Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu phát triển khung chương trình tiền học đường cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ chuẩn bị vào lớp Một hoà nhập tại Việt Nam”

03/01/2023 09:26 GMT+7
Ngày 29/12/2022, tại phòng họp tầng 2, trụ sở 106 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu cơ sở đề KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu phát triển khung chương trình tiền học đường cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ chuẩn bị vào lớp Một hoà nhập tại Việt Nam”, mã số B2021-VKG-03, do TS. Mai Thị Phương làm chủ nhiệm.


Hội đồng nghiệm thu
 
Buổi nghiệm thu diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Chủ tịch hội đồng, các thành viên của hội đồng theo quyết định, đại biểu của các phòng chức năng và các thành viên của nhóm nghiên cứu.
 
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Nghiên cứu các vấn đề lí luận và thực tiễn về giáo dục chuẩn bị cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ vào tiểu học, từ đó xây dựng khung chương trình tiền học đường chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một hoà nhập được thuận lợi và hiệu quả hơn, đảm bảo quyền được học hành và hoà nhập xã hội của trẻ em.
 
Đối với trẻ em, việc đến trường phổ thông được coi như một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Bởi vì ở mẫu giáo, hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo, chơi là một hoạt động mang tính chất thoải mái, không bắt buộc, gò ép. Vào lớp Một, trẻ phải thực hiện nhiệm vụ của một người học sinh, hoạt động học tập mang tính bắt buộc, có tổ chức, có mục đích, có kế hoạch. Như vậy, đây là giai đoạn trẻ bước qua một lối sống mới với những hoạt động mới, đồng thời trẻ cũng được chuyển qua một ví trí xã hội mới với những mối quan hệ mới của một người học sinh thực thụ.
 
Trẻ rối loạn phổ tự kỉ gặp rất nhiều khiếm khuyết, đặc biệt là khiếm khuyết về giao tiếp và tương tác xã hội, đồng thời trẻ có những rập khuôn, cứng nhắc trong sở thích và hoạt động. Khiếm khuyết này khiến trẻ hạn chế trong xây dựng các mối quan hệ với bạn đồng trang lứa, khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi cho phù hợp với các tình huống xã hội khác nhau; hạn chế trong việc sử dụng các hành vi phi ngôn ngữ như ánh mắt, nét mặt, cử chỉ,… để thể hiện thái độ, tình cảm; khó khăn để tuân theo nội qui, qui tắc của lớp học, trường học,...
 
Việc xây dựng chương trình giáo dục tiền học đường giúp trẻ được chuẩn bị kĩ lưỡng về kĩ năng học tập cũng như về kĩ năng học đường sẽ giúp trẻ được làm quen, được trải nghiệm những môn học như ở trường tiểu học nhưng kiến thức được học lại là những tri thức tiền khoa học và những kĩ năng (ngồi đúng tư thế và đúng chỗ, giơ tay xin phép, hoàn thành bài tập được giao,...) như ở môi trường tiểu học. Đây sẽ là bước đệm quan trọng giúp trẻ không bị bỡ ngỡ, không bị hoảng loạn khi bước vào môi trường mới.
 
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đề xuất khung chương trình và tài liệu hướng dẫn thực hiện khung chương trình tiền học đường cho trẻ rối loạn phổ tự kỉ chuẩn bị vào lớp Một hoà nhập tại Việt Nam. Mục tiêu của chương trình nhằm chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, kiến thức và kĩ năng học đường cơ bản để trẻ rối loạn phổ tự kỉ sẵn sàng vào lớp Một, đặt nền tảng cho việc học các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam