân trong sự tương tác đa dạng với môi trường học đường để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Với vai trò là lực lượng giáo dục chủ đạo, tổ chức nhà trường với văn hóa ứng xử đặc thù sẽ tạo ra nhiều tác động có ý nghĩa cho con người. Hay nói cách khác, văn hóa ứng xử học đường có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội. Bài viết chỉ ra sự tác động của văn hóa ứng xử học đường đối với những yếu tố nêu trên.
     Từ khóa: Văn hóa ứng xử; văn hóa ứng xử học đường; gia đình; xã hội.
14.Phan Anh Tài. Sử dụng tương tự giữa các bài toán để bồi dưỡng năng lực giải toán cho học sinh trong dạy học toán ở trường trung học phổ thông
     Tóm tắt: Trong dạy học Toán ở trường phổ thông, một trong các dạng hoạt động giải toán là từ bài toán cần giải liên tưởng với một bài toán tương tự đã có cách giải để phát hiện cách giải bài toán đã cho. Bài viết đề cập đến cách nhận biết sự tương tự giữa các bài toán của một số dạng toán trong chương trình trung học phổ thông để tổ chức hoạt động giải toán. Để tìm cách giải bài toán, học sinh phải nhận biết bài toán tương tự gồm 3 dạng: Bài toán có tính chất tương tự; Bài toán có cấu trúc tương tự; Bài toán có dấu hiệu tương tự không tường minh. Qua đó, năng lực giải toán của học sinh được bồi dưỡng trong dạy học toán ở trường phổ thông.
     Từ khóa: Tương tự; năng lực giải toán; học sinh; trung học phổ thông
15.Tạ Quang Tuấn. Bốn cấp độ tương tác giữa người học - người học trong tổ chức dạy học ở đại học
     Tóm tắt: Xu hướng phát triển của xã hội hiện đại đòi hỏi đội ngũ học viên đại học sau khi tốt nghiệp không chỉ có năng lực nghề nghiệp mà còn phải có năng lực thích ứng. Việc tổ chức dạy học dựa vào tương tác người học - người học ở đại học giúp người học chủ động, tích cực, chia sẻ, trao đổi, học tập lẫn nhau và tương tác trong nhiều vai trò khác nhau. Bài viết này đề cập về bản chất của dạy học dựa vào tương tác người học - người học; phân tích tổng thể bốn cấp độ tương tác giữa người học với nhau trong học tập ở đại học, làm cơ sở để hình thành các cấp độ nhận thức khác nhau cũng như các kĩ năng và thái độ tương ứng trong học tập. Trong xu hướng đào tạo theo tín chỉ phổ biến ở đại học hiện nay, việc áp dụng bốn cấp độ tương tác giúp người dạy thiết kế được các mục tiêu học tập theo tín chỉ, đồng thời thiết kế các hoạt động học tập của người học nhằm kiểm soát và đánh giá năng lực học tập độc lập và phối hợp của người học trong môi trường học tập khác nhau.
     Từ khóa: Tổ chức dạy học; đại học; quá trình tương tác.
16.Lê Thị Tuyết Hạnh. Thuyết đa trí năng và các ngầm định cho giáo dục
     Tóm tắt: Thuyết Đa trí năng (The theory of Multiple Intelligences) của Howard Gardner đã và đang dành được nhiều sự quan tâm của các nền giáo dục trên toàn thế giới, là một trong những giải pháp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Trên cơ sở phân tích những vấn đề lí luận của Thuyết Đa trí năng và những thành công trong việc áp dụng nó trên thế giới, bài viết phân tích những yếu tố tiềm năng mà giáo dục Việt Nam có thể áp dụng thành công lí thuyết này. 
     Từ khóa: Thuyết Đa trí năng; ngầm định giáo dục; giáo dục.
17.Cao Danh Chính. Đánh giá hiệu quả khóa đào tạo theo mô hình Donal Kirkpatrick 
     Tóm tắt: Để khẳng định giá trị của một khóa đào tạo chúng ta cần xem xét ở nhiều phương diện khác nhau như hiệu quả, hiệu suất, tính kinh tế và sự phù hợp của nó. Tuy nhiên, hiệu quả đào tạo luôn là tiêu chí quan trọng nhất để khẳng định giá trị thực sự của khóa đào tạo. Mô hình đánh giá 4 cấp độ của Donald Kirkpatrick sẽ góp phần cung cấp những thông tin, dữ liệu hữu ích, đánh giá hiệu quả, đồng thời là cơ sở để xem xét các phương diện khác của khóa đào tạo. Bài viết này trình bày các nguyên tắc, phương diện và các cấp độ đánh giá khóa đào tạo theo mô hình Donald Kirkpatrick, bao gồm: Phản ứng, kết quả học tập, hành vi và kết quả. 
