Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 139

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 13, tháng 4 năm 2017

1. NGÀNH HỌC SƯ PHẠM VÀ KHOA HỌC GIÁO DỤC GIÁO VIÊN

PHAN TRỌNG NGỌ
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
ngotamly@gmail.com


Tóm tắt: Bài viết đề cập tới Ngành học Sư phạm và Khoa học giáo dục giáo viên ở Việt Nam về tổ chức bộ máy quản lí nghiên cứu và triển khai nghiên cứu. Theo đó, Khoa học giáo dục giáo viên là khoa học nghiên cứu về dạy học và giáo dục trong nhà trường và nghiên cứu quá trình giáo dục cá nhân thành nhà giáo dục. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế, Khoa học giáo dục giáo viên gặp nhiều khó khăn, bắt nguồn từ nhận thức, từ tổ chức bộ máy quản lí, đầu tư nghiên cứu cũng như ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục giáo viên. Giải pháp tiên quyết là thay đổi nhận thức, đi liền với cấu trúc lại hệ thống sư phạm cũng như đầu tư nghiên cứu khoa học giáo dục giáo viên trên cơ sở xây dựng và phát triển mạnh mẽ các Viện, Trung tâm nghiên cứu sư phạm trong các trường đại học sư phạm.

Từ khóa: Ngành học Sư phạm; khoa học giáo dục; giáo viên.

2. VẤN ĐỀ TIẾP NHẬN VÀ GIẢI MÃ VĂN BẢN VĂN HỌC TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN MỚI

Đỗ Ngọc Thống
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: thongdongoc@yahoo.com


Tóm tắt: Bài viết đề cập đến vấn đề tiếp nhận và giải mã văn bản văn học trong chương trình Ngữ văn mới. Trong bài, tác giả phân tích: 1/ Xu thế và quan niệm quốc tế về đọc hiểu văn bản; 2/ Định hướng và yêu cầu về đọc hiểu của chương trình Ngữ văn mới. Theo tác giả bài viết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung môn Ngữ văn được phân chia theo hai giai đoạn, đó là giai đoạn giáo dục cơ bản và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Yêu cầu cần đạt về đọc hiểu văn bản trong nhà trường gồm: Hiểu nội dung văn bản; hiểu hình thức thể hiện; vận dụng, liên hệ, so sánh ngoài văn bản. Trong văn bản văn học, ngữ liệu cho tất cả các lớp đều phải có văn bản tự sự và văn bản trữ tình. Độ khó của các văn bản đọc tăng dần qua từng năm học. Thời gian để dạy học một văn bản phải tương thích với độ dài và độ phức tạp của văn bản để giáo viên có thể giúp học sinh tiếp cận đầy đủ văn bản, học sinh có cơ hội đọc trực tiếp và trọn vẹn những tác phẩm được chọn học.

Từ khóa: Văn bản; văn bản văn học; đọc hiểu văn bản; chương trình Ngữ văn mới.

3. NÂNG CAO KĨ NĂNG NHẬN THỨC TOÁN HỌC CƠ BẢN CHUẨN BỊ NGUỒN NHÂN LỰC CHO NỀN KINH TẾ TRI THỨC Ở VIỆT NAM

Trần Vui
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Email: tranvui@yahoo.com


Tóm tắt: Bài viết phân tích những vấn đề học được từ kết quả đánh giá quốc tế PISA 2012 và 2015 về giáo dục môn Toán trung học ở Việt Nam. Theo tác giả bài viết, học sinh trung học Việt Nam đã chứng tỏ được năng lực nắm bắt những kĩ năng nhận thức toán học cơ bản trong giải quyết các vấn đề thực tế theo bối cảnh. Giáo viên dạy Toán ở Việt Nam có kiến thức toán cơ sở vững chắc và biết cách phát triển tư duy toán học cho học sinh. Từ những nhận định của thế giới, tác giả mô tả, minh chứng, đưa ra các dữ liệu đáng tin cậy để phân tích về tiềm năng của học sinh và giáo viên dạy môn Toán Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho nền kinh tế tri thức.

