Mục lục Tạp chí Khoa học giáo dục số 138

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 138, tháng 3 năm 2017

NGHIÊN CỨU LÍ LUẬN
1.Nguyễn Thị Lan Phương. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cơ hội, thách thức và tác động đến giáo dục
Tóm tắt: Bài viết tập trung vào những vấn đề về: Một số đặc điểm nhận diện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Cơ hội, thách thức và tác động của nó đến giáo dục; Đề xuất những thay đổi cần thiết về tư duy, mô hình và chính sách phát triển giáo dục. Giáo dục nước ta đang trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cần tập trung đào tạo một số ngành, nghề hoặc mở các nghành nghề mới, liên quan đến lĩnh vực kĩ thuật số và công nghệ cao, đặc biệt là việc kết nối đào tạo tích hợp cả ba lĩnh vực vật lí, kĩ thuật số và sinh học. Ngành Giáo dục ở Việt Nam cần thay đổi tư duy, mô hình và chính sách phát triển giáo dục để đón nhận cơ hội và giảm thiểu tác động tiêu cực để vượt qua thách thức của FIR.
Từ khóa: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giáo dục; chính sách phát triển giáo dục.
2.Đinh Xuân Khoa, Thái Văn Thành. Xây dựng tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học trước bối cảnh đổi mới giáo dục
Tóm tắt: Đội ngũ hiệu trưởng trường đại học có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, quản trị nhà trường, đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển ngành đào tạo đáp ứng được nhu cầu xã hội, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế. Bài viết bàn về việc xây dựng tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học Việt Nam trước bối cảnh đổi mới giáo dục đại học. Trong bài viết, tác giả đề xuất các tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học (6 tiêu chuẩn, 26 tiêu chí). Các tiêu chuẩn đó gồm: 1/ Phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp (gồm 4 tiêu chí); 2/ Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm (3 tiêu chí); 3/ Năng lực nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (4 tiêu chí); 4/ Năng lực lãnh đạo nhà trường (4 tiêu chí); 5/ Năng lực quản lí và quản trị nhà trường (8 tiêu chí); 6/ Năng lực hoạt động xã hội, hội nhập quốc tế và cung ứng dịch vụ khoa học và công nghệ (3 tiêu chí). Tiêu chuẩn hiệu trưởng là căn cứ quan trọng để các cấp quản lí đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ hiệu trưởng. Đồng thời, tiêu chuẩn hiệu trưởng còn là căn cứ quan trọng để hiệu trưởng phấn đấu, tự hoàn thiện bản thân nhằm đạt chuẩn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học và hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Hiệu trưởng; tiêu chuẩn hiệu trưởng; trường đại học; giáo dục đại học.
3.Lương Việt Thái..Một số vấn đề về phát triển chương trình giáo dục nhà trường

Tóm tắt: Bài viết phân tích một số vấn đề về phát triển chương trình giáo dục nhà trường. Theo tác giả, chương trình giáo dục nhà trường là kế hoạch giáo dục ở nhà trường, trong đó cụ thể hóa nội dung và cách thức triển khai chương trình chung (chương trình quốc gia) phù hợp với thực tiễn của địa phương, của nhà trường trên cơ sở đảm bảo yêu cầu chung của chương trình quốc gia; Cụ thể hóa những hướng dẫn chương trình của địa phương; Xác định nội dung, cách thức, kế hoạch thực hiện, phản ánh đặc trưng và phù hợp với thực tiễn nhà trường, những yêu cầu, thành tựu hiện đại (về khoa học giáo dục, công nghệ…) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển các phẩm chất, năng lực của người học, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giáo dục. Chương trình giáo dục nhà trường bao gồm các yếu tố của chương trình quốc gia, đồng thời bổ sung các yếu tố giáo dục khác được xác định tại địa phương hay nhà trường. Phát triển chương trình giáo dục nhà trường tạo cơ hội thúc đẩy phát triển năng lực cho nhà trường và đội ngũ giáo viên, làm cho nghề dạy học có tính chuyên môn cao hơn. Để thực hiện có hiệu quả định hướng này đòi hỏi các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách và điều kiện đảm bảo, đồng thời xác định mức độ, bước đi thích hợp.