     Từ khóa: Đánh giá; hiệu quả; khóa đào tạo; mô hình Donald Kirkpatrick.
18.Đặng Thị Dạ Thủy. Thiết kế bài tập nghiên cứu trường hợp trong dạy học phần Sinh thái học - Sinh học 12 nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh
     Tóm tắt: Nghiên cứu trường hợp là một phương pháp dạy học, trong đó người học tự lực nghiên cứu một tình huống thực tiễn và giải quyết các vấn đề của tình huống đặt ra. Vì vậy, sử dụng bài tập nghiên cứu trường hợp trong dạy học phần Sinh thái học ở trung học phổ thông là một trong những biện pháp phát triển các năng lực then chốt của học sinh như năng lực tự học, năng lực hợp tác, đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề. Bài viết đề xuất quy trình thiết kế bài tập nghiên cứu trường hợp trong dạy học phần Sinh thái học - Sinh học 12 nhằm phát triển năng lực giải quyết vấn đề của học sinh. Vận dụng quy trình đó thiết kế các dạng bài tập nghiên cứu trường hợp trong dạy học phần Sinh thái học - Sinh học 12.
     Từ khóa: Thiết kế; bài tập nghiên cứu trường hợp; Sinh thái học; năng lực giải quyết vấn đề.
19.Lê Văn Vinh. Chế tạo và sử dụng bộ thiết bị thí nghiệm dạy học chương “Sóng cơ” - Vật lí 12
     Tóm tắt: Chương “Sóng cơ” trong chương trình Vật lí lớp 12 là chương rất quan trọng, làm cơ sở để xây dựng các khái niệm của chương "Dao động điện" và "Ánh sáng" sau này. Tuy nhiên, việc sử dụng thí nghiệm vào dạy học chương này gặp không ít khó khăn trong việc trực quan hóa các tính chất và hiện tượng của sóng cơ. Để cải thiện vấn đề này, chúng tôi đã nghiên cứu và chế tạo ra bộ thiết bị thí nghiệm mới tích hợp tất cả các thí nghiệm kiểm tra định tính và định lượng. Bộ thí nghiệm giúp học sinh hào hứng tham gia học tập, nắm vững kiến thức và biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, giáo viên nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa hình thức dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học Vật lí nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung.
     Từ khóa: Vật lí; thiết bị thí nghiệm; dạy học.
20.Vũ Thị Thu Hoài. Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua dạy học chủ đề tích hợp liên môn trong dạy học Hóa học ở trường trung học phổ thông
Tóm tắt: Dạy học tích hợp đã trở thành một xu hướng tất yếu hiện nay ở trên thế giới cũng như Việt Nam. Dạy học tích hợp xuất phát từ quan niệm về quá trình học tập, góp phần hình thành ở học sinh những năng lực và phẩm chất, dự tính trước những điều cần thiết cho học sinh, góp phần phục vụ cho quá trình học tập trong tương lai hoặc hòa nhập vào cuộc sống lao động. Bài viết đề xuất quy trình gồm 5 bước phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc xây dựng, tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp liên môn ở trường trung học phổ thông.
Từ khóa: Dạy học tích hợp; chủ đề tích hợp liên môn; năng lực hợp tác.
21.Chu Thị Hồng Nhung. Các hoạt động giáo dục lòng nhân ái cho trẻ 5-6 tuổi qua trải nghiệm ở trường mầm non
     Tóm tắt: Giáo dục lòng nhân ái là quá trình tác động có mục đích, có hệ thống của nhà giáo dục đến nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ thông qua các hoạt động ở trường mầm non nhằm hình thành ở trẻ tình yêu thương, thể hiện ở sự đồng cảm, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ, khoan dung đối với bản thân, mọi người và sự vật xung quanh. Quy trình giáo dục lòng nhân ái cho trẻ 5-6 tuổi qua trải nghiệm gồm 4 giai đoạn: Trải nghiệm cụ thể; Quan sát phân tích, Hình thành khái niệm/rút ra bài học; Thử nghiệm tích cực. Việc giáo dục lòng nhân ái cần chú trọng nhiều hơn đến việc lựa chọn và tổ chức các hoạt động đa dạng ở trường mầm non để tạo nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm. Để giáo dục lòng nhân ái cho trẻ, giáo viên cần khai thác ưu thế của các hoạt động giúp trẻ có nhiều cơ hội được trải nghiệm, rèn luyện hành vi như: Hoạt động chơi; hoạt động lễ hội; hoạt động lao động; hoạt động trong sinh hoạt hàng ngày; hoạt động thăm quan, dã ngoại.
     Từ khóa: Giáo dục; lòng nhân ái; trải nghiệm; hoạt động; trẻ mẫu giáo.