Từ khóa: Kĩ năng; nhận thức; toán học cơ bản; nguồn nhân lực trẻ; nền kinh tế tri thức.

4. BẢN CHẤT GIÁO DỤC CÔNG DÂN TOÀN CẦU TRONG HỆ THỐNG GIÁO DỤC

NGUYỄN TIẾN HÙNG
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: hunga60@gmail.com


Tóm tắt: Mục tiêu của giáo dục công dân toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức xã hội và hành vi của người học trở thành công dân toàn cầu để có thể đóng góp và thành công trong xã hội toàn cầu công bằng, an toàn, khoan dung và hòa bình. Bản chất của giáo dục công dân toàn cầu cần đảm bảo được các đặc trưng: Bảo vệ chân giá trị con người; Đảm bảo quyền con người; Phụ thuộc giữa địa phương và toàn cầu; Đa dạng và đồng nhất; Dân chủ và đối thoại; Giáo dục phát triển các kĩ năng tình cảm – xã hội. Để thực hiện thành công giáo dục công dân toàn cầu, hệ thống giáo dục cần thay đổi đến tận khi cơ sở giáo dục/nhà trường và các tổ chức giáo dục liên quan tự nó trở thành cộng đồng học tập và có sự tham dự của người học, người dạy, gia đình, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội...

Từ khóa: Công dân toàn cầu; hệ thống giáo dục; cơ sở giáo dục/nhà trường.

5. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ CỦA VIỆT NAM

Nguyễn Đức Huy
Văn phòng Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước
Email: ndhuy@moet.edu.vn


Tóm tắt: Phát triển đội ngũ giáo sư và phó giáo sư có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt việc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Bài viết phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn và quan điểm phát triển đội ngũ giáo sư và phó giáo sư hiện nay. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp cụ thể về phát triển đội ngũ giáo sư và phó giáo sư nhằm đáp ứng cho sự phát triển của Việt Nam. Theo tác giả bài viết, Việt Nam đang ngày càng hội nhập quốc tế mạnh mẽ cả về kinh tế và khoa học công nghệ, mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường việc tiếp cận và tiếp thu các thành tựu, tiến bộ khoa học và công nghệ trên thế giới. Đội ngũ giáo sư và phó giáo sư là lực lượng tri thức nòng cốt, giữ vai trò quyết định và dẫn dắt việc phát triển sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học của Việt Nam trong thời kì mới. Vì vậy cần quan tâm phát triển và có chính sách đầu tư thỏa đáng đối với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam.

Từ khóa: Giáo sư; phó giáo sư; phát triển; giáo dục; khoa học.

6. ỨNG DỤNG PHƯƠNG PHÁP MỜ TOPSIS TRONG ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CỦA GIẢNG VIÊN

NGUYỄN QUYẾT
Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan TP.Hồ Chí Minh
Email: nguyenquyetk16@gmail.com

LÊ HOÀNG VIỆT PHƯƠNG
Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh
Email: Lehoangvietphuong@iuh.edu.vn


Tóm tắt: Bài viết giới thiệu phương pháp mờ TOPSIS (Technique for Order of Preference by Similarity to Ideal Solution) và ứng dụng nó trong việc đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên. Thuật toán TOPSIS được cải tiến và áp dụng trên dữ liệu mờ theo 7 bước sau: Bước 1: Xếp hạng các tiêu chí; Bước 2: Tìm ma trận quyết định; Bước 3: Chuẩn hóa ma trận quyết định; Bước 4: Tìm trọng số của ma trận chuẩn hóa; Bước 5: Tìm nghiệm lí tưởng mờ dương và âm; Bước 6: Khoảng cách mờ của mỗi lựa chọn từ nghiệm lí tưởng mờ dương và âm; Bước 7: Tìm hệ số khoảng cách mờ. Các trường đại học ở Việt Nam đã thực hiện đánh giá hoạt động giảng dạy của giảng viên nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và nâng cao chất lượng người học trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Từ khóa: Phương pháp mờ TOPSIS; đánh giá; chất lượng; giảng viên.

7. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN MẦM NON THỰC HIỆN NUÔI, DẠY TRẺ DƯỚI 36 THÁNG TUỔI Ở VIỆT NAM

Nguyễn Thị Mỹ Trinh
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: mytrinhdhv@gmail.com

Cù Thị Thủy
Bộ Giáo dục và Đào tạo
Email:ctthuy@moet.edu.vn


Tóm tắt: Đội ngũ giáo viên mầm non là yếu tố quyết định chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ mầm non. Để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ dưới 3 tuổi, rất cần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non thực hiện nuôi, dạy trẻ độ tuổi này. Bài viết phân tích thực trạng, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non làm việc với trẻ em dưới 3 tuổi, từ đó đưa ra một số khuyến nghị để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này ở Việt Nam.

Từ khóa: Đào tạo; bồi dưỡng; giáo viên mầm non; trẻ dưới 36 tháng tuổi.

8. ĐÀO TẠO NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM THEO TIẾP CẬN NĂNG LỰC VÀ XU HƯỚNG ĐỔI MỚI TẠI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRONG GIÁO DỤC PHỔ THÔNG

LÊ HỒNG HẠNH
Trường Đại học Thủ đô Hà Nội
Email: lhhanh@daihocthudo.edu.vn


Tóm tắt: Đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo tiếp cận năng lực là hướng tiếp cận phù hợp đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Bài viết đề cập đến quá trình đào tạo nghiệp vụ sư phạm theo tiếp cận năng lực với sự định hướng từ mục tiêu và được cụ thể hóa bằng nội dung đào tạo với phương pháp, tổ chức thực hiện, các hình thức và phương thức kiểm tra, đánh giá. Trên cơ sở đó, cùng với các công trình nghiên cứu về thực trạng trong đào tạo nghiệp vụ sư phạm hiện nay, xu hướng đổi mới trong công tác đào tạo giáo viên, đào tạo nghiệp vụ sư phạm cần: Xác định mô hình, xây dựng chương trình, tổ chức thực hiện và tạo sự liên hệ chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các trường phổ thông nơi tuyển dụng giáo viên.

Từ khóa: Đào tạo; nghiệp vụ sư phạm; tiếp cận năng lực; đào tạo giáo viên.

9. NÂNG CAO NĂNG LỰC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO GIẢNG VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

TRƯƠNG XUÂN CỪ
Ban Chỉ đạo Tây Bắc
Email: truongxuancu@yahoo.com


Tóm tắt: Nội dung bài viết đề cập tới năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trường đại học sư phạm. Kết quả khảo sát 196 giảng viên của một số trường đại học có ngành Sư phạm cho thấy, năng lực nghiên cứu khoa học của đa số giảng viên đại học sư phạm hiện nay chưa cao cả về phương diện nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Vì vậy, cần thiết phải triển khai các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của trường đại học sư phạm theo hướng chuẩn hoá nhằm đáp ứng yêu cầu về năng lực nghiên cứu khoa học và nhu cầu bồi dưỡng của giảng viên.

Từ khoá: Nâng cao; năng lực; nghiên cứu khoa học; giảng viên; trường đại học sư phạm.

10. VAI TRÒ CỦA TRẮC NGHIỆM TRONG THAM VẤN NGHỀ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

TRƯƠNG THỊ HOA
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: hoatlgd@yahoo.com


Tóm tắt: Hiện nay, trong công tác tư vấn, tham vấn hướng nghiệp, trắc nghiệm tâm lí là một trong những công cụ tương đối hiệu quả để đánh giá tính cách, khí chất, năng lực, sở thích của học sinh. Các trắc nghiệm thường được sử dụng trong tham vấn nghề: Trắc nghiệm “Chìa khóa nghề nghiệp” của John Holland; Trắc nghiệm khí chất và những công việc phù hợp cho nhiều khí chất khác nhau của H.J. Eysenck; Trắc nghiệm MBTI; Trắc nghiệm tâm lí tìm hiểu hứng thú nghề nghiệp của A.E.Gôlômstôc; Trắc nghiệm IQ của Alfred.W.MunZent; Trắc nghiệm trí sáng tạo TST-N - CQ của K.J.Schoppe. Qua đó, kết quả của trắc nghiệm tâm lí là một trong những thông tin quan trọng để các nhà giáo dục hướng nghiệp định hướng nghề nghiệp cho học sinh, giúp học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, hứng thú, tính cách của bản thân.

