Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 140

10/08/2017 16:55 GMT+7
Mục lục và tóm tắt Tạp chí Khoa học giáo dục số 140, tháng 5 năm 2017

1. CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ VÀ VAI TRÒ, SỨ MẠNG CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TRONG SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO

Trần Khánh Đức
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội
Giáo sư thỉnh giảng Đại học Hiroshima - Nhật Bản
Email: kduc1954@yahoo.com


Tóm tắt: Bài viết tập trung phân tích: Nguồn gốc, quá trình phát triển và các đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); Vai trò và sứ mạng của các trường đại học khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế tri thức và xã hội hiện đại; Trên cơ sở đó, tác giả phân tích, đánh giá những đặc điểm, cấu trúc của đội ngũ nhân lực trong các giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Theo tác giả bài viết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng chủ đạo là “số hóa” và dựa trên những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang làm thay đổi nhanh chóng mọi diện mạo của đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia. Trong tiến trình đó, vai trò, vị thế của các trường đại học nói chung và các trường đại học khoa học và công nghệ nói riêng trong đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao ngày càng được đề cao để thực sự trở thành đầu tàu của quá trình phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Từ khóa:
Cách mạng công nghiệp 4.0; giáo dục kĩ thuật; kinh tế tri thức; trường đại học; nhân lực chất lượng cao.

2. HỘI ĐỒNG TRƯỜNG TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP VIỆT NAM - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Đinh Xuân Khoa - Email: khoadx@vinhuni.edu.vn
Phạm Minh Hùng - Email: minhhungdhv@gmail.com
Trường Đại học Vinh

Tóm tắt
: Hội đồng trường là một mô hình quản trị trường đại học tiên tiến, đã chứng tỏ tính hiệu quả qua những thành công của hệ thống giáo dục đại học Hoa Kì và nhiều nước khác trên thế giới. Trên cơ sở phân tích thực trạng hoạt động của Hội đồng trường trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay, bài viết đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động đối với mô hình này, đó là:1/ Việc thành lập Hội đồng trường ở các trường đại học cần tiến hành từng bước vững chắc; 2/ Đổi mới mô hình quản trị trường đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (Hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường); 3/ Thành viên Hội đồng trường phải đại diện cho những tiếng nói khác nhau từ doanh nghiệp và các tổ chức văn hóa - xã hội; 4/ Xác định rõ vai trò, mối quan hệ giữa Đảng ủy và Hội đồng trường; 5/ Xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản; 6/ Hoạt động của Hội đồng trường phải gắn liền với việc thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của trường đại học.

Từ khóa: Trường đại học; Hội đồng trường; mô hình quản trị trường đại học; tự chủ trong giáo dục đại học.

3. LÃNH ĐẠO, QUẢN LÍ NHÀ NƯỚC VỀ GIÁO DỤC - THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

PHAN VĂN NHÂN - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email:thucnghiem106@yahoo.com
TRỊNH THỊ ANH HOA - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: anhhoa19@gmail.com

Tóm tắt
: Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đã xác định đổi mới quản lí giáo dục được coi là giải pháp đột phá. Bài viết đề cập đến những vấn đề lí luận về lãnh đạo và quản lí giáo dục ở cấp độ vĩ mô, trong đó nhấn mạnh đến mô hình “quản lí công mới”. Hiện nay, ở Việt Nam, lãnh đạo và quản lí giáo dục cần theo định hướng mô hình quản lí công mới để hệ thống giáo dục quốc dân vận động tích hợp giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để chuyển đổi mô hình lãnh đạo, quản lí nhà nước về giáo dục sang mô hình quản lí công mới, cần có những đổi mới về: Tư duy giáo dục, đặc biệt là tư duy quản lí và lãnh đạo giáo dục; Đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục và cơ chế quản lí phù hợp với nhu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; Đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo; Đổi mới cơ chế tài chính, học phí và xã hội hóa giáo dục.

Từ khóa: Lãnh đạo; quản lí nhà nước; giáo dục; thực trạng; định hướng phát triển.


4. ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC GẮN VỚI YÊU CẦU PHÁT TRIỂN VÀ XU THẾ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

NGUYỄN LỢI - Email: tsnguyenloi@gmail.com
LÊ ĐỨC TOÀN - Email: leductoan2002@gmail.com
Trường Đại học Duy Tân


Tóm tắt:
Nhu cầu phát triển và xu thế hội nhập quốc tế đòi hỏi nước ta phải nhanh chóng hình thành một nguồn nhân lực chất lượng cao. Để thỏa mãn nhu cầu này, nước ta cần phải đầu tư tài chính cho các trường đại học để mỗi năm cho sinh viên ra nước ngoài du học hoặc phát triển đa dạng các mô hình đào tạo đại học. Bài viết trình bày về các hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo đại học cũng như đề xuất một số mô hình giáo dục đại học gắn với yêu cầu phát triển và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay như: Mô hình kết hợp 3 yếu tố trong đào tạo đại học; Mô hình Viện đại học; Mô hình đại học phi lợi nhuận; Mô hình trường đại học trong tập đoàn; Mô hình trường đại học có các doanh nghiệp; Mô hình trường đại học liên kết với các doanh nghiệp.

Từ khóa: Nguồn nhân lực; hội nhập quốc tế; mô hình giáo dục đại học.

5. CHÍNH SÁCH THU HÚT SINH VIÊN CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

NGUYỄN THỊ KIM CHI
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ
Email: chi.kkte@gmail.com

Tóm tắt:
Trong bối cảnh các trường đại học ở Việt Nam ngày càng nhiều và đa dạng, sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục đại học ngày càng tăng, chính sách thu hút học sinh, sinh viên, nhất là những thí sinh có chất lượng đến học tại trường, là một trong những chiến lược, chính sách được ưu tiên hàng đầu, quyết định sự phát triển của nhà trường. Các trường đại học hiện nay cần có các chính sách thu hút sinh viên như: Chính sách nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu; Chính sách nhân lực giảng dạy; Chính sách quản lí đào tạo theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; Chính sách học phí, học bổng; Chính sách truyền thông quảng bá hình ảnh. Để nâng cao hiệu quả các chính sách này, các trường cần thực hiện một số giải pháp sau: Nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời tăng tính hấp dẫn, tạo dựng danh tiếng của trường; Nâng cao hiệu quả của công tác quảng cáo, truyền bá về các ngành học và hình ảnh của trường; Tiếp tục duy trì và mở rộng chính sách học bổng cùng với việc nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ đào tạo; Thành lập trung tâm hướng nghiệp và tư vấn việc làm.

Từ khóa: Đại học; chính sách thu hút sinh viên; chất lượng đào tạo.

6. CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ VÀ TÁC ĐỘNG ĐẾN QUẢN LÍ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP

NGUYỄN THỊ THANH THỦY
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email:thuynguyenthanh89@gmail.com

Tóm tắt
: Quản lí đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn kĩ thuật, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu công việc trong các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp là vấn đề quan trọng, cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hình thành và phát triển. Bài viết đưa ra một số yếu tố tác động đến việc quản lí đào tạo nguồn nhân lực: (1) Các yếu tố bên ngoài bao gồm môi trường kinh tế, khoa học công nghệ, các yếu tố văn hóa – xã hội, các chủ trương, chính sách của Chính phủ; (2) Các yếu tố bên trong về cơ sở đào tạo, yếu tố liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp trong khu công nghiệp, yếu tố liên kết, hợp tác trong đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực giữa các địa phương cho các khu công nghiệp. Từ đó, các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng quản lí đào tạo nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0; quản lí đào tạo nguồn nhân lực; khu công nghiệp.

7. MỘT SỐ PHÁT HIỆN CHÍNH VỀ KẾT QUẢ PISA CHU KÌ 2012, 2015 CỦA VIỆT NAM

Lê Thị Mỹ Hà - Email: lemyhaminh@yahoo.com
Bế Thị Điệp - Email: diepbt195@gmail.com
Bộ Giáo dục và Đào tạo

Tóm tắt:
Bài viết cung cấp bức tranh cơ bản về kết quả PISA (Programme for International Student Assessment) của học sinh Việt Nam qua ba lĩnh vực Toán học, Khoa học và Đọc hiểu ở hai chu kì PISA 2012, 2015 và phân tích rõ kết quả PISA của học sinh Việt Nam theo giới tính học sinh, vị trí trường đóng, loại hình trường cũng như sự thay đổi về kết quả PISA qua hai chu kì. Ngoài ra, tác giả còn trình bày một số thông tin về sự khác biệt của hệ thống giáo dục Việt Nam so với các quốc gia/vùng kinh tế OECD và một số lưu ý về mặt chính sách, giải pháp thiết thực để cải tiến chất lượng giáo dục của Việt Nam.