Từ khóa: Chương trình giáo dục nhà trường; phát triển chương trình; giáo dục nhà trường.
4.Đặng Thị Minh Hiền. Định hướng giải pháp quản lí nhà nước về tài chính đối với các trường đại học công lập trong bối cảnh tự chủ
Tóm tắt: Việc tăng cường tự chủ và trách nhiệm xã hội cho trường đại học công lập nhằm tăng tính chủ động, linh hoạt, sự cam kết của nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trước những bất cập trong quản lí nhà nước về tài chính, các đại học công lập cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau: Chuyển hướng sử dụng ngân sách nhà nước từ chỗ phân bổ một cách dàn trải cho các đại học công lập sang đầu tư có trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội; Sử dụng kết quả “định vị” các cơ sở giáo dục đại học công lập qua phân tầng và xếp hạng làm cơ sở cho việc áp dụng các “mức độ tự chủ” khác nhau đối với mỗi nhóm trường; Nghiên cứu xác định chi phí đơn vị tối thiểu của giáo dục đại học làm cơ sở cho việc đổi mới phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học công lập; Xây dựng hệ thống văn bản chính sách nhằm tạo ra sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các chủ thể tham gia đầu tư cho giáo dục đại học và hướng tới đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục đại học.
Từ khóa: Quản lí nhà nước; trường đại học công lập; tự chủ tài chính; giải pháp.
5.Nguyễn Quang Giao. Đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng trường đại học hiện nay
Tóm tắt: Ngày nay, đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục là một yêu cầu khách quan trước xu thế hội nhập quốc tế và là yếu tố mang tính quyết định đối với trường đại học. Để tồn tại và phát triển, các trường đại học phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng các nhu cầu thực tiễn trong môi trường lao động có tính cạnh tranh cao của thời đại toàn cầu hóa. Do vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của giáo dục đại học Việt Nam nói chung và của mỗi trường đại học nói riêng là phải đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục. Bài viết đề cập đến tầm quan trọng của hoạt động kiểm định chất lượng trường đại học, phân tích thực trạng đánh giá và công nhận chất lượng của các trường đại học, từ đó đưa ra một số đề xuất cụ thể nhằm đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng các trường đại học hiện nay.
Từ khóa: Chất lượng;đảm bảo chất lượng;kiểm định chất lượng; trường đại học.
6.Cao Thị Hà, Nguyễn Thị Quốc Hòa, Nguyễn Văn Thanh. Tư duy bậc cao - khái niệm và các thành tố của nó
Tóm tắt: Kĩ năng tư duy bậc cao là kĩ năng quan trọng trong học tập và cuộc sống. Các thành tố của tư duy bậc cao bao gồm: Tư duy logic, tư duy phê phán, sự thông hiểu, sự sáng tạo, sự sáng suốt và siêu nhận thức. Những kĩ năng cơ bản đan xen với các kĩ năng tư duy bậc cao trong quá trình dạy học. Việc sử dụng tư duy bậc cao trong quá trình dạy học phụ thuộc vào bản chất của nhiệm vụ học tập và lịch sử năng lực tư duy của mỗi cá nhân học sinh. Qua đó, học sinh hình thành và hoàn thiện khả năng quan sát, nhận thức, suy luận, sáng tạo, giải quyết vấn đề trước những thách thức đặt ra trong học tập và cuộc sống.
Từ khóa: Tư duy bậc cao; kĩ năng; nhận thức.
7.Trần Văn Trung. Tăng cường tổ chức các hình thức hoạt động nhóm theo hướng tiếp cận thuyết đa trí tuệ
Tóm tắt: Bài viết trình bày cách thức tổ chức hoạt động nhóm trong dạy học toán theo hướng tiếp cận thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner. Giáo viên xây dựng các hình thức hoạt động nhóm trên cơ sở đáp ứng được mục đích yêu cầu bồi dưỡng những thành tố đặc trưng của năng lực cối lõi đã đặt ra đối với học sinh như: Hoạt động nhóm gồm nhiều học sinh; Hoạt động theo mô hình nhân đôi; Hoạt động trà trộn – kết hợp nhóm tự do – không ổn định; Hoạt động theo mô hình nhóm chuyên gia; Hoạt động theo nhóm cặp đôi. Qua đó, bồi dưỡng năng lực tư duy cho học sinh và góp phần vào việc đổi mới phương pháp dạy học hợp tác trong chương trình giáo dục phổ thông.
