Thực thi các quy định
Ngay cả khi đã có qui định, không phải lúc nào các quy định cũng được thực thi. Trong một số trường hợp, lí do là vì các chính phủ còn có những ưu tiên khác, nhưng trong các trường hợp khác, đó là vì các quy định không được thiết kế tốt. Ngoài ra, một số hình thức dạy thêm khó thực hiện hơn các hình thức khác. Các cơ sở dạy thêm mang tính thương mại với trụ sở cố định phục vụ khách hàng trong khu phố thì tương đối dễ quản lý trong việc thực thi các quy định, bởi vì cả người dạy và người học đều có thể thấy được và hoạt động công khai. Tuy nhiên, các gia sư làm việc trên cơ sở một thày một trò tại nhà riêng hoặc tại nhà của học sinh thì khó khăn hơn trong việc quản lý thực thi các quy định, kể cả có thỏa thuận hợp đồng thì cũng thường không chính thức, và các khoản thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt và không có hóa đơn.
Dạy kèm qua Internet còn khó khăn hơn khi quản lý việc thực hiện các quy định, đặc biệt nếu các nhà cung cấp và khách hàng lại ở các quốc gia khác nhau. Khi liên quan đến hoạt động quốc tế, chính phủ của nhà cung cấp dịch vụ có những kỳ vọng khác nhau từ các chính phủ của khách hàng và các chính phủ này không dễ dàng thực thi các quy định. Dhall (2011a:11) lưu ý rằng một số công ty sử dụng Internet chỉ cho phép các cuộc hội thoại dựa trên các đoạn văn viết, các đoạn hội thoại giữa gia sư và học sinh được lưu lại để cha mẹ có thể xem xét bất cứ lúc nào họ muốn. Các công ty khác sử dụng phương tiện truyền thông dựa trên Skype và các phương tiện dựa trên tiếng nói khác, và trong quản lí sẽ lỏng lẻo hơn do cách tiếp cận của họ. Dạy kèm trực tuyến có thể tránh được sự nguy hiểm trong việc lạm dụng cơ thể trẻ em có thể phát sinh khi việc dạy kèm được thực hiện trong khuôn viên gia đình của các gia sư hoặc học sinh, nhưng sự nguy hiểm khi lạm dụng tình cảm vẫn phát sinh thông qua hành vi không phù hợp của giáo viên.
Chính phủ mong các quy định trong lĩnh vực dạy thêm nên được chính những người làm việc trong lĩnh vực này xây dựng nhằm làm cho quá trình thực thi trở nên thân thiện với người sử dụng. Tham khảo trải nghiệm tại Kazakhstan và Tajikistan, Silova (2010:337) đã chỉ ra rằng các cá nhân có nhu cầu cung cấp dịch vụ dạy thêm nên đăng ký như là doanh nghiệp tư nhân, có giấy phép và nộp thuế thu nhập từ dịch vụ dạy kèm. Tuy nhiên, bà cho biết thêm, các thủ tục này "khá phức tạp và không thể hiện được các chi phí liên quan”, đặc biệt là do hầu hết các dịch vụ dạy thêm là không thường xuyên và theo mùa. Trong bất kỳ trường hợp nào, hai nước này thực thi các quy định "đã bị đình trệ bởi khoảng cách quá lớn giữa tầm nhìn lập pháp và thực tế trường học" (trang 339). Pháp luật cho phép dạy thêm nhưng không có cơ chế pháp lý đầy đủ liên quan đến các khoản thanh toán. Ví dụ, quy định rằng cha mẹ hoặc người giám hộ có con em học thêm từ chính các giáo viên dạy con em họ ở nhà trường nên chuyển khoản thanh toán vào tài khoản ngân hàng của nhà trường. Tuy nhiên, chỉ có vài trường công ở Kazakhstan và trường ngoài công lập ở Tajikistan có tài khoản riêng tại ngân hàng. Hơn nữa, Silova cho biết thêm (trang 340), các giáo viên có rất ít động lực để đăng ký dạy thêm. Các nhà chức trách không cung cấp hỗ trợ thuế, và dạy thêm tại Tajikistan phải nộp thuế trên tất cả các khoản thu nhập, ngay cả khi khoản thu nhập có những chi phí hợp lí.
Các quốc gia khác có những quan điểm phù hợp hơn tương ứng với các cơ quan chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ dạy thêm. Chính phủ nhận ra rằng nhu cầu tạo ra chi phí, kể cả việc các nhà cung cấp dịch vụ dạy kèm phải lưu giữ hồ sơ cho tốt và dành thời gian để hoàn tất các biểu mẫu. Do đó, các nhà chức trách có thể cho phép tính toán các chi phí hợp lí khi tính thuế. Họ cũng có thể cung cấp hướng dẫn cách làm để bảo đảm tuân thủ các quy định về xây dựng và các nhu cầu khác, và họ có thể cung cấp một số hình thức bảo vệ chống lại các khiếu nại phi lý của người tiêu dùng. Các hình thức bảo vệ này được cho là có giá trị đặc biệt bởi gia sư tự thấy mình là các nhà giáo dục chứ không phải là doanh nhân. Theo ghi nhận của Dhall (2011a:13): "Không có khóa học đào tạo giáo viên nào đào tạo giáo viên đối mặt với những khiếu nại mang tính thương mại mà về bản chất như trong kinh doanh".
Tuy nhiên, trong bất cứ vấn đề nào thì các chính phủ phải được chuẩn bị đối phó với các dịch vụ dạy thêm khi các nhà cung cấp dịch vụ này tìm kiếm kẽ hở để lách luật, thậm chí ngay cả khi không có những quy định khắt khe. Ở Hồng Kông, Trung Quốc, các thày dạy thêm có tiếng tăm đã tìm cách lách quy định về quy mô lớp học tối đa 45 học sinh bằng cách xây dựng lớp học được ngăn bằng các bức vách bằng lớp kính. Các thày có tiếng giảng bài trong một phòng, và các phòng học khác có sự trợ giúp của người trợ giảng với vai trò như là giáo viên giả. Học sinh có thể nhìn qua lớp kính để xem thày giảng trực tiếp, hoặc thuận tiện hơn là nhìn vào màn hình video có trong phòng học.
Tìm kiếm đối tác
Chính phủ không thể một mình thực hiện được tất cả mọi thứ. Như trong nhiều lĩnh vực khác, hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ đối với hệ thống giáo dục trong bóng tối còn phải được hỗ trợ trong mối quan hệ của nhiều đối tác khác.
Khởi điểm cho mối quan hệ đối tác chính là bản thân hệ thống trường học. Trong chừng mực nào đó, có thể nói giáo dục trong bóng tối tồn tại vì hệ thống giáo dục chính quy tồn tại, hoàn toàn tự nhiên khi Chính phủ kết hợp với nhà trường để điều chỉnh và định hình cho phần giáo dục trong bóng tối. Nhà trường có thể đưa ra những quy định cho giáo viên trong trường, có hoặc không có những giáo viên vừa dạy ở trường vừa dạy thêm. Ngày càng có nhiều Chính phủ cũng đưa ra những quy định ở cấp quốc gia. Đa số các quy định này đề cập tới giáo viên ở nhà trường và nhiệm vụ tiêu chuẩn của họ, nhưng họ có thể mở rộng quy định cả vấn đề dạy thêm, học thêm. Quy định của Việt Nam là giáo viên không tổ chức dạy thêm học thêm, điều này là vi phạm quy định" (Việt Nam 2008: Điều 6) và xác định trường phổ thông, trường đại học và cơ sở đào tạo giáo viên là đối tác phổ biến, khuyến khích tuân thủ quy định này.
Các tổ chức cộng đồng cũng là đối tác quan trọng. Giáo dục trong bóng tối chỉ tồn tại khi phụ huynh và học sinh có nhu cầu. Các tổ chức cộng đồng có thể giúp giám sát công việc của các gia sư và kiểm soát sự lạm dụng việc này. Tích cực hơn, các tổ chức cộng đồng có thể hợp tác với chính phủ khuyến khích một số hình thức dạy kèm cho trẻ em có nhu cầu. Trong số các cơ quan mà chính phủ Singapore hợp tác là Hội đồng Giáo dục cho trẻ em Malay/ Trẻ em Hồi giáo (Mendaki) và Hiệp hội Phát triển người Ấn Độ ở Singapore (SINDA). Sự hợp tác này bắt đầu vào những năm 1980, khi chính phủ lo ngại về sự mất cân bằng giữa các chủng tộc trong giáo dục, đặc biệt là giữa dân tộc nghèo Mã Lai so với người Trung Quốc (Tân 2009). Các nhà chức trách cung cấp hỗ trợ tài chính để cho phép Mendaki và Sinda cung cấp dịch vụ dạy kèm và đào tạo giáo viên – những người làm việc tự nguyện hoặc với phí thấp. Chương trình dạy kèm do những tổ chức này thiết lập vẫn đang phát triển mạnh mẽ (Yayasan Mendaki 2010:9; Sinda 2011:12).
Ngoài ra, vẫn còn có các đối tác khác trong ngành công nghiệp dạy thêm. Ở một số quốc gia, hiệp hội các gia sư tự đưa ra những quy định. Ví dụ như Hiệp hội Juku ở Nhật Bản (www.ja.or.jp), Liên hiệp Giáo dục Đào tạo của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (www.cetu.net.cn), và Hiệp hội Giáo dục Bổ sung Great Taichung (www.tcschool.org.tw) tại Đài Bắc, Trung Quốc. Ngoài ra, còn có Hiệp hội Dịch vụ gia sư quốc gia (www.ntatutor.com) ở Hoa Kì và Hiệp hội Gia sư ở Úc (www.ata.edu.au) cung cấp nhiều mô hình được khuyến khích. Các tổ chức này tồn tại chủ yếu là để bảo vệ lợi ích riêng của họ, nhưng với sự hợp tác của chính phủ cho thấy rằng dạy kèm là một nghề đáng kính với tiêu chuẩn thực sự cao có thể được xem như là một mục tiêu đáng giá.
(còn tiếp)
Chủ biên: PGS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến
Hiệu đính: TS. Vương Thanh Hương; TS. Lê Đông Phương
Người dịch: TS. Trịnh Thị Hồng Hà; TS. Vương Thanh Hương; ThS. Phạm Kim Phượng; ThS. Vũ Thị Hồng Khanh
Chi tiết xin liên hệ: Phòng Thư viện, số điện thoại: 04-39423754 hoặc theo địa chỉ thư điện tử: tttv@vnies.edu.vn