Từ khóa: PISA Việt Nam; kết quả PISA Việt Nam; PISA 2012, PISA 2015.

8. ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

NGUYỄN XUÂN HẢI - Email: haiblackocean@yahoo.co.uk
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
NGUYỄN THỊ THÚY - Email: phuongthuyha.xhh@gmail.com
Học viện Chính trị Khu vực I

Tóm tắt:
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật song số lượng và tỉ lệ người khuyết tật được đi học trong các cơ sở giáo dục và được học nghề ở các cơ sở đào tạo nghề còn thấp, đặc biệt là đối với những người khuyết tật càng nặng. Có thể nói, người khuyết tật được coi là nhóm đối tượng thiệt thòi nhất trong số nhóm đối tượng cần sự trợ giúp đặc biệt. Nội dung bài viết trình bày về vấn đề đào tạo nghề cho người khuyết tật. Trong đó, tác giả tiếp cận đào tạo nghề cho người khuyết tật qua các quan điểm: 1/Thực hiện các văn bản pháp quy về các quyền, quyền được giáo dục/dạy nghề và có việc làm của người khuyết tật; 2/ Dựa trên đặc điểm năng lực nghề nghiệp và nhu cầu học nghề của chính người khuyết tật; 3/ Dựa trên quan điểm thế nào là "nghề" của người khuyết tật; 4/ Dựa vào các ngành nghề, công việc hiện có phổ biến tại địa phương.

Từ khóa: Người khuyết tật; đào tạo nghề; giáo dục.

9. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC DẠY HỌC CỦA ĐỘI NGŨ GIÁO VIÊN THỰC HÀNH Ở TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY

Nguyễn Trọng Sơn
Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ
Email: trongsonbdv@yahoo.com

Tóm tắt
: Đội ngũ giáo viên dạy nghề, đặc biệt là giáo viên dạy thực hành đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đào tạo nghề trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Vì vậy, người giáo viên thực hành cần có đầy đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ; năng lực sư phạm dạy nghề nhằm đảm bảo được chất lượng đầu ra trong cơ sở dạy nghề nói chung, các trường cao đẳng nghề nói riêng. Bài viết đề cập đến yêu cầu và các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển năng lực dạy học của đội ngũ giáo viên thực hành ở trường cao đẳng nghề.

Từ khóa: Giáo viên thực hành; đào tạo nghề; năng lực; năng lực dạy học; thực hành.

10. MỘT SỐ KĨ NĂNG SIÊU NHẬN THỨC CÓ THỂ PHÁT TRIỂN TRONG DẠY HỌC MÔN XÁC SUẤT VÀ THỐNG KÊ

LÊ BÌNH DƯƠNG
Trường Đại học Chính trị
Email: duong1109@gmail.com

Tóm tắt:
Siêu nhận thức được coi là một quá trình quản lí, kiểm soát kiến thức của sinh viên, ứng dụng sự nhận thức, phân tích và đánh giá việc học hay các hoạt động khác. Trong môn Xác suất và Thống kê, giảng viên có nhiều điều kiện để rèn luyện cho sinh viên các kĩ năng siêu nhận thức, góp phần phát triển tư duy. Qua đó, sinh viên lên kế hoạch, kiểm soát, đánh giá quá trình học của mình và dần trở thành người có tư duy chiến lược. Bài báo trình bày về siêu nhận thức, một số kĩ năng siêu nhận thức, vận dụng các ý tưởng đó trong dạy học và dạy học một số kĩ năng siêu nhận thức thông qua bài toán tính xác suất bằng các công thức xác suất.

Từ khoá: Siêu nhận thức; môn Xác suất và Thống kê; sinh viên.

11. PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG - THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

NGUYỄN DỤC QUANG
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: quangnd06@yahoo.com

Tóm tắt:
Môn Giáo dục công dân có vị trí xác định trong chương trình nhà trường, có vai trò quan trọng trong việc hình thành ở học sinh hành vi có trách nhiệm của người công dân tương lai đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Thực tế hiện nay, việc sử dụng các phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân trong các nhà trường đang còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải có những thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học. Bài viết đề cập đến những nội dung: 1/ Vai trò của phương pháp dạy học trong dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học; 2. Về sử dụng các phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân hiện nay; 3. Một số giải pháp khắc phục việc dạy học môn Giáo dục công dân.