Từ khóa: Hoạt động nhóm; thuyết đa trí tuệ; dạy học Toán.
8.Trần Thị Cẩm Tú. Thực trạng giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm
Tóm tắt: Giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của sinh viên và giúp sinh viên rèn luyện nghề nghiệp. Thực trạng giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm về việc thực hiện mục tiêu giáo dục giá trị sống, việc thực hiện nội dung giáo dục giá trị sống, phương thức giáo dục giá trị sống, con đường giáo dục giá trị sống và các yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục giá trị sống được thực hiện qua nghiên cứu 98 giảng viên và 816 sinh viên thuộc 5 trường đại học sư phạm. Trên cơ sở đó, một số biện pháp giáo dụ được đề xuất: Xây dựng các chủ đề giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm; Tổ chức dạy học tích hợp nội dung giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm vào các môn nghiệp vụ sư phạm; Tổ chức giáo dục giá trị sống qua rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; Tổ chức giáo dục giá trị sống cho sinh viên sư phạm qua hoạt động Đoàn thanh niên, Hội sinh viên.
Từ khóa: Giáo dục; giáo dục giá trị sống; sinh viên sư phạm.
9.Trịnh Thanh Hải, Đỗ Đức Thông. Bồi dưỡng giáo viên phổ thông theo hướng tiếp cận năng lực dạy học
Tóm tắt: Một trong những nhiệm vụ cần thực hiện để đáp ứng việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ tám khóa XI của Đảng là đổi mới giáo viên theo định hướng tiếp cận năng lực nghề nghiệp. Dựa trên tinh thần đó, bài viết đưa ra một định hướng mới nhằm tiếp tục bồi dưỡng năng lực dạy học cho giáo viên phổ thông, đó là việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ giáo viên phổ thông theo định hướng: Cụ thể hóa mục tiêu bồi dưỡng (chuẩn cần đạt) của mỗi năng lực, xác định kiến thức nền tảng, điều kiện phát triển, thể hiện năng lực, hình thức bồi dưỡng và đánh giá quá trình phát triển năng lực của người giáo viên.
Từ khóa: Bồi dưỡng; giáo viên; phổ thông; năng lực dạy học.
10.Nguyễn Thị Thu Hằng. Hoạt động phối hợp giữa cơ sở đào tạo cử nhân quản lí giáo dục và cơ sở thực hành - thực tập trong bối cảnh mới
Tóm tắt: Sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo trình độ đại học ngành Quản lí giáo dục với cơ sở thực hành – thực tập cũng là đơn vị sử dụng nguồn nhân lực là hoạt động khách quan trong quá trình đào tạo. Các cơ sở đào tạo cần quy hoạch mạng lưới cơ sở thực hành – thực tập vệ tinh đáp ứng các điều kiện đảm bảo cho hoạt động rèn luyện kĩ năng nghề trong chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp cho sinh viên ngành Quản lí giáo dục. Để đạt hiệu quả phối hợp giữa cơ sở đào tạo cử nhân quản lí giáo dục với cơ sở thực hành - thực tập trong bối cảnh mới, cần thực hiện các biện pháp sau: (1) Nâng cao nhận thức cho cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành – thực tập về tầm quan trọng của hoạt động phối hợp; (2) Tổ chức thực hiện hoạt động phối hợp giữa cơ sở đào tạo với cơ sở thực hành – thực tập vệ tinh theo quy trình chặt chẽ, thống nhất; (3) Liên kết thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp gắn liền với thực tiễn quản lí giáo dục cơ sở; (4) Phối hợp đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động thực hành, thực tập của sinh viên ngành Quản lí giáo dục; (5) Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả phối hợp đào tạo giữa cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành - thực tập.
Từ khóa: Giáo dục đại học; quản lí giáo dục; cơ sở đào tạo; cơ sở thực hành thực tập.