 
NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN GIÁO DỤC:
22.Mỵ Giang Sơn. Kĩ năng nghiên cứu khoa học của học viên cao học chuyên ngành Quản lí Giáo dục trong việc thực hiện luận văn tốt nghiệp tại Trường Đại học Sài Gòn
     Tóm tắt: Chất lượng đào tạo thạc sĩ Quản lí Giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó không thể không kể đến luận văn thạc sĩ. Kĩ năng nghiên cứu khoa học ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện luận văn của học viên. Bài viết trình bày kết quả nghiên cứu về thực trạng kĩ năng nghiên cứu khoa học của học viên trong thực hiện luận văn thạc sĩ Quản lí Giáo dục tại Trường Đại học Sài Gòn, từ đó đề xuất một số biện pháp nâng cao kĩ năng nghiên cứu khoa học cho học viên cao học chuyên ngành Quản lí Giáo dục tại Trường Đại học Sài Gòn và các trường đại học khác có điều kiện tương tự, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ Quản lí Giáo dục hiện nay.
     Từ khóa: Kĩ năng; nghiên cứu khoa học; học viên cao học; quản lí giáo dục; luận văn tốt nghiệp.
23.Lê Thị Trung. Vận dụng mô hình học tập trải nghiệm trong dạy học môn Phương pháp dạy học Tự nhiên Xã hội ở Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu
     Tóm tắt: Giáo dục Việt Nam đang trong giai đoạn đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo hướng phát triển năng lực người học. Việc phát triển năng lực dạy học cho sinh viên sư phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các trường sư phạm góp phần vào việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo. Mô hình học tập trải nghiệm giúp người học hình thành được các kĩ năng làm việc sau này như: Kĩ năng làm việc nhóm; Kĩ năng nghiên cứu tài liệu, báo cáo thuyết trình, chia sẻ ý kiến, hình thành và rèn luyện năng lực nghề nghiệp. Qua đó, các trường sư phạm áp dụng mô hình này trong giảng dạy để nâng cao hiệu quả đào tạo trong nhà trường nhằm đào tạo những người giáo viên năng động, đáp ứng yêu cầu xã hội.
     Từ khóa: Học tập trải nghiệm; phương pháp dạy học; tự nhiên xã hội; đào tạo giáo viên; mô hình dạy học. 
24.Lê Khánh Vũ, Lê Thị Thu Phương. Nghiên cứu hoạt động tự học của sinh viên ngành Sư phạm Sinh học trong đào tạo theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Quảng Bình
     Tóm tắt: Đào tạo tín chỉ là phương thức đào tạo lấy người học làm trung tâm, sinh viên có thể chủ động trong việc lập và quản lí việc học phù hợp với điều kiện cũng như năng lực của bản thân. Thông qua khảo sát nghiên cứu tỉ lệ sinh viên Sư phạm Sinh đã áp dụng các hoạt động tự học theo học chế tín chỉ tại Trường Đại học Quảng Bình cho thấy, sự thay đổi tích cực về học lực của sinh viên trước vào sau khi áp dụng các phương pháp tự học phù hợp đã giúp sinh viên nắm bắt kiến thức tốt hơn và việc học đạt hiệu quả hơn. Biện pháp hướng dẫn sinh viên thực hiện tốt hoạt động tự học là yêu cầu cấp thiết đối với giảng viên trong quá trình đổi mới dạy và học ở đại học hiện nay để kích thích sinh viên hoàn thành nhiệm vụ học tập và nâng cao nhận thức, vai trò của bản thân trong việc rèn luyện kĩ năng tự học. Để đạt được điều này, cần phải có sự thay đổi và phối hợp chặt chẽ từ sinh viên, giảng viên và nhà trường.
     Từ khóa: Hoạt động tự học; học chế tín chỉ; sinh viên; Sư phạm Sinh học.
 
NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI:
25.Trần Thị Phương Nam. Giáo dục tài chính trong chương trình giáo dục phổ thông của Malaysia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
     Tóm tắt: Ở một số nước, việc đưa nội dung giáo dục tài chính vào trong chương trình nhà trường được coi là một trong những cách hiệu quả và công bằng nhất để có thể tiếp cận tới toàn bộ các thế hệ trong tương lai. Bài viết trình bày khái quát về chiến lược giáo dục tài chính và giáo dục tài chính trong trường phổ thông ở Malaysia, có thể làm tài liệu tham khảo cho giáo dục tài chính trong nhà trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả đề xuất Việt Nam nên tập trung nhiều hơn vào giảng dạy kiến thức, nâng cao hiểu biết về tài chính cho học sinh phổ thông, giảm lượng thông tin về ngân hàng hơn so với giáo dục tài chính của Malaysia. 
     Từ khóa: Giáo dục tài chính; chương trình; giáo dục phổ thông; Malaysia; Việt Nam.