Từ khóa: Thực trạng; giải pháp; phương pháp dạy học; môn Giáo dục công dân.

12. MỘT SỐ NĂNG LỰC CHUYÊN BIỆT MÔN MĨ THUẬT TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI

BẠCH NGỌC DIỆP - Email: bachdiep.vkh@gmail.com
TẠ KIM CHI - Email:takimchi1310@gmail.com
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tóm tắt:
Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Mĩ thuật chú trọng tới một số năng lực cần phát triển cho học sinh trong suốt quá trình học tập. Những năng lực như: Năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực sáng tạo, năng lực giao tiếp nghệ thuật, năng lực phân tích đánh giá, năng lực quan sát khám phá, năng lực tạo hình kĩ thuật số được thể hiện rất rõ trong mục tiêu, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập của học sinh, trong tài liệu học tập cũng như trong các hoạt động triển khai thực hiện chương trình giáo dục nghệ thuật. Từ đó, chương trình giáo dục phổ thông mới môn Mĩ thuật đảm bảo hình thành được năng lực môn học cũng như phát triển tốt năng lực cho học sinh trong thực tiễn cuộc sống.

Từ khóa: Năng lực chuyên biệt; môn Mĩ thuật; chương trình; giáo dục phổ thông.

13. MỘT VÀI KINH NGHIỆM KHI SỬ DỤNG KẾT HỢP PHƯƠNG PHÁP TÌNH HUỐNG VỚI PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 12

NGUYỄN THỊ HÀ
Trường Đại học Hà Tĩnh
Email: ha.nguyenthi.ct@htu.edu.vn

Tóm tắt:
Phương pháp tình huống và phương pháp đóng vai là hai phương pháp dạy học tích cực, luôn được các nhà giáo dục quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay, việc vận dụng kết hợp hai phương pháp này trong dạy học môn Giáo dục công dân ở cấp học Trung học phổ thông chưa được quan tâm nghiên cứu, triển khai một cách sâu rộng trong quá trình tổ chức dạy học. Việc nghiên cứu sử dụng kết hợp hai phương pháp này trong dạy học môn Giáo dục công dân không những có ý nghĩa về mặt lí luận mà còn có ý nghĩa sâu sắc trong thực tiễn, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu môn học, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.

Từ khóa: Kinh nghiệm; kết hợp; phương pháp tình huống; phương pháp đóng vai; dạy học; môn Giáo dục công dân; lớp 12.

14. THIẾT KẾ MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA TRONG DẠY HỌC SINH HỌC 10 Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

LÊ THỊ PHƯỢNG - Email: lethiphuong.dhgd@gmail.com
NGUYỄN THỊ BÍCH DẬU - Email: nguyenthibichdaus14@hus.edu.vn
Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt:
Sinh học là môn khoa học thực nghiệm, gắn liền với thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, dạy chính khóa trong nhà trường bị giới hạn bởi thời gian, học sinh thường chỉ được học lí thuyết, giáo viên cũng ít có cơ hội để mở rộng kiến thức và phát triển năng lực cho học sinh... Với vai trò và ưu thế của mình, hoạt động ngoại khóa sẽ góp phần khắc phục những hạn chế này, học sinh có cơ hội được mở rộng kiến thức, học trải nghiệm, vui chơi… Căn cứ vào nguyên tắc và quy trình xây dựng hoạt động ngoại khóa, chúng tôi đã đề xuất một số hình thức hoạt động ngoại khóa gắn với từng nội dung cụ thể của chương trình Sinh học 10. Những đề xuất này có thể được sử dụng làm tư liệu tham khảo cho giáo viên trong xây dựng các hoạt động ngoại khóa gắn với dạy học Sinh học 10. Để tổ chức hoạt động ngoại khóa có hiệu quả cần lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị chu đáo, đảm bảo hài hòa giữa hoạt động vui chơi với mở rộng, củng cố kiến thức môn học.

Từ khóa:
Thiết kế; hoạt động ngoại khóa; dạy học; Sinh học 10; trường trung học phổ thông.

15. ĐÁNH GIÁ CỦA PHỤ HUYNH VỀ THỰC TRẠNG MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC GIÁO DỤC CON CỦA CHA/MẸ HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ HIỆN NAY

Vũ Thị Khánh Linh
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: vuthikhanhlinh@gmail.com

Tóm tắt:
Bài viết tập trung phân tích ý kiến đánh giá của phụ huynh về thực trạng một số biện pháp phát triển năng lực giáo dục con mà các bậc phụ huynh đang sử dụng trong giai đoạn hiện nay. Kết quả nghiên cứu cho thấy có nhiều biện pháp đã được các bậc phụ huynh tiếp cận với các mức độ khác nhau. Các bậc phụ huynh đã rất quan tâm đến vấn đề giáo dục con, có nhu cầu phát triển năng lực giáo dục của mình và đã có ý thức tìm kiếm những biện pháp hiệu quả giúp phát triển năng lực giáo dục con. Tuy nhiên, mức độ tham gia chưa nhiều và chưa thường xuyên. Bài viết cũng chỉ ra ưu điểm cũng như hạn chế của từng biện pháp và đưa ra những đề xuất cụ thể để việc triển khai những biện pháp này được hiệu quả hơn.

Từ khóa: Biện pháp; phát triển năng lực; giáo dục; cha mẹ; học sinh; trung học cơ sở.

16. TÍCH HỢP DẠY VIẾT TRONG VIỆC DẠY CÁC KĨ NĂNG NGÔN NGỮ KHÁC CHO HỌC SINH TIỂU HỌC

LÊ NGỌC TƯỜNG KHANH
Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh
Email: dinh kha2000@yahoo.com

Tóm tắt
: Tích hợp được xem là một quan điểm dạy học phù hợp với yêu cầu dạy học nhằm hình thành năng lực cho học sinh của ngành Giáo dục hiện nay. Bài viết đề cập một cách tổng thể về việc ứng dụng quan điểm tích hợp trong dạy học viết văn bản ở tiểu học. Đồng thời, tác giả cũng phân tích tổng quát chương trình và tổ chức dạy học hiện hành theo quan điểm tích hợp để làm cơ sở định hướng cho việc hình thành kĩ năng viết văn bản cho học sinh tiểu học.

Từ khóa: Dạy học tích hợp; kĩ năng; ngôn ngữ; dạy viết văn bản; tiểu học.

17. THỰC TRẠNG QUẢN LÍ CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NGHIỆP VỤ HÀNH CHÍNH GIÁO DỤC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

MỴ GIANG SƠN
Trường Đại học Sài Gòn
Email: mygiangson.sgu@gmail.com

Tóm tắt:
Bài viết phân tích thực trạng quản lí chất lượng đội ngũ cán bộ nghiệp vụ hành chính giáo dục tại các trường mầm non, phổ thông, phòng giáo dục và đào tạo, trường cao đẳng và đại học tại TP. Hồ Chí Minh thông qua công tác xây dựng kế hoạch; công tác tổ chức; công tác lãnh đạo; công tác kiểm tra. Kết quả nghiên cứu được trình bày trong bài viết góp phần xây dựng cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất các biện pháp quản lí chất lượng nguồn nhân lực hỗ trợ hoạt động quản lí giáo dục, phục vụ đổi mới giáo dục và quản lí giáo dục hiện nay.

Từ khóa: Thực trạng; quản lí; chất lượng; đội ngũ cán bộ; nghiệp vụ hành chính giáo dục.

18. NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO HỆ ĐẠI HỌC TRONG HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ KHU VỰC I - HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN THỊ QUẾ ANH
Học viện Chính trị Khu vực 1
Email: nguyenqueanh1969@gmail.com

Tóm tắt
: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu hàng đầu của giáo dục Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Trước những thay đổi của môi trường xã hội và kinh tế đất nước, mục tiêu này đang tạo thách thức mới cho các cơ sở đào tạo hệ đại học. Để vượt qua mọi thách thức trong phát triển, hội nhập, khẳng định vị trí đào tạo nguồn nhân lực trí thức chất lượng cao, góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước, hòa nhịp chung trong bước chuyển đổi mới của toàn hệ thống giáo dục Việt Nam, đặc biệt là bước chuyển tích cực trong đào tạo hệ đại học, Học viện Chính trị khu vực I nhanh chóng bước vào lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo hệ đại học bên cạnh việc nâng cao chất lượng hệ cao cấp lí luận chính trị. Bài viết này bàn đến sáu yếu tố tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo hệ đại học, đồng thời có những câu hỏi mở, trăn trở về hướng nâng cao chất lượng đào tạo hệ đại học tại Học viện Chính trị khu vực I trước chủ trương phân tầng đại học, trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của giáo dục Việt Nam trong thế kỉ XXI.

Từ khóa: Chất lượng đào tạo; hệ đại học; nguồn nhân lực chất lượng cao; lí luận chính trị.

19. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC RÈN LUYỆN KĨ NĂNG NGHỀ DẠY HỌC CHO SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

ĐÀO THỊ VIỆT ANH - Email: vietanhsp2@gmail.com
NGUYỄN NGỌC TÚ - Email: nnt.sp2@gmail.com
HOÀNG THỊ KIM HUYỀN - Email: hoangthihuyen.sp2@moet.edu.vn
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Tóm tắt:
Đào tạo đạt chuẩn và đáp ứng yêu cầu xã hội đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm của các trường sư phạm. Một mặt, các trường sư phạm cần đảm bảo sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn về kiến thức, kĩ năng ở chuyên ngành họ được đào tạo. Mặt khác, sinh viên tốt nghiệp cần được phát triển, rèn luyện các kĩ năng nghề để đáp ứng các yêu cầu thực tế ở trường phổ thông. Do đó, rèn luyện kĩ năng nghề dạy học là một phần quan trọng trong quá trình đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm. Bài viết này đóng góp một góc nhìn về phương diện trên từ góc độ phát triển năng lực nghề.

Từ khóa: Thực trạng; rèn luyện; kĩ năng nghề dạy học;sinh viên; trường đại học sư phạm.

20. THỰC TRẠNG KĨ NĂNG NHẬN DIỆN TÁC NHÂN GÂY STRESS TRONG HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ CỦA SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

ĐỖ VĂN ĐOẠT
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: dvdoat@gmail.com

Tóm tắt:
Kĩ năng nhận diện tác nhân gây stress là một kĩ năng thành phần để ứng phó với stress trong hoạt động học tập theo học chế tín chỉ. Trên cơ sở thao tác hóa khái niệm, bài viết làm rõ thực trạng kĩ năng nhận diện tác nhân gây stress trong học tập theo học chế tín chỉ. Nghiên cứu tiến hành khảo sát trên 503 sinh viên đại học sư phạm ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và tỉnh Đồng Tháp. Kết quả cho thấy: Kĩ năng nhận diện tác nhân gây stress trong học tập theo học chế tín chỉ được đánh giá ở mức trung bình; có sự khác biệt cơ bản về mức độ kĩ năng này giữa các nhóm sinh viên theo địa bàn và theo năm học; có mối tương quan khá chặt giữa mức độ nhận thức và mức độ thực hiện kĩ năng nhận diện tác nhân gây stress trong học tập theo học chế tín chỉ. Đây là cơ sở thực tiễn cho các biện pháp cải thiện kĩ năng để nâng cao chất lượng hoạt động học tập theo học chế tín chỉ.

Từ khóa
: Stress; tín chỉ; sinh viên; đại học sư phạm.

21. DẠY HỌC CA DAO TÍCH HỢP VỚI DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

NGUYỄN THỊ HẰNG
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Lương Tài, Bắc Ninh
Email: hangbg2311@gmail.com

Tóm tắt:
Ca dao vốn là thể loại văn học dân gian mang đặc trưng diễn xướng. Ca dao được sáng tác chủ yếu để hát, để ngâm, để hò, để ru, để thực hành nghi lễ... Khắp Bắc – Trung – Nam trên đất nước Việt Nam, đâu đâu cũng có làn điệu dân ca đặc trưng, độc đáo…Ca dao có mối liên hệ chặt chẽ với dân ca, trong đó có quan họ. Việc dạy học ca dao ở trung học phổ thông tích hợp với quan họ là một giải pháp có ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, học sinh được nâng cao vốn văn hóa truyền thống quê hương. Thứ hai, học sinh được hình thành và phát triển toàn diện về tri thức, đạo đức, năng lực đặc biệt là năng lực cảm thụ ca dao – quan họ. Thứ ba, học sinh được phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật kịp thời. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, chúng tôi đề xuất hai hình thức dạy học cơ bản: tìm ca dao trong quan họ và hát quan họ từ ca dao. Những hình thức này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống trong xã hội hiện đại.

Từ khóa: Dạy học ca dao; dân ca quan họ; văn hóa truyền thống; trường trung học phổ thông.

22. LUẬN BÀN VỀ MỘT SỐ KHẨU HIỆU GIÁO DỤC

NGUYỄN QUỐC TRỊ
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: trinq@hnue.edu.vn

Tóm tắt:
Hiện nay, nhiều câu khẩu hiệu giáo dục phản ánh những vấn đề liên quan đến thực tiễn giáo dục và xã hội của Việt Nam. “Tất cả vì học sinh thân yêu”, “Vì tất cả học sinh”, “Vì học sinh tất cả”… vừa là những biểu ngữ nổi bật, vừa là những khẩu hiệu giáo dục có giá trị dẫn dắt và cổ động rất rõ ràng. Suy nghĩ một cách tỉ mỉ những khẩu hiệu giáo dục này nhắc nhở và hiệu triệu mọi người quan tâm đến học sinh, chú trọng học sinh, coi học sinh là chủ thể, thể hiện tinh thần “toàn tâm toàn ý vì học sinh phục vụ”, nhưng thực hiện được thì rất khó. Những khẩu hiệu này có thể trở thành tiêu chuẩn tham khảo cho hành động giáo dục, nhưng không thể nào trở thành kim chỉ nam cho hành động hoặc nguyên tắc cơ bản của công tác giáo dục.

Từ khóa: Khẩu hiệu giáo dục; vì học sinh; nhà trường; giáo viên.

23. GIÁO DỤC STEM Ở AUSTRALIA VÀ BÀI HỌC XÂY DỰNG NỘI DUNG GIÁO DỤC STEM CHO TRẺ EM GÁI Ở VIỆT NAM

CHU CẨM THƠ
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Email: chucamtho1911@gmail.com

Tóm tắt:
Giáo dục STEM - (Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kĩ thuật) và Mathematics (Toán học) được Chính phủ Australia quan tâm phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Trong chiến lược của họ, STEM được quan tâm đến theo cấp độ, lứa tuổi, định hướng nghề nghiệp và giới tính. Trong bối cảnh Việt Nam, vấn đề giới tính vẫn cần quan tâm nghiên cứu để có những chính sách, nội dung, hoạt động giáo dục đặc thù cho đối tượng trẻ em gái. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của Australia, Việt Nam sẽ có những bài học để xây dựng nội dung giáo dục STEM dành cho trẻ em gái phù hợp với thực tiễn đất nước. Trong đó, chú trọng tới việc nâng cao nhận thức, cơ hội trải nghiệm mang tính địa phương, gần gũi với đời sống của họ là cần thiết.

Từ khóa : Cuộc cách mạng 4.0; giáo dục STEM; trẻ em gái; Australia.

24. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ TỔ CHỨC THỰC TẬP SƯ PHẠM CHO SINH VIÊN TẠI TRƯỜNG PHỔ THÔNG THỰC HÀNH

PHẠM THỊ THANH
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Email: phamthanhncgv@yahoo.com

Tóm tắt
: Làm thế nào để đạt mục tiêu là đào tạo ra những giáo viên có năng lực để trở thành những người quản lí lớp học có hiệu quả? Câu hỏi này đã và đang là mối quan tâm của các nhà khoa học, nhà sư phạm trên thế giới trong nhiều năm. Trong các trường phổ thông, giáo sinh được thực hiện các công việc liên quan đến nghề nghiệp sau này: thực hành, kiến tập, thực tập sư phạm và thực tập nghề nghiệp. Chương trình đào tạo giáo viên phải hướng đến nâng cao kiến thức, kĩ năng và phẩm chất của những giáo sinh; giúp họ chuẩn bị tốt để giảng dạy hiệu quả ở trường phổ thông. Do đó, có thể nói rằng chương trình ở bậc đại học đào tạo giáo viên cần được kết hợp với một phần quan trọng, thiết yếu là những trải nghiệm thực tế ở trường phổ thông. Thực tập sư phạm là một quá trình cung cấp cho giáo sinh những kinh nghiệm thực tế và hiểu trọn vẹn vai trò của người giáo viên. Bài viết này giới thiệu kinh nghiệm tổ chức thực tập sư phạm cho sinh viên sư phạm tại các trường phổ thông thực hành của Trường Đại học Ottwa, Canada.

Từ khóa: Sinh viên; thực tập sư phạm; đào tạo giáo viên; trường phổ thông thực hành.