Nghiệm thu Nhiệm vụ theo chức năng năm 2022 (Hội đồng số 09)

15/12/2022 23:00 GMT+7
Chiều ngày 13/12/2022, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội đồng nghiệm thu Nhiệm vụ theo chức năng năm 2022 của Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia (Hội đồng số 09).

 
Hội đồng nghiệm thu đề tài
  
Nhiệm vụ thứ nhất “Nghiên cứu mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (Blended) ở trường phổ thông góp phần thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (năm 2022 thực hiện ở cấp THCS)”, mã số V2022-17TX, do ThS. Đào Ngọc Chính, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia làm chủ nhiệm. Mục tiêu của nhiệm vụ: Nghiên cứu mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến (blended learning) dành cho cấp THCS nhằm cải thiện hiệu quả học tập, đáp ứng bối cảnh và hỗ trợ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
 
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới và Việt Nam, nhiệm vụ đưa ra quan niệm về mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến; một số mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến; đặc điểm học sinh THCS với yêu cầu dạy học kết hợp và một số yêu cầu nhằm đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhiệm vụ tiến hành khảo sát thực trạng về mô hình dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến qua 10165 phiếu trả lời của giáo viên và 946 phiếu trả lời của cán bộ quản lý từ 08 tỉnh/thành. Trên cơ sở lí luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề xuất vận dụng mô hình dạy học kết hợp của Khan (2005) để bước đầu đưa vào các trường THCS tại Việt Nam, gồm các thành tố: thể chế (pháp lý), quản lý, công nghệ (cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phần mềm, video, kĩ năng công nghệ của giáo viên, học sinh, phương tiện dạy học, sư phạm, đạo đức, thiết kế giao diện (giao diện của kho dữ liệu cần thân thiện với người dùng), nguồn lực hỗ trợ, và đánh giá.
 
Nhiệm vụ thứ hai “Nghiên cứu thực trạng triển khai tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (năm 2022: cấp THCS - lớp 6)”, mã số V2022-18TX, do ThS. Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia làm chủ nhiệm. Mục tiêu của nhiệm vụ: Nghiên cứu thực trạng triển khai tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 tại các địa phương trong năm học 2021 - 2022, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả nội dung giáo dục địa phương cấp THCS.
 
Báo cáo thực trạng dựa trên việc nghiên cứu và phân tích chương trình và tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 (năm học 2021 - 2022) của 09 tỉnh/thành. Nhìn chung các tỉnh/thành được khảo sát đã xây dựng Chương trình giáo dục địa phương cấp THCS theo văn bản hướng dẫn của các cấp. Cấu trúc tài liệu được thiết kế theo các chủ đề, mỗi chủ đề đảm bảo được yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình giáo dục địa phương đã được phê duyệt của mỗi địa phương. Tuy nhiên chương trình giáo dục địa phương ở một số tỉnh/thành chưa có sự kết nối, liên thông liền mạch giữa các lớp, cấp học; khung nội dung chương trình chưa có chọn lọc, không phân chia theo lĩnh vực dẫn đến có lĩnh vực có quá nhiều chủ đề, có lĩnh vực lại quá ít chủ đề;… Thực trạng triển khai tài liệu giáo dục địa phương lớp 6 được xem xét ở hai nội dung chính: về mức độ tiếp cận và phù hợp của các văn bản hướng dẫn về hướng dẫn triển khai tài liệu giáo dục địa phương; về tập huấn sử dụng tài liệu giáo dục địa phương lớp 6; về xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương lớp 6; và về các điều kiện đảm bảo để triển khai tài liệu giáo dục địa phương lớp 6.
 
Nhiệm vụ thứ ba “Tổng hợp ý kiến góp ý về chương trình và sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 trong quá trình triển khai ở trường phổ thông” do ThS. Vương Quốc Anh, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia làm chủ nhiệm. Nhiệm vụ thu thập dữ liệu từ cổng thông tin điện tử (website) về các ý kiến của giáo viên và cán bộ quản lí liên quan đến chương trình và sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 trong quá trình triển khai ở trường phổ thông. Từ đó xây dựng báo cáo tổng hợp, phân tích các ý kiến góp ý về việc triển khai chương trình và sách giáo khoa lớp 1, 2, 6 ở trường phổ thông.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tin khác