Từ khóa: Trắc nghiệm; tham vấn nghề; học sinh; trung học phổ thông.

11. KHÁI QUÁT HÓA VÀ TRỪU TƯỢNG HÓA TRONG TOÁN CAO CẤP

Nguyễn Chiến Thắng
Trường Đại học Vinh
Email: ncthang2009@gmail.com

Lê Thị Ngọc Thúy
Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An
Email: thuy76sp@gmail.com



Tóm tắt: Bài viết đề cập đến vấn đề khái quát hóa và trừu tượng hóa trong Toán cao cấp. Trong bài, tác giả phân tích: 1/Các quá trình khái quát hóa và trừu tượng hóa khi hình thành kiến thức nói chung, khái niệm nói riêng trong toán cao cấp; 2/ Phân tích những trở ngại và cách thức vượt qua khi tiến hành các quá trình đó; 3/ Cách tiếp cận sự phân loại khái quát hóa, trừu tượng hóa về mặt nhận thức và một số phương hướng nhằm phát triển từng loại khái quát hóa trong dạy học kiến thức toán cao cấp ở bậc đại học. Theo tác giả bài viết, khái quát hóa và trừu tượng hóa được xem là hai thao tác quan trọng nhất trong quá trình hình thành các khái niệm toán cao cấp. Chúng liên quan mật thiết với nhau và bổ sung cho nhau trong quá trình phát sinh, phát triển trí tuệ của người học, đặc biệt đối với các sinh viên ngành Sư phạm Toán học ở bậc đại học. Có thể xem khái quát hóa là chặng đường mở đầu và trừu tượng hóa là chặng đường kết thúc trong hành trình tới chân lí của một kiến thức toán cao cấp nói chung hay một khái niệm toán học cao cấp nói riêng.

Từ khoá: Khái quát hoá (generalization); trừu tượng hoá (abstraction); toán cao cấp (advanced mathematics); sinh viên; đại học.

12. PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC DẠY HỌC CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC NGÀNH SƯ PHẠM TOÁN

PHAN ANH HÙNG
Trường Đại học Vinh
Email: hungpdt1977@gmail.com


Tóm tắt: Năng lực dạy học là một bộ phận cấu thành của năng lực sư phạm của giáo viên. Việc phát triển năng lực dạy học cho sinh viên đại học ngành Sư phạm Toán cần được phát triển qua các hoạt động trong nhà trường sư phạm: Đối với việc dạy học các môn Toán cơ bản và nghiệp vụ; Đối với các hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên; Đối với các hoạt động thực tập sư phạm tập trung; Đối với các hoạt động khác như sinh hoạt câu lạc bộ chuyên đề và thi nghiệp vụ sư phạm. Qua đó, năng lực dạy học Toán của giáo viên góp phần hình thành và phát triển các năng lực cho học sinh: Năng lực tư duy với các thao tác chủ yếu; Năng lực giải quyết vấn đề; Năng lực mô hình hóa Toán học; Năng lực giao tiếp; Năng lực sử dụng các công cụ, phương tiện học toán; Năng lực học tập độc lập với phương pháp phù hợp.

Từ khóa: Năng lực sư phạm; sinh viên; ngành Sư phạm Toán; năng lực dạy học toán.

13. BỒI DƯỠNG NĂNG LỰC NGỮ VĂN CHO HỌC SINH THÔNG QUA BIỆN PHÁP XÂY DỰNG HỆ THỐNG CÂU HỎI, BÀI TẬP TRONG DẠY HỌC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

TRẦN THỊ HẠNH PHƯƠNG
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2
Email: hanhphuong2009@gmail.com


Tóm tắt: Trong nhà trường phổ thông, môn Ngữ văn là môn học nền tảng, là một bộ phận quan trọng tạo nên trình độ văn hóa của con người. Việc nâng cao hiệu quả của dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông đòi hỏi cần có một sự đổi mới cơ bản về nội dung cũng như phương pháp dạy học nhằm phát huy vai trò tích cực, chủ động của học sinh. Xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập, thực hành luyện tập thông qua dạy học đọc hiểu văn bản văn học là một trong những biện pháp được giáo viên sử dụng phổ biến nhằm bồi dưỡng, phát triển năng lực Ngữ văn (năng lực tiếp nhận văn học) cho học sinh ở nhà trường trung học phổ thông.

Từ khóa: Năng lực Ngữ văn; Dạy đọc hiểu văn bản; Trung học phổ thông.

14. VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG TRƯỚC YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC VIỆT NAM

NGUYỄN VĂN HẠNH
Trường Đại học Vinh
Email: nguyenvanhanhkv@gmail.com


Tóm tắt: Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đã trở thành một đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, được xã hội đồng tình, hưởng ứng. Song đổi mới như thế nào? Nguyên tắc cơ bản để đổi mới là gì? Đổi mới những gì?... Từ cách nhìn đó, bài viết phân tích, lí giải một số vấn đề như: Mục tiêu dạy, học văn học nước ngoài ở trường trung học phổ thông; thực trạng của việc dạy học văn học nước ngoài ở trường trung học phổ thông và nguyên nhân của nó. Từ đó, đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy, học văn học nước ngoài ở trường trung học phổ thông, như: cấu trúc chương trình, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Từ khóa: Văn học nước ngoài; trường trung học phổ thông; đổi mới giáo dục; Việt Nam.

15. GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG NHÀ TRƯỜNG TRUNG HỌC - MỘT SỐ VẤN ĐỀ NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP

Phạm Việt Thắng
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: vietthang271077@yahoo.com.vn


Tóm tắt: Giáo dục pháp luật cho học sinh trung học là nhiệm vụ lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo nói chung và của giáo viên dạy học môn Giáo dục công dân trong các nhà trường phổ thông nói riêng. Thực tiễn giáo dục pháp luật hiện nay ở các nhà trường cho thấy hiệu quả của công tác này chưa cao, trong đó có những nguyên nhân liên quan đến nội dung và phương pháp dạy học bộ môn. Việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo hứa hẹn nhiều thay đổi tích cực trong chương trình môn Giáo dục công dân để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn đất nước. Từ thực tế đó, bài viết đề xuất một số nguyên tắc, nội dung và phương pháp dạy học cần ưu tiên khi xây dựng chương trình môn Giáo dục công dân nhằm đưa thực tiễn giáo dục pháp luật cho học sinh đi vào thực chất.

Từ khóa: Giáo dục công dân; giáo dục pháp luật; trường trung học; dạy học tình huống; tình huống pháp luật.

16. VỀ DẠY HỌC MÔN TOÁN VÀ VẤN ĐỀ KẾT NỐI TOÁN HỌC VỚI THỰC TIỄN TRONG DẠY HỌC

NGUYỄN TIẾN TRUNG
Tạp chí Giáo dục
Email: nttrung@moet.edu.vn


Tóm tắt: Toán học là môn học, lĩnh vực gắn chặt với thực tiễn, nảy sinh và phát triển từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn sinh động. Bài viết đề cập tới những vấn đề về việc dạy học môn Toán gắn với thực tiễn, việc phát triển kĩ năng Toán học cho học sinh thông qua việc tổ chức để giải các bài toán có nội dung thực tiễn hay các bài toán thực tiễn và những điều chỉnh trong quá trình dạy học môn Toán. Tiếp đó, bài báo trình bày một số ví dụ (trong một chuyên đề dạy học được thiết kế và thực hiện dạy cho học sinh lớp 10 Trung học phổ thông sau khi học sinh đã học về hàm số bậc hai) theo hướng phát triển tư duy, gắn với thực tiễn và sử dụng các phần mềm trong quá trình giải quyết vấn đề.

Từ khoá: Dạy học; môn Toán; kết nối; toán học; thực tiễn.

17. TÍCH HỢP GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG MÔN TỰ NHIÊN XÃ HỘI LỚP 1, 2, 3 Ở TIỂU HỌC

Bùi Thị Kim Thúy
Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội
Email: c1hoanghoatham-bd@hanoiedu.vn


Tóm tắt: Bài viết đề cập đến việc tích hợp bảo vệ môi trường trong môn Tự nhiên Xã hội ở chương trình tiểu học lớp 1, 2, 3. Theo tác giả, trong tất cả các môn học ở trường tiểu học thì môn Tự nhiên Xã hội được xem là môn học lí tưởng để lồng ghép các nội dung tích hợp giáo dục môi trường cho học sinh bởi vì môn học này vừa gần gũi với học sinh vừa thực tế giúp học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Hiệu quả của việc tích hợp bảo vệ môi trường trong môn Tự nhiên Xã hội ở trường tiểu học sẽ là tài liệu tham khảo và tạo nên xu thế giảng dạy có hiệu quả về việc tích hợp bảo vệ môi trường ở tất cả các môn học không chỉ riêng môn Tự nhiên Xã hội ở chương trình tiểu học mà còn ở tất cả các môn trong mọi cấp học.

Từ khóa: Tích hợp; giáo dục; bảo vệ môi trường; môn Tự nhiên Xã hội; cấp Tiểu học.

18. THỰC TRẠNG QUẢN LÍ ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN TIỂU HỌC TỈNH ĐẮK NÔNG TRƯỚC YÊU CẦU ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY

Đỗ Thị Việt Hà
Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông
Email: dovietha256@yahoo.com.vn

Nguyễn Hữu Châu
Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội
Email: chau.niesac@yahoo.com



Tóm tắt: Bài viết trình bày về thực trạng quản lí đội ngũ giáo viên tiểu học tỉnh Đắk Nông trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu thu được từ 170 cán bộ quản lí đang công tác tại Sở, các phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng, hiệu phó và 852 giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, tác giả bài viết chỉ ra rằng còn nhiều hạn chế trong quá trình quản lí đội ngũ giáo viên tiểu học ở tỉnh Đắk Nông. Thực trạng đó đòi hỏi cần thiết phải có các biện pháp quản lí hiệu quả nhằm tăng cường sự cống hiến của các giáo viên tiểu học ở tỉnh Đắk Nông nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Từ khóa: Thực trạng; quản lí; đội ngũ giáo viên; giáo viên tiểu học; đổi mới giáo dục.

19. TƯƠNG QUAN GIỮA ĐẶC ĐIỂM NHÂN CÁCH VÀ PHONG CÁCH HỌC TẬP CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC BÁCH KHOA HÀ NỘI

BÙI THỊ THÚY HẰNG
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Email:buithithuyhang@yahoo.com


Tóm tắt: Trắc nghiệm NEO-PI-R được xây dựng dựa trên nguyên lí mô hình 5 nhân tố lớn của nhân cách: Nhiễu tâm, hướng ngoại, cởi mở, đồng thuận và tận tâm. Bài viết trình bày cơ sở lí luận về nhân cách, phong cách học tập cùng với kết quả nghiên cứu tìm hiểu mối tương quan giữa đặc điểm nhân cách và phong cách học tập trên 228 sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Những hiểu biết về đặc điểm nhân cách và phong cách học tập của sinh viên cùng mối liên hệ giữa hai biến nghiên cứu này sẽ là cơ sở để lựa chọn các hình thức, phương pháp dạy học phù hợp với từng nhóm người học.

Từ khóa: Đặc điểm nhân cách; sinh viên; phong cách học tập.

20. ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO NGÀNH NGÂN HÀNG TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM GIA NHẬP CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN

NGUYỄN THỊ DIỄM HIỀN
Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh
Email: hienntd@uel.edu.vn


Tóm tắt: Trước yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực cải thiện hoạt động, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng thị trường và tăng năng lực cạnh tranh với các ngân hàng ngoại. Khối ngành kinh tế trong hầu hết các trường đại học ở Việt Nam đều có chương trình đào tạo ngành Tài chính ngân hàng tập trung nguồn lực để xây dựng và vận hành chương trình học hướng đến việc đáp ứng ngay các yêu cầu của nguồn nhân lực ngành Tài chính ngân hàng phù hợp với yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng. Bài viết nhằm đánh giá thực trạng đào tạo nhân lực ngành Tài chính ngân hàng nói chung, ngành Ngân hàng nói riêng tại một số trường đại học Việt Nam trước xu thế hội nhập và nguồn lao động được di chuyển tự do trong khối ASEAN.

Từ khóa: Đào tạo; nhân lực chất lượng cao; ngành Ngân hàng; trường đại học; cộng đồng kinh tế ASEAN.

21. THỰC TRẠNG QUẢN LÍ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA NHÀ TRƯỜNG Ở CÁC TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG

VŨ THỊ QUỲNH
Trường Cao đẳng Múa Việt Nam
Email: thanhquynh9036@gmail.com


Tóm tắt: Văn hóa nhà trường có ảnh hưởng tới chất lượng trong mỗi nhà trường. Ở mỗi cấp học, bậc học thì việc xây dựng và phát huy những yếu tố tích cực trong văn hóa nhà trường là cần thiết. Trong đó hệ thống nhà trường cao đẳng sư phạm với đặc thù đào tạo GV cho các bậc học từ Mầm Non, Tiểu học, Trung học cơ sở thì việc xác định đúng vị trí và tiến hành quá trình quản lí phát triển văn hóa nhà trường có tác động rất lớn tới chất lượng đào tạo. Thực trạng về phát triển và quản lí phát triển văn hóa nhà trường tại các trường cao đẳng sư phạm vùng Đồng bằng Sông Hồng chúng ta có thể thấy nhận thức về vấn đề phát triển văn hóa nhà trường của các thành viên đã có nhưng chưa đồng đều, thống nhất. Các nhà trường đang trong quá trình định hình lại các giá trị văn hóa nhà trường nhưng vẫn chưa có sự nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của phát triển văn hóa nhà trường.

Từ khóa: Thực trạng; quản lí; phát triển; văn hóa nhà trường; trường cao đẳng sư phạm; vùng Đồng bằng Sông Hồng.

22. RÈN LUYỆN VÀ PHÁT TRIỂN CÁC NĂNG LỰC TRÍ TUỆ QUA DẠY HỌC TOÁN LỚP 11 CỦA NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

SOMCHAY SONGSAMAYVONG
Bộ Giáo dục Lào
Email: somchay2313598@gmail.com

NGUYỄN NGỌC GIANG
Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh
Email: nguyenngocgiang.net@gmail.com


Tóm tắt: Rèn luyện và phát triển các năng lực trí tuệ là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc dạy học Toán ở nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào hiện nay. Học sinh không những cần được trang bị kiến thức toán học mà còn cần được trang bị cách thức tư duy, phát hiện giải quyết vấn đề. Để làm được điều này, các em cần được bồi dưỡng phương pháp học nhằm tăng cường tính độc lập, sáng tạo. Học sinh sau khi học sẽ hình thành được thế giới quan biện chứng, nhìn nhận vấn đề trong tính thống nhất và mối liên hệ hữu cơ, gắn bó khăng khít với nhau. Bài viết đề cập đến vấn đề rèn luyện và phát triển các năng lực trí tuệ qua dạy học Toán lớp 11 của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Từ khóa: Rèn luyện; phát triển; năng lực trí tuệ; dạy học; toán; Lào.

23. GIỚI THIỆU MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN VÀ CÁCH THỨC ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP CỦA HỌC SINH TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC Ở VƯƠNG QUỐC ANH

Nguyễn Thị Phương Thủy
Học viện Chính trị Công an Nhân dân
Email: thuymo_04@yahoo.com


Tóm tắt: Giáo dục công dân được giới thiệu dưới dạng một môn học vào năm 2002 và trở thành một môn học bắt buộc năm 2014 ở các giai đoạn 3 và 4 (độ tuổi 11-16) trong chương trình giáo dục quốc gia của nước Anh. Trong chương trình giáo dục của Anh, mục đích của môn Giáo dục công dân là nhằm giúp học sinh học tập, tìm hiểu về các quá trình chính trị, về dân chủ, thấm nhuần giá trị quốc gia, các cam kết đối với đất nước, học sinh cũng được đào tạo tri thức về văn hoá, các nền tảng xã hội. Chương trình Giáo dục công dân của Anh chú trọng đến phương diện, cách thức của cộng đồng tham gia vào quá trình dạy và học Giáo dục công dân trong nhà trường và tăng cường sự gắn kết của học sinh với cộng đồng. Bài viết đề cập đến các vấn đề về: 1/Lịch sử ra đời Giáo dục công dân dưới dạng một môn học; 2/ Mục đích và cách thức đánh giá học sinh trong môn Giáo dục công dân ở nước Anh; 3/ Cách phân chia mức độ để đánh giá kết quả học tập học sinh trong môn Giáo dục công dân giai đoạn 3 (11-14 tuổi).

Từ khóa: Giáo dục công dân; chương trình; đánh giá;kết quả học tập; trường trung học.

24. CHUẨN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG Ở ĐÀI LOAN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Bùi Minh Đức - Email: duckhsp@gmail.com
Nguyễn Ngọc Tú - Email: nnt.sp2@gmail.com
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Nguyễn Thị Ngọc Bé
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Email: ngocbe190586@gmail.com


Tóm tắt: Bài viết khái quát về chuẩn năng lực nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông Đài Loan trên cơ sở thu thập và phân tích tài liệu trong và ngoài nước. Đây là những nguyên tắc nghề nghiệp mà giáo viên phải tuân thủ và có nhiều chức năng như đánh giá tố chất cơ bản của nghề dạy học, hướng dẫn sự phát triển chuyên nghiệp dành cho giáo viên. Bản “Tiêu chuẩn nghề giáo viên trung học quốc dân” năm 2007 của Đài Loan chỉ rõ được 5 hướng của tiêu chuẩn nghề nghiệp với 35 tiêu chí. Bản mới nhất năm 2016 về “Chỉ dẫn tiêu chuẩn nghề giáo viên” cũng đã nêu rõ 10 tiêu chuẩn với 29 tiêu chí. Được coi là bản đầy đủ và thông dụng nhất, bản “Chỉ dẫn tiêu chuẩn nghề giáo viên” năm 2016 đã nhấn mạnh và làm nổi bật chỉ tiêu năng lực trung tâm của giáo viên, thể hiện được yêu cầu chung về phát triển nghề giáo viên tiểu học, trung học cơ sở trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đây là bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp giáo viên ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Chuẩn năng lực nghề nghiệp; giáo viên; trung học phổ thông; Đài Loan; Việt Nam.

25. TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU VỀ SIÊU NHẬN THỨC

HOÀNG XUÂN BÍNH
Trường Đại học Nội vụ Hà Nội
Email: hoangbinhncs@gmail.com


Tóm tắt: Các nghiên cứu mặc dù đưa ra những cách diễn giải về khái niệm siêu nhận thức khác nhau, song về cơ bản, nội hàm khái niệm này tương đối nhất quán. Các công trình đều cho rằng siêu nhận thức là cấp độ cao hơn của nhận thức, là quá trình tư duy bậc hai, là quá trình người học theo dõi và điều chỉnh tư duy để mang lại hiệu quả học tập, công việc cao hơn. Về cơ bản thành phần của siêu nhận thức được nghiên cứu ở hai nội dung: Kiến thức siêu nhận thức và kĩ năng siêu nhận thức. Hiện nay, ở Việt Nam việc nghiên cứu và vận dụng lí thuyết siêu nhận thức trong giáo dục chưa nhiều. Do đó, để nâng cao năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, rèn luyện kĩ năng siêu nhận thức cho học sinh nhằm giúp các em tích cực, tự giác, phát huy tính chủ thể sáng tạo của người học thì cần có nhiều nghiên cứu cụ thể cho từng vấn đề của siêu nhận thức.

Từ khóa: Tổng quan; tài liệu; nghiên cứu; siêu nhận thức.