Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất mô hình giáo dục thích ứng cho các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam”
Chiều ngày 14/01/2023, tại phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề KH&CN cấp Bộ Nghiên cứu đề xuất mô hình giáo dục thích ứng cho các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam”, mã số B2021-VKG-01, do ThS. Bùi Thị Diển làm chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu đề tài
Buổi nghiệm thu diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Trần Kiều - Chủ tịch hội đồng, các thành viên của hội đồng theo quyết định, đại biểu của các phòng chức năng và các thành viên của nhóm nghiên cứu.
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: đề xuất được mô hình giáo dục thích ứng cho các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Về cơ sở lý luận, đề tài trình bày tổng quan vấn đề nghiên cứu về mô hình giáo dục thích ứng gồm quan niệm về mô hình và mô hình giáo dục, lịch sử và quan niệm về giáo dục thích ứng và mô hình giáo dục thích ứng, vai trò và hiệu quả của giáo dục thích ứng, đặc điểm của mô hình giáo dục thích ứng.
Về cơ sở thực tiễn, đề tài phân tích yêu cầu về phát triển giáo dục thích ứng, kinh nghiệm quốc tế về giáo dục thích ứng, và thực trạng một số hình thức giáo dục thích ứng tại các cơ sở giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Trên cơ sở tổng quan lịch sử vấn đề nghiên cứu về giáo dục thích ứng và mô hình giáo dục thích ứng, đồng thời với phân tích kết quả khảo sát thực tiễn phát triển giáo dục thích ứng ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, nghiên cứu đề xuất mô hình giáo dục thích ứng cho các cơ sở giáo dục phổ thông khả thi và phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Giáo dục thích ứng là mô hình giáo dục linh hoạt, trong đó việc dạy của giáo viên và việc học của học sinh được hỗ trợ bởi hệ thống quản lý học tập (LMS) thông minh bao gồm hệ thống quản lý, bài giảng, đánh giá, báo cáo, thông tin có sẵn và tự động. Giáo dục thích ứng đã được chứng minh hiệu quả, có thể linh hoạt trong nhiều bối cảnh, kể cả như trong đại dịch Covid-19. Mô hình giáo dục thích ứng đề xuất cho các cơ sở giáo dục của Việt Nam bao gồm các thành tố: mục tiêu, nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, đánh giá và các điều kiện đảm bảo thực hiện mô hình.
Thông qua quá trình khảo nghiệm và xin ý kiến cho thấy mô hình giáo dục thích ứng đã đề xuất nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao từ cán bộ quản lý và giáo viên ở các cấp học, các đại diện vùng miền ở Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể triển khai mô hình thành công trong thực tiễn, cần có lộ trình và sự chuẩn bị kĩ lưỡng về các điều kiện quản lý, cơ sở hạ tầng, thiết bị và chất lượng đội ngũ thực hiện.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam