Kỷ niệm 55 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc: Bài học giá trị về chiến lược trồng người

10/08/2017 16:55 GMT+7
Một người thầy giáo với mái đầu bạc trắng đứng giữa những học trò tóc cũng đã điểm sương, mừng mừng tủi tủi, tay nắm tay mà nói chẳng nên lời. Những tấm hình chụp vội, cuốn album đầy những tấm hình đen trắng ngả vàng được truyền tay nhau, nâng niu như báu vật...

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận lá cờ lưu niệm của đại diện cựu học sinh miền Nam tặng Thành ủy và nhân dân Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm 

Đó là hình ảnh có thể gặp ở mọi góc trong khu hội trường Mỹ Đình mênh mông, nơi diễn ra cuộc hội ngộ nhân dịp kỷ niệm 55 năm Trường Học sinh miền Nam (HSMN) trên đất Bắc của hơn 2.000 cựu học sinh miền Nam cùng gần 500 thầy giáo, cô giáo cũ. Tham dự cuộc gặp đầy xúc động do Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội, Bộ -ĐT và Ban liên lạc HSMN TƯ tổ chức, có Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân...
 
Những "hạt giống đỏ"giữa lòng miền Bắc
 
Thay mặt cho hàng nghìn nhà giáo, cán bộ, nhân viên của hệ thống trường xưa, GS Phạm Tất Dong đã mở đầu những chia sẻ, tâm sự của mình bằng lời cảm tạ Ban liên lạc HSMN, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức cuộc hội ngộ, nhắc lại một nét son đỏ thắm trong những trang lịch sử giáo dục nước nhà, được nói về trường, được ôn lại kỷ niệm xưa... như một niềm tự hào bởi giáo dục ở Trường HSMN thực sự là thành quả của một nền giáo dục cách mạng.
 
Cả ngàn con người đã lặng đi khi GS Phạm Tất Dong gợi lại một kỷ niệm cách đây nửa thế kỷ: Một chiến sĩ trong đoàn quân áo đen tập kết ra Bắc ở cửa biển Sầm Sơn đã trao vào tay ông một cậu bé 4 tuổi với lời gửi gắm: "Tôi mang cháu ra ngoài này, má nó ở lại trong kia, nay đơn vị lên đường, chúng tôi giao cháu cho chú, trăm sự trông cậy vào Đảng, vào Bác...". Anh dặn thằng bé không được khóc rồi quay đi rất nhanh. Đứa bé ôm lấy cổ ông, tròn mắt nhìn theo ba. Cậu bé không khóc nhưng mắt ông nhòa lệ...
 
Ra đời năm 1954, hệ thống các Trường HSMN trên đất Bắc với 28 trường được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ quyết định xây dựng để đón nhận những cô bé, cậu bé như thế. Có những em bé nhập trường khi chỉ vài tháng tuổi... Đó là con em của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam được đưa ra miền Bắc bằng nhiều con đường khác nhau. Trong suốt hơn 21 năm hoạt động, hệ thống các trường đã đón nhận trên 30 nghìn HSMN.
 
Với niềm tự hào đại diện cho thành phố Hà Nội, là một trong hai cái nôi của các trường HSMN ở miền Bắc cùng với Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị bày tỏ: Trong số trên 30 nghìn HSMN, có trên 10 nghìn người từng học tại các trường đóng ở Hà Nội, nhiều người trong số họ đã trưởng thành và có đóng góp xứng đáng cho sự phát triển của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung. Sự trưởng thành của các thế hệ HSMN không chỉ là niềm tự hào của thầy và trò miền Nam, mà còn của nền giáo dục cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ và cũng là của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội. Đồng bào miền Bắc, người dân Hà Nội luôn dành những điều kiện vật chất và tinh thần tốt nhất cho HS miền Nam, những "hạt giống đỏ" mà Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Nam gửi gắm.
 
Những bài học vẫn còn nguyên giá trị
 
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định tại buổi gặp gỡ: Trường HSMN trên đất Bắc là mô hình giáo dục rất thành công tiêu biểu cho nền giáo dục cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu. Hệ thống trường có những ưu điểm mà các trường có ký túc xá, có chế độ sống tập thể ngày nay cần học tập. Ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ và lòng yêu thương học sinh luôn được thể hiện trong những giờ lên lớp, trong từng bữa ăn, trong đời sống hằng ngày. Thầy - trò, cô - cháu luôn là một tổ ấm bởi điều quan trọng ở đây là tình thương của con người đối với con người...
 
Trường HSMN thực sự là một trường học lao động. Các trường ở Chương Mỹ, Hà Đông (Hà Nội), Hải Phòng, Đông Triều (Quảng Ninh)... đã từng là những nhà trường gắn học với hành, giáo dục kết hợp lao động sản xuất. Mỗi học sinh vừa vươn lên nắm tri thức, làm giàu học vấn của mình, vừa luôn là những người lao động thực thụ. Sinh thời, Bác Hồ nhiều lần tâm sự "miền Nam luôn trong trái tim tôi", lòng yêu thương to lớn ấy đã thể hiện ở tình cảm của đồng bào miền Bắc với HSMN. Ngày nay, về nhiều địa phương, không ít các cụ già, các ông, các bà... vẫn nhắc đến những ngày tháng con em miền Nam chung sống trong từng nếp nhà của họ như những thành viên của gia đình...
 
Sự đúng đắn và giá trị to lớn của nội dung, phương châm giáo dục mà Đảng và Bác Hồ đã cho thực hiện ở các trường HSMN đến nay vẫn được khẳng định. Đó là giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội. Điều này cũng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh khi đề cập đến việc "sắp tới chúng ta phải làm gì để phát triển giáo dục nước nhà": Những bài học kinh nghiệm về tầm nhìn chiến lược trồng người, về xây dựng tình cảm thương yêu giữa thầy và trò, tất cả vì học sinh thân yêu, học sinh kính trọng thầy, tình cảm rất sâu nặng giữa học sinh với đồng bào, bài học về xã hội hóa giáo dục, về cả hệ thống chính trị, các đoàn thể chính trị và toàn dân cùng chăm sóc vun trồng thế hệ tương lai. Các bài học đó đến nay còn nguyên giá trị.
 
Quỳnh Phạm - Hà Nội mới điện tử
 

Tính đến năm 1975 đã có trên 16.000 HSMN tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trên 4.000 học sinh học đại học trong và ngoài nước.
Trên địa bàn TP Hà Nội đã từng có các trường HSMN đặt cơ sở gồm: Trường Mầm non số 1 và số 2 ở Phương Trung, Thanh Oai; số 10 ở Phước Động, Thường Tín; số 12 ở Thanh Liệt, Thanh Trì; số 16 ở Đa Sĩ; trường số 23 ở Vạn Phúc, Hà Đông; trường 21 ở Tây Tựu, Từ Liêm; các trường 24, 25, 26, 27 ở Chương Mỹ, đồng thời có gần 500 học sinh cấp Ba học ở các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An…