11.Đỗ Khánh Năm. Phát triển kĩ năng tự học cho sinh viên
Tóm tắt: Phát triển năng lực tự học là mục tiêu hướng tới việc đổi mới phương pháp dạy và học đang đặt ra trong các trường đại học. Việc tự học của sinh viên giữ vai trò rất quan trọng. Nó là nhân tố trực tiếp nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường đại học. Bên cạnh đó, tự học còn góp phần nâng cao hoạt động trí tuệ của sinh viên trong việc tiếp thu và hiểu tri thức mới, rèn luyện cho sinh viên có cách suy nghĩ độc lập, sáng tạo, cách giải quyết các vấn đề, đồng thời tạo ra những con người năng động, độc lập nhằm đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bài viết trình bày một số khái niệm cơ bản về kĩ năng tự học và đưa ra một số biện pháp phát triển kĩ năng tự học cho sinh viên.
Từ khóa: Phát triển; tự học; kĩ năng tự học; sinh viên.
12.Lê Thị Thúy Hằng. Nhu cầu hỗ trợ của trẻ khuyết tật trong trường mầm non hòa nhập
Tóm tắt: Trẻ khuyết tật có thể phát triển tốt và trở thành một thành viên có giá trị trong trường học hòa nhập nếu các khả năng và nhu cầu của trẻ được đáp ứng một cách phù hợp. Môi trường giáo dục trong trường mầm non hòa nhập chú ý đến cơ hội để trẻ khuyết tật được phát triển kĩ năng tương tác, giao tiếp và tham gia vào mọi hoạt động. Bài viết phản ánh kết quả nghiên cứu về vai trò của môi trường trường mầm non hòa nhập đối với sự phát triển của trẻ, thực trạng nhu cầu của trẻ khuyết tật mầm non cũng như đáp ứng nhu cầu hỗ trợ của trẻ khuyết tật dựa trên thực hiện chương trình giáo dục mầm non phù hợp với khả năng, nhu cầu của trẻ khuyết tật.
Từ khóa: Nhu cầu hỗ trợ; trẻ khuyết tật; trường mầm non; hòa nhập.
13.Nguyễn Hồng Thuận. Phát triển kĩ năng bảo vệ môi trường cho học sinh tiểu học thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo
Tóm tắt: Giáo dục môi trường là biện pháp có hiệu quả cao và bền vững, giúp mỗi cá nhân có được nhận thức đúng đắn và thực hiện một cách có ý thức các nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Độ tuổi học tiểu học là thời kì thuận lợi để giáo dục ý thức, kĩ năng và hình thành thói quen bảo vệ môi trường cho học sinh, giúp các em vận dụng một cách sáng tạo những kiến thức, kĩ năng đã được trang bị để giải quyết vấn đề thực tiễn. Giáo viên tiểu học cần tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt đông đa dạng, tạo cơ hội để các em được trải nghiệm, sáng tạo nhằm phát triển kĩ năng bảo vệ môi trường. Điều này còn có tác động lan tỏa tới nhiều đối tượng liên quan như bạn bè và những người thân sống cùng các em. Bài viết đưa ra một số kĩ năng bảo vệ môi trường cần hình thành ở học sinh tiểu học và gợi ý một số hoạt động để giáo viên tổ chức cho học sinh trải nghiệm sáng tạo việc bảo vệ môi trường sống xung quanh các em.
Từ khóa: Bảo vệ môi trường;kĩ năng bảo vệ môi trường; học sinh; tiểu học; hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
14.Đặng Lộc Thọ. Biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ
Tóm tắt: Rối loạn phổ tự kỉ đã và đang là một vấn đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu, giáo dục, tâm lí, quản lí và các phụ huynh ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trên cơ sở phân tích vai trò của việc phát hiện sớm, chẩn đoán, đánh giá, can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập đối với trẻ rối loạn phổ tự kỉ, bài viết đề xuất một số biện pháp nâng cao hiệu quả giáo dục hoà nhập nhằm giúp trẻ rối loạn phổ tự kỉ có nhiều cơ hội học tập hòa nhập và hoà nhập cộng đồng. Theo tác giả, trẻ rối loạn phổ tự kỉ nếu được phát hiện và can thiệp sớm trước 3 tuổi thì các kết quả phát triển của trẻ được tăng lên rõ rệt giúp trẻ có cơ hội hòa nhập hơn rất nhiều so với những trẻ không được phát hiện và can thiệp sớm.  
Từ khoá: Phát hiện sớm; can thiệp sớm; trẻ tự kỉ; giáo dục hòa nhập.
15.Ngô Thị Hải Yến. Cơ sở khoa học của việc sử dụng kênh hình trong dạy học địa lí ở nhà trường phổ thông
Tóm tắt: Sử dụng kênh hình là công cụ, là điều kiện quan trọng của quá trình nhận thức, là một loại phương tiện truyền thông có hiệu quả cao vừa tạo ra hình ảnh trực quan cho đối tượng nhận thức vừa chứa đựng một nguồn tri thức rất lớn, phản ánh bản chất của các đối tượng địa lí. Do vậy, việc sử dụng kênh hình là phương pháp đặc trưng, tích cực trong dạy học Địa lí ở nhà trường phổ thông, giúp học sinh nhận thức và giải quyết được các vấn đề đặt ra, chiếm lĩnh tri thức mới một cách dễ dàng và khoa học. Bài viết đã phân tích được cơ sở khoa học về triết học, tâm lí học và khả năng truyền thông của kênh hình trong dạy học Địa lí ở nhà trường phổ thông. Đặc biệt, tác giả đã làm rõ được vai trò, sự cần thiết của của kênh hình trong quá trình nhận thức đối tượng địa lí ở cả giai đoạn cảm tính và lí tính.
Từ khóa: Cơ sở khoa học; kênh hình; dạy học; Địa lí; trường phổ thông.
16.Lê Thái Bảo Thiên Trung. Xây dựng hàm số từ dữ liệu thống kê với sự giúp đỡ của Microsoft Excel trong dạy học toán bằng mô hình hóa
Tóm tắt: Với định hướng tổ chức dạy học và đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học trong giáo dục phổ thông ở nước ta, một mục tiêu quan trọng đặt ra cho dạy học toán là trang bị cho người học khả năng giải quyết các vấn đề có tính thực tế. Vì vậy, chủ đề mô hình hóa toán học cần được đẩy mạnh nghiên cứu. Hiện nay, các bài toán có ngữ cảnh kinh tế đang góp phần làm phong phú mô hình hóa trong dạy học toán. Bài viết đề cập đến vấn đề xây dựng hàm số như một mô hình toán học bài toán kinh tế từ các dữ liệu thống kê với sự giúp đỡ của Microsoft Excel nhằm phục vụ cho việc dạy học bằng mô hình hóa.
Từ khóa: Mô hình hóa toán học; hàm số; bài toán kinh tế; dữ liệu thống kê; Microsoft Excel.
17.Lê Văn Hồng, Hoàng Ngọc Tuyến, Phùng Thị Thủy, Nguyễn Thị Thúy Vinh. Định hướng sử dụng kết quả nghiên cứu và thực hành trong dạy học toán phổ thông vào đào tạo giáo viên toán trung học cơ sở
Tóm tắt: Thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, trong đó có dạy học môn Toán, đã có nhiều thành tựu về nghiên cứu và thực hành. Bài viết đưa ra một số định hướng sử dụng những kết quả đó vào đào tạo giáo viên dạy học toán cấp Trung học cơ sở. Cụ thể: (i) Sử dụng kết quả nghiên cứu, thực hành về dạy học toán phổ thông trong đào tạo giáo viên toán phổ thông theo logic “Học → Dạy → Đào tạo giáo viên”; (ii) Sử dụng kết quả nghiên cứu, thực hành về dạy học toán phổ thông trong đào tạo giáo viên toán phổ thông theo phạm vi thuận lợi cho đào tạo nghề ở các học phần của chương trình đào tạo sư phạm toán học và (iii) Sử dụng kết quả nghiên cứu, thực hành về dạy học toán phổ thông trong đào tạo giáo viên toán phổ thông theo mức độ từ thấp đến cao trong xây dựng và điều chỉnh chương trình đào tạo nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.
Từ khóa: Định hướng;kết quả nghiên cứu; thực hành; dạy học toán; đào tạo; giáo viên; trung học cơ sở.
18.Ngô Xuân Đông. Bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học cơ sở theo tiếp cận năng lực
Tóm tắt: Bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học cơ sở theo tiếp cận năng lực là một yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Trên cơ sở khái niệm năng lực, khung năng lực hiệu trưởng trường trung học cơ sở, tác giả trình bày một số vấn đề về bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học cơ sở theo tiếp cận năng lực: Quan niệm về bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học cơ sở theo tiếp cận năng lực; Sự cần thiết phải bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học cơ sở theo tiếp cận năng lực; Nội dung và phương pháp bồi dưỡng hiệu trưởng trường trung học cơ sở theo tiếp cận năng lực.
Từ khóa: Bồi dưỡng; hiệu trưởng; trường trung học cơ sở; tiếp cận năng lực.
19.Hoàng Gia Trang. Kĩ năng tư vấn tâm lí cơ bản cho giáo viên chủ nhiệm ở trường trung học cơ sở
Tóm tắt: Ở Việt Nam, công tác tư vấn tâm lí cho học sinh phổ thông được ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm từ hơn 10 năm qua. Công tác tư vấn tâm lí giúp học sinh giải quyết khó khăn, vướng mắc, giải tỏa căng thẳng tâm lí, cảm xúc. Giáo viên nói chung, giáo viên chủ nhiệm nói riêng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ tư vấn tâm lí. Từ đó, giáo viên chủ nhiệm cần có một số kĩ năng tư vấn tâm lí cơ bản sau: Kĩ năng giao tiếp; Kĩ năng xử lí thông tin; Kĩ năng thấu hiểu học sinh; Kĩ năng phối hợp các lực lượng trong và ngoài nhà trường; Kĩ năng hỗ trợ tìm kiếm giải pháp; Kĩ năng đánh giá. Giáo viên thực hiện tốt công tác tư vấn tâm lí cho học sinh sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách của các em và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho các nhà trường.
Từ khóa: Tư vấn tâm lí; kĩ năng; giáo viên chủ nhiệm; trung học cơ sở.
20.Trương Đức Cường. Phát triển đội ngũ giảng viên ngành Quản lí Văn hóa ở trường đại học đáp ứng nhu cầu xã hội
Tóm tắt: Ngành Quản lí Văn hóa thuộc nhóm khoa học xã hội với sự liên kết liên ngành, ngoài phần kiến thức đại cương theo quy định chung thì cơ sở ngành, kiến thức ngành và chuyên ngành được thiết kế một cách hợp lí, một số chuyên ngành thuộc nhóm nghệ thuật có tính đặc thù như: Âm nhạc, sân khấu, mĩ thuật, múa, tổ chức sự kiện... rất cần được quan tâm, là yêu cầu đặt ra cho công tác quản lí và quy hoạch đội ngũ giảng viên. Quá trình đào tạo cử nhân ngành Quản lí văn hóa đáp ứng nhu cầu xã hội cần có một hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ, có mối liên hệ biện chứng chặt chẽ với nhau. Đội ngũ giảng viên quyết định chất lượng và thương hiệu của một nhà trường do đó cần phải đầu tư để đạt chuẩn về trình độ. Quản lí tốt đội ngũ giảng viên sẽ làm cho chương trình đào tạo được vận hành một cách thông suốt, chất lượng giáo trình, bài giảng sẽ được nâng cao, phương pháp giảng dạy sẽ được đổi mới và trang thiết bị phục vụ giảng dạy sẽ được khai thác một cách hiệu quả.
Từ khóa: Phát triển; đội ngũ giảng viên; quản lí văn hóa; giáo dục đại học.
21.Nguyễn Quốc Anh, Cao Ngọc Châu, Phan Duy Nghĩa. Bồi dưỡng kĩ năng mềm cho giáo viên mầm non và phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Tóm tắt: Giáo dục kĩ năng mềm cho học sinh hiện nay là nhu cầu cần thiết để đổi mới giáo dục và phát triển xã hội. Để làm được điều này, trước hết cần phải đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên các trường học từ mầm non đến phổ thông và giáo dục nghề nghiệp những kĩ năng mềm cơ bản để từ đó họ có thể đáp ứng được yêu cầu về giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Bài viết tập trung vào nội dung bồi dưỡng kĩ năng mềm cho giáo viên mầm non và phổ thông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và xu thế hội nhập hiện nay.
Từ khóa: Bồi dưỡng; kĩ năng mềm; giáo viên; mầm non; phổ thông.
22.Lê Thị Thanh Sang. Trải nghiệm khám phá khoa học đối với sự phát triển ngôn ngữ nói của trẻ khiếm thính 5-6 tuổi
Tóm tắt: Trải nghiệm khám phá khoa học có thể được coi là một phương tiện góp phần giúp trẻ khiếm thính phát triển ngôn ngữ nói. Khám phá khoa học với những hoạt động trải nghiệm thực tiễn sinh động, tạo cho trẻ có cơ hội để tích cực quan sát tìm tòi, phát hiện những điều thú vị về các sự vật, hiện tượng xung quanh giúp trẻ có cơ hội được giao tiếp ngôn ngữ, hiểu được mối liên hệ giữa lời nói và hành động trực quan trong hoạt động. Thông qua việc trải nghiệm khám phá và được giao tiếp, vốn từ của trẻ được củng cố mở rộng. Giáo viên lựa chọn hoạt động khám phá phù hợp, lựa chọn phương pháp hướng dẫn cho trẻ hoạt động một cách khoa học thì có thể phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính đạt hiệu quả.
Từ khóa: Trải nghiệm; khám phá khoa học; phát triển; ngôn ngữ nói; trẻ khiếm thính 5-6 tuổi.

NGHIÊN CỨU THỰC TIỄN GIÁO DỤC
:
23.Đỗ Văn Đoạt. Thực trạng năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong các trường trung học phổ thông công lập ở tỉnh Bắc Ninh
Tóm tắt: Bài viết phân tích thực trạng năng lực lãnh đạo của cán bộ nữ trong các trường trung học phổ thông công lập ở tỉnh Bắc Ninh. Dựa trên kết quả khảo sát 326 cán bộ quản lí và giáo viên ở các trường trung học phổ thông của tỉnh Bắc Ninh cho thấy những năng lực lãnh đạo được đánh giá cao nhất là: Xây dựng kế hoạch lãnh đạo đơn vị; Giao tiếp trong quản lí lãnh đạo đơn vị; Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lí lãnh đạo đơn vị. Những năng lực có mức độ đánh giá thấp nhất là: Năng lực sử dụng tiếng nước ngoài; Năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, quản lí giáo dục; Năng lực sử dụng công nghệ thông tin. Trên cơ sở đó, tác giả phân tích các nguyên nhân của thực trạng để làm cơ sở định hướng giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo cho nữ cán bộ trường trung học phổ thông.
Từ khóa: Năng lực; năng lực lãnh đạo; cán bộ nữ; trường trung học phổ thông.
24.Phạm Minh Giản, Phạm Hữu Ngãi. Tiếp cận chuẩn hiệu trưởng: Cơ sở để phát triển đội ngũ cán bộ quản lí trường trung học phổ thông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Tóm tắt: Hiệu trưởng trường trung học phổ thông là người đứng đầu nhà trường, có vai trò quan trọng nhất trong quá trình thiết lập những định hướng, tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản lí và thúc đẩy các hoạt động khác tạo sự thành công cho trường học. Quản lí trường trung học phổ thông trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi ở hiệu trưởng những yêu cầu về hiểu biết, phẩm chất và năng lực hành động nhất định. Vì vậy, cán bộ quản lí trường trung học phổ thông cần được bồi dưỡng phát triển năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ điều hành nhà trường trong bối cảnh đổi mới. Bài viết đề cập đến hướng tiếp cận chuẩn hiệu trưởng trường trung học phổ thông làm cơ sở để phát triển đội ngũ cán bộ quản lí trường trung học phổ thông vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
 Từ khóa: Tiếp cận; chuẩn hiệu trưởng; hiệu trưởng; trung học phổ thông.
25.Nguyễn Trà. Nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ giáo dục công ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi hiện nay
Tóm tắt: Nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ giáo dục công được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Sở Giáo dục và Đào tạo nói chung và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi nói riêng nhằm góp phần đổi mới quản lí giáo dục hiện nay. Để góp phần đạt được mục tiêu theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, đồng thời thực hiện đổi mới quản lí giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cần áp dụng đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ giáo dục công trong giai đoạn hiện nay như: Chuẩn hóa quy trình, biểu mẫu thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giáo dục; Công khai quy trình, biểu mẫu thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực giáo dục; Tổ chức bộ máy phục vụ tinh gọn với nhân sự phù hợp và tổ chức cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, hiệu quả; Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị và sử dụng phần mềm tin học hiệu quả; Đo lường sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ; Cải tiến hiệu quả và chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Qua đó, việc cung ứng dịch vụ giáo dục công góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Từ khóa: Dịch vụ giáo dục công; hiệu quả; chất lượng; Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi.
26.Hoàng Anh Viện. Đo lường tài sản thương hiệu các trường đại học tại miền Trung
Tóm tắt: Bài viết đo lường tài sản thương hiệu các trường đại học tại miền Trung dựa trên cảm nhận của sinh viên đang theo học. Nghiên cứu được thực hiện trên một mẫu gồm 412 sinh viên. Kết quả cho thấy thang đo tài sản thương hiệu gồm 8 thành phần: Nhận biết thương hiệu, chất lượng giảng viên, danh tiếng trường đại học, lòng trung thành, cơ sở vật chất, dịch vụ thư viện, khả năng ngôn ngữ và phát triển nghề nghiệp. Kết quả lòng trung thành thương hiệu tác động mạnh nhất (β=0,385) đến tài sản thương hiệu tổng thể, tiếp theo là danh tiếng trường học (β=0,270) và chất lượng giảng viên (β=0,242).
Từ khóa: Đo lường; tài sản thương hiệu; trường đại học; miền Trung.

NGHIÊN CỨU GIÁO DỤC NƯỚC NGOÀI
27.Phạm Đức Quang. Kinh nghiệm phát triển chương trình giáo dục phổ thông của Cộng hòa liên bang Đức
Tóm tắt: Cộng hòa Liên bang Đức đã xây dựng chương trình tổng thể chung cho toàn liên bang. Căn cứ vào đó, từng bang dạy học, đánh giá theo chuẩn và yêu cầu chương trình giáo dục mỗi bang phải đảm bảo đạt được chuẩn chung. Việc mô tả các bậc năng lực cho từng môn học trong chương trình giáo dục phổ thông ở Đức cần phối kết hợp cả ba phương diện: Các lĩnh vực năng lực; Tính phức hợp của nội dung và đối tượng; Các mức độ khác nhau của quá trình nhận thức. Nước Đức xác định xây dựng chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng năng lực; chú trọng mạch kiến thức chủ đạo; tăng cường phân hóa; coi trọng dạy học tích hợp, liên môn; xác định khung/chuẩn trình độ đào tạo; chuyển sang chương trình mở; tăng quyền tự chủ về chương trình cho các nhà trường; phù hợp với định hướng phát triển quốc gia. Những kinh nghiệm phát triển chương trình giáo dục của Cộng hòa Liên bang đức là bài học quý báu cho việc phát triển chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 của Việt Nam. 
Từ khóa: Chương trình; giáo dục phổ thông; Khoa học tự nhiên; học sinh.
28.Bùi Diệu Quỳnh. So sánh chương trình môn Tiếng Anh cấp Trung học cơ sở của Nga và Việt Nam
Tóm tắt: Định hướng phát triển năng lực người học đang là xu hướng mà mọi môn học phải tiếp cận trong quá trình xây dựng và phát triển, trong đó có Chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Anh. Ở Việt Nam, đây là môn học tiên phong trong việc biên soạn và xây dựng chương trình theo định hướng trên với mục tiêu trọng tâm là phát triển năng lực giao tiếp bằng ngoại ngữ của người học. Bài viết so sánh Chương trình môn Tiếng Anh cấp Trung học cơ sở của Nga và Việt Nam nhằm tìm ra điểm giống và khác nhau, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa Chương trình tiếng Anh cấp Trung học cơ sở thí điểm nhằm hướng tới việc phát triển năng lực của học sinh. 
Từ khóa: So sánh; chương trình; môn Tiếng Anh; trung học cơ sở; Nga; Việt